(Dân trí) - Tại thị trường Việt Nam, những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển không ngừng, kéo theo đó là nhiều vấn đề phát sinh như bảo mật hoặc bản quyền.
Ông Nguyễn Việt Hùng - CEO & Founder Color Me - Trung tâm đào tạo thiết kế đồ họa đã chia sẻ với phóng viên báo Dân trí góc nhìn về thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, những mặt hữu ích cũng như nguy cơ tiềm ẩn mà nó có thể gây ra đối với người dùng.
Thưa ông, AI đã xuất hiện tại Việt Nam từ lâu, song 2 năm trở lại đây các công cụ AI mới thực sự bùng nổ. Vậy nó có những điểm gì nổi bật tại thị trường Việt Nam?
- Cuối năm 2021, làn sóng AI tại Việt Nam bắt đầu bùng nổ và đến nay, điều mà khiến chúng ta ấn tượng phần lớn xuất phát từ generative AI hay còn gọi là AI tạo sinh. Đây là công cụ AI với khả năng khởi tạo nhiều thể loại nội dung khác nhau.
Góc nhìn này rất đơn giản, chúng ta có bao nhiêu loại dữ liệu, AI tạo sinh cũng sẽ cho ra bấy nhiêu dữ liệu mới.
Ở Việt Nam, chúng ta vốn rất ấn tượng với công cụ ChatGPT với khả năng tạo ra những đoạn văn bản, Mid Journey sử dụng AI tạo hình ảnh hay Runway dùng để khởi tạo video.
Gần đây nữa chúng ta có cả Copilot có thể tạo ra cả những dòng code trong lập trình. Như vậy bất cứ một thể loại dữ liệu mà chúng ta có, đều có thể khởi tạo ra được bằng AI.
Vì sao AI tạo sinh chiếm một vai trò rất quan trọng trong làn sóng AI lần này, thưa ông?
- Theo tôi, đó là khi thế giới phát triển đến ngưỡng tự động hóa, vốn càng ngày càng phổ biến trong mọi lĩnh vực hay đó là bài toán mà con người bắt gặp mỗi ngày trong học tập, công việc chính là sự sáng tạo.
Điều này có nghĩa là chúng ta phải làm sao để có thể khởi tạo ra được những tác phẩm mới, hình ảnh mới, bộ phim mới hay là những phần mềm mới. Với sức mạnh hiện tại của AI, khả năng làm việc trong ngành sáng tạo của con người càng gia tăng và gần như không có giới hạn.
Tôi tin rằng dù sinh viên hay nhân viên văn phòng đều phải sáng tạo, trong mọi yếu tố công việc khác nhau, đôi khi chỉ là làm một báo cáo, brief (bản tóm tắt), kế hoạch chiến dịch phát triển hay Big Idea (ý tưởng lớn)... Để thực hiện một điều gì đó, chúng ta đều phải xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo khác nhau mà người dùng cần phải khởi tạo ra.
Hiện AI tạo sinh vẫn còn liên tục thay đổi và phát triển, trong một vài tháng tới ảnh hưởng sâu rộng nhất mà chúng ta có thể nhận thấy đó là công nghệ thông minh này sẽ giúp người dùng gia tăng năng suất trong công việc và học tập.
Để tạo nên một công cụ AI chúng ta phải sử dụng rất nhiều dữ liệu, điều này đã làm nảy sinh một vấn đề gây tranh cãi rất lớn đó chính là bản quyền dữ liệu, ông có thể chia sẻ góc nhìn về thực tế này?
- Nói đúng hơn, AI rất rộng và những công cụ chúng ta nhìn và tiếp xúc trong thời gian gần đây phần lớn xuất phát từ công nghệ deep learning (học máy) hay neural network (một chuỗi những thuật toán được đưa ra để tìm kiếm các mối quan hệ cơ bản trong tập hợp các dữ liệu).
Tất cả những công nghệ này cần phải được đào tạo bởi rất nhiều dữ liệu. Ngay từ những ngày đầu tiên mà ChatGPT ra đời, cộng đồng đã dấy lên rất nhiều câu hỏi đặt xung quanh việc dữ liệu từ đâu ra để có thể tạo ra một công cụ AI thông minh như vậy?
Hay như Mid Journey, nó tạo ra những hình ảnh rất đẹp. Chắc chắn nó phải có một tài nguyên hình ảnh trước đó, được dùng để đào tạo rất sâu rộng trí tuệ nhân tạo. Đây chính là vấn đề rất lớn liên quan đến bản quyền.
