DNews

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại "rốn lũ" Hà Nội

Minh Nhật

(Dân trí) - Nhiều người dân tại xã Nam Phương Tiến đang đối mặt với các vấn đề về sức khỏe, khi nhiều ngày qua liên tục phải ngâm mình trong dòng nước đục ngầu.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại "rốn lũ" Hà Nội

Những ngày cuối tháng 7, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội mưa như trút nước.

Nhìn con nước cứ lên dần, từ đường vào cổng rồi ngập toàn bộ khoảng sân trước nhà, gia đình bà Đỗ Thị Thành, thôn Nhân Lý nhiều ngày sống trong nỗi lo nặng trĩu.

Tối 24/7, nghe tin Thủy điện Hòa Bình xả lũ từ thời sự, bà Thành và chồng không dám đi ngủ. "Phải trực canh lũ. Nước lên còn kịp sơ tán", bà Thành nói.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 1

Bà Đỗ Thị Thành, thôn Nhân Lý.

Đúng như dự liệu của bà Thành, dòng nước dữ từ sông Bùi tràn qua đê. Khoảng 21h, tiếng hô hoán "chạy lụt" náo động con xóm nhỏ nằm chỉ cách bờ đê vài mươi mét.

Nước không ngừng dâng, bà Thành gọi điện gấp cho con cháu báo tin lụt. Cả gia đình 5 người xuyên đêm sơ tán thóc lúa và đồ đạc lên nơi cao nhất trong nhà.

Khi tất cả đồ đạc được kê lên cao cũng là lúc nước tràn vào bên trong nhà bà Thành, ngập quá mắt cá chân. Điều này đồng nghĩa với việc phía ngoài đường, nước đã ngập sâu hơn 1m.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 2

Đồ đạc trong nhà bà Thành được "sơ tán" lên chỗ cao ngay trong đêm.

"Nước lên cao hơn chúng tôi nghĩ. Số thóc dù đã sơ tán vào trong phòng khách cũng bị ngập mất ba bao để dưới cùng. Lúc đó đã quá mệt chúng tôi không thể làm gì hơn", bà Thành nhớ lại.

Ngồi trên chiếc bàn được kê cao, bà Thành nhìn ra biển nước mênh mông dần hiện rõ khi trời tảng sáng. Ký ức về trận lũ lịch sử năm 2018 đè nặng tâm trí người phụ nữ đã ngoài 70 tuổi này.

Thôn Nhân Lý là nơi ngập sâu nhất của xã Nam Phương Tiến vì nằm giáp sông Bùi, nhiều chỗ nước ngập gần mái nhà. Đến ngày 31/7, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn còn 20 thôn, xóm bị ngập 0,5-2m.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 3

Thôn Nhân Lý bị ngập nặng.

Một tuần trôi qua từ khi nước lũ tràn về, người dân nơi đây cơ bản đã thích ứng với cảnh "sống chung với lũ". Nước cũng đang dần rút đi, thế nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn đang bủa vây và là một trong những vấn đề khiến người dân rốn lũ lo ngại nhất lúc này.

Xác thối, rác thải hòa mầm bệnh vào dòng nước lũ

"Mỗi ngày trôi qua, nước lại một mùi khác", ông  Đỗ Văn Thắng, 52 tuổi, sống tại xóm Đông Trạch, thôn Nhân Lý mô tả.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 4

Ông Đỗ Văn Thắng, 52 tuổi, sống tại xóm Đông Trạch, thôn Nhân Lý.

Ông Thắng cho biết, trên địa bàn thôn Nhân Lý nói riêng và xã Nam Phương Tiến nói chung có nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có nhiều trang trại nuôi hàng nghìn con gà, vịt.

