Người mẹ ung thư tự chụp ảnh thờ, viết "tâm thư" gửi con sau ngày mất
(Dân trí) - "Mẹ biết, dù mẹ có cố gắng mạnh mẽ chiến đấu đến đâu thì thời gian mẹ bên con không còn nhiều nữa. Con vẫn sẽ thành trẻ mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ…", dòng thư người mẹ 32 tuổi gửi con trai.
"Con vẫn sẽ thành trẻ mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ…"
"Mẹ yêu con rất nhiều, mẹ có thể hy sinh chịu đựng tất cả vì con. Nhưng mẹ biết, dù mẹ có cố gắng mạnh mẽ chiến đấu đến đâu thì thời gian mẹ bên con không còn nhiều nữa. Con vẫn sẽ thành trẻ mồ côi mẹ khi còn quá nhỏ…".
Đó là những dòng thư chị Bùi Thị Hà Thu (32 tuổi, Sơn La) gửi đến con trai 5 tuổi của mình. Mắc ung thư vú giai đoạn cuối, chưa bao giờ chị ngừng chống chọi bệnh tật, chỉ để con trai không… mồ côi.
Tháng 9/2019, chị Thu hạ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Trung Đức với niềm hy vọng con sẽ luôn là người mạnh mẽ và hiền lành.
10 tháng đầu đời của Trung Đức trôi qua không hôm nào là không có sữa mẹ. Thế nhưng, em buộc cai sữa sớm khi người mẹ trẻ cảm thấy trong người chuyển biến lạ.
Một bên ngực của chị cứng lại, đau nhức cùng các cơn ho khan.
Hà Thu quyết định cùng chồng bắt xe khách từ Sơn La xuống Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) kiểm tra tình trạng sức khỏe. Người mẹ không biết rằng, lần khám này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời mình.
Ngồi chờ kết quả sau khi thăm khám, Hà Thu vẫn lạc quan gọi điện, nhắn tin trấn an người thân ở nhà: "Bệnh của con không sao đâu, bố mẹ yên tâm nhé".
Vừa dứt câu, một bác sĩ tiến đến, đưa giấy kết quả cho người chồng ngồi cạnh và quay sang hỏi chị: "Em có biết ngực của mình có một khối u rất lớn không?" .
"Không… em… không biết", Hà Thu ngập ngừng đáp.
Lập tức quay sang chồng, thấy tay anh run run cầm giấy kết quả, có lẽ chị đã tự hiểu ra "tin dữ" của mình.
Trong cả tháng đó, Hà Thu ở lại viện để theo dõi và thực hiện xét nghiệm chuyên sâu.
Không chỉ khám ở viện phổi, trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm, chị còn sang Bệnh viện K, hi vọng nhận được "một câu trả lời khác".
Thế nhưng, điều gia đình trẻ mong chờ đã không đến.
"Ung thư vú giai đoạn cuối, điều trị ở viện nào cũng thế, nên viện nào tiện nhất với gia đình thì cứ theo đó mà điều trị", vị bác sĩ nói riêng với chồng chị.
Anh lặng người nhưng không muốn cảm xúc của mình ảnh hưởng đến vợ. Bước lại gần chị Thu, anh an ủi: "Cố lên em, cố gắng nhé, rồi mình sẽ vượt qua thôi".
Cảm xúc lúc này của anh đối lập những gì anh thể hiện. Hà Thu sớm nhận ra tâm trạng đó của chồng, mỉm cười, xốc lại tinh thần cho anh.
Lo sợ thời gian của bản thân không còn nhiều, hôm sau người mẹ trẻ lập tức trở về Sơn La tổ chức sinh nhật sớm cho con trai.
Và thêm một lý do khác nữa, chị về nhà để… chụp ảnh thờ cho bản thân.
Người mẹ trẻ tự đi chụp ảnh thờ cho chính mình
"Cảm xúc hỗn độn", Hà Thu mô tả về lần chụp ảnh chỉ có một trong đời.
Phân vân giữa phông trắng và xanh cho ảnh thờ của chính mình, cuối cùng chị quyết định chọn phông xanh để làm tôn lên bộ quân phục.
"Tôi muốn hình ảnh của mình lưu giữ trong tâm trí con mãi về sau là một người mẹ xinh đẹp, kiên cường", người mẹ ung thư giải thích cho quyết định gấp rút chụp ảnh thờ và bộ trang phục mà mình chọn trong bức ảnh đặc biệt này.
