Bị liệt nửa người ở tuổi 23, nam thanh niên hồi phục kỳ diệu nhờ tập luyện
(Dân trí) - Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, nam thanh niên nhận cú sốc lớn sau vụ tai nạn: Nửa người bên phải bị yếu liệt, di chứng này có thể kéo dài vĩnh viễn.
Liệt nửa người ở tuổi đôi mươi
Một ngày cuối năm 2015, Phùng Tuyên (sinh năm 1992, sống tại Lào Cai), khi đó tỉnh dậy sau một thời gian dài nằm hôn mê trong bệnh viện. Ký ức của anh xuất hiện lờ mờ khoảnh khắc vụ tai nạn trên đường đi làm.
"Tỉnh dậy, tôi gần như không cảm nhận thấy tay phải và chân phải của mình, hoang mang cực độ", Tuyên nhớ lại.
Vụ tai nạn nghiêm trọng. Kết quả thăm khám cho thấy, cú ngã khiến nam thanh niên bị tổn thương ổ não gây tụ máu não. Để có thể tỉnh lại, Tuyên cũng đã được điều trị qua 3 bệnh viện.
Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, Phùng Tuyên nhận cú sốc lớn: Nửa người bên phải bị yếu liệt, di chứng này có thể kéo dài vĩnh viễn.
Sau khoảng một tháng điều trị, Tuyên được xuất viện.
"Mẹ tôi là người cõng tôi vào viện và cũng là người cõng tôi rời viện. Khi ấy, mẹ tôi liên tục rơi nước mắt, mừng vì con trai bà vẫn còn sống. Đối với bà như vậy là đủ. Khoảnh khắc đó tôi thấy thương và có lỗi với bà vô cùng. Chưa kịp báo hiếu mẹ đã trở thành một người liệt", Tuyên bùi ngùi.
"Rơi xuống vực thẳm" là cách chàng trai trẻ này mô tả bản thân trong những ngày tháng đen tối đó.
Anh cho biết, mình chỉ có thể ngồi trên một chiếc xe lăn, cứ đứng dậy là người sẽ đổ xuống, chân tay bên phải hầu như không thể cử động. Mọi việc chỉ có thể làm bằng nửa người trái.
Canh cánh trong lòng Tuyên bấy giờ chính là cảm xúc tội lỗi và thương xót đối với bố mẹ. Với bệnh tình của mình, anh phải dựa hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người thân trong việc sinh hoạt. Vấn đề này khiến Tuyên thấy mình như một gánh nặng đối với gia đình.
"Lúc đó tôi cảm thấy bố mẹ khổ vì mình quá. Tôi chỉ muốn chết quách đi cho xong!", anh nhớ lại.
Thể xác không cảm nhận được cơn đau, nhưng tinh thần lại đau đớn vô cùng. Dù bị bố mẹ can ngăn, anh vẫn tìm tới rượu như một cách trốn thoát thực tại, cũng như một sự giải thoát cho những cảm xúc tiêu cực trong tâm trí mình.
Thể lực vốn đã ốm yếu lại thêm việc lạm dụng rượu, Tuyên miêu tả bản thân mình "gầy như nạn đói năm 45".
Sự chán nản và bất lực ngày càng tích tụ trong lòng nam thanh niên. Đỉnh điểm là những lúc nhìn thấy những người bạn xung quanh mình có thể đi đứng bình thường mà không gặp bất kỳ khó khăn nào.
Bước ngoặt xảy ra trong một lần anh tình cờ đọc được một người bị hạn chế vận động do tổn thương não tương tự mình, nhưng đã hồi phục 70-80% nhờ kiên trì tập luyện phục hồi chức năng.
"Con ơi con đừng rượu chè nữa, còn cả một tương lai phía trước", câu nói của mẹ trong một lần hai người ngồi cùng nhau cũng trở thành ngòi nổ, khiến Tuyên quyết tâm thực hiện "cuộc cách mạng" với cơ thể mình
Từ "thành giường" tới "thành công"
Bước đầu tiên Tuyên làm trong hành trình hồi phục cơ thể của mình là bám men thành giường để tập đứng dậy.
Từ chối sự giúp đỡ của bố mẹ, mỗi lần đứng dậy của anh đều đi kèm theo sau những cú ngã.
Tuy nhiên, anh không bỏ cuộc. Tuyên nghĩ: "Cơ thể bị như thế này còn không đau, huống gì là mấy cú ngã! Mấy cái ngã vặt vãnh đấy không có gì là đau hết".
