DMagazine

20 năm "anh là chân, em là mắt" của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân

(Dân trí) - Mang trong mình cơ thể khiếm khuyết, hai thập kỷ chung sống với nhau, cặp đôi vận động viên cùng vun đắp một cuộc đời chung trọn vẹn và những thành tích thi đấu đáng ngưỡng mộ.

20 năm "anh là chân, em là mắt" của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt (Video: Đoàn Thủy).

"Mình về thôi anh Hán!"

Người đàn ông ngoái đầu về hướng có tiếng gọi quen thuộc của vợ, mỉm cười.

Từ phía Cổng Trung tâm Thể thao khyết tật Hà Nội, người phụ nữ ngoài 40 tuổi, bước đi có phần hơi tập tễnh, gương mặt thấm mệt sau nhiều giờ tập luyện bỗng chốc rạng rỡ khi nhìn thấy chồng.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 1

Dò dẫm một lúc, anh Hán vịn chặt được tay vào vai vợ. Chị chở anh, hai vợ chồng cùng nhau đi chiếc xe máy "có tuổi" trở về tổ ấm của mình.

Trong làng thể thao khuyết tật Hà Nội, anh Hán và chị Thanh được nhiều người biết đến không chỉ bởi những thành tích thi đấu ấn tượng, mà còn bởi cách hai con người có cơ thể "khiếm khuyết" này vun đắp cho nhau một cuộc đời "trọn vẹn".

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 3

"Em sẽ là đôi mắt của anh, còn anh làm đôi chân cho em nhé?", lời đề nghị thay cho câu tỏ tình mộc mạc của chàng trai khiếm thị, dành cho cô gái chỉ còn một chân, cũng chính là cách họ đã chung sống và cùng nhau vượt qua khó khăn trong 20 năm qua.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 5

Mùa hè năm 1996, cuộc đời của Vũ Hoài Thanh hoàn toàn rẽ theo một hướng khác. Thanh bị một chiếc ô tô tông phải khi đang băng qua đường. Mọi việc diễn biến quá nhanh, cô chỉ kịp cảm thấy nỗi đau tê tái ở chân trước khi hôn mê.

Tỉnh dậy ở viện, Thanh vẫn chưa hình dung được chuyện gì đã xảy ra cho đến khi nhìn xuống dưới lớp chăn, thấy chân phải không còn.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 7

Thế nhưng, thời gian qua đi, chị dần nhận ra rằng, những ánh mắt ấy không phải là sự kỳ thị, mà là tình yêu thương, cảm thông.

Thanh quyết định không để hoàn cảnh định đoạt cuộc đời mình. Bằng nội lực mạnh mẽ, chị tự nhủ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác. Mất đi một chân, nhưng chị vẫn còn cơ hội được học tập, phát triển và tạo ra giá trị cho cuộc đời.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Thanh tiếp tục học Cao đẳng Tài chính Kế toán và sau đó liên thông đại học. Những năm tháng đèn sách trở thành nguồn động lực giúp chị vững vàng hơn trước sự khiếm khuyết của mình.

Khoảng thời gian học tập tại trường, cô sinh viên được bạn bè giới thiệu tham gia CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội.

Trong những buổi giao lưu giữa CLB với đoàn vận động viên khuyết tật Hà Nội, vận động viên Bạch Quang Thái đã nhìn thấy ở Thanh có tố chất của một vận động viên cầu lông đầy triển vọng và khuyên cô chơi môn thể thao này.

Như cá gặp nước, đến năm 2003, cái tên Vũ Hoài Thanh ghi dấu ấn lên bảng thành tích đấu trường khu vực. Trong kỳ Paragames 2, chị giành được một huy chương vàng và hai huy chương bạc.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 9

Paragames 2003, trên đường pitch, chàng trai mù Tạ Đình Hán cũng tìm thấy ánh sáng của cuộc đời mình nhờ thể thao.

"Tôi thấy cuộc đời mình có ý nghĩa", anh Hán kể về huy chương vàng đường chạy 800m và huy chương bạc 1.500m của mình tại Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 2.

Những trang cuộc đời trước khi bén duyên với chạy bộ của anh Hán, được mô tả, mang một gam màu xám xịt.

Mắc căn bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố trung tâm do bố bị nhiễm chất độc màu da cam, mắt của anh từ khi sinh ra đã rất kém và cứ thế mờ dần. Hết cấp một, Tạ Đình Hán phải nghỉ học vì mất hoàn toàn thị lực.

