DNews

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc "trở về từ cõi chết" của người phụ nữ

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau bữa cơm chiều, người phụ nữ ở Cà Mau bỗng nôn mửa rồi mệt dần. Khi được gia đình đưa đến bệnh viện tuyến tỉnh, cô đột ngột ngất xỉu và ngưng tim nguy kịch.

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc "trở về từ cõi chết" của người phụ nữ

Chia sẻ với phóng viên Dân trí tại chương trình khám bệnh, phát thuốc cho người dân tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau (diễn ra các ngày 8-10/11), cô Nguyễn Thị Hạnh (66 tuổi, ngụ xã Trí Phải) cho biết, mới cách đây 1 năm, bản thân đã trải qua cuộc chiến chống chọi với tử thần, khi bạo bệnh ập đến đột ngột.

26 ngày chống chọi với tử thần

Cô Hạnh kể lại, hôm đó như thường ngày, cô sang nhà hàng xóm chơi sau bữa ăn cơm chiều, sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng đến chập tối khi trở về nhà, cô bất ngờ bị khó chịu và nôn mửa. Tưởng mình bị trúng thực, người phụ nữ nằm xuống nghỉ nhưng càng ngày càng mệt.

Thấy không ổn, cô Hạnh vội thông báo với chồng con, nhờ gia đình đưa thẳng từ huyện Thới Bình ra TP Cà Mau đi cấp cứu. Tại một bệnh viện tư, các bác sĩ qua thăm khám đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, nên sơ cứu và chuyển thẳng đến bệnh viện tuyến tỉnh.

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 1

Cô Hạnh (hàng đầu, thứ hai từ trái sang) cùng nhiều người dân ở Cà Mau đến chờ đoàn bác sĩ ở TPHCM khám bệnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Ít phút sau khi vào bệnh viện thứ 2, người phụ nữ ngất lịm, rồi lâm dần vào ngưng tim. Cô Hạnh được các bác sĩ khẩn cấp ép tim ngoài lồng ngực rồi chuyển vào phòng cấp cứu hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp tim…

Trải qua 16 ngày điều trị, phải đặt 1 stent mạch vành, cô tiếp tục được chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở TPHCM. Tại đây, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện các biện pháp điều trị tích cực. Vì bác sĩ phát hiện tắc nghẽn vị trí khác ở mạch máu nuôi tim, bệnh nhân tiếp tục được đặt thêm một stent khác để cứu mạng.

"Tổng cộng tôi phải đặt 2 stent, dùng máy tạo nhịp và nhiều biện pháp khác, chi phí lên đến 180 triệu đồng, chưa kể tiền giường bệnh và thuốc. Tôi nằm viện thêm 10 ngày nữa mới được cho về nhà, nhưng hàng tháng đều phải bắt xe từ Cà Mau trở lại TPHCM tái kiểm tra.

Mỗi lần lên Thành phố mất 8 giờ đồng hồ di chuyển, tiền xe và tiền khám tốn hơn 2 triệu đồng/đợt. Từ lúc bệnh nhồi máu cơ tim đến giờ, tôi vẫn còn mang nợ 70-80 triệu đồng. Gia đình chỉ làm nông, mà năm nay lại thất cả vuông tôm lẫn lúa, nên không biết khi nào trả hết nợ", cô Hạnh chia sẻ.

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 2
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 3

Dù thoát chết nhưng sức khỏe cô Hạnh đã yếu đi nhiều, kinh tế gia đình cũng khó khăn vì phải vay tiền chữa bệnh (Ảnh: Hoàng Lê).

Kể lại sự việc của người thân, cô Kiều Thị Nhiên (73 tuổi, chị bà con của cô Hạnh) trầm ngâm: "Lúc đó may là em tôi ra tỉnh ngay, nếu không chắc khó qua khỏi. Đang khỏe mạnh tự dưng bất tỉnh, cứ tưởng là chết rồi. Nhưng từ lúc phát bệnh, sức khỏe của em tôi cũng xuống, không thể làm được gì nặng…".

Vì lâm vào hoàn cảnh trên, cô Hạnh rất mong chờ khi được UBND xã Trí Phải báo tin có đoàn bác sĩ ở TPHCM về khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con địa phương.

Được con đưa đến địa điểm diễn ra chương trình từ sớm, cô Hạnh mong bác sĩ khám và cho thuốc hay để sức khỏe mình mau cải thiện, vì ngoài bệnh tim mạch, gần đây cô cũng có dấu hiệu của bệnh xương khớp và tiêu hóa. Trong tương lai, cô hy vọng địa phương có chính sách hỗ trợ, để gia đình sớm trả hết nợ.

