1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Nam thanh niên bị liệt 2 chân khi tập gym

Minh Nhật

(Dân trí) - Đây là một trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể gặp chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế.

Liệt 2 chân vì tập gym

Nam thanh niên 18 tuổi được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng liệt vận động 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ hai núm vú xuống sau tập gym.

Tại bệnh viện, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, cột sống ngực có khối máu tụ chèn ép tủy ngang mức D3, D4.

Nam thanh niên bị liệt 2 chân khi tập gym - 1

Nam thanh niên 18 tuổi được đưa đến viện trong tình trạng liệt vận động 2 chân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân đã được các bác sĩ hội chẩn và phẫu thuật mở cung sau đốt sống D3D4 giải ép, cố định cột sống.

BS Lã Quang Thịnh - Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ: "Đây là một trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể gặp chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế, rất may bệnh nhân đã đến viện sớm và được phẫu thuật kịp thời. Khi tủy sống bị chèn ép bệnh nhân có nguy cơ bị liệt hai chi dưới phải ngồi xe lăn suốt đời.

Sau mổ bệnh nhân diễn biến ổn định, phục hồi tốt, đã tự đi lại được với khung tập đi, đại tiểu tiện bình thường.

Hiểm họa của việc tập thể dục sai cách

Trước đó, nhiều trường hợp bị chấn thương, thậm chí đột quỵ khi đang tập gym, chơi thể thao cũng đã được ghi nhận. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tập luyện sai cách, không phù hợp với sức khỏe.

Điển hình như tại Bệnh viện 1A (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trước đây từng tiếp nhận không ít trường hợp bệnh nhân tự tập thể dục tại nhà thông qua các video hướng dẫn trên mạng gây ra chấn thương.

Nam thanh niên bị liệt 2 chân khi tập gym - 2

Nguyên nhân của chấn thương chủ yếu xuất phát từ tập luyện sai cách, không phù hợp với sức khỏe (Ảnh: Getty).

Trường hợp của anh H. (44 tuổi, ngụ TPHCM), bị đau mỏi thắt lưng nhiều năm và từng được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống.

Khi đến khám tại Bệnh viện 1A, bác sĩ phát hiện gối của bệnh nhân quá duỗi ở tư thế nghiêng, hông phải lệch ở tư thế squat và căng cứng các cơ vùng thắt lưng, khung chậu, sau đùi.

Dựa trên kết quả chụp X-quang, bác sĩ kết luận anh bị thoát vị đĩa đệm nặng.

Chia sẻ với bác sĩ, anh H. cho biết bản thân có thói quen xem các clip trên mạng rồi tự tập theo tại phòng gym, với ý định tăng cường sức khỏe. Nhưng việc tập sai tư thế trong một thời gian dài đã khiến người đàn ông bị chấn thương.

Một vụ việc khác xảy ra vào tháng 8/2022 là học sinh lớp 9 Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã đột quỵ và sau đó đã không qua khỏi sau khi tham gia giải chạy tại địa phương.

Trên thực tế, tình trạng đột quỵ hay thậm chí là ngừng tim dẫn đến đột tử khi nạn nhân đang hoạt động thể thao không phải hiếm gặp. Có những tai nạn xảy ra trên sân bóng, trên đường chạy, trong phòng tập gym...; người khỏe mạnh đang tập bỗng ngã gục xuống, ngừng tim.

Theo PGS.TS.BS Võ Tường Kha - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, tập thể dục nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người bình thường trước khi tập chạy hay chơi bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực.

Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…

Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.

Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức.