PhotoStory

Xem bác sĩ dùng thanh titan "uốn xương" cho chàng trai lõm ngực

Thực hiện: Minh Nhật - Đoàn Thủy - Thành Đông

(Dân trí) - Bác sĩ xuyên thanh titanium vào người bệnh nhân 16 tuổi để nâng cố định lồng ngực bị lõm, giúp người bệnh có thể thở lại bình thường.

Gia Bảo (tên nhân vật đã được thay đổi), 16 tuổi, sống tại Long Biên bị lõm ngực bẩm sinh, thường xuyên có dấu hiệu khó thở nhẹ mỗi khi vận động mạnh và cảm thấy tự ti về hình thái lồng ngực của mình

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 1

Thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bác sĩ xác định bệnh nhân có tình trạng lõm ngực đồng tâm IB (lõm ngực đồng tâm dạng phẳng), cần phải phẫu thuật để cải thiện hô hấp.

17h45, ca mổ giúp bệnh nhân 16 tuổi thở lại bình thường được tiến hành tại phòng mổ Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 2

Bác sĩ dùng bút đánh dấu các vị trí trên lồng ngực, vạch ra "bản đồ" cho ca phẫu thuật trước mắt. Trong lúc này, nam thanh niên hoàn toàn tỉnh táo, sự hồi hộp đẩy nhịp tim và huyết áp bệnh nhân tăng lên. 

"Em cố gắng thả lỏng người, thoải mái, ca mổ sẽ ổn thôi", nam bác sĩ trấn an bệnh nhân, các chỉ số dần ổn định trở lại.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 3

Kiểm tra xong các thông số, bác sĩ gây mê úp mặt nạ lên mặt bệnh nhân. Chỉ sau vài giây, nam thanh niên đã đi vào cơn mê.

Toàn bộ phần ngực của bệnh nhân được sát trùng, sau đó một điều dưỡng tiếp tục đặt sonde tiểu. Tất cả đã sẵn sàng cho "giờ G".

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 4

18h, BS Nguyễn Văn Lâm, phẫu thuật viên chính, đi đường dao đầu tiên, dài khoảng 1cm ở mạn sườn trái. Vết mổ tiếp tục được mở rộng bằng dao điện. Sử dụng dao điện cũng sẽ giúp cầm máu tức thời ở vị trí rạch. Trocar được thiết lập qua vết rạch này tạo "cổng vào" cho ống nội soi.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 5

2 "cánh cổng" khác cũng thành hình sau khi BS Lâm cùng cộng sự thực hiện 2 đường mổ khoảng 3cm ở hai bên ngực. Hai vết mổ này gần như nằm đối xứng với nhau và cũng sẽ là nơi dùng để xuyên thanh định hình qua lồng ngực bệnh nhân.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 6
Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 7

Thông qua Trocar, ống nội soi từ từ tiến vào bên trong lồng ngực của bệnh nhân. Trên màn hình, dần hiện lên hình ảnh quả tim đang đập liên hồi. Ống nội soi lại dần tiến đến phổi qua thao tác tay của BS Lâm.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 8

Sau "chuyến thám hiểm" vào lồng ngực, BS Lâm bắt đầu tách lớp mỡ màng tim và làm thông màng phổi hai bên. Đôi tay tỉ mẩn nhích dần dụng cụ nội soi để tách lớp mỡ theo sự dẫn đường của đôi mắt đang tập trung cao độ vào màn hình máy nội soi.

Theo BS Lâm, đây là thao tác đòi hỏi sự khéo léo vì có thể gây chảy máu, tổn thương các cơ quan lân cận.

Từ vết rạch ở mạn sườn trái, ê-kip phối hợp luồn thanh dẫn đường dài khoảng 30 cm, từ từ lách qua khe hở nhỏ giữa lồng ngực và các cơ quan nội tạng, với sự dẫn đường của nội soi, xuyên qua vết mổ ở phía bên kia ngực.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 9

Ca phẫu thuật bước vào giai đoạn quan trọng nhất. Thanh nâng ngực (nuss) được BS Lâm lấy ra từ túi đựng vô khuẩn. Ê-kíp sử dụng một thiết bị chuyên dụng để uốn cong thanh titanium dẹt phẳng này. Quá trình dập tạo hình được "cân đo" kỹ lưỡng để đảm bảo thanh nuss phù hợp với đặc điểm lồng ngực bệnh nhân. 

