DMagazine

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT?

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tiềm năng sử dụng trí tuệ nhân tạo Chat GPT trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành giáo dục đang là chủ đề gây tranh cãi trên thế giới.

ChatGPT là một công cụ đàm thoại dưới dạng văn bản dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), được phát triển bởi OpenAI, một công ty công nghệ nghiên cứu về AI.

Đáng chú ý, kể từ khi ra mắt vào ngày 30/11/2022, chatbot này trở thành ứng dụng đạt được lượng người dùng rất nhanh với hơn 100 triệu người, tính đến ngày 31/1/2023.

ChatGPT đã đánh dấu một bước đột phá trong trí tuệ nhân tạo, đây là một công cụ có khả năng viết các bài tham luận, lên ý tưởng, nội dung truyền thông, hay lập trình…, gần tốt như con người. Thậm chí, nó còn có thể đóng vai những người thân đã mất để trò chuyện bằng văn bản với chúng ta.

Hiện tại, ChatGPT đang gây ra một sự hoảng loạn trong xã hội, nhiều người lo lắng việc khi công nghệ AI này được hoàn thiện hơn, liệu nó có thay thế vị trí của chúng ta trong nhiều ngành nghề hay không. 

Song đây cũng chỉ là một một cuộc tranh luận thường xảy ra mỗi khi xuất hiện các công nghệ mới phá vỡ quan niệm của chúng ta về một lĩnh vực vào một thời điểm nào đó. 

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 1

Không thể phủ nhận ChatGPT là một tiến bộ lớn trong lĩnh vực công nghệ ngôn ngữ. Đây được coi là một cuộc cách mạng công nghệ của thế kỷ 21, khi nó có thể viết một bài báo, một bài thuyết trình lịch sử-địa lý, làm luận án đại học, một báo cáo y tế hay đảm nhiệm vị trí của một lập trình viên,... 

Nhiều chuyên gia công nghệ cảnh báo, Chat GPT có thể thay vị trí của các nhà báo, nhà làm phim tài liệu hoặc thư ký. Nó gần giống như thời điểm vào thế kỷ 19, khi máy móc thay thế các ngành nghề dệt hay vào thế kỷ 15 khi Gutenberg phát minh ra máy in.

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 3

Alexei Grinbaum, Giám đốc nghiên cứu, Chủ tịch Ủy ban Hoạt động Thí điểm Đạo đức Kỹ thuật số của CEA chia sẻ với kênh TF1 Info: "Hoạt động của các ngành nghề có thể sẽ thay đổi, ChatGPT có thể đóng vai trò như một luật sư, bác sĩ, thẩm phán hay nhà báo".

Trường hợp điển hình cho thấy ChatGPT đang thắng trong lĩnh vực pháp lý, tại quốc gia Colombia, một thẩm phán đã hỏi chatbot này liệu luật pháp Colombia có cho phép gia đình của một đứa trẻ tự kỷ được miễn các chi phí y tế hay không. 

Anh ta đã thừa nhận sử dụng ChatGPT để đưa ra quyết định. Bất chấp những lời chỉ trích từ các đồng nghiệp, vị thẩm phán này đã tự bảo vệ mình và phản biện, ông không đưa ra quyết định của mình chỉ nhờ ChatGPT.

Trả lời trên truyền thông Colombia, vị này cho biết: "ChatGPT sẽ không thể thay thế các thẩm phán, nhưng nó có thể giúp cho hệ thống luật pháp Colombia hiệu quả hơn và có thể cải thiện thời gian phản hồi của hệ thống tư pháp".

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 5

Ông ta còn nói thêm rằng, các đồng nghiệp của mình cũng sẽ tham gia vào chatbot thông minh này để đưa ra các quyết định trong khi làm việc.

Hay như vào giữa tháng 1 vừa qua, giáo sư Stéphane Bonvallet, Đại học Lyon, Pháp khi xem bài tập về nhà của sinh viên lớp học thạc sĩ, bà đã phát hiện khoảng 50% bài làm có các lỗi giống hệt nhau.

Sau khi điều tra, Bonvallet đã biết được học trò của mình đã gian lận, sử dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT để làm bài tập về nhà.

