(Dân trí) - Phóng viên Dân trí theo chân đoàn y bác sĩ Việt Nam vượt đường xa đến khám bệnh ở nước bạn Lào, ghi nhận những khoảnh khắc đáng nhớ, xúc động, nghĩa tình, trong thời điểm Tết đến, xuân về…
Bác sĩ Việt vượt 800km xuyên biên giới khám bệnh cho người dân Lào
(Dân trí) - Phóng viên Dân trí theo chân đoàn y bác sĩ Việt Nam vượt đường xa đến khám bệnh ở nước bạn Lào để ghi nhận những khoảnh khắc đáng nhớ, xúc động trên hành trình nghĩa tình, trong thời điểm Tết đến, xuân về…
Những ngày cuối tháng 12/2022, chuyến xe lăn bánh từ TPHCM đưa đoàn y bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) đến khám chữa bệnh miễn phí tại nước bạn Lào. Sau khoảng 3 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, đây được xem là lần đầu tiên, chuyến xe nghĩa tình được nối lại.
Hơn nửa ngày di chuyển, chuyến xe đưa gần 40 người vượt đường xa khoảng 800km, xuyên biên giới qua các cửa khẩu ở Bình Phước (Việt Nam), Campuchia mới đến Lào. Quên đi sự mệt mỏi, trông ai cũng háo hức bởi nhiều người lần đầu đặt chân tới xứ sở triệu voi. Quan trọng hơn, chuyến "xuất ngoại" có ý nghĩa hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương…
Hành trình nghĩa tình
Từ sáng sớm, đoàn y bác sĩ có mặt tại Trung tâm Y tế huyện Thà Tèng, tỉnh Sekong, nơi có mật độ dân số thấp, cuộc sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Trong và sau đại dịch Covid-19, sự khó khăn trở nên chồng chất về nhiều mặt, trong đó có y tế, sức khỏe.
Biết đoàn thiện nguyện Việt Nam sang hỗ trợ, hàng trăm người dân, phần lớn là người già và trẻ em, chia thành nhiều nhóm đứng nối dài trước khu vực khám bệnh. Có người di chuyển bằng chiếc "tuk tuk" (xe máy kéo cabin chở khách - phương tiện khá phổ biến ở Lào), có người ôm con ngồi xe công nông dính đầy bụi đất chờ đợi… Họ hớn hở chào đón sự xuất hiện của những người bạn phương xa.
Ông Sompong Duanghorm, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sekong trải lòng, đại dịch Covid-19 đã làm công tác đào tạo y bác sĩ địa phương bị gián đoạn. Gần 3 năm xảy ra dịch bệnh, tỉnh rơi vào tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế. Nhiều năm qua, Sekong luôn phải đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như sốt rét, sốt xuất huyết, bệnh theo mùa, kể cả bệnh tim mạch.
"Các bệnh xuất hiện liên tục, nhanh, khiến chúng tôi không thể theo kịp. Chúng tôi đã cố gắng hợp tác với y tế Việt Nam để cải thiện nhưng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn cần rất nhiều. Do đó, hoạt động khám chữa bệnh lần này của các bạn thật sự rất ý nghĩa", ông Sompong Duanghorm chia sẻ.
Ông Korlakanh Boudsaba, Trưởng Phòng Y tế huyện Thà Tèng tiếp lời, dân số khu vực này hơn 40.000 người. Nơi đây có 118 bản, nằm rải rác nhiều địa điểm, di chuyển khó khăn. Dù mỗi bản có đặt trạm y tế nhưng số lượng nhân viên y tế ít, người có chuyên môn giỏi lại càng ít.
"Sau đại dịch Covid-19, tình hình còn khó khăn hơn. Cán bộ y tế trình độ bậc đại học của trung tâm y tế chúng tôi chỉ có 2-3 người, còn lại chủ yếu là cao đẳng, trung cấp và nhân viên phụ giúp việc.
Ngành y tế huyện đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất là thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo huyện; thứ hai là thực hiện những chương trình do các tổ chức đoàn thể, đoàn thanh niên xây dựng; thứ ba là tiếp thu các đóng góp, ý kiến từ người dân. Huyện đã phối hợp nhiều đơn vị nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhưng vẫn không xuể…", ông Boudsaba nhìn nhận.
