Toàn cảnh vụ lùm xùm quảng cáo sữa Milo
(Dân trí) - Nội dung quảng cáo sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan.


Quảng cáo có nội dung "được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng" của sản phẩm Milo gây tranh cãi (Ảnh: Chụp màn hình).
Người dân không khó để nhận ra trên bao bì và các quảng cáo "Thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo" của Nestlé Việt Nam có dòng chữ: "Được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng".
Trong một video quảng cáo sản phẩm của Nestlé Milo có nội dung: "92% mẹ Việt Nam muốn giúp con bền bỉ hơn, thử nghiệm lâm sàng cùng Viện Dinh dưỡng, Milo mỗi ngày cùng tập thể dục giúp trẻ bền bỉ hơn, kiểm chứng trên 2 nhóm trẻ cùng thể chất… trẻ uống Milo bền bỉ, bền bỉ hơn hẳn trong mọi hoạt động, Milo mỗi ngày, nay được chứng minh khoa học giúp trẻ bền bỉ hơn".
Nestlé Việt Nam nói quảng cáo đúng quy định
Theo thông tin được đăng tải trên website chính thức của Nestlé Việt Nam, trong năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nghiên cứu hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo đối với tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh thể chất và trí lực của trẻ em tại Việt Nam.
Nghiên cứu được thực hiện theo Quyết định số 1016/QĐ-VDD năm 2022 của Viện Dinh dưỡng về việc phê duyệt đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở, và "Chứng nhận chấp thuận của Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu Y sinh" số 545/VDD-QLKH.

Sản phẩm Milo được bày bán tại siêu thị (Ảnh: CTV).
Nghiên cứu đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở vào năm 2023 theo Quyết định số 400/QĐ-VDD và được công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở theo Quyết định số 486/QĐ-VDD.
"Một trong những kết quả của nghiên cứu khẳng định rằng việc sử dụng sản phẩm Nestlé MILO kết hợp với các hoạt động thể chất theo giáo án góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực ở học sinh tiểu học sau 3 tháng can thiệp, bao gồm sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sự khéo léo và khả năng phối hợp vận động", Nestlé Việt Nam nêu.

Nestlé Việt Nam đã đăng tải thông tin liên quan đến vụ việc trên website chính thức (Ảnh: Chụp màn hình).
Nestlé Việt Nam dẫn điều 27 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm, chỉ có các nhóm sản phẩm được quy định tại Điều 26 của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, bao gồm "thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi" mới phải đăng ký nội dung quảng cáo.
"Sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và cũng không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.
Dựa trên điều này, Nestlé Milo tự tin rằng việc truyền thông kết quả nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện là tuân thủ các quy định liên quan", Nestlé Việt Nam khẳng định.
Rà soát sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông
Liên quan vụ việc, Viện Dinh dưỡng cho hay đã từng hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở "Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình".
Cụ thể, đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023, thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình. Đề tài nghiên cứu này đã được hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở.