Đáng chú ý, mới đây ChatGPT đã vượt qua được bài phỏng vấn tuyển dụng của Google cho vị trí lập trình, với mức lương lên đến 183.000 USD. Điều này có thể khiến nhiều lập trình viên phải lo lắng.

Công nghệ vừa đáng sợ vừa hấp dẫn này vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và nó cũng có thể đưa ra câu trả lời hoàn toàn sai ngay cả khi chatbot này được cung cấp đầy đủ cơ sở dữ liệu liên quan.

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 7

Một nghiên cứu tổng hợp được thực hiện vào năm 2003 bởi Tiến sĩ Toán học, Aimee Ellington, Đại học Tennessee, Mỹ chỉ ra, khi máy tính được sử dụng trong giảng dạy, kỹ năng vận hành và giải quyết vấn đề của học sinh tiến bộ, và khi nó áp dụng vào các kỳ thi, tất cả các kỹ năng toán học đều được cải thiện.

Ngoài ra, những sinh viên sử dụng máy tính trong khi học toán có mối quan hệ tích cực hơn với ngành học so với những người không sử dụng chúng. Thậm chí đến ngày nay, một số người có thể cho rằng máy tính là một cái nạng, ngăn cản học sinh phát triển các kỹ năng tính toán cần thiết để thành công.

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 9

Nhà nghiên cứu Berna Léon, Đại học New York, Mỹ cho biết: "Việc sử dụng máy tính không có tác động tiêu cực đến kỹ năng tính toán của học sinh. Trên thực tế, việc này khuyến khích học sinh thực hiện một cách tiếp cận chiến lược hơn để giải quyết vấn đề và tập trung vào việc hiểu các khái niệm toán học hơn là sa lầy vào các chi tiết tính toán".

Cũng giống như việc tích hợp máy tính trong lớp học không dẫn đến cái chết của toán học và việc tích hợp các mô hình ngôn ngữ tiên tiến sẽ không cản trở sự hiểu biết của con người về khoa học xã hội và nhân văn. Ngược lại, nó sẽ dẫn đến sự thay đổi trong cách chúng ta thực hành và hiểu.

Theo Léon, trường hợp ChatGPT lan rộng trong các lĩnh vực, điều quan trọng là phải xem xét việc sử dụng công nghệ này để phân tích tài liệu hay cải thiện chất lượng văn bản.

Cũng giống như cách mà một máy tính không thay thế một nhà toán học, ChatGPT cũng không thay thế các nhà văn hay những chức vụ khác. Nó là một công cụ có thể được sử dụng để hỗ trợ và cải thiện các khả năng mà chúng ta đã có.

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 11

Mối nguy hiểm trực tiếp của công nghệ này là khả năng gây hàng tỷ tin giả tràn ngập thế giới, ChatGPT có thể tạo ra các văn bản thông tin dưới bất kỳ hình thức nào, nếu con người sử dụng chúng. Sau đó, nó có thể cung cấp những dữ liệu nhân tạo mới này lên Internet.

Khi đó chúng ta sẽ tiếp nhận các ý kiến, kiến thức, có thể sai bởi chatbot này và ChatGPT không thể suy luận, làm sáng tỏ sự thật từ cái sai. 

Chúng ta có nên lo sợ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo ChatGPT? - 13

Bên cạnh đó, ChatGPT có thể trở thành một giao diện mới giống như Google để tìm kiếm thông tin trên Internet, mở ra cánh cửa cho nhiều thách thức đạo đức. 

Hiện tại, chúng ta không thể hỏi ChatGPT cung cấp thông tin cá nhân về ai đó hoặc viết câu hỏi có chứa các từ khóa nhạy cảm, nhưng điều này đòi hỏi sự đánh giá của các bên thứ ba nhằm kiểm duyệt vấn đề đạo đức, để chatbot này có khả năng từ chối các yêu cầu không phù hợp như xúc phạm, nhận xét tôn giáo hoặc tình dục.

ChatGPT chỉ là một trí tuệ nhân tạo không thể suy nghĩ và chúng ta hãy coi nó như một công cụ hỗ trợ, lạm dụng chatbot này có thể chính chúng ta biến mình thành "robot".

Nội Dung: Nam Đoàn
Thiết kế:  Thủy Tiên