Ví như chúng ta tích hợp những bài báo, cuốn sách vào những công cụ AI, liệu tác giả của những nội dung đó họ có được điều gì hay không.
Tôi được biết ở các nước châu Âu đang lên dần phương án liên quan đến bản quyền và trong khoảng một năm tới, tất cả các mô hình AI tạo sinh sẽ phải công khai nội dung mà các công ty công nghệ dùng để đào tạo ra nó. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể thực sự tôn trọng lẫn nhau về vấn đề bản quyền.
Tất cả những dữ liệu mà các kỹ sư sử dụng để đào tạo AI phải được sự đồng ý bởi tất cả các tác giả, hoặc nội dung đó ngay từ đầu đã được cho phép sử dụng miễn phí một cách công khai theo các điều khoản hiện hành.
Một số chuyên gia quốc tế họ cho rằng, đây là vùng xám hiện tại của AI, có nghĩa là chúng ta chưa thể phân định được cái nào là đúng hoàn toàn, cái nào là sai hoàn toàn. Vấn đề bản quyền vẫn rất gian nan.
Chính vì thế, chúng ta phải thận trọng trong quá trình sử dụng và công khai các nội dung do AI tạo ra.
Liên quan đến câu chuyện, sản phẩm hay nội dung do AI tạo ra, theo ông những sản phẩm đó có nên được công nhận bản quyền không?
- Những nội dung được AI tạo ra một phần hoặc toàn phần, vấn đề bản quyền đang được nhiều quốc gia xây dựng các khung chính sách, thể chế nhằm cho ra tính hợp pháp các nội dung liên quan đến AI.
Hiện cũng có rất nhiều quốc gia lên án và họ đang xem xét thảo luận để thiết lập một hệ thống pháp luật cho phép loại nội dung AI nào có thể kinh doanh được và nội dung nào mà người dùng chỉ được dùng cho mục đích cá nhân.
Điều này đặt ra một vấn đề, đó chính là việc khởi tạo nội dung từ AI luôn luôn phải chia ra rất nhiều thể loại bản quyền khác nhau. Trên thực tế, nội dung do AI tạo ra thực ra vẫn đang được sử dụng để kiếm tiền như trên Youtube, Tik Tok.
Ông có thể chia sẻ một vài dẫn chứng liên quan đến vấn đề này?
- Nếu bạn lên Youtube và tìm kiếm từ khóa "audiobook", kết quả sẽ cho ra nhiều cuốn audiobook (sách nói) không có tác giả. Đây là những cuốn sách được thực hiện hoàn toàn bởi AI.
Theo đó, người dùng sẽ khởi tạo nội dung một cuốn sách hoàn toàn bằng AI rồi chuyển sang giọng nói nhân tạo. Đây là công nghệ text to voice (chuyển từ văn bản sang giọng nói).
Cuối cùng họ sẽ lồng ghép sản phẩm trên vào video để tạo cảm giác cho người xem như đang thưởng thức một bản audio (âm thanh) từ một cuốn sách thật.
Chỉ trên nền tảng Youtube, chúng ta có thể thấy có rất nhiều những cuốn sách hoàn toàn không có thật, nó hoàn toàn do AI tạo sinh khởi tạo.
Một vấn đề khác gây nhức nhối không kém chính là có rất nhiều website hay trang blog sản xuất nội dung gần như hoàn toàn bằng AI.
Một số nghiên cứu chỉ ra việc chúng ta lạm dụng AI để khởi tạo dữ liệu mới và chính nó lại được dùng để đào tạo cho một công cụ AI khác sẽ dẫn đến một thời điểm trí tuệ nhân tạo sụp đổ. Điều này khiến nội dung tạo ra do AI sẽ không còn có ý nghĩa và chính con người sẽ cảm giác AI không còn hữu ích, không còn sáng tạo.
Tôi tin rằng việc thế giới cùng nhau thiết lập một cơ chế về bản quyền kỹ càng sẽ giúp cho chúng ta có một tương lai lành mạnh hơn trong quá trình làm việc và sống cùng AI.
Những website do AI tạo nên để lừa đảo người dùng không còn quá xa lạ, thậm chí đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam. Ông có thể chia sẻ những dấu hiệu để nhận biết được đây là nội dung lừa đảo?