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 10

Thanh nuss được kết nối với thanh dẫn đường bằng cách cột chỉ ở hai đầu.

Hít một hơi thật sâu, BS Lâm chậm rãi rút dần đầu thanh dẫn đường ở phía mạn sườn trái. Phía bên kia, thanh nuss, với sự định hướng của một bác sĩ khác, cũng theo đó được đưa dần vào bên trong lồng ngực.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 11
Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 12
Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 13

3 y bác sĩ tập trung cao độ đưa thanh nuss nhích từng tí một vào bên trong lồng ngực. "Toàn bộ quá trình phẫu thuật được thực hiện gần các cơ quan trọng yếu như tim, phổi, mạch máu. Do đó, các thao tác đòi hỏi sự chính xác đặc biệt cao. Chỉ cần sai sót có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân", BS Lâm chia sẻ.

Từ màn hình nội soi, đầu thanh nuss từ từ tiến qua phổi, tim và sau đó lộ ra ở vết mổ phía ngực trái mà không để lại bất cứ tổn thương nào đến các tổ chức bên trong lồng ngực. Cả ê-kíp thở phào nhẹ nhõm sau 10 phút căng như dây đàn.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 14

Thử thách chưa dừng lại ở đó. Nhiệm vụ khó khăn tiếp theo của ê-kíp là lộn ngược thanh nuss để nó có thể thực hiện chức năng của mình. Thao tác đòi hỏi dùng lực mạnh nhưng thật chuẩn xác và đều từ 2 phía.

"Hai… ba", sau đếm nhịp, 2 bác sĩ đồng thời lật ngược thanh nuss. Vùng lõm của lồng ngực lập tức được nâng lên theo đường cong của thanh kim loại. 

Sau một vài thao tác tinh chỉnh, các bác sĩ dùng chỉ thép để cố định thanh titanium với khung xương sườn, đảm bảo nó không bị xê dịch khi bệnh nhân di chuyển hay va chạm.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 15

Chuyên gia này phân tích: "Khi phẫu thuật xong, chúng tôi phải kiểm tra màng phổi 2 bên xem có bị chảy máu và tràn khí không. Kiểm tra chỗ cố định thanh nuss xương sườn bằng chỉ thép, chân chỉ thép bị chảy máu không và kiểm tra phổi nở tốt hơn không, tim hoạt động tốt hơn không".

19h05, nam bác sĩ đóng mũi chỉ cuối cùng khép chặt vết mổ trên ngực bệnh nhân. "Cảm ơn mọi người, anh em vất vả rồi" BS Lâm cười nói.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 16

Theo chuyên gia này, ca phẫu thuật được thực hiện thành công. Sau 5 ngày, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường, kết hợp tập luyện và vận động theo chỉ dẫn. Sau 6 tháng, bệnh nhân sẽ thoải mái vận động và chơi các môn thể thao nặng.

Thanh nuss được cố định trong vòng 2 năm, sau đó được tháo và bệnh nhân không còn lõm ngực, có chức năng sinh lý bình thường trở lại.

Xem bác sĩ dùng thanh titan uốn xương cho chàng trai lõm ngực - 17

"Lõm ngực bẩm sinh đem lại cảm giác tự ti cho bản thân bệnh nhân, suy giảm thể lực, khó tham gia các hoạt động cường độ cao.

Hiện nay, điều trị bằng phẫu thuật đem lại hiệu quả tối ưu so với các phương pháp điều trị khác, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân, tránh những biến chứng tim mạch, hô hấp. Trong 2 năm qua, chúng tôi đã thực hiện 15 ca phẫu thuật chữa lõm ngực bẩm sinh, cho kết quả tốt", BS Lâm cho hay.

Ảnh: Thành Đông