DNews

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, cẩn thận là trách nhiệm của mọi người nhưng sự cố vẫn có thể xảy ra. Bà nhấn mạnh, các vụ ngộ độc cấp tính không phải vấn đề đáng lo ngại nhất.

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì?

Những ngày tháng 3, TPHCM và một số địa phương ghi nhận các vụ nghi ngờ ngộ độc, khiến nhiều người nhập viện. Trong đó, đã có trường hợp tử vong sau khi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy, vì biến chứng rất nặng ở não và nội tạng sau khi uống rượu.

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Dù các sự việc đang được cơ quan chức năng điều tra và chưa có kết luận cuối cùng, nhưng điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ các vụ ngộ độc sẽ tiếp tục diễn ra, trong bối cảnh TPHCM và khu vực phía Nam bước vào giai đoạn nắng nóng, chuyển mùa.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, xoay quanh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc, bảo vệ sức khỏe người dân trong tình hình hiện tại.

Nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc ở TPHCM

Thưa bà, chỉ trong ít ngày, đã có 2 vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể liên quan đến học sinh tại các trường học ở TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh xảy ra. Phải chăng, TPHCM đang có nhiều nguy cơ mất ATTP?

- Với 2 vụ việc nghi ngờ ngộ độc xảy ra ở hệ thống trường Tuệ Đức (TP Thủ Đức) và trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) vừa qua, quy mô nạn nhân tương đối đông (mỗi vụ hơn 30 người). Riêng vụ của trường Tân Túc, chúng tôi ghi nhận ngoài học sinh còn có giáo viên và lái xe phải vào viện cấp cứu.

May mắn sau khi đưa đi điều trị ngay, các em đã cải thiện sức khỏe. Song song đó, chúng tôi cũng tiến hành ngay các bước xử lý, điều tra, giám sát theo quy định, như điều tra dịch tễ, tìm bữa ăn nghi ngờ, phát bảng hỏi để nắm mức độ triệu chứng của các nạn nhân, làm việc với cơ sở cung cấp thực phẩm…

Các mẫu thức ăn cũng được chúng tôi gửi đi kiểm nghiệm tại Viện Y tế công cộng TPHCM và Viện Pasteur TPHCM, hiện trong thời gian chờ kết quả, trước khi kết luận có hay không việc ngộ độc thực phẩm.

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 2

Các học sinh trường THCS Tân Túc (huyện Bình Chánh) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện quận 11 ngày 29/3 (Ảnh: DT).

Chúng tôi đánh giá các em học sinh là đối tượng nhạy cảm và rất nguy hiểm khi sự việc xảy ra. Những năm gần đây, Sở An toàn thực phẩm TPHCM đã tiến hành rất nhiều hoạt động đề phòng ngộ độc trong môi trường trường học.

Tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM từ công lập đến ngoài công lập đều được các đội quản lý an toàn thực phẩm kiểm tra định kỳ, kiểm soát theo địa bàn. Thời điểm hè, chúng tôi cũng tận dụng để tổ chức tập huấn cho hiệu trưởng, các thầy cô hay các bếp trưởng.

Cẩn thận là trách nhiệm của chúng ta, nhưng phải khẳng định rằng sự cố vẫn có thể xảy ra. Hiện nay, TPHCM đang bước vào tháng rất nóng, giai đoạn chuyển mùa, vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở. Nếu chúng ta lơ là, mất cảnh giác dù chỉ một phút, các sự việc ngộ độc hoàn toàn có thể xuất hiện.

Ngoài ngộ độc thực phẩm, vừa qua có nhóm khách du lịch ở Tiền Giang phải đi cấp cứu, thậm chí một người trong số đó đã không qua khỏi, sau khi uống loại "rượu trái cây" chứa cồn công nghiệp. Dù sự việc trên không xảy ra ở TPHCM, nhưng bà đánh giá khả năng xảy ra ngộ độc rượu methanol ở thành phố hiện nay thế nào?

- Theo tôi, nguy cơ ngộ độc rượu ở TPHCM vẫn lớn. Việc pha chế cồn công nghiệp có chứa methanol, cũng như sử dụng men rượu không đảm bảo trước đây xảy ra khá nhiều ở các tỉnh phía Bắc. TPHCM rộ lên việc này từ thời điểm dịch Covid-19. Tôi đánh giá có một số nguyên nhân.

