DMagazine

CDC Hoa Kỳ chỉ ra "vũ khí" quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19

(Dân trí) - Các đợt tăng và giảm số ca nhiễm Covid-19 đều đã được dự kiến. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ tiếp tục coi Covid-19 là một mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cần nâng cao cảnh giác và cẩn trọng.

CDC HOA KỲ CHỈ RA "VŨ KHÍ" QUAN TRỌNG ĐỂ VIỆT NAM KIỂM SOÁT COVID-19

Các đợt tăng và giảm số ca nhiễm Covid-19 đều đã được dự kiến. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ tiếp tục coi Covid-19 là một mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cần nâng cao cảnh giác và cẩn trọng.

Từ tháng 4, Việt Nam ghi nhận tình trạng ca Covid-19 mới gia tăng trở lại. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 2.070 ca mắc Covid-19, trung bình 160 ca/tuần, tỷ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. 

Tuy nhiên, trong tuần thứ nhất của tháng 4 (từ ngày 1 đến ngày 7/4), cả nước ghi nhận 278 ca mắc, tỷ lệ nặng/mắc là 1,4%. Sang tuần thứ 2 (các ngày 8-14/4), con số này đã tăng lên 2.000 ca, tỷ lệ nặng/mắc là 1,1%. 

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 1

Ca Covid-19 mới gia tăng trở lại từ tháng 4 (Ảnh: Bộ Y tế).

Theo số liệu từ Bộ Y tế, ngày 27/4, Việt Nam vẫn ghi nhận số mắc Covid-19 ở mức cao, với 2.958 ca mắc mới. Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.554.875 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.771 ca nhiễm).

Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận nhiều F0 theo ngày nhất cả nước. Theo số liệu cập nhật của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vào chiều 26/4, Hà Nội ghi nhận thêm 430 ca bệnh Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, tăng 7 ca so với ngày hôm trước.

Từ đầu năm 2023 đến ngày 26/4, toàn thành phố ghi nhận 3.995 ca Covid-19 phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã.

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 2

Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, hầu hết người nhiễm Covid-19 điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới có bệnh nền như tiểu đường, suy tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, phải tiến hành thở máy hoặc lọc máu (Ảnh: BVCC).

Trong cuộc họp trực tuyến về công tác thu dung, điều trị Covid-19 diễn ra ngày 24/4, Sở Y tế TPHCM thông tin, tính đến ngày 23/4, địa phương ghi nhận 1.288 ca cách ly tại nhà, tăng 1.136 ca so với tuần trước đó. Trong số những ca Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 8 ca bệnh trẻ em và 5 phụ nữ mang thai đang điều trị tại 4 bệnh viện công và một bệnh viện tư nhân.

Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết, hầu hết người nhiễm Covid-19 điều trị tại khoa Bệnh Nhiệt đới có bệnh nền như tiểu đường, suy tim, phổi tắc nghẽn mạn tính, phải tiến hành thở máy hoặc lọc máu.

Diễn biến của Covid-19 những tuần qua khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ dịch quay trở lại, đặc biệt khi dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 sắp tới nhu cầu đi lại, tụ tập của người dân tăng cao.

Để có cái nhìn rõ hơn về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như các nguy cơ tiềm ẩn, PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với BS Eric Dziuban - Giám đốc Quốc gia, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Diễn biến Covid-19 đã được dự đoán từ trước

PV: Dịch Covid-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Việt Nam. Theo đánh giá của CDC Hoa Kỳ, sự bùng phát trở lại này có bất thường và đáng lo ngại không thưa ông?

BS Eric Dziuban: Chúng ta đã thấy có sự gia tăng đáng kể số ca mắc Covid-19 trong thời gian vừa qua tại Việt Nam, nhưng cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy có những thay đổi đáng kể về số ca bệnh nặng và tỷ lệ tử vong.

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 3

Giám đốc văn phòng CDC Mỹ tại Việt Nam, ông Eric Dziuban (Ảnh: Đông Phong).

Các đợt tăng và giảm số ca nhiễm này đều đã được dự kiến khi chúng ta đã đi qua giai đoạn khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của đại dịch này. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ tiếp tục coi Covid-19 là một mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng cần nâng cao cảnh giác và cẩn trọng.

Tin tốt là tình hình hiện tại tốt hơn nhiều so với ba năm trước. Chúng ta có các công cụ dự phòng và kiểm soát, ví dụ như tiêm vaccine, cho phần lớn người dân.

Việt Nam đã thực hiện được một việc tuyệt vời khi đã tiêm vaccine cho đại đa số người dân, đây là một yếu tố đáng kể giúp Việt Nam có thể giảm các ca mắc Covid-19 và giúp cho những người mắc bệnh không phải nhập viện do bệnh nặng hoặc tử vong.

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 4
CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 5

Chúng ta có thể duy trì được điều này nếu mọi người tiếp tục thực hiện các biện pháp dự phòng bảo vệ sức khỏe quan trọng như: rửa tay, đeo khẩu trang ở nơi đông người, che miệng khi ho và tiêm vaccine Covid-19 theo đúng lịch trình cần thiết.

Việt Nam là hình mẫu toàn cầu trong phòng chống Covid-19

PV: Trước sự gia tăng trở lại của dịch Covid-19, Việt Nam nên áp dụng biện pháp kiểm soát nào để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội?

