DMagazine

"Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" của những đoàn quân vào tâm dịch

(Dân trí) - Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người tiếp theo, trưởng đoàn chi viện giật mình khi phát hiện một sinh viên của mình ở bàn lấy mẫu cạnh đó bị sốc nhiệt.

Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người tiếp theo, trưởng đoàn chi viện giật mình khi phát hiện một sinh viên của mình ở bàn lấy mẫu cạnh đó bị sốc nhiệt.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 1

Kiểm tra lần cuối "quân số" của đoàn, TS Đỗ Nam Khánh - Bí thư đoàn Trường Đại học Y Hà Nội, thông báo tài xế cho xe khởi hành. Đây là lần thứ 3 chỉ trong một tháng vừa qua, TS Khánh phụ trách đưa lực lượng tình nguyện của Đại học Y Hà Nội chi viện cho "điểm nóng" Bắc Ninh.

Các sinh viên Y học dự phòng năm thứ 4 và thứ 5 là lực lượng chủ lực trong đoàn, bên cạnh đó là một số bác sĩ nội trú và giảng viên của trường.

Với TS Khánh, mỗi lần "chuyển quân" lại mang đến cho anh một cảm xúc đặc biệt.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 2

"Cảm nhận rõ nhất trong mỗi chuyến xe chính là sự hăng hái của những chiến binh trẻ sắp sửa được dùng kiến thức mà mình đã được đào tạo để phục vụ cho cuộc chiến chống dịch của cả nước. Ai cũng mang trong mình niềm tự hào, khi là người được chọn trong số hàng trăm sinh viên, giảng viên của trường đã viết đơn tình nguyện lên đường", TS Khánh chia sẻ.

Từ tháng 1 năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Đại học Y Hà Nội đã bắt đầu triển khai các khóa đào tạo cho sinh viên, bác sĩ nội trú, học viên sau đại học để có thể lên đường chi viện cho các điểm nóng của dịch bất cứ lúc nào. Trong đợt dịch lần này, Đại học Y Hà Nội, trước mắt, tập trung hỗ trợ cho tỉnh Bắc Ninh, nơi chỉ xếp sau tâm dịch Bắc Giang về số ca Covid-19.

Với  49 "blouse trắng" được bổ sung trong đợt này, quân số lực lượng tình nguyện của Đại học Y Hà Nội trực chiến tại Bắc Ninh được nâng lên 150 người.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 4

TS Khánh chia sẻ: "Nơi đâu ở Bắc Ninh tình hình dịch "nóng" nhất, thì nơi đó lực lượng của chúng tôi có mặt. Hiện tại, 150 sinh viên, giảng viên được phân bổ đi khắp 5 khu vực trọng điểm là Bắc Ninh, Yên Phong, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ. Trong đó, thành phố Bắc Ninh là nơi tập trung lực lượng đông nhất, với 50 người".

Tại các điểm nóng này, lực lượng chi viện sẽ tham gia vào 3 nhiệm vụ chính là truy vết dịch tễ, lấy mẫu, làm việc trong các labo xét nghiệm PCR cho CDC Bắc Ninh. Bên cạnh đó, tại một số huyện họ sẽ còn tham gia hỗ trợ tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Với nhiệm vụ kết nối nguồn nhân lực giữa Bắc Ninh và Hà Nội, cùng với đó là tập huấn cho lực lượng tại địa phương, hơn một tháng qua, những chuyến công tác Hà Nội - Bắc Ninh với TS Khánh cũng là chuyện cơm bữa.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 6

Chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người tiếp theo, ThS Tạ Hồng Hải Đăng, Giảng viên Khoa Kỹ thuật Y học, giật mình khi phát hiện một sinh viên của mình ở bàn lấy mẫu cạnh đó bị sốc nhiệt.

Sau khi đảm bảo rằng sức khỏe của sinh viên này đã ổn định, ThS Đăng nhanh chóng bố trí nhân lực thay thế vị trí bị khuyết, rồi tiếp tục quay trở lại với nhiệm vụ của mình.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 7

Cái nóng oi bức của mùa hè cộng hưởng với sự ngột ngạt của bộ quần áo phòng hộ trùm kín người trở thành thứ bào mòn nhanh chóng sức lực của lực lượng lấy mẫu.

Không riêng gì nữ sinh viên kia, chính trong lúc này, ThS Đăng cùng các đồng đội cũng đang phải gồng mình hết sức để không bị "quật ngã" và đảm bảo sự tỉnh táo cho nhiệm vụ.

"Mọi người trong đoàn liệu có thể trụ vững đến khi hoàn thành nhiệm vụ hay không?", nỗi lo lớn dần trong đầu trưởng đoàn chi viện Bắc Ninh đợt 3 của Đại học Y Hà Nội, khi nhìn sang hàng trăm người vẫn đang xếp hàng trong khu vực chờ lấy mẫu.

"Trước khi lên đây, chúng tôi đều đã được tập huấn rất kỹ nhưng thực tế khốc liệt hơn rất nhiều. Khối lượng công việc là rất lớn, thời gian làm việc trong bộ đồ phòng hộ kéo dài, thời tiết cực đoan là những thử thách mà chúng tôi phải cố gắng hơn 100% công suất để có thể vượt qua", ThS Đăng chia sẻ.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 9

Kết thúc ngày làm việc, thông tin từ Sở Y tế Bắc Ninh, lực lượng chi viện của Đại học Y Hà Nội có tất cả 6 sinh viên có biểu hiện sốc nhiệt.