Không từ bỏ, ngày qua ngày, bằng việc tập đi men theo thành giường, anh nhận thấy cơ thể mình có tín hiệu tích cực trở lại. Bước đi thành công đầu tiên, dù vẫn phải bám thành giường, Tuyên nói rằng bản thân "vui đến chảy cả nước mắt".
Sẵn đà đó, anh tiếp tục luyện tập cho tới khi việc đi đứng cứng cáp hơn, rồi chuyển sang bám tường, bám cầu thang.
Kết quả là sau một tháng kiên trì, anh đã có thể chuyển từ ngồi xe lăn sang tập tễnh bước đi. Chàng trai gọi đó là "một phép màu".
Cơ thể hồi phục được phần nào, Tuyên cũng bỏ thói rượu chè, quyết tâm hồi phục sức khỏe trở lại cho bằng được.
Một là đi được, hai là ngồi cả đời
Kể từ tháng 4 năm 2018, Tuyên bắt đầu chuyển hướng luyện tập với phòng gym ở nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai.
Chia sẻ về quyết định tập gym của mình, anh kể rằng nguồn cảm hứng lớn nhất bấy giờ chính ở người bạn thân đang công tác ở Hà Nội.
Nhận thấy sức khỏe Tuyên còn yếu, bạn thân liền rủ anh đi tập gym. Vốn đã ngưỡng mộ cơ thể vạm vỡ, khỏe mạnh của bạn mình từ trước, Tuyên liền đồng ý và xin bố mẹ một khoản tiền để đăng ký.
Trong ngày tập đầu tiên, anh chàng quyết định thử sức với máy trượt tuyết. Để sử dụng loại máy này đòi hỏi người tập phải có sự phối hợp đồng thời cả tay và chân. Nhưng đây vẫn là một thử thách khó nhằn với cơ thể Tuyên.
Không quen tập máy, Tuyên miêu tả: "Khi đạp thì chân tôi run bần bật, cử động chậm chạp, mãi mới có thể đạp xong được một vòng. Lực tập máy hầu như chỉ đến từ nửa bên trái của cơ thể". Giữa mỗi hiệp nghỉ lấy sức, anh có thể cảm nhận rõ sự đau nhức, mỏi nhừ của chân tay.
Khó khăn là vậy, nhưng "bực dọc" hay "nản chí" không nằm trong từ điển của Tuyên.
Anh tâm sự: "Đầu tôi liên tục suy nghĩ rằng, một là đi được, hai là ngồi cả đời. Chỉ một suy nghĩ đơn giản nhưng chính là chìa khóa để tôi cố gắng luyện tập cải thiện sức khỏe".
Vững tâm, Tuyên cũng không ngại thử sức chinh phục các bài tập khác có cường độ khó hơn. "Thấy cái máy nào khó là tôi cũng nóng lòng muốn thử dù chỉ có thể tập được một ít. Càng thấy khó càng khiến lòng chinh phục trong tôi ngày một lớn hơn", anh cho biết.
Trong quá trình rèn luyện, Tuyên không nhờ sự giúp đỡ của bất kì ai. Anh dựa vào chính mình, vừa tự động viên bản thân rèn luyện vừa tự thử nghiệm, mày mò nghiên cứu các bài tập thể hình qua các chia sẻ trên mạng.
Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, chàng thanh niên thừa nhận mình từng phạm phải vô số sai lầm trong quá trình tập luyện.
Tuyên chia sẻ: "Trong một lần đẩy vai giữa, tôi đã bị giãn dây chằng dẫn tới chấn thương bên vai phải do tập luyện quá sức và quá nặng đối với cơ thể. Chấn thương đã khiến tôi phải nghỉ tập phần thân trên trong gần một tháng".
Rút kinh nghiệm từ sai lầm và sự nóng vội, anh tiếp tục điều chỉnh phương pháp tập luyện của bản thân. Để tránh tập sai, Tuyên chụp lại các tư thế đúng qua video trên mạng, từ đó tự mình đối chiếu và học theo.
Ngày này qua ngày khác, Tuyên đi tập đều đặn. Kết quả là "càng tập, càng thấy nghiện, càng thấy khỏe". Cứ như vậy chỉ sau 3 tháng không ngừng kiên trì, anh bắt đầu thấy được sự cải thiện rõ rệt của cơ thể mình.