BS Eric Dziuban: Việt Nam là một hình mẫu toàn cầu trong phòng chống Covid-19 khi thực hiện các biện pháp hiệu quả trong năm 2020 để ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng và đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 rất thành công từ năm 2021.

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 6

Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 rất thành công từ năm 2021 (Ảnh: Mạnh Quân).

Để tiếp tục ngăn ngừa dịch bệnh và giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể xảy ra đối với nền kinh tế, Việt Nam nên tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 đã được kiểm chứng, bao gồm: vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang ở khu vực đông người và tiêm vaccine.

CDC Hoa Kỳ khuyến cáo tiếp tục thu thập và sử dụng dữ liệu y tế công cộng để có thông tin làm cơ sở đưa ra các biện pháp dự phòng và kiểm soát, đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực chăm sóc y tế và đảm bảo linh hoạt trong công tác ứng phó nếu có sự gia tăng đột ngột về số ca bệnh và số ca nhập viện.

PV: Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm kiểm soát sự bùng phát trở lại của Covid-19 tại các quốc gia trên thế giới?

BS Eric Dziuban: Các quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng hướng dẫn của riêng họ để ứng phó với Covid-19 phù hợp với bối cảnh và tình hình Covid-19 của quốc gia đó.

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 7

Việt Nam nên tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống Covid-19 đã được kiểm chứng, bao gồm: vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang ở khu vực đông người và tiêm vaccine (Ảnh: Mạnh Quân).

Điều đó không làm thay đổi thực tế rằng các biện pháp dự phòng đã được kiểm chứng và tiêm vaccine là những công cụ mạnh mẽ nhất của chúng ta trong công cuộc chống lại đại dịch này.

CDC Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam thông qua các hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều lĩnh vực đáp ứng khác nhau, nâng cao năng lực giải trình tự gen Covid-19 trong nước và thông qua hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với tiêm vaccine Covid-19.

Cần tiếp tục củng cố các hệ thống y tế

PV: Theo CDC Hoa Kỳ, khi nào là thời điểm thích hợp để Việt Nam coi Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế mà chỉ là bệnh lưu hành?

BS Eric Dziuban: CDC Hoa Kỳ hiện không có tiêu chí chung để phân loại Covid-19 là bệnh lưu hành. Như các bạn đã biết, Hoa Kỳ sẽ chấm dứt giai đoạn Tình trạng Khẩn cấp về Y tế Công cộng của dịch Covid-19 vào ngày 11 tháng 5, nhưng CDC vẫn tiếp tục coi Covid-19 là một mối đe dọa sức khỏe nghiêm trọng.

CDC Hoa Kỳ chỉ ra vũ khí quan trọng để Việt Nam kiểm soát Covid-19 - 8

Việt Nam cần tiếp tục nâng cao năng lực y tế (Ảnh: Mạnh Quân).

Việc xem xét so sánh Covid-19 trong mối tương quan với các bệnh khác được coi là bệnh lưu hành như viêm phổi và cúm cũng có thể hữu ích. Một chỉ số có thể được cân nhắc là khi số ca tử vong do các bệnh này trở lại mức mà chúng ta coi là mức điển hình hoặc mức "cơ sở".

Hiện tại, Covid-19 vẫn chưa đạt đến mức ổn định cơ bản, vì vậy chúng ta cần tiếp tục cảnh giác trong dự phòng và kiểm soát.

PV: CDC Hoa Kỳ đánh giá như thế nào về hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam và Việt Nam nên có những thay đổi gì trong hệ thống y tế dự phòng của mình để ứng phó tốt hơn với các đại dịch có thể xảy ra?

BS Eric Dziuban: Hệ thống y tế dự phòng của Việt Nam là một hệ thống mạnh và đã làm được những việc đáng khen ngợi trong ứng phó và kiểm soát đại dịch Covid-19. Mọi quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, đã học được nhiều bài học từ đại dịch này.

Việc tiếp tục đầu tư vào củng cố các hệ thống y tế, bao gồm các phòng xét nghiệm, công tác đáp ứng khẩn cấp và giám sát, đóng vai trò quan trọng để có thể phát hiện, đáp ứng và ngăn chặn các mối đe dọa một cách nhanh hơn.

Ngoài ra, điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn nhân lực y tế công cộng có các kỹ năng phù hợp. CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đang làm việc thường xuyên và liên tục với Bộ Y tế để tăng cường năng lực cho hệ thống y tế nhằm bảo vệ người dân Việt Nam thông qua các chương trình như: Chương trình Đào tạo Dịch tễ học Thực địa và hỗ trợ giám sát dịch bệnh, cũng như chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng với đại dịch, bao gồm cả mạng lưới các Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các Sự kiện Y tế Công cộng.

Chúng tôi rất vui khi thấy được quyết tâm xây dựng CDC Trung ương của Việt Nam, CDC Trung ương sẽ là đơn vị tập hợp tất cả các năng lực này theo cách thức có thể giúp Việt Nam chuẩn bị tốt hơn cho các mối đe dọa sức khỏe trong tương lai.

Năm nay, khi chúng ta kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam và 25 năm CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, chúng tôi mong chờ tiếp tục đồng hành trong hành trình này và tăng cường quan hệ đối tác bền chặt của chúng ta.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Nhật (thực hiện)