Nước lũ lên nhanh, nhiều động vật không kịp sơ tán lên nơi cao bị chết chìm. Gia đình anh Thắng nuôi hơn 200 con gà, vịt cũng bị chết gần một nửa trong trận lụt này. Số gia cầm kịp đưa lên bè nổi những ngày qua cũng hao hụt dần, vì điều kiện sống khắc nghiệt.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 5

Những con gia cầm may mắn được di dời kịp thời nhưng cũng dần hao hụt vì điều kiện sống khắc nghiệt.

"Nước lũ đến chỉ kịp cứu người, gia cầm chết lúc đó không vớt được, cũng không biết thu gom vào đâu. Phải vài ngày sau, tôi mới có thể gom lại vào bao tải. Tuy nhiên, việc xử lý xác động vật vẫn gặp nhiều khó khăn khi xung quanh mênh mông biển nước", anh Thắng kể.

Ghi nhận thực tế của phóng viên báo Dân trí, nhiều khu vực ngập nặng của xã Nam Phương Tiến, nước lụt đục ngầu, bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Chính quyền địa phương rất nỗ lực trong công tác dọn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải và xác động vật chết.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 6
Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 7

Tuy nhiên, vì vùng ngập quá rộng nhiều nơi ngập sâu nên vẫn ghi nhận tình trạng các loại rác thải, xác động vật chết theo dòng nước trôi vào khu dân cư.

Nhiều hộ dân tại đây có chuồng trại xây sát nhà. Chất thải của động vật hòa vào dòng nước lũ, khiến môi trường tại nơi đây càng thêm ô nhiễm.

Mỗi ngày, ông Lê Văn Chung, 71 tuổi (thôn Nhân Lý) và con cái lại thay nhau hơn chục lần ra cổng để vớt rác thải và xác động vật trôi dạt vào.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 8

Rác thải trôi dạt thường xuyên kẹt lại cổng các hộ dân.

"Chúng tôi phải chắn bao cát để rác không tràn vào nhà. Tuy nhiên, rác thải và xác động vật kẹt lại ở cổng rất nhiều, phải liên tục thu gom", ông Chung cho hay.

Những ngày đỉnh lũ trước đó không thể dọn dẹp, rác thải và xác cá, gà dồn ứ nhiều trước cổng nhà ông Chung bốc mùi hôi thối.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 9

Khu vực thôn Nhân Lý chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm khiến môi trường sống những ngày lụt càng báo động.

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhận định, có hàng loạt mầm bệnh ẩn trong nước lụt bị ô nhiễm.

Nước lũ cuốn theo các loại rác thải gây nguy cơ về mất vệ sinh môi trường cũng như sức khỏe.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 10

Ngày nào bà Hương (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng phải gom xác động vật dạt vào nhà.

Theo chuyên gia này, xác động vật trong quá trình phân hủy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, rồi phát tán theo nguồn nước.

Bên cạnh đó các loại vi khuẩn, giun sán có trong chất thải động vật, cống ngầm cũng hòa vào nước lũ. Người dân tiếp xúc với nguồn nước này có thể bị lây nhiễm.

"Ngoài ra, khi lũ xảy ra các điều kiện vệ sinh bị kém, việc cung cấp nước không có, nước sạch không có, môi trường bị bẩn, xác súc vật chết, cây cối, người dân không có chỗ phóng uế… Đặc biệt, thiếu ăn, đói, không vệ sinh cũng ảnh hưởng bệnh tật", BS Thiệu chỉ rõ.

Đổ bệnh sau nhiều ngày ngâm nước lụt đục ngầu, hôi thối

"Gãi ngày gãi đêm vì ngứa" là tình trạng chung của nhiều người dân tại rốn lũ sau thời gian dài phải ngâm mình trong nguồn nước bị ô nhiễm.

 Chỉ vào đôi chân chi chít những vết mụn nước, chốc lở, ông Đỗ Văn Thắng cho biết đây là hậu quả sau nhiều ngày ngâm nước lụt đục ngầu, hôi thối.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 11

Người dân đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khi sống chung với lũ.