Một quảng cáo về sản phẩm Milo có thông tin "được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng" (Ảnh: Chụp màn hình).
Nghiên cứu cho thấy hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực "Sữa lúa mạch Nestlé Milo" cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.
Sản phẩm không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu. Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung "Sữa lúa mạch Nestlé Milo" cũng không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực.
Viện Dinh dưỡng đã đề nghị Nestlé Việt Nam về việc "rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông".
Đơn vị này cũng đã yêu cầu: "Công ty kiểm tra, rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm. Nếu có bất kỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định về quảng cáo, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng".
Cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ nội dung quảng cáo
Ngày 19/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) có văn bản đề nghị Viện Dinh dưỡng, Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra, xác minh thông tin và xử lý việc quảng cáo có nội dung báo cáo thử nghiệm lâm sàng của các sản phẩm Nestlé Milo.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, Cục An toàn thực phẩm nhận được phản ánh của các cơ quan báo chí về việc các sản phẩm Nestlé Milo có nội dung quảng cáo liên quan đến báo cáo thử nghiệm lâm sàng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành công văn số 1030/ATTP-NĐTT ngày 16/5 gửi Sở Y tế Đồng Nai đề nghị kiểm tra, xác minh thông tin, xử lý việc quảng cáo sản phẩm này theo quy định hiện hành.
Đồng thời, Cục đã ban hành công văn số 1031/ATTP-NĐTT ngày 16/5 đề nghị Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẩn trương kiểm tra, rà soát nội dung truyền thông, quảng cáo các sản phẩm này để bảo đảm tuân thủ quy định tại khoản 2, Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo.
Nestlé Việt Nam ngừng toàn bộ quảng cáo liên quan Viện Dinh dưỡng
Ngày 21/5, một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, đơn vị vừa có báo cáo tiến độ xử lý thông tin về quảng cáo sữa Milo đến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Trước đó, ngày 15/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai làm việc với đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (phường An Bình, TP Biên Hòa) liên quan đến nội dung quảng cáo của các sản phẩm nhãn hàng sữa Milo.
Tại thời điểm làm việc, công ty trình bày hai sản phẩm "thực phẩm bổ sung thức uống lúa mạch Nestlé Milo sữa 3 trong 1" (bản tự công bố sản phẩm ngày 27/12/2021), và "thực phẩm bổ sung thức uống lúa mạch Nestlé Milo" (bản tự công bố sản phẩm ngày 10/8/2022) theo công văn của Cục An toàn thực phẩm không liên quan đến việc sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã ngừng toàn bộ quảng cáo liên quan Viện Dinh dưỡng (Ảnh: Nestlé).
Làm việc với Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam xác nhận chỉ sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm "thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo", các sản phẩm khác của công ty không sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng.
Ngoài ra, công ty cung cấp văn bản xác nhận từ Viện Dinh dưỡng (ngày 25/1/2024) liên quan nghiên cứu đánh giá hiệu quả của sản phẩm kết hợp giáo dục thể chất đối với học sinh tiểu học, nhất trí với nội dung: Sản phẩm giúp cải thiện các tố chất thể lực sau 3 tháng sử dụng.
Trong thời gian chờ hướng dẫn, Nestlé Việt Nam đã chủ động ngừng toàn bộ quảng cáo liên quan Viện Dinh dưỡng trên truyền hình, nền tảng số, mạng xã hội, bảng quảng cáo. Đồng thời công ty yêu cầu các đối tác dừng đăng tải nội dung liên quan và lên kế hoạch thay đổi bao bì, dự kiến ra mắt vào tháng 9 tới.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, qua rà soát từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận một hồ sơ quảng cáo trên băng rôn cho sản phẩm "sữa lúa mạch Milo của Nestlé", nội dung "Milo với sữa mát A2 mua ngay cho bé" của Công ty CP CPM Việt Nam.
Trong tháng 1, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiểm tra và xử lý một bảng quảng cáo ốp tường lớn với nội dung "Milo bền bỉ hơn" có cụm từ "được thử nghiệm lâm sàng bởi Viện Dinh dưỡng" do không thông báo về nội dung quảng cáo đến cơ quan chức năng.
Lực lượng chức năng đã đề nghị Công ty TNHH Nestlé Việt Nam rà soát lại việc thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó lưu ý việc ký kết hợp đồng đối với các công ty đối tác thực hiện việc quảng cáo.
Ngoài ra, đề nghị công ty báo cáo giải trình bằng văn bản quá trình từ khi thực hiện tự công bố sản phẩm "thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo" trước ngày 22/5.
Người tiêu dùng bức xúc với "quảng cáo nổ"
Liên tiếp các vụ việc sản phẩm chăm sóc sức khỏe, thuốc giả bị phát hiện khiến dư luận dồn sự chú ý tới việc một số bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng thậm chí là người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm.
Ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn số 2310/BYT-ATTP về việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Nhiều người nổi tiếng đã bị xử phạt liên quan đến quảng cáo các sản phẩm sức khỏe (Ảnh: Chụp màn hình).
Những lời có cánh như: được chứng minh lâm sàng, hiệu quả vượt trội, 100% tự nhiên, được bác sĩ khuyên dùng... xuất hiện ngày càng dày đặc trong các quảng cáo sản phẩm tiêu dùng, từ sữa, thực phẩm chức năng cho đến mỹ phẩm, đặc biệt trên mạng xã hội.
Nhưng đằng sau những lời quảng cáo mượt mà ấy, không ít lần người tiêu dùng phải giật mình khi phát hiện đó chỉ là "chiếc vỏ bóng bẩy" của hàng giả, hàng nhái, không đúng như quảng cáo.
Ngày 20/5, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty CP Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai (huyện Trảng Bom), đơn vị gia công 2 lô sản phẩm mỹ phẩm bị Bộ Y tế đình chỉ lưu hành.
Hai lô sản phẩm bị đình chỉ bao gồm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body.
Đây là các sản phẩm do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group (trụ sở TPHCM) chịu trách nhiệm đưa ra thị trường, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng của Đoàn Di Băng. Cô cũng tham gia quảng bá cho các sản phẩm nêu trên thông qua nhiều nền tảng mạng xã hội.
Đối với sản phẩm Hanayuki Shampoo, ngày 6/5, Bộ Y tế có văn bản yêu cầu đình chỉ lưu hành và thu hồi lô sản phẩm sản xuất ngày 5/1/2025, dung tích 300g do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Với lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (sản xuất ngày 6/1, trọng lượng 100g), ngày 16/5, Bộ Y tế có văn bản đình chỉ lưu hành do mẫu sản phẩm không đạt chỉ số chống nắng như công bố.
Kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho thấy chỉ số SPF chỉ đạt 2,4 thấp hơn nhiều lần so với thông tin ghi trên nhãn.
Ngày 22/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã gửi văn bản tới UBND tỉnh và Bộ Y tế, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính và thu hồi, tiêu hủy hai lô sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body.
Những vụ việc này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và thông tin quảng cáo.