Ôn lại chuyện cũ, anh hay nói rằng mình may mắn hơn vợ, vì bị mù từ lúc "chưa biết gì nhiều".

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 11

Những năm sau đó, Hán chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ bán hàng nước, sống trong sự nỗ lực tự tìm kiếm một lối đi. Đó là khoảng thời gian dài đầy thử thách và khó khăn cho một người khiếm thị, khi anh không thể dễ dàng hòa nhập với cuộc sống như bao người.

Năm 2001, khi bước sang tuổi 25, Hán bắt đầu học nghề và tham gia Hội thể thao khuyết tật Hà Nội.

Ngày đầu tiên đến sân vận động, anh cảm thấy ngỡ ngàng và lạc lõng.

Nhưng chính ở đó, anh bắt đầu gặp gỡ những người cùng hoàn cảnh, thậm chí là cả những người còn chịu nhiều khiếm khuyết hơn. Tất cả họ đều không ngừng cố gắng.

"Không còn đôi mắt, tôi phải tập cảm nhận mọi thứ qua đôi tai, từ xác định hướng chạy theo âm thanh xung quanh, cho đến điều khiển tốc độ dựa vào nhịp chân.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 12
20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 14

Những bước chạy trong bóng tối trên Sân vận động Hàng Đẫy năm đó mang đến cho anh Hán 2 món quà vô giá: Sự nghiệp và gia đình.

"Chúng tôi quen nhau và trở thành đôi bạn tốt từ những ngày đầu anh Hán tập chạy trên Sân vận động Hàng Đẫy", Vũ Hoài Thanh hồi tưởng.

Ban đầu, cả hai chỉ là những người bạn, chia sẻ niềm vui và đam mê thể thao, cùng nhau vượt qua những giới hạn của bản thân. Nhưng tình yêu - như dây tơ hồng - dần dần quấn lấy họ.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 16

Thanh nhớ lại: "Tình yêu giữa chúng tôi nảy nở lúc nào không hay. Hồi ấy, ngày nào tôi cũng đến đưa anh Hán đi tập rồi về nhà. Tôi không biết đường đi, còn anh Hán dù không nhìn thấy gì nhưng lại thuộc đường sá Hà Nội làu làu".

 "Dù cơ thể không được lành lặn nhưng vẫn khá nhiều người theo đuổi, trong đó có cả những người bình thường, điều kiện kinh tế ổn định. Tuy nhiên, mình quý và yêu anh bởi sự chân thành cùng cách đối xử của anh với mọi người", nữ vận động viên trải lòng.

Gia đình và bạn bè, khi biết cô yêu một người khiếm thị, không ít lần ngăn cản và lo lắng. Ai cũng mong muốn Thanh có thể tìm một người đàn ông khỏe mạnh, để bù đắp cho sự khiếm khuyết của cô.

Chính những người trong cuộc lòng cũng nặng trĩu. Người phụ nữ chỉ còn một chân luôn canh cánh việc sau này khi thấy con bị ngã, mình có kịp chạy tới đỡ con hay không.

Lại có lần anh Hán thủ thỉ với người yêu về nỗi lo những đứa con của họ sau này bị di truyền căn bệnh mù lòa.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 18

"Nếu con mình bị hỏng mắt, thì sau này sẽ có người như em đến và thương yêu con", đó là lời hứa của chị, một lời hứa không chỉ dành cho anh, mà còn cho tương lai của hai người.

Bằng tình yêu chân thành, sau gần 3 năm, anh chị đã thuyết phục được gia đình và chính bản thân mình. Năm 2006, đám cưới của họ diễn ra vui vẻ, đầm ấm với sự ủng hộ của bà con hai họ.

Cuộc sống sau hôn nhân không hề trải đầy hoa hồng.

Từng có giai đoạn, để trang trải cuộc sống, Tạ Đình Hán phải làm thêm công việc người mẫu cho sinh viên mỹ thuật. Mỗi tiết học, anh được trả công 4.000 đồng, chỉ bằng 1/5 thù lao người mẫu của trường.

Có một quãng thời gian dài, Hoài Thanh sáng tập luyện thể thao phục vụ cho các kỳ thi đấu, còn từ 12h đến 18h lại "tăng ca" làm việc tại Khu công nghiệp Sài Đồng.