"Một lần tập đi quãng đường 10m, tôi bấm giờ thấy chỉ hết một phút, trong khi đó trước đây phải mất đến 3, 4 phút. Tôi vỡ òa hạnh phúc vì cảm nhận được rõ thành quả từ những nỗ lực của mình", Tuyên cười.
"Phòng gym" từ... lốp xe, bê tông
Sức khỏe tốt dần lên, nhưng kinh phí cũng dần cạn kiệt. Do điều kiện tài chính eo hẹp của bản thân, Tuyên không còn cách nào khác ngoại trừ việc phải tạm dừng hành trình tập gym của mình sau 2 năm gắn bó.
Ngừng đến phòng gym đối với anh không đồng nghĩa với việc ngừng tập luyện. Tuyên chia sẻ trong khoảng thời gian ở nhà, anh vẫn duy trì thói quen chạy bộ nhằm nâng cao thể lực. Ngoài ra, anh còn bắt đầu nghiên cứu về dinh dưỡng trong những lúc rảnh rỗi.
Tuyên ăn ít cơm đi, bổ sung nhiều hơn protein, các chất xơ, chất béo. Ngày anh ăn 2 bữa, bữa sáng lúc 8h và bữa chiều lúc 16h30.
Do đã từng "nếm trái đắng" một lần nên giờ đây Tuyên cực kì trân trọng sức khỏe của mình. Anh cũng bắt đầu để ý tới tình trạng của những người xung quanh.
"Ở chỗ tôi, người già lẫn người trẻ đều chỉ biết kiếm tiền mà không màng tới tình trạng cơ thể mình như thế nào. Điển hình là bạn bè tôi, người thì quá béo, người thì quá gầy", anh kể lại.
Vì lẽ đó, anh bắt tay vào việc "tự chế" tạ đơn, với mong muốn cổ vũ mọi người tập cùng mình.
Tạ được chế bằng cách lấy một thanh sắt làm đòn tạ, rồi dùng lốp xe hoặc xem có ai đang xây nhà không thì xin bê tông, tạo thành đĩa tạ ở 2 đầu. Đây cũng chính là dụng cụ tập luyện mỗi ngày của Tuyên.
Dẫu vậy, ý định tốt đẹp của anh lại không được hưởng ứng. Anh chia sẻ rằng, đa số mọi người quá bận đi làm nên không thể sắp xếp được thời gian tập thể dục. Có một số người bày tỏ mong muốn được thử sức, song cũng có những người cười cợt, nói rằng tập những bài tập này không để làm gì cả.
Đối với những suy nghĩ ấy, Tuyên cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, nuối tiếc vì không phải ai cũng ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe.
"Có sức khỏe là có tất cả"
Hiện tại, Tuyên đang sở hữu một cơ thể vạm vỡ và khỏe khoắn. Lộ trình tập luyện của anh chia ra từ 3-4 buổi/tuần, tập thân trên và thân dưới luân phiên nhau, kết hợp với khẩu phần dinh dưỡng hợp lí, cùng thói quen ngủ sớm lúc 21h30.
Tuyên cũng nói không với rượu bia, duy trì từ lúc anh vẫn còn tập tễnh bước đi cho đến tận bây giờ. Chỉ vào những dịp lễ lớn anh mới cho phép bản thân uống một lon bia.
Theo chia sẻ của chàng trai 31 tuổi, cho tới giờ phút này cơ thể của anh vẫn chưa linh hoạt lại như ban đầu. Ví dụ, các việc như cầm nắm những thứ quá nhỏ nhặt vẫn gây khó dễ với bàn tay phải của anh.
Nhưng đối với Tuyên, chân tay hồi phục được tới mức này là vô cùng may mắn.
"Cơ thể tôi trở về được như thế này là một điều cực kỳ tuyệt vời. Tôi đã có thể phụ giúp bố mẹ trong công việc làm nông, không còn là gánh nặng cho gia đình. Điều mà tôi cảm thấy ân hận nhất trước đây", anh vui vẻ nói.
Anh chàng cũng chia sẻ về mong muốn cá nhân: "Ước mơ của tôi là có tiền mở một phòng tập gym nho nhỏ để phục vụ anh em bạn bè của mình, những người có nhu cầu tập luyện nhằm nâng cao sức khỏe bản thân".
Gửi tới những người có cùng hoàn cảnh như mình vài năm trước, Tuyên nhắn nhủ: "Tập luyện và ý chí có thể đẩy lùi bệnh tật. Hãy cố gắng luyện tập, bởi vì có sức khỏe là có tất cả".