Bác sĩ ở TPHCM khám bệnh, tặng máy thở, xây cầu cho người dân Cà Mau

Cô Hạnh là một trong 500 người dân khu vực huyện Thới Bình được các bác sĩ Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức) khám tổng quát, phát thuốc, tặng quà miễn phí tại chương trình.

Trong đó, đa phần các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện đến bệnh viện thường xuyên, người cao tuổi và người nằm trong diện gia đình chính sách, người có công.

Như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hường (81 tuổi, ngụ xã Trí Lực) từng làm giao liên 10 năm trong thời điểm chiến tranh chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, cô tiếp tục đi thanh niên xung phong, rồi trở về quê hương tìm sinh kế bằng nghề nuôi tôm.

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 4
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 5
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 6
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 7
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 8

Đông đảo người dân ở Cà Mau đến tham dự chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí (Ảnh: Hoàng Lê).

"Tôi làm việc nặng nhọc, đi chân đất thời gian dài nên giờ 2 khớp chân đau nhức, lưng cũng đau đến nỗi tối ngủ không được, mấy năm nay còn bị bao tử. Hy vọng các bác sĩ giỏi ở Thành phố về, bệnh của tôi sẽ cải thiện", cụ bà ngồi ghế nhựa chờ bác sĩ gọi tên vào khám bệnh chia sẻ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Bình, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Thới Bình, chia sẻ, dân số địa phương khoảng 138.000 người, trong đó tỷ lệ trẻ em và phụ nữ chiếm 50%.

Bệnh theo mùa, như bệnh hô hấp và bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhất ở đối tượng trẻ em của huyện. Trong khi đó, người cao tuổi tại Thới Bình thường mắc các bệnh mạn tính không lây, như tim mạch, huyết áp, tiểu đường.

Hàng năm, Trung tâm y tế huyện Thới Bình đã tổ chức nhiều hoạt động để xử lý các mặt bệnh trên, đáp ứng được như cầu chăm sóc sức khỏe cơ bản của người dân. Tuy nhiên, địa phương cũng có những khó khăn, khi nguồn nhân lực biến động, các trang thiết bị y tế, máy móc dùng lâu năm đã cũ, xuống cấp.

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 9

Người dân ở các huyện vùng sâu, vùng xa tại Cà Mau rất cần những sự hỗ trợ về y tế (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo thống kê, Thới Bình có 12 trạm y tế xã, thị trấn, với 1-2 bác sĩ và 6-7 điều dưỡng/trạm. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện có tổng cộng 182 người, bao gồm hơn 80 bác sĩ. Nghĩa là cả huyện có chưa đầy 300 nhân viên y tế, phục vụ chăm sóc cho hàng trăm nghìn người dân.

Trung tâm đã cố gắng cử bác sĩ đi đào tạo thường xuyên để làm được một số can thiệp điều trị về tim mạch, thực hiện được một số thủ thuật mổ nội về ruột thừa, dạ dày, nhưng cũng còn nhiều kỹ thuật chưa làm được, do nguồn lực, máy móc còn hạn chế.

Do đó, việc các đoàn bác sĩ tại khu vực TPHCM về huyện khám chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, theo ông Bình là rất cần thiết và ý nghĩa.

"Thông qua các chương trình như trên, chúng tôi sẽ cố gắng giao lưu học hỏi, cử lực lượng đi đào tạo, để làm sao giúp cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn", bác sĩ Bình nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hoạt động khám bệnh, phát thuốc, tặng quà lần này có sự phối hợp giữa các đơn vị y tế ở TPHCM với Sở Y tế tỉnh Cà Mau, Ban liên lạc Hội đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau tại TPHCM, nhân kỷ niệm sự kiện 70 năm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.

26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 10
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 11
26 ngày, 3 bệnh viện và cuộc trở về từ cõi chết của người phụ nữ - 12

Các bác sĩ ngoài khám bệnh, tặng quà cho người dân còn hỗ trợ máy thở cho các trạm y tế ở Cà Mau và thực hiện những hoạt động ý nghĩa khác (Ảnh: Hoàng Lê).

Hoạt động diễn ra còn nhằm thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, giúp đỡ đồng bào khó khăn; thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giữa các cấp, ngành và địa phương trong việc nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe toàn dân.

Ngoài huyện Thới Bình, đoàn bác sĩ tại TPHCM (gồm Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Lê Văn Việt, Bệnh viện Trưng Vương, cơ sở nha khoa) còn khám bệnh, phát thuốc ở huyện Trần Văn Thời, với khoảng 1.000 người dân được chăm sóc sức khỏe, được tặng quà và các suất ăn.

Bên cạnh đó, 2 máy thở và nhiều vật tư y tế được ban tổ chức gửi đến 2 xã ở huyện Thới Bình. Ngoài ra, đoàn còn khởi công xây một cây cầu và một căn nhà ở xã hội. Tổng kinh phí chương trình ước tính hơn 500 triệu đồng.