DMagazine

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt

(Dân trí) - Lên giường lúc 23h sau một ngày làm việc bận rộn, Thương, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội tiếp tục nằm lướt điện thoại như một "thủ tục".

Lên giường lúc 23h sau một ngày làm việc bận rộn, Thương, 26 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội tiếp tục nằm lướt điện thoại như một "thủ tục".

Cứ thế, giấc ngủ vốn đã ít ỏi của cô gái trẻ này lại bị Tiktok, Facebook… "ăn bớt" thêm 2 giờ đồng hồ.

"Mỗi khi lên giường tôi thường dự tính chỉ nghịch điện thoại khoảng 30 phút nhưng mục tiêu này hầu như chưa khi nào đạt được. Tôi bị cuốn theo các nội dung liên tục cập nhật trên mạng xã hội, phải đến khi mắt thật nhức mỏi tôi mới dừng lại để ngủ. Khoảng thời gian này phải mất 1,5 - 2 giờ đồng hồ", Thương kể.

Thương cho biết thêm, gần như cô không thể tự đi vào giấc ngủ nếu không lướt mạng hay xem phim. Trung bình mỗi ngày, Thương chỉ ngủ được khoảng 5 - 6 tiếng, cô còn hay bị thức giấc giữa đêm vào khoảng 3h sáng và phải mất 30 phút nằm thao thức mới có thể ngủ lại.

Chưa đến 30 tuổi, cô gái trẻ này đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: Cơ thể uể oải sau khi thức giấc, đau nửa đầu, hay quên.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 1

Thừa nhận rằng, bản thân biết việc "nghiện máy" là nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề của mình, thế nhưng cô gái trẻ nhiều lần thất bại trong việc cai thói quen thiếu lành mạnh này.

Theo báo cáo về "Thị trường ứng dụng di động 2021" do Appota phát hành, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó có 64% các thuê bao đã kết nối 3G và 4G.

Tỷ lệ dân số sử dụng internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ dành 3 giờ 18 phút để sử dụng internet qua di động.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 3

Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân đến khám vì bị mất ngủ. Con số này tăng cao hơn hẳn so với 2 năm trước đây.

Theo BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, các bệnh nhân tiếp nhận ở mọi lứa tuổi nhưng có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. 

Đáng chú ý, theo chuyên gia này, nghiện công nghệ đang trở thành một nguyên nhân ngày càng phổ biến gây mất ngủ và nặng hơn là các vấn đề về thần kinh.

"Nhiều bệnh nhân mà chúng tôi tiếp nhận bị mất ngủ xuất phát từ việc lạm dụng điện thoại, máy tính bảng, tivi. Đặc biệt tình trạng này gặp ở chị em phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 5

Một thói quen chung của hầu hết các ca bệnh là lên giường vẫn chưa chịu ngủ ngay mà phải tiếp tục xem điện thoại", BS Phúc cho hay.

Hiện tại, theo chuyên gia này, Khoa Thần kinh đang quản lý điều trị cho hơn 10 trường hợp mất ngủ là học sinh, sinh viên, đều có tiền sử nghiện đồ công nghệ.

Không chỉ dừng lại ở giới trẻ, đồ công nghệ cũng đang "đánh cắp" giấc ngủ của nhiều người ở độ tuổi trung niên, người già.

Đến phòng khám thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng nhớ nhớ, quên quên, mệt mỏi, đau đầu và mất ngủ trầm trọng, bà Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) bất ngờ trước kết luận của bác sĩ.

Người phụ nữ sống tại Long Biên (Hà Nội) được bác sĩ cho biết điện thoại là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề sức khỏe của mình.

"Ở nhà không có việc gì làm, tôi hay xem điện thoại cho đỡ chán. Mỗi khi cãi nhau với chồng xong cũng xem điện thoại cho thần kinh đỡ căng thẳng", bà Hoa cho hay. 

"Trước đây tôi ngủ dễ lắm, cứ đặt lưng xuống vài mươi phút là ngáy nhưng một năm trở lại đây, việc đi ngủ với tôi như một cực hình. Thỉnh thoảng mấy hôm liên tiếp tôi bị mất ngủ, có hôm 2 - 3h mới ngủ được", bà nói.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 7

Qua thăm khám, BS Phúc xác định các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là cơn đau đầu âm ỉ, cảm giác bó chặt đầu của bà Hoa xuất phát từ việc chất lượng giấc ngủ kém.

"Cơn đau đầu của bệnh nhân có đặc điểm là đau âm ỉ, cảm giác bó chặt đầu. Đây là đau đầu kiểu căng thẳng hoặc do ngủ kém, thiếu ngủ", BS Phúc phân tích.