Thứ nhất, do người dân nghèo nên không lựa chọn sản phẩm có uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, hay người nấu rượu tận dụng cồn công nghiệp làm rượu cho rẻ.

Thứ hai là lượng cồn y tế sau dịch còn nhiều và rất khó kiểm soát. Đã có những trường hợp kém hiểu biết, phục vụ bàn lấy ngay chai cồn rửa tay pha vào rượu uống, gây hậu quả về nhân mạng.

Thứ ba, do thói quen nhậu nhẹt thích giao lưu của người Việt. Chỉ cần có men vào thì ai mời gì, xách gì đến cũng cụng ly, cũng uống hết mà không kiểm tra nguồn gốc rượu.

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 3
Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 4

Những trường hợp ngộ độc rượu từng được điều trị ở TPHCM (Ảnh: BV).

Thứ tư, khó khăn trong kiểm soát rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp bán nhỏ lẻ ở các tiệm tạp hóa hay bán qua mạng, khi rất khó phân biệt giữa ethanol và methanol bằng mắt thường.

Thứ năm, việc bất hợp tác của nạn nhân. Nhiều người dù ngộ độc nhất quyết không khai ra rượu mua ở đâu, nhậu với ai. Có trường hợp nặng quá khi tỉnh không còn nhớ gì. Ngoài ra, việc xác minh nguồn gốc rượu cũng khó khăn, phức tạp, nhiều vụ có tính chất liên tỉnh…

Những ngày qua, việc ngành Công an đẩy mạnh việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng góp phần làm giảm ngộ độc rượu vì giảm người uống. Nhưng phòng chống ngộ độc methanol vẫn là một bài toán khó.

Chúng tôi đã đề xuất ngành Công thương cần quy định cho chất chỉ thị màu đậm hơn vào cồn công nghiệp, cồn y tế, để người dân dễ phân biệt với rượu bình thường.

Điều đáng lo ngại nhất

TPHCM là địa phương thường xuyên diễn ra các lễ hội ẩm thực, gần nhất có lễ hội bánh mì Việt Nam thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tham dự. Các lễ hội đều cho biết có sự phối hợp với Sở ATTP TPHCM trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Việc phối hợp này diễn ra thế nào, thưa bà?

- Đôi khi ta thấy sự "nghịch lý", khi lễ hội bánh mì hay một sự kiện ẩm thực có hàng trăm nghìn khách đến tham dự, lại không có trường hợp ngộ độc nào xảy ra.

Nhưng thực chất, trong lễ hội, Sở ATTP TPHCM và ban tổ chức đã thắt chặt kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, luôn sử dụng bánh mì tươi mới, không để qua đêm. Mặt khác, có thể khách đến vui chơi, du lịch là đối tượng có sức khỏe tốt, nên nguy cơ xảy ra ngộ độc cũng thấp hơn so với học sinh…

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 5
Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 6

Học sinh và trẻ em là đối tượng nhạy cảm và nhiều nguy cơ khi xảy ra ngộ độc (Ảnh: BV).

Tất cả các lễ hội lớn cấp thành phố đều có người của Sở ATTP trực tiếp tiến hành các bước kiểm soát vệ sinh ATTP chặt chẽ. Bước đầu tiên là kiểm tra về mặt pháp lý của các cơ sở tham gia lễ hội, về giấy phép bảo đảm ATTP; các nguồn nguyên liệu chế biến phải có hóa đơn, chứng từ xuất xứ rõ ràng và được lấy mẫu kiểm tra.

Ngoài ra, suốt quá trình diễn ra lễ hội, chúng tôi thường xuyên giám sát, xem có sự cố nào xảy ra hay không. Ngoài lễ hội, chúng tôi còn phải đảm bảo an toàn cho tất cả các đoàn từ nhiều tỉnh thành, các cơ quan ngoại giao đến TPHCM và có hoạt động giao lưu, ăn uống. Với những lễ hội ở cấp độ nhỏ hơn, các quận huyện cũng phải ra quân kiểm soát.

Đến giờ phút này, với kinh nghiệm tổ chức các lễ hội, chúng tôi chưa thấy xảy ra những sự cố nào nghiêm trọng về ATTP.