"Thời gian đó, mỗi trận thi đấu tôi lại cõng theo "gánh nặng" mưu sinh. Tôi thi đấu với mục tiêu duy nhất là thắng, vì cần huy chương để có tiền trang trải cho gia đình", nữ vận động viên bộc bạch về những ngày tháng khó khăn.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 20

Anh Hán là đôi chân của vợ, Hoài Thanh là cặp mắt của chồng, họ đã cùng bù đắp những khiếm khuyết của nhau, vượt qua những giai đoạn khó khăn theo cách như vậy.

"Chung sống với nhau hơn 20 năm, anh có biết vợ mình trông như thế nào", chúng tôi đặt câu hỏi.

Người đàn ông khiếm thị tự tin tả lại từng chi tiết trên gương mặt của vợ mình. Anh Hán mô tả, trong đầu mình tự xây đắp nên hình ảnh vợ qua những cái chạm. Các chi tiết lại càng đậm sâu qua thời gian hai người gắn bó bên nhau.

Căn nhà của Hán và Thanh ở ngõ 38 Xuân La giờ đây tràn ngập tiếng cười. 3 người con khỏe mạnh: Tạ Phong, Tạ Mai Phú và Tạ Diệp, với anh chị, là món quà vô giá và cũng là mảnh ghép hoàn hảo cho gia đình đặc biệt này.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 22

Một góc tường trong tổ ấm treo kín những tấm huy chương. Hai vợ chồng gọi đó là nơi lưu giữ lại 2 thập kỷ nỗ lực cho thể thao khuyết tật nước nhà.

Dù từng có những "khoảng lặng", cả anh Hán và chị Thanh muốn từ bỏ vì chấn thương, sự mệt mỏi và áp lực cơm áo gạo tiền nhưng rồi họ lại động viên nhau bước tiếp.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 24

"Điều mà thể thao mang lại cho chúng tôi không chỉ là sức khỏe, mà còn là một cộng đồng ấm áp, nơi mà chúng tôi có thể hòa nhập, giao lưu và tìm thấy ý chí vượt qua giới hạn của bản thân", Hoài Thanh chia sẻ.

Tại ASEAN Paragames 3 ở Philippines năm 2005, cả Hán và Thanh đều có vàng. Cặp đôi này mang về tổng cộng 3 huy chương vàng (HCV) cho thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Tháng 10/2012, anh chị tham gia thi đấu trong Giải thể thao khuyết tật toàn quốc tại TPHCM. Nữ vận động viên giành 4 HCV hạng đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội ở bộ môn cầu lông, còn chồng cô giành 2 HCV môn chạy.

Tháng 9/2015, trong Giải Cầu lông khuyết tật thế giới tổ chức ở Anh, chị Thanh xuất sắc giành được huy chương đồng.

Năm 2023 là một năm đáng nhớ của cặp đôi này. Chị Thanh giành được 3 HCV, còn anh Hán cũng lần đầu tiên chinh phục cự li 42km trong một giải chạy marathon, vốn được xem là "bằng đại học" của giới cuồng chân.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 26

6h mỗi ngày, trên Sân vận động Hàng Đẫy, Tạ Đình Hán và người đồng hành lại bắt đầu những bước chạy đầu tiên trong ngày. Một người khiếm thị, một người mắt sáng được kết nối với nhau qua một sợi dây ở tay, nhịp chân như hòa làm một trên đường pitch đỏ.

20 năm anh là chân, em là mắt của cặp đôi vận động viên chồng mù, vợ cụt chân - 28

Vừa chạy, họ vừa chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm để hoàn thiện kỹ năng chạy bộ, cùng hướng đến thành tích tốt hơn trong giải chạy sắp tới.

Những người hay đánh cầu lông tại Trung tâm Thể thao Ba Đình lâu nay cũng đã quen với hình ảnh một người phụ nữ mang chân giả miệt mài huấn luyện cho các tay vợt khỏe mạnh.

Thể thao trở thành một cầu nối đặc biệt, xóa nhòa ranh giới tạo ra bởi những khiếm khuyết trên cơ thể.

"Khi được chạy, được cầm vợt, chúng tôi tìm lại chính mình một cách trọn vẹn nhất có thể, cả về tâm hồn lẫn thể xác", cặp đôi mỉm cười, nắm chặt tay nhau.

Nội dung: Minh Nhật, Minh Trang

Ảnh: Mạnh Quân, Hoàng Giang

Video: Đoàn Thủy