Đến phòng khám với triệu chứng tương tự bà Hoa, ông Nguyễn Văn Thành, 50 tuổi, sống tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết việc mất ngủ do xem máy nhiều với ông như một vòng luẩn quẩn.

"Tôi hay xem tivi và điện thoại dẫn đến vào giấc ngủ rất khó. Khi ngủ được rồi thì vài chục phút lại bị tỉnh, có khi thức trắng cả đêm. Những đêm không ngủ được, lại xem điện thoại cho đỡ chán, xem đến khi mắt mỏi quá rồi lại chợp mắt được thêm một chút", ông Thành cho hay.

Bệnh nhân này cũng chia sẻ thêm rằng, việc xem điện thoại cũng không hề có chủ đích, chỉ đơn giản là lướt Facebook, có gì xem nấy nhưng lại gây nghiện và rất khó cai.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 9

Theo BS Phúc, nghiện đồ công nghệ dẫn tới giấc ngủ kém và gây hậu quả là mất ngủ.

Đáng nói đồ công nghệ không chỉ "đánh cắp" thời lượng của giấc ngủ mà còn khiến chất lượng của giấc ngủ bị suy giảm đáng kể.

"Tôi thường tư vấn cho bệnh nhân đến 21h là phải cách ly những thứ liên quan đến công nghệ như máy tính, điện thoại. Sau khung giờ này, chúng ta vẫn còn xem một bộ phim hay lướt mạng sẽ khiến thần kinh bị kích thích dẫn đến khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc.

Hay như việc khi đi ngủ đặt điện thoại gần người, những tin nhắn, thông báo từ ứng dụng nổi lên xuyên đêm gây gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ", BS Phúc phân tích.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện của con người. Giấc ngủ đủ giờ và đủ chất lượng có thể giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung, giảm stress và lo âu, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh tăng huyết áp.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 11

Nếu không có đủ giấc ngủ, cơ thể sẽ không được phục hồi và tái tạo đủ năng lượng. Điều này có thể gây mệt mỏi, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể và não bộ.

"Mới đầu bệnh nhân chỉ đơn giản là bị mất ngủ nhưng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là hệ thần kinh như: trí nhớ giảm, cơ thể uể oải, mệt mỏi, độ tập trung giảm, thậm chí là ảnh hưởng đến chức năng sinh lý. 

Những vấn đề này tác động lớn đến đời sống, quá trình học tập và làm việc của bệnh nhân", BS Phúc cho hay.

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 13

Đối với người bị mất ngủ, theo BS Phúc, điều quan trọng nhất là cần được khám tư vấn bởi bác sĩ kịp thời để tìm nguyên nhân, khi bệnh chỉ mới ở giai đoạn đầu.

"Một giấc ngủ ngon là phải đảm bảo sảng khoái và thoải mái khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau. Nếu ngủ dậy mà người mệt mỏi, uể oải hoặc khi ngủ bị mơ nhiều, ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ thì chứng tỏ giấc ngủ đó không tốt.

Điều quan trọng nhất của bệnh nhân mất ngủ là phải biết được nguyên nhân để được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt rồi sau đó dùng thuốc thì mới hiệu quả. 

Do đó, khi thấy mất ngủ từ 3 ngày trở lên trong một tuần và kéo dài trong ít nhất một tháng là đã cần đến bệnh viện để thăm khám", BS Phúc phân tích.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động là hầu hết các bệnh nhân mà khoa Thần kinh tiếp nhận đã ở giai đoạn muộn. 

Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt - 15

Cụ thể, khi các vấn đề thần kinh liên quan đến ngủ kém như: hay quên, đau đầu, mệt mỏi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, bệnh nhân mới quyết định đi khám. Lúc này việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, kém hiệu quả hơn.

Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân đi khám muộn, chuyên gia này phân tích, xuất phát từ thói quen mua thuốc như… mua rau của nhiều người Việt.

"Nhiều người có thói quen khi đau ốm sẽ ra hiệu thuốc để mua trực tiếp, thay vì thăm khám. Trong khi đó, trình dược viên không có chuyên môn không thể kê thuốc đúng để giải quyết tình trạng mất ngủ của bệnh nhân", BS Phúc phân tích.

Với các trường hợp bị mất ngủ, bác sĩ phải khai thác tiền sử của bệnh nhân, sau đó xem xét thực hiện thêm các kỹ thuật thăm khám khác để biết nhịp tim ra sao, tần số thở thế nào… thì mới có thể đưa ra chẩn đoán chắc chắn về nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ.

Biết được nguyên nhân cũng như các chỉ số khác của bệnh nhân thì bác sĩ mới có thể tư vấn về sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng cũng như cách dùng thuốc cho bệnh nhân hiệu quả và an toàn.

Nội dung: Minh Nhật

Ảnh: Mạnh Quân

Thiết kế: Tuấn Huy