Nhớ thương đất Việt
Hiểu sự mong mỏi của người dân nước bạn trong chuyến đi, các y bác sĩ TPHCM cố gắng bắt tay vào việc nhanh nhất. 8h, công tác chuẩn bị, khám chữa bệnh bắt đầu.
Khi trực tiếp đối diện khám bệnh cho người dân, đoàn thiện nguyện mới hiểu vì sao lãnh đạo ngành y tế địa phương tâm tư đến vậy.
Ông Thonkham (70 tuổi, công an viên đã về hưu) lê từng bước nặng nhọc chờ đến lượt đo huyết áp, khám sức khỏe. Ông cho biết, 6 năm qua đã bị những cơn đau nhức xương khớp hành hạ khắp người, đi nhiều nơi điều trị nhưng bệnh cứ tái diễn mỗi khi trái gió trở trời. Nghe đoàn y bác sĩ Việt Nam đến, ông chờ đợi mấy ngày qua.
Bà Khenkhap (86 tuổi, nông dân), được con cháu dìu đến Trung tâm y tế huyện trong tình trạng đau nhức cơ thể nhiều năm. Không những vậy, bà còn bị chứng đau bao tử hành hạ, khiến việc ăn uống gặp rất nhiều khó khăn. Bà xem việc được khám chữa bệnh là cơ hội cải thiện sức khỏe ở tuổi xế chiều…
Sau khi khám, bệnh nhân và gia đình các bệnh nhân được đoàn công tác phát một túi thuốc lớn, hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng, cách chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho bản thân; kèm theo phần nhu yếu phẩm như dầu ăn, nước mắm, mì gói...
Chứng kiến đoàn y bác sĩ Việt Nam hỗ trợ tận tình, những nhân viên y tế Lào xúc động. "Ở đây, người dân muốn phẫu thuật phải lên bệnh viện tỉnh", Nokky Souliyaphan (25 tuổi) đang hướng dẫn bệnh nhân đo điện tim, chia sẻ. Cô là một trong 3 trường hợp có bằng đại học (học tại Việt Nam) làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Thà Tèng.
Nhắc lại chuyện xưa, Nokky luôn nhớ về Việt Nam. Nữ nhân viên y tế kể lại, hơn 6 năm trước, cô thi đậu chuyên ngành Xét nghiệm của Đại học Quảng Nam. Nhiều năm xa nhà, ấn tượng của cô là sự hiếu khách, hỗ trợ hết mình của sinh viên, thầy cô và những người bạn. Lúc sắp ra trường, Nokky từng nhen nhóm suy nghĩ sẽ ở lại Việt Nam nhưng rồi cô quyết định trở về quê hương, dù mọi thứ khó khăn.
"Mỗi ngày, trung tâm sẽ làm xét nghiệm cho khoảng 50 người. Tuy thu nhập còn thấp nhưng tôi được ở gần gia đình, được chăm sóc cho người dân quê hương mình. Cuộc sống sau dịch có phần khó khăn hơn…", nữ cử nhân chia sẻ.
Có mặt trong buổi khám còn có Souksavanh Seelaphet (27 tuổi), học Y sĩ đa khoa tại trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh. Nhớ lại thời sinh viên, cô cho biết, ngoài 2 năm học chuyên môn, cô phải mất một năm học tiếng Việt để thuận lợi giao tiếp. Sau khi tốt nghiệp, Souksavanh cũng chọn về huyện Thà Tèng làm việc, phụ trách phòng khám nhi.
Sau 5 năm chưa trở lại Việt Nam, khi thấy các y bác sĩ thiện nguyện ghé thăm quê hương, Souksavanh có cảm giác như gặp lại những người bạn cũ thân thương. "Tôi rất thích cháo gà, bánh ướt, hủ tiếu ở Việt Nam và rất thèm được đi du lịch Đà Nẵng…", Souksavanh cười nói khi nhớ về Việt Nam.
Hẹn ngày trở lại...