"Mỗi ngày tôi phải lội nước trên 6 tiếng. Lúc nước lên phải liên tục kê cao đồ đạc theo con nước. Lúc nước rút cũng lại phải nêm chặt đồ đạc nếu không sẽ bị chênh vênh gây đổ. Ngoài ra còn làm đủ các việc để đảm bảo sinh hoạt trong gia đình", ông Thắng chia sẻ.

Những ngày qua, toàn bộ sinh hoạt của 5 người trong gia đình này diễn ra trong khoảng không gian 20m2 trên gác mái.

Là người lớn đủ sức khỏe duy nhất trong nhà, mỗi ngày ông Thắng cũng phải chèo thuyền ra téc nước lưu động cách nhà 200m, để lấy nước sạch sinh hoạt về cho gia đình.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 12
Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 13

Con thuyền nhỏ chỉ chở được 4 bình 20l mỗi lần nên có ngày ông Thắng phải đi 5 chuyến mới đủ nước sạch cho gia đình dùng.

"Mình người lớn ngứa ngáy mấy cũng chịu được, chỉ lo mấy đứa nhỏ gặp vấn đề về tiêu hóa", người đàn ông trăn trở.

Chung cảnh ngộ, cả nhà 6 người từ lớn đến bé của ông Ngô Văn Dân đều gặp các vấn đề sức khỏe từ khi lũ về.

Bị nước ăn, các kẽ chân của ông Dân trắng nhởn. Tay người đàn ông có nhiều vết phồng rộp vừa nhức vừa ngứa.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 14

Nhà ông Dân bị ngập sâu.

"Mấy ngày nay bôi thuốc của xã phát cho mới đỡ, trước đó cả nhà tôi mất ngủ vì ngứa", ông Dân chia sẻ.

Không chỉ bệnh da liễu, người chị Dâu của ông Dân còn bị đau mắt đỏ chỉ sau 2 ngày lũ về.

Nước lũ nhấn chìm hoàn toàn căn nhà, chị Thảo (38 tuổi, thôn Nhân Lý) và gia đình phải chuyển qua ở tạm tại một căn nhà phao rộng vỏn vẹn 15m².

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 15

9 người trong gia đình chị Thảo đang phải tránh lũ trong ngôi nhà phao 15m2.

Căn nhà phao này cũng là nơi ở cho 9 người, trong đó có 2 người già, một người bác bị bệnh về tâm lý, 4 trẻ con và 2 vợ chồng chị Thảo. Điều kiện sinh hoạt không đảm bảo, thường xuyên tiếp xúc với nước lũ nên những người con của chị Thảo đều bị nổi mẩn ngứa, ốm, quấy khóc.

Gân 10 ngày bị cô lập bởi nước lũ, nhiều người dân của thôn Hạnh Bồ, xã Nam Phương Tiến đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống cũng như vấn đề sức khỏe.

"Trong quãng thời gian vừa qua, cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn: Thứ nhất về việc đường đi lối lại; thứ hai là về nguồn nước sinh hoạt thiếu trầm trọng và vấn đề vệ sinh hàng ngày không được đảm bảo.

Đây là hai vấn đề lớn đối với người dân ở trong khu vực bị ngập lụt như thế này", chị Nguyễn Thị Xuyên, sống tại thôn Hạnh Bồ trăn trở.

Theo chị Xuyên, cho đến bây giờ nguồn nước sạch để ăn uống đảm bảo tạm ổn, nhưng còn nước để tắm giặt, sinh hoạt vệ sinh rất thiếu thốn. Các hộ dân sẽ phải đi đến các hộ không bị ngập giếng, để nhờ nước tắm giặt.

"Điều lo lắng nhất của tôi và người dân ở trong thôn là về bệnh tật. Thứ nhất là vì việc sinh hoạt, vệ sinh của chúng tôi không được đảm bảo. Thứ hai là ô nhiễm môi trường rất nhiều.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 16
Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 17

Hiện nay những vấn đề về da liễu đối với người dân rất phổ biến, chân tay bị lở loét rất nhiều.

