Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì?

Minh Nhật

(Dân trí) - Mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, thời gian vừa qua, không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản của nhân dân, mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Những bệnh lý thường gặp ở vùng lũ

Sau mưa lũ, rất nhiều vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Mưa và ngập lụt cũng là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển.

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 1

Ths.Bs Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cơ sở Đông Anh (phải) phân tích về các bệnh lý thường gặp ở vùng bão lũ tại Chương trình

Chia sẻ trong Chương trình giao lưu trực tuyến "Phòng tránh dịch bệnh sau mưa lũ", Ths.Bs Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, cơ sở Đông Anh cho biết, người dân ở các vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh ngoài da, bệnh lý viêm nhiễm ở mắt, bệnh đường hô hấp…

Với mỗi nhóm bệnh lý, theo BS Ninh, lại có nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng đặc trưng, cụ thể:

Bệnh lý ngoài da

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 2

Các bệnh ngoài da thường gặp ở vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ là nấm chân tay, ghẻ, hắc lào, mụn nhọt. Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc thường xuyên với nguồn nước bị ô nhiễm và không đảm bảo vệ sinh cá nhân.

“Những bệnh lý này có thể gây ra các tình trạng tổn thương trên da như bong tróc, nổi mụn li ti. Để có thể xác định chính xác căn nguyên và cách điều trị, bạn nên đến bệnh viện để thăm khám ngay khi có điều kiện”, BS Ninh cho hay.

Bệnh lý viêm nhiễm ở mắt

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 3

Các bệnh lý viêm nhiễm ở mắt thường gặp trong trường hợp này là đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ, do nguồn nước bị ô nhiễm và không đảm bảo vệ sinh cá nhân.

Đáng chú ý, dịch đau mắt đỏ thường bùng phát sau lũ, bệnh lây lan nhanh nên người dân cần hết sức cảnh giác.

Một vài triệu chứng điển hình của bệnh là: Chảy nước mắt, ngứa, dính 2 mi mắt do có ghèn vàng hoặc vàng xanh nhạt vào buổi sáng lúc thức dậy.

Bệnh có thể lây do tiếp xúc với dịch tiết nước mắt hoặc đồ dùng có dính dịch tiết nước mắt của người bệnh. 

BS Ninh nhấn mạnh: “Bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như giảm thị lực không phục hồi, viêm loét giác mạc”.

Sốt xuất huyết

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 4

BS Ninh chia sẻ: “Các bệnh lý do các vector truyền bệnh lây truyền như sốt xuất huyết có thể bùng phát ở vùng bão lũ. Nguyên nhân chính là do sự phát triển mạnh mẽ của muỗi, khi điều kiện vệ sinh kém và điều kiện môi trường có độ ẩm cao thích hợp”.

Theo chuyên gia này, có thể nhận diện sốt xuất huyết thông qua các triệu chứng như: sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau mỏi cơ toàn thân; mệt mỏi, chán ăn; có thể có nổi mẩn, phát ban; có thể có biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, kinh nguyệt nhiều, kéo dài; nặng hơn có thể nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen.

“Ngay khi có các biểu hiện nêu trên, người dân nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, BS Ninh khuyến cáo.

Bệnh lý đường hô hấp

BS Ninh cho biết, người dân vùng bão lũ cũng dễ mắc phải các bệnh đường hô hấp như: ho, cảm cúm, viêm họng, cảm lạnh. Nguyên nhân chính là do điều kiện khí hậu ẩm thấp, sức đề kháng của con người giảm do thiếu lương thực, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết.

Một số bệnh đặc trưng khác

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 5

Một bệnh nhân mắc Whitmore

Theo BS Ninh, người dân vùng lũ còn có thể gặp một số bệnh đặc trưng liên quan nhiều đến có vùng có lũ lụt như bệnh Whitmore, Leptospira,… Đây là những bệnh dễ dàng lây qua môi trường nước bị ô nhiễm, đặc biệt khi những người có vết thương hở ngoài da mà lội trong nước bẩn.

Để phòng tránh các bệnh lý có thể gặp phải do mưa lũ kéo dài, BS Ninh khuyến cáo người dân cần thực hiện những nguyên tắc an toàn sau:

- Đảm bảo lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi.

- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.

- Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng

- Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt. Sử dụng ủng cao khi lội nước, đi găng tay cao su khi thu dọn rác thải ô nhiễm. Không để vết thương hở tiếp xúc với nguồn nước bẩn.

- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

- Tránh tập trung đông người, thường xuyên đeo khẩu trang để phòng chống Covid-19, tránh để dịch chồng dịch.

Ứng phó với tình trạng ô nhiễm môi trường sau lũ

Nguồn nước bị nhiễm bẩn là vấn đề mà nhiều người dân sống tại vùng chịu tác động của bão lũ phải đối mặt. Không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, nước bị ô nhiễm còn ẩn chứa những nguy cơ bệnh tật.

Tại buổi Giao lưu, TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hóa chất, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra những giải pháp, để người dân vùng lũ có thể khắc phục tình trạng này.

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 6

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng phòng Quản lý sức khỏe môi trường và hóa chất, Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế (trái)

Theo TS Cường, sau mưa lũ, điều quan trọng là cố gắng sử dụng mọi nguồn nước sạch sẵn có để ăn uống sinh hoạt như: dự trữ nước sạch; hứng nước mưa; sử dụng nước giếng khoan, giếng đào từ những vùng chưa bị ngập lụt; hoặc nước máy nếu có điều kiện vì đây là nguồn nước an toàn, chưa bị ô nhiễm.

“Trong trường hợp các nguồn nước sạch tại chỗ không còn thì người dân có thể lấy nước lũ để xử lý và sử dụng tạm thời. Nguyên tắc xử lý trước tiên cần phải làm trong nước, sau đó khử trùng và phải đun sôi nếu uống trực tiếp”, TS Cường phân tích.

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 7

Sau lũ, nên ưu tiên sử dụng nước máy nếu có điều kiện vì đây là nguồn nước an toàn, chưa bị ô nhiễm

Cụ thể, đầu tiên ta chọn những chỗ ít bị ô nhiễm nhất để lấy nước xử lý. Cần lọc sơ bộ bằng vải màn để loại bỏ hết rác, lá cây, tạp chất trong nước, sau đó tiến hành làm trong nước.

Thường áp dụng làm trong nước bằng phèn chua, cứ 1g phèn chua làm trong được cho 1 xô 20 lít nước. Nếu không có phèn chua có thể dùng vải lọc đi lọc lại nhiều lần cho đến khi nước trong.

Sau khi làm trong nước, tiến hành khử trùng nước để tiêu diệt các loại vi khuẩn, mầm bệnh trong nước.Để khử trùng nước, ta có thể sử dụng các chế phẩm khử khuẩn nước có chứa Clo hoạt tính và sử dụng theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm.

Ngoài ra, có thể sử dụng viên Aquatabs 67mg, 1 viên Aquatabs có thể khử trùng cho 1 xô 20 lít nước.

Bạn cho viên hoá chất này vào một gáo nước, khuấy đều cho tan rồi đổ vào xô nước cần khử trùng, khuấy đều, chờ sau 30 phút có thể dùng được. Nước sau khi được xử lý nên được dự trữ trong dụng cụ sạch, có nắp đậy.

Nếu giếng khoan của gia đình bị ngập thì sau khi nước rút gia đình cần làm vệ sinh bùn đất, rác bám trên bơm, sàn giếng khoan. Sau đó bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi, sau đó có thể sử dụng được.

Bên cạnh nguồn nước, theo TS Cường, vệ sinh môi trường sống cũng là một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện:

- Ngay khi nước rút, các gia đình cần làm vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường, đẩy hết bùn đất ra khỏi nhà, sân, đường đi theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, vì nếu không làm kịp thời thì bùn, phù sa sẽ cứng lại và khó làm sạch.

Nhiều dịch bệnh rình rập sau mưa lũ: Người dân cần làm gì? - 8

Ngay sau khi nước rút cần ưu tiên vệ sinh môi trường

- Thu gom các loại rác thải bị ngập tràn, cho vào túi nilon buộc kín, vận chuyển tập kết đến nơi quy định để vận chuyển đi xử lý. Nếu rác tồn đọng quá nhiều, không kịp vận chuyển đi xử lý theo quy định thì cần phun hoá chất khử trùng hoặc rắc vôi bột, che phủ bạt tạm thời.

- Thu gom xác súc vật chết theo hướng dẫn để đem đi chôn, tiêu huỷ và khử trùng tẩy uế ngay theo quy định.

- Phát quang bụi rậm, khơi thông các cống rãnh tránh đọng nước. Đồng thời, kiểm tra các bể, dụng cụ chứa nước, cần có nắp đậy kín không cho muỗi đẻ trứng.