Gần đây có rất nhiều những vụ lừa đảo hay tống tiền liên quan đến AI, phổ biến chính là công nghệ Deepfake - nạn nhân sẽ bị ghép gương mặt vào những nội dung không lành mạnh hay mang tính tống tiền. Những nội dung Deepfake đã bị cấm ở nhiều quốc gia, họ hoàn toàn không ủng hộ công nghệ này dù nó dùng cho bất kỳ mục đích nào.
Khi một công cụ AI được tạo ra, nó sẽ luôn có những công nghệ để chống lại. Ví dụ nếu có công nghệ Deepfake, cũng sẽ có những công nghệ để phát hiện đâu là nội dung Deepfake.
Hay nếu chúng ta viết những bài viết hoàn toàn bằng AI như trên ChatGPT, cũng sẽ có công nghệ để kiểm tra liệu đây có phải là bài viết do con người hay từ công cụ trên.
Vậy chính chúng ta phải trang bị những công nghệ nhận diện này, người dùng cũng cần bổ sung kỹ năng nhận định được loại nội dung nào được khởi tạo từ AI, nội dung nào do con người.
Tại thị trường Việt Nam, ngày càng có nhiều sản phẩm điện thoại được tích hợp AI để hỗ trợ người dùng? Vậy vấn đề bảo mật quyền riêng tư của con người có an toàn khi sử dụng những tính năng AI trên những thiết bị này, thưa ông?
- Tôi tin rằng vấn đề bảo mật trên các sản phẩm điện thoại được tích hợp AI là một điều cực kỳ nghiêm trọng. Như gần đây, Apple cũng đã tích hợp Apple Intelligent (Apple AI) vào sản phẩm iPhone 16 series.
Ngay trong buổi giới thiệu ra mắt chiếc điện thoại thế hệ mới này, hãng đã phải minh bạch về việc tất cả nội dung và hệ thống máy chủ dùng để trả lời những câu lệnh từ người dùng.
Theo đó, tất cả máy chủ này đều không có sự truy cập của bất cứ ai và toàn bộ hệ thống khởi tạo nội dung từ Apple Intelligent đều có thể được kiểm tra (tính nghiêm ngặt) từ bên thứ ba.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng những thao tác hằng ngày như việc chúng ta hỏi Apple AI về thời tiết hay nhờ AI tạo ra một kế hoạch, đây đều là những thông tin cá nhân và nếu nó rơi vào tay kẻ xấu, họ hoàn toàn có thể tìm ra vị trí của bạn hay biết bạn đang làm điều gì. Điều này thực sự rất nguy hiểm.
Chính vì thế, tất cả AI tạo sinh đang có xu hướng đưa vào các máy chủ riêng biệt và phải chứng minh được nó không thể bị tấn công hoặc can thiệp từ bên thứ ba.
Một vấn đề khác chính là khi chúng ta sử dụng AI trên các sản phẩm công nghệ, mọi AI tạo sinh đều phải sử dụng máy tính để tính toán ra câu trả lời. Nếu máy tính được tích hợp ngay trong chính điện thoại của người dùng, sẽ có tính bảo mật cao hơn rất nhiều.
Nếu máy tính mà AI sử dụng nằm ở một nơi khác, điều đó chắc chắn gây ảnh hưởng đến tính bảo mật dữ liệu. Chính vì thế, chúng ta nên tìm hiểu xem, công cụ AI chạy ngay trên thiết bị của bạn hay nó từ một máy chủ khác.
Tại Color Me, được biết bên ông đã đưa AI vào phục vụ công việc rất nhiều, ông có thể chia sẻ những lợi ích mà nó mang lại đối với công ty?
- Chúng tôi đã nghiên cứu rất sớm về những khía cạnh AI trong công việc suốt 2 năm qua, để hiểu điều gì là tốt hay không tốt cho những học viên đang học theo học ngành sáng tạo.
Tôi có một số nhận định, đầu tiên đó là việc ngay với những người mới bắt đầu học về thiết kế và sáng tạo, họ thực sự không nên lạm dụng hay sử dụng AI tạo sinh quá sớm. Khi chuyên môn và kỹ năng của bạn đủ cao mới nên cân nhắc tìm hiểu các công cụ AI hỗ trợ.
Đối với khía cạnh liên quan đến hệ thống nhân sự, trong một cuộc khảo sát gần đây tôi nhận ra là gần như tất cả nhân viên của công ty đều sử dụng AI hàng tuần, thậm chí là hàng ngày nhằm phục vụ cho công việc.
