Người phụ nữ "hóa đá" với chồng chỉ vì… mất ngủ

Minh Nhật

(Dân trí) - Từ khi bị mất ngủ, chị cũng mất dần hứng thú trong chuyện sinh hoạt vợ chồng. Tình trạng này càng ngày càng diễn biến nặng hơn. Thậm chí một vài tháng gần đây hai vợ chồng chị không sinh hoạt.

Hết ham muốn chỉ vì mất ngủ

Đến Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám trong tình trạng mệt mỏi, lo âu, chị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, sống tại Hà Nội cho biết, nhiều tháng trở lại đây mình bị mất ngủ trầm trọng.

Người phụ nữ hóa đá với chồng chỉ vì… mất ngủ - 1

Một bệnh nhân điều trị tình trạng mất ngủ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Ảnh: Mạnh Quân).

"Buổi đêm tôi rất khó vào giấc, nằm trằn trọc đến 2 - 3h mới thiếp đi được. Thế nhưng chỉ vài ba tiếng sau tôi lại bị tỉnh giấc. Thậm chí nhiều hôm gần như chẳng ngủ được tí nào", chị Hoa cho hay.

Việc mất ngủ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và công việc của người phụ nữ này.

"Ngày nào tôi cũng trong tình trạng mệt mỏi, ủ rũ và cạn kiệt năng lượng. Thời gian gần đây còn xuất hiện triệu chứng đau đầu. Đầu óc nhớ nhớ, quên quên lại rất khó tập trung nên ảnh hưởng rất lớn đến hiệu suất làm việc", chị Hoa kể.

Đáng chú ý, theo người phụ nữ này, từ khi bị mất ngủ, chị cũng mất dần hứng thú trong chuyện sinh hoạt vợ chồng. Tình trạng này càng ngày càng diễn biến nặng hơn. Thậm chí một vài tháng gần đây hai vợ chồng không sinh hoạt.

Trẻ hóa tình trạng mất ngủ 

Chị Hoa là một bệnh nhân được BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trực tiếp thăm khám và điều trị mới đây.

Theo BS Phúc, việc mất ngủ có thể dẫn đến các hậu quả như giảm trí nhớ, mệt mỏi, uể oải, độ tập trung giảm và đặc biệt như trường hợp của nữ bệnh nhân này là giảm nhu cầu sinh lý.

Người phụ nữ hóa đá với chồng chỉ vì… mất ngủ - 2

BSCKII Đoàn Văn Phúc - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Ảnh: Mạnh Quân).

"Trường hợp bệnh nhân này nhu cầu sinh lý bị giảm nhiều do mất ngủ kéo dài. Biểu hiện đặc trưng là giảm nhu cầu tình dục, không còn ham muốn hay cảm giác với chồng. Sinh lý giảm ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc gia đình và gây ra hệ lụy kéo dài", BS Phúc phân tích.

Cũng theo chuyên gia này, trường hợp bệnh nhân kể trên đến viện thăm khám khi tình trạng mất ngủ diễn ra trong thời gian dài và diễn biến nặng. Do đó, việc điều trị sẽ phức tạp hơn so với khi bệnh nhân đến khám sớm.

Người phụ nữ "hóa đá" với chồng chỉ vì… mất ngủ (Video: Minh Nhật).

"Với trường hợp mất ngủ lâu chúng tôi phải tìm nguyên nhân, điều chỉnh thuốc dần, không thể chữa khỏi hoàn toàn trong ngày một ngày hai", BS Phúc cho hay.

Cũng theo BS Phúc, tình trạng người dân bị mất ngủ đang ngày càng trở nên phổ biến. Số lượng bệnh nhân mất ngủ xu hướng 1 - 2 năm nay nhiều lên đột biến ở mọi lứa tuổi, nhưng gần đây trẻ hóa dần.

Người phụ nữ hóa đá với chồng chỉ vì… mất ngủ - 3

Bệnh nhân mất ngủ gia tăng ở mọi độ tuổi (Ảnh: Mạnh Quân).

Đáng chú ý, nhiều trường hợp mất ngủ đến khám được xác định căn nguyên do chính những áp lực công việc. Những trường hợp này gặp chủ yếu ở dân công sở. Bên cạnh đó, một trong những căn nguyên gây mất ngủ hay gặp và đang ngày càng trở nên phổ biến, theo BS Phúc, là do lạm dụng đồ công nghệ.

Người phụ nữ hóa đá với chồng chỉ vì… mất ngủ - 4

Đồ công nghệ là một trong những thủ phạm gây mất ngủ thường gặp (Ảnh: Mạnh Quân).

"Trường hợp này gặp ở chị em phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nhiều người sau khi lên giường vẫn lướt web thêm một vài tiếng mới ngủ. Trong khi ngủ vẫn để điện thoại gần người và không tắt âm thanh, thông báo.

Những trường hợp này được tính vào vệ sinh giấc ngủ kém dẫn đến hậu quả là mất ngủ", BS Phúc chỉ rõ.

Cũng như trường hợp bệnh nhân Hoa, theo BS Phúc, đa phần người đến khám vì mất ngủ thường đã để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài. Đến khi mất ngủ sinh ra các vấn đề phức tạp hơn như: mệt mỏi, uể oải, mất tập trung thì bệnh nhân mới đến viện khám.

Đối với người bị mất ngủ, theo BS Phúc, điều quan trọng nhất là cần được tư vấn bởi bác sĩ kịp thời, khi bệnh chỉ mới ở giai đoạn đầu.

"Một giấc ngủ ngon là phải đảm bảo sảng khoái và thoải mái khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau. Nếu ngủ dậy mà người mệt mỏi, uể oải hoặc khi ngủ bị mơ nhiều, ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ thì chứng tỏ giấc ngủ đó không tốt.

Điều quan trọng nhất của bệnh nhân mất ngủ là phải được tư vấn, điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt rồi sau đó dùng thuốc thì mới hiệu quả. Do đó, khi thấy mất ngủ từ 3 ngày trở lên trong một tuần và kéo dài trong ít nhất một tháng là đã cần đến bệnh viện để thăm khám", BS Phúc phân tích.