Trong tình cảnh này, mọi hoạt động sinh hoạt đều bị đảo lộn, sinh hoạt hàng ngày sẽ không được đảm bảo như bình thường, thiếu nhiều yếu tố. May mắn rằng trong xóm chưa xuất hiện hiện tượng ngộ độc thức ăn hay các vấn đề không đảm bảo về thực phẩm khác", chị Xuyên thông tin.

Biết nước bẩn và ẩn chứa nhiều dịch bệnh, nhưng những người dân rốn lũ cho biết, không thể không ngâm nước vài tiếng mỗi ngày vì còn phải lo cho gia đình.

Tại thôn Hạnh Bồ, không ít gia đình phải kê bếp lên thuyền hoặc chỗ cao, còn bản thân bì bõm trong nước để nấu nướng. Sau khi tiếp xúc nước bẩn, họ cũng chỉ có thể vệ sinh tay chân qua loa bởi nước sạch "quý như vàng".

Cấp tập chống dịch vùng lũ

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, bà Nguyễn Thị Mùi, Phó chủ tịch xã Nam Phương Tiến thông tin, ngay khi địa bàn bị ngập lụt, các cấp chính quyền đã lập tức vào cuộc. Nhiều nguồn lực được huy động để hỗ trợ cho người dân rốn lũ.

Đối với nguồn nước sạch, UBND xã Nam Phương Tiến đã kịp thời trích ngân sách dự phòng, để cung ứng cho các hộ dân vùng úng ngập. Bên cạnh đó, xã cũng huy động doanh nghiệp hỗ trợ các téc nước di động, để người dân có thể ra các điểm lấy nước sạch.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 18
Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 19

Về vấn đề phòng chống dịch bệnh, theo bà Mùi, xã đã thành lập các trạm y tế lưu động để hỗ trợ bà con nhân dân. Các hộ dân vùng ngập đều được phát các loại thuốc men thiết yếu và chloramin B để khử khuẩn.

Chính quyền cũng huy động lực lượng thanh niên tình nguyện, hội phụ nữ cùng các tổ chức để đi từng ngõ ngách thu gom xác động vật, rác thải nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã thành lập 5 tổ chống dịch cơ động hướng dẫn các trung tâm y tế, phối hợp với chính quyền các cấp chuẩn bị cơ số Cloramin B 25%, đủ để nước rút đến đâu thực hiện vệ sinh môi trường đến đó, bảo đảm phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác đáp ứng y tế phòng chống lụt bão. CDC Hà Nội đã tổ chức giám sát 17 xã, phường tại 9 quận, huyện, khu vực có nguy cơ trước mùa bão lũ.

Mầm bệnh theo dòng nước bủa vây người dân tại rốn lũ Hà Nội - 20

Người dân thau rửa nhà cửa khi nước dần rút.

Theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi nước đã rút hẳn vẫn còn nhiều nguy cơ dịch bệnh rình rập, người dân tuyệt đối không chủ quan.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo: "Để giải quyết nguy cơ dịch bệnh cần thực hiện tổng thể các biện pháp vệ sinh môi trường sau lũ lụt, cung cấp nước cho người dân trong và sau lũ lụt. Khi không có điều kiện cung cấp nước sạch thì cung cấp các viên khử khuẩn cloramin B… để khử trùng nước. 

Khi lũ rút phải vét giếng lấy nước mới sinh hoạt, đảm bảo việc phun trùng khử uế các chất thải, xác súc vật chết, đây là việc rất quan trọng.

Ngoài ra, cần rà soát, đặc biệt phát hiện bệnh nhân càng sớm càng tốt, chỉ điểm dịch có thể xảy ra, để tích cực điều trị khoanh vùng dập dịch, tăng cường hệ thống khám bệnh, cung cấp thuốc cho người dân".

Ảnh: Mạnh Quân