Chị tiếp lời: "Bức ảnh thờ, mình phải cười làm sao để trông hiền từ nhất, để Trung Đức mai sau còn hạnh phúc khi con đứng trước ban thờ của mẹ, thấy mẹ cười trìu mến mỗi lần đạt được những thành tựu trong cuộc đời".
Một thời gian sau, tình trạng bệnh của chị được thông báo đến người thân trong gia đình.
Chị nhớ lại: "Biết tin, bố không dám khóc trước mặt mình, chỉ rơm rớm nước mắt. Tôi cũng không kìm được lòng mà khóc ngay trước mặt bố", Hà Thu tâm sự.
Chẳng dám tự mình tiết lộ, Hà Thu nhờ bố nói với mẹ về tình trạng của mình.
Dù được chồng trấn an và dặn nhiều lần "cố bình tĩnh làm chỗ dựa cho con", nhưng khi gặp nhau, hai người phụ nữ bất giác òa lên khóc như đứa trẻ.
Gần 5 năm chiến đấu với căn bệnh quái ác, sức khỏe dạo gần đây của chị yếu hẳn. Nhận thấy đã đến lúc cần thiết phải để lại một bức thư cho con, chị cố nén nước mắt, ghi ra những lời để lại cho mai sau.
"Bài viết trên trang cá nhân là gửi đến con mai này. Lúc viết bài là lúc con chuẩn bị vào lớp một, điều mà khi vừa mắc bệnh tôi chưa bao giờ tin có thể làm được vì luôn nghĩ không còn sống được lâu nữa", chị Thu kể.
Trong bức thư gửi đến con trai, người mẹ mang căn bệnh hiểm nghèo luôn mong rằng con sẽ trở thành một chàng trai mạnh mẽ, biết thấu hiểu, biết yêu thương mọi người. Đặc biệt phải mạnh mẽ khi không có mẹ bên cạnh.
"Con hãy cố gắng sống mạnh mẽ như cái cách mà mẹ đã chiến đấu với căn bệnh, mong con sẽ trở thành chàng trai thành đạt và có một cuộc đời bình an", lời gửi gắm từ tận tâm can của người mẹ.
Hơn 70 lần truyền hóa chất "đau tận xương" để thêm ngày sống bên con
Căn bệnh ung thư vú của Hà Thu đã ở giai đoạn cuối, di căn phổi và não.
Sau khi phát hiện bị ung thư, chị quyết định điều trị tại Bệnh viện 198 của Bộ Công an cho thuận tiện đi lại.
Cứ 3 tuần một lần, chị Thu một mình đi từ Sơn La xuống Hà Nội.
"Mình phải truyền hóa chất duy trì, ngoài ra khối u di căn lên não nên phải xạ trị Gammar knife não. Xạ trị phải liên tục nếu không khối u não phát triển nhanh quá sẽ di căn thêm khối u chỗ khác", chị Thu chia sẻ.
Người phụ nữ 32 tuổi này đã trải qua tổng cộng 73 lần truyền hóa chất và đang chuẩn bị cho lần truyền thứ 74 sắp tới. Không những vậy, chị đã mạnh mẽ vượt qua 20 mũi xạ trị cho căn bệnh ung thư vú.
Trên chuyến xe khách từ Sơn La xuống Hà Nội để trị bệnh, người mẹ thường chỉ đi một mình: "Bệnh của tôi phải điều trị dài, tiết kiệm thêm được khoản nào thì cũng phải gắng. Ngoài ra cũng để người thân không chứng kiến cảnh đau đớn của tôi".
Tình trạng phổi chủa chị Thu ngày càng kém dần. Chị Thu cũng từng bị cháy phổi do xạ trị khối u vú. Khối u lớn nhất là 2x4cm, to bằng quả trứng gà.
"Cứ ngồi dậy là ho, cứ nói chuyện là ho", nữ bệnh nhân mô tả tình trạng của bản thân khi bị bệnh tật hành hạ.
"Mấy hôm truyền thuốc là nổi mụn, có lúc phát ban, mẩn ngứa, trào ngược dạ dày,... Thậm chí là gây cháy ven, còn bỏng rát và chảy máu cả 2 tay", chị Thu nói.
Đầu tháng 4, khi đang thực hiện truyền hóa chất trong viện, chị Thu bất ngờ nghe được thông tin chồng bị ngã đứt dây chằng, phải vào viện mổ gấp.
Do tình hình căn bệnh chuyển biến ngày càng nặng, từ sau Tết Nguyên đán 2024, chị Thu xin nghỉ việc tại cơ quan. Hoàn cảnh gia đình túng thiếu vì gánh nặng ung thư, nay càng khó khăn hơn khi chồng chị cũng nhập viện.
