TPHCM thiếu thuốc, nhiều tỉnh "đau đầu" với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đến tháng 7, TPHCM vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Trong khi đó ở Bình Dương, việc xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế các năm trước đang khá phức tạp.

Thông tin trên được cho biết tại Hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT với BHXH 6 địa phương phía Nam (gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang), diễn ra cuối tuần qua.

Theo báo cáo tại hội nghị, trong 7 tháng đầu năm 2022, BHXH các tỉnh đã có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại trong 5 tháng cuối năm 2022 rất lớn, nhất là tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.

Trong công tác KCB BHYT, qua kiểm tra, giám sát cho thấy, trên địa bàn TPHCM xảy ra việc thiếu thuốc, vật tư y tế. BHXH TPHCM đã phát hành nhiều công văn đôn đốc công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế. Đến tháng 7, một số cơ sở KCB vẫn còn xảy ra tình trạng trên. Hiện, BHXH địa phương cùng với Sở Y tế TPHCM vẫn đang nỗ lực phối hợp để giải quyết.

Còn theo đại diện BHXH tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh không có dấu hiệu thiếu thuốc, do kết quả đấu thầu thuốc năm 2021 được kéo dài 18 tháng (đến cuối năm 2022). Tuy nhiên, địa phương còn những vướng mắc về việc thanh toán chi phí KCB BHYT của các năm trước.

Đại diện BHXH Long An cũng cho biết, tỉnh còn gặp vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT liên quan việc xã hội hóa máy móc, trang thiết bị mượn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An.

Trong khi đó ở Bình Dương, đến nay việc thiếu thuốc, vật tư y tế đã được giải quyết cơ bản, nhưng việc xử lý tồn đọng về thanh toán chi phí KCB BHYT các năm trước khá phức tạp. Nguyên nhân vì một số bệnh viện vượt quỹ, vượt trần, áp sai giá, vượt công suất giường và một số cơ sở y tế gia tăng chi phí bất thường…

TPHCM thiếu thuốc, nhiều tỉnh đau đầu với chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm - 1

Đến tháng 7, TPHCM vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Sau khi nghe báo cáo về thực trạng, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc  BHXH Việt Nam yêu cầu trong thời gian còn lại của năm, BHXH các địa phương cần triển khai nước rút, tiếp tục đẩy mạnh rà soát chi phí KCB BHYT đảm bảo quyết liệt, rõ ràng.

"Đối với những bất thường trong chi trả chi phí KCB BHYT phải dừng lại kiểm tra, rà soát ngay để có giải pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, cần chủ động phối hợp tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thuốc, vật tư y tế. Phải nỗ lực cân đối dự toán được giao, đảm bảo quyền lợi người KCB BHYT" - ông Mạnh nói và yêu cầu BHXH các địa phương dồn toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, từ ngày 13/8 đến ngày 21/8, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức 4 Đoàn công tác do Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn trực tiếp xuống làm việc với 7 cụm BHXH các tỉnh, thành phố để tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác KCB BHYT tại các địa phương.