Đó có thể xoay quanh việc khởi tạo những báo cáo, gửi email hay tham khảo ý tưởng từ AI. Tôi nghĩ rằng việc coi AI là một trợ lý ảo của mình để hỗ trợ công việc sẽ giúp năng suất lên rất nhiều.
Đối với các nhóm lập trình viên trong công ty, họ đều thừa nhận rằng AI đã giúp năng suất làm việc của họ tăng lên gấp ba.
Việc ứng dụng AI vào lập trình có mặt hại hay không, thưa ông?
- Một điều chúng tôi phải thừa nhận, AI sẽ rất có hại đối với bất cứ ai không đủ kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mà dùng AI quá sớm, họ sẽ tạo ra những sản phẩm không đạt đủ chất lượng.
Ví dụ một lập trình viên mà dùng AI để khởi tạo ra những đoạn code mà chính họ cũng không hiểu, sau này nhân viên đó sẽ không thể tìm ra vị trí để sửa lỗi hay thay đổi tên ứng dụng.
Hay đối với những người làm công việc liên quan đến báo cáo, khi họ sử dụng AI để khởi tạo ra những biểu đồ mà họ không hiểu biểu đồ đấy có đúng không, không thể kiểm nghiệm ngược lại, đó là một con dao hai lưỡi cực kì đáng sợ.
Liên quan đến câu chuyện sử dụng AI để sáng tạo, ông có nghĩ liệu việc lạm dụng các công cụ này sẽ làm giảm sự tư duy của chính con người?
Tôi tin rằng việc sử dụng AI để tham khảo các ý tưởng giúp cho chúng ta nghĩ được thêm nhiều khía cạnh, góc nhìn mà người dùng chưa nhận ra.
Nhưng đôi khi nó cũng khiến cho chúng ta trở nên lười sáng tạo. Mọi người cần phải hiểu được bản chất của AI chính là nó đã thu thập hết tất cả những ý tưởng tồn tại từ xưa đến nay trên thế giới và khi người dùng yêu cầu, nó sẽ trả kết quả về.
Vậy nếu chúng ta ngừng sáng tạo, ngừng đưa ra những ý tưởng mới, sớm hay muộn AI cũng mất dần đi sự sáng tạo của nó, không có tính nguyên bản, đặc trưng mới được tạo ra.
Đây là điều mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng khá lo lắng, đặc biệt là những công ty liên quan đến sự sáng tạo.
Trong lĩnh vực truyền thông nói chung hay báo chí nói riêng, thực tế đã có những tờ báo trên thế giới triển khai công nghệ để cho ra những bài viết từ AI, liệu trong tương lai AI có thể thay thế con người ở một số lĩnh vực, thưa ông?
- Những nhận định lo lắng về việc là AI sẽ thay thế con người ở một số lĩnh vực và một số công nghệ, tôi cho rằng nó có một phần đúng.
Chính chúng ta khi thử nghiệm AI tạo sinh đã cho ra kết quả khá bất ngờ và thuyết phục. Tất nhiên vẫn có kết quả đưa ra sai sự thật, thiếu dẫn chứng để người dùng tin tưởng.
Câu hỏi đặt ra liệu chúng ta có bị thay thế hay không? Điều này đã được chứng minh trong lịch sử, qua từng cuộc cách mạng công nghệ. Khi một loại công nghệ đột phá được tạo ra chắc chắn sẽ có những công việc bị mất đi, nhưng cũng sẽ nhanh chóng có những công việc mới.
Đặc biệt là đối với những người mà ứng dụng công nghệ đó để triển khai vào trong doanh nghiệp hay xây dựng ý tưởng kinh doanh mới.
Trong một tương lai mà những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, thiếu tính sáng tạo, dần dần sẽ bị thay thế bởi AI và máy móc. Chúng ta cũng sẽ nhanh chóng nhìn thấy rất nhiều bạn trẻ có chuyên môn và có khả năng làm việc cùng AI sẽ nhanh chóng khởi tạo ra rất nhiều công việc mới.
Như CEO OpenAI Sam Altman đã nhận định, tôi tin rằng sẽ sớm có những bạn trẻ trở thành tỷ phú tự thân mà gần như không có bất kỳ một nhân viên. Họ có thể xây dựng một đội quân nhân sự hoàn toàn bằng AI; có thể đưa những ý tưởng kinh doanh trở thành sự thật.
Đấy là điều mà chúng ta cùng quan sát, nhìn nhận và chờ đợi xem liệu nó có xảy ra trong tương lai hay không?
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho buổi trò chuyện!