Gánh nặng kinh tế đè lên vai của đôi vợ chồng trẻ. Để có tiền đi xạ trị mỗi tháng, gia đình lại phải vay tiền ngân hàng rồi lại gom vào trả, trả xong được một tháng lại phải vay lại. Theo nhận xét của chị, đây là "vòng lặp chẳng có hồi kết".
Khó khăn vẫn liên tiếp ập đến với gia đình nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi. Cậu con trai khi chưa tròn 5 tuổi cũng phải vào viện mổ do thoát vị bẹn bẩm sinh.
Chị Thu rơm rớm nước mắt: "Phát hiện con bị bệnh, tôi suy sụp hơn cả lúc biết mình bị ung thư. Trời đất như tối sầm lại".
Cuộc đời không mỉm cười với chị. Thế nhưng chỉ cần ngoái nhìn lại đằng sau, ánh nắng ấm áp của gia đình vẫn luôn ở đó, sưởi ấm trong những ngày tăm tối nhất.
"Bố mẹ chồng là người tuyệt vời lắm, không có điểm nào chê cả, như bố mẹ đẻ của mình vậy. Ông bà chăm con, lo toan rất nhiều. Đó là một trong những điều may mắn lớn nhất của cuộc đời mình", chị hạnh phúc nói.
"Thay mẹ sống tiếp cuộc đời còn lại, con nhé"
Để thuận tiện cho việc xạ trị, chị đành cắt đi mái tóc dài đã theo mình suốt bao năm tháng. Cầm trên tay mái tóc đen tuyền vừa cắt, nước mắt bỗng lăn xuống, chị tiếc…
Bộ tóc được Hà Thu cẩn thận gói vào một chiếc túi kín. Từ ngày chị Thu không còn tóc, người buồn nhất lại là cậu con trai đang học chữ.
Hà Thu kể: "Lúc nào Trung Đức cũng nói rằng, con chỉ thích mẹ có tóc thôi. Rồi có những hôm thấy mẹ đội tóc giả là sung sướng lắm, đi khoe khắp nơi".
"Bà ơi, mẹ Thu con có tóc rồi này", em bé hào hứng. Nhưng mỗi lúc mẹ tháo tóc ra, Trung Đức lại tiu nghỉu.
Có mấy lần bắt gặp con trai vẽ bức tranh gia đình, chị bất ngờ khi trong tranh là hình ảnh các thành viên ở quá khứ và chẳng bao giờ vẽ chị trong dáng vẻ hiện tại.
Chị hỏi nhỏ, Trung Đức đáp: "Lúc đấy mẹ mới có tóc dài, còn mẹ bây giờ không có tóc, con thích mẹ có tóc…".
Bệnh ung thư của Hà Thu hiện nay đã di căn xuống phổi và não. Tiên lượng bệnh lúc phát hiện cũng không khiến chị hy vọng về một tương lai tươi sáng nào.
"Tôi thấy những người mắc căn bệnh này thường không còn thời gian nhiều. Nhưng đến nay tôi đã cố gắng được 5 năm nên thấy mình thật may mắn. Còn kéo dài thời gian ở được với con là tôi còn hạnh phúc", Hà Thu đáp.
Hàng tháng, người mẹ này vẫn phải rời xa con để lên Hà Nội truyền hóa chất. Chị luôn tự nhủ mình phải cố gắng vì con.
Lần nào cũng vậy, trước lúc đi chị đều lưu luyến mãi hình bóng của con trai khi tiễn mẹ lên đường, bởi biết đâu, lần từ biệt này là lần cuối.
"Con chúc mẹ thượng lộ bình an", cậu bé vẫy tay chào mẹ đến khi thấy bóng lưng chị khuất xa dần.
Người lớn trong nhà đều sẵn sàng cho việc Hà Thu có thể ra đi. Nhưng với Trung Đức, chị Thu luôn canh cánh nỗi lo con sẽ ra sao khi biết mai này không có mẹ ở bên.
Chị sợ, không dám nói với con về sự thật nghiệt ngã. Đành phải thổ lộ cảm xúc của người mẹ qua từng dòng thư để gửi đến con, khi Trung Đức đủ trưởng thành.
"Mong con sẽ không trách mẹ, dù không có mẹ ở bên nhưng mẹ mong con sẽ luôn mạnh mẽ trong cuộc sống như cái cách mẹ đã mạnh mẽ chiến đấu để được ở bên con.
Mong con sẽ trở thành một chàng trai biết yêu thương, biết thấu hiểu, biết sẻ chia, thành đạt, hạnh phúc và sống một đời bình an. Mãi yêu con", chị viết.