Nhưng ngộ độc thực phẩm cấp tính, hay chuyện đau bụng đột ngột, nghi ngờ ngộ độc tập thể không phải điều đáng lo nhất. Những sự việc này ít ra chúng ta cũng "sờ", "nhìn" thấy được để tiến hành giải quyết, và đa số xuất phát từ việc bảo quản thức ăn không đúng cách, để thực phẩm lâu ngày trong tủ lạnh gây hư hỏng, nhiễm khuẩn, hay vấn đề lây nhiễm chéo…

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 7

Đông đảo du khách đến lễ hội bánh mì Việt Nam lần 3 (Ảnh: Khánh An).

Cái tôi lo ngại nhất là "ngộ độc trường diễn", khi chất độc tích tụ thời gian dài trong cơ thể người lâu năm mới bùng phát ra bệnh tật, làm yếu đi sức khỏe của cả cộng đồng, gây suy giảm tuổi thọ. Chuyện này không quy được trách nhiệm cho ai, vì hiện giờ chúng ta có làm công tác đảm bảo ATTP tốt hay không, phải hàng chục năm sau mới trả lời được.

Qua những phân tích đã nêu, xin bà cho biết cơ quan chức năng và người dân cần làm gì ngay lúc này để bảo vệ sức khỏe con em mình khỏi nguy cơ thức ăn bẩn len lỏi vào học đường và cuộc sống?

- Ngày 15/4 tới đây, chúng tôi sẽ phát động tháng hành động vì ATTP, như một sự nhắc nhở cộng đồng, với trọng tâm chính là việc đảm bảo an toàn cho các bếp ăn tập thể, nơi cung cấp dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.

Ngoài tháng cao điểm, xuyên suốt hàng năm chúng tôi tăng cường 2 việc: Chống thực phẩm bẩn và xây thực phẩm sạch. Lực lượng thanh tra được bố trí tận các quận huyện, tăng cường việc kiểm tra giám sát và xử phạt, cả định kỳ lẫn đột xuất.

Chúng tôi không chỉ tập trung vào các nguyên liệu ban đầu, nông sản, thịt cá ở các chợ đầu mối, mà còn giám sát nguy cơ trên toàn địa bàn, với số lượng mẫu lấy ngày càng nhiều.

Kế đến, chúng tôi cũng không quên làm sao để nâng cao chất lượng thực phẩm từ đầu nguồn, tạo ra các xúc tiến thương mại, để tăng cường thực phẩm sạch vào thị trường.

Liên tục có vụ nghi ngộ độc: Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM nói gì? - 8

Bà Phạm Khánh Phong Lan trong một lần đi kiểm tra thực phẩm ở các chợ đầu mối (Ảnh: NT).

Cẩn thận và đề phòng hết rồi, nhưng nếu chẳng may có ngộ độc thì chúng ta phải giải quyết, vì đó là cuộc sống. Như tôi đã khẳng định, không thể nói cứ đề phòng hết rồi thì ngộ độc không xảy ra.

Chúng tôi mong phụ huynh thấy con có triệu chứng bất thường hoặc nơi xảy ra sự việc nghi ngờ mất ATTP cần báo ngay cho cơ quan chức năng, để chúng tôi phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, tránh những hậu quả lớn hơn.

Trong khả năng và thẩm quyền của mình, chúng tôi liên tục kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở việc đảm bảo ATTP. Nhưng rất cần có thêm ý thức tự giác của chính đơn vị sản xuất và sự giám sát của cộng đồng xung quanh.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Tổ chức 5 Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP 10 địa phương

Ngày 31/3, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương sẽ tổ chức 5 Đoàn kiểm tra liên ngành trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm Trung ương giao các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức 5 đoàn kiểm tra liên ngành tại 10 tỉnh, thành phố.

Trong đó, Đoàn số 1 do Cục An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công An) và một số đơn vị tiến hành kiểm tra tại TPHCM và Bình Phước; Đoàn số 2 kiểm tra tại 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị; Đoàn số 3 kiểm tra tại Hà Nội và Bắc Giang; Đoàn số 4 kiểm tra tại Ninh Thuận, Bình Thuận; Đoàn số 5 kiểm tra tại Điện Biên và Lai Châu.

Bên cạnh 5 Đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương giao các đơn vị chức năng thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.