Theo thống kê trong một ngày, hơn 1.100 trường hợp đã được đội ngũ y bác sĩ Việt Nam tận tình khám, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe. Nhiều bệnh nhân địa phương không nói được tiếng Việt, họ cười hiền, biểu đạt những lời cảm ơn qua ánh mắt và cử chỉ.
Bác sĩ Trần Quý Phương Thùy, Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh, là một trong những trường hợp đầu tiên "hành nghề" xuyên biên giới. Cô tâm sự, ban đầu cũng khá mệt do di chuyển nhiều thời gian nhưng bản thân cảm thấy vui vì chuyến đi mang nhiều ý nghĩa khi hỗ trợ, giúp đỡ cho nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bác sĩ Thùy nhớ nhất là trường hợp của nữ bệnh nhân 30 tuổi, đến cầu cứu trong tình trạng lở loét nặng. Nói qua thông dịch viên, bệnh nhân cho biết đã lên bệnh viện tỉnh điều trị vài lần nhưng không khỏi, cơ thể cứ đau, ngứa ngày càng nặng. Cách đây không lâu, hai con nhỏ của chị cũng lâm cảnh tương tự.
"Gia đình chị mong muốn được chữa khỏi bệnh. Qua thăm khám, tôi phát hiện 3 mẹ con bị viêm da cơ địa, vì để lâu và không chăm sóc đúng cách nên đã biến chứng nặng. Tôi kê toa thuốc nhưng ra các tiệm thuốc gần đây tìm đều không có bán, dù là những loại thuốc cơ bản. Nếu có cơ hội, tôi muốn được quay trở lại, mang đầy đủ thuốc để giúp đỡ người dân nơi đây", bác sĩ Thùy chia sẻ.
Ngồi trên xe về lại trung tâm tỉnh Sekong, bác sĩ Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Thận Nội tiết, nhớ lại trường hợp của một phụ nữ 50 tuổi, được gia đình đẩy đến trong tình trạng vùng dưới chân bị biến dạng, bốc mùi hôi thối và sức khỏe suy kiệt. Kiểm tra, xem xét tất cả các triệu chứng, bác sĩ Thanh phát hiện bệnh nhân bị đái tháo đường đã lâu nhưng không kiểm soát tốt, khiến chân bị lở loét, nhiễm trùng nặng.
"Bệnh nhân cần được nằm điều trị nội khoa, kiểm tra xem có hẹp mạch máu. Khả năng bà ấy sẽ phải cắt bỏ bàn chân vì tình trạng hoại tử quá nặng. Chúng tôi chỉ biết khuyên lên tuyến trên gấp để cấp cứu, vì nơi đây không đủ khả năng điều trị, nếu để lâu có thể nguy hiểm tính mạng", bác sĩ Thanh nói.
Nữ bác sĩ Thanh trăn trở mãi khi chứng kiến một ca bệnh mà "cái chết được báo trước". Đó là cụ bà hơn 70 tuổi, con trai đưa đến trong tình trạng bụng chướng, vàng da. Bà được siêu âm kiểm tra, kết quả cho thấy một khối u gan đa ổ kích thước rất lớn.
"Bệnh nhân đã bị tắc ứ đường mật, biến chứng ung thư gan di căn, thời gian sống có lẽ chỉ còn vài tháng. Điều đáng nói là khi đến với chúng tôi, dù đã có triệu chứng kéo dài, bệnh nhân cũng không mường tượng được mình bị bệnh nặng, mà chỉ nghĩ bị mệt mỏi, ăn uống kém...", nữ bác sĩ chia sẻ.
Trên đường trở về TPHCM sau nhiều ngày làm thiện nguyện, các bác sĩ trải lòng, dù chưa thể tận tay điều trị lâu dài, hiệu quả cho người dân địa phương nhưng ít nhất qua chuyến đi, tất cả gửi gắm cho nhau về sự cần thiết của phát triển y tế tuyến cơ sở và vấn đề chăm sóc sức khỏe luôn được quan tâm hàng đầu.
Chuyến thiện nguyện lần này của đoàn y bác sĩ Việt Nam ngoài tinh thần hợp tác, hỗ trợ trong lĩnh vực y tế còn phát huy tình đoàn kết, tương thân tương ái, giao lưu học hỏi giữa hai nước...
Thực hiện: Hoàng Lê