Đã hơn nửa tháng trời tham gia chống dịch tại Bắc Ninh nhưng những ký ức của cái ngày vừa "chân ướt, chân ráo" lên đây, vẫn in đậm trong tâm trí của giảng viên trẻ này.

Ăn vội cơm tối từ 4h chiều, chỉ 30 phút sau cả đoàn cùng lên đường đến địa điểm thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu như trong bản kế hoạch được gửi về trước đó vài tiếng. Thời điểm hoàn thành công việc trở về phòng nghỉ cũng là lúc cả thành phố đã ngủ say. Đó là những "đêm trắng" quen thuộc suốt những ngày chi viện tâm dịch vừa qua của lực lượng Đại học Y Hà Nội được phân công nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm.

ThS Đăng kể: "Đội lấy mẫu được điều chỉnh thời gian làm việc để giảm gánh nặng từ thời tiết. Chúng tôi thường bắt đầu ca làm việc từ 4h30 chiều và kết thúc lúc 11-12h đêm. Một ca như vậy, mỗi thành viên trong đội sẽ lấy mẫu cho khoảng 400 người. Thậm chí, có những hôm khối lượng công việc tăng lên gấp rưỡi. Sau mỗi buổi làm việc, dù rất mệt nhưng toàn đội vẫn sẽ tổ chức họp tổng kết kinh nghiệm và nhìn nhận về những vấn đề phát sinh ngày hôm đấy".

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 11

"Điều vui mừng nhất là đến ngày hôm nay, cả đoàn đều đã quen với nhịp độ công việc và sẵn sàng cho một cuộc chiến dài hơi với giặc Covid-19", anh cười.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 13

Cách vị trí của ThS Đăng chỉ hơn 10km, sinh viên năm thứ 5, khoa Y học dự phòng Nguyễn Đức Bình cùng 9 sinh viên/bác sĩ nội trú của Đại học Y Hà Nội cũng đang căng mình làm nhiệm vụ hỗ trợ tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho người dân ở huyện Tiên Du.

Trái ngược với nhóm lấy mẫu, Bình và các đồng đội bắt đầu nhiệm vụ của mình từ 7h30 sáng.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 14

"Lực lượng chúng tôi có 6 người tham gia vào công tác khám sàng lọc sức khỏe cho người dân trước khi tiêm, 2 người tiếp đón và 2 người làm nhiệm vụ theo dõi sau tiêm", Bình chia sẻ.

Những ngày trời nắng, chỉ mới giữa ca làm, Bình và các đồng đội đã ướt đẫm mồ hôi. Việc mất nước cũng khiến họ xuống sức thấy rõ. Bình nói vui: "Hôm nào trời dịu mát là cả đội mừng như được mùa, bởi chỉ cần không nóng là gánh nặng công việc như được giảm đi một nửa".

"Ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" là cách mà cậu sinh viên này mô tả về cuộc sống của mình và các bạn trong những ngày chống dịch vừa qua.

"Trong ca làm việc, khoảng thời gian chuyển tiếp giữa các đoàn đến tiêm chủng, cũng là lúc chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi, tiếp nước. Dù chỉ là 10-15 phút nhưng với hoàn cảnh lúc này thế là quá đủ. Bữa trưa, mọi người cũng cố gắng ăn nhanh nhất có thể để có thêm thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào ca làm việc buổi chiều bắt đầu từ 13h30", Bình kể.

Từ một cậu sinh viên y khoa chỉ biết học, còn mọi việc đều có bố mẹ lo vì nhà ở ngay Hà Nội, nay lại xa nhà vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa phải tự lo mọi mặt, hơn 15 ngày vừa qua là một trải nghiệm khó quên với Nguyễn Đức Bình.

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 16

Đó là cuộc sống tự lập mới mẻ, nhịp sinh hoạt gấp gáp của "thời chiến", những niềm vui trong giờ nghỉ với bạn bè và cả những ngày lo nơm nớp khi biết ở điểm tiêm chủng khác phát hiện ca Covid-19 trong quá trình khám sàng lọc.

Chàng bác sĩ tương lai nói với giọng đầy lạc quan: "Những thử thách vừa qua đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Chuyến đi này là hành trang quý giá đối với những sinh viên sắp rời giảng đường đại học để chính thức bước vào nghề y như chúng tôi".

Đêm trắng, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương của những đoàn quân vào tâm dịch - 18

Theo TS Đỗ Nam Khánh, trong tất cả công văn quyết định cử lực lượng lên đường chi viện Bắc Ninh của Đại học Y Hà Nội chỉ có điền ngày đi mà không hề có thông tin ngày về.

Cứ sau mỗi 15 ngày, các sinh viên, giảng viên có thể viết nguyện vọng muốn ở lại tiếp tục chống dịch hay trở về Hà Nội.

Nhiệm vụ khó khăn, vất vả là vậy nhưng đã có rất nhiều blouse trắng xin tình nguyện ở lại hỗ trợ địa phương, và những chiến binh trẻ này cùng hẹn chung một ngày trở về: Khi dịch bệnh kết thúc.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Khương Hiền - MS