Giết con để lấy tiền bảo hiểm: Kịch bản "như phim" và sự đổ vỡ về nhân tính
(Dân trí) - Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, khi một người mẹ xuống tay với chính giọt máu của mình, đó không chỉ là một tội ác về mặt hình sự, mà còn là sự đổ vỡ hoàn toàn về mặt nhân tính.

Ngày 5/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Tô Thị Ty Na (44 tuổi, ở thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) về tội Giết người.
Na bị cáo buộc đã sát hại con trai của chính bà ta, nhằm chiếm đoạt hàng tỷ đồng tiền bảo hiểm. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với động cơ đê hèn và thủ đoạn vô nhân tính của nghi phạm.
Thượng tá Đào Trung Hiếu, Tiến sĩ Tội phạm học, đã có những chia sẻ với phóng viên Dân trí dưới góc độ của một chuyên gia.
Sự đổ vỡ hoàn toàn về mặt nhân tính
Thưa Thượng tá Đào Trung Hiếu, ông có cảm nhận, đánh giá như thế nào về vụ án này? Khi "kịch bản" giết người để chiếm đoạt tiền bảo hiểm thường chỉ xuất hiện... trên phim, mà đặc biệt, thủ phạm của vụ án tại Quảng Nam lại là một người mẹ.
- Trong tâm lý học tội phạm, khi một người mẹ xuống tay với chính giọt máu của mình, đó không chỉ là một tội ác về mặt hình sự, mà còn là sự đổ vỡ hoàn toàn về mặt nhân tính.
Động cơ trực tiếp là tiền, nhưng sâu xa hơn là sự tha hóa đạo đức, sự tê liệt cảm xúc và một "tâm hồn đã hóa đá". Khi vật chất trở thành thần thánh tối cao, những giá trị thiêng liêng như tình mẫu tử cũng bị đem ra "định giá".
Với vụ án này, tôi cho rằng lòng tham chỉ là một yếu tố hoặc là phần nổi của tảng băng chìm. Đằng sau đó có thể là một chuỗi dài những tổn thương tâm lý chưa được chữa lành, một cuộc đời nhiều dồn nén, thất bại, bế tắc…
Người mẹ ấy có thể đã từng bị ruồng rẫy, thiếu yêu thương, sống trong môi trường chỉ tôn thờ đồng tiền - nơi con người bị "định nghĩa" bằng tài sản. Chính những vết nứt âm ỉ trong tâm lý đã trở thành chất xúc tác khiến cô ta trở thành tội phạm.

Thượng tá Đào Trung Hiếu (Ảnh: Hải Nam).
Vậy còn với thủ đoạn của nghi phạm, theo Thượng tá, có hay không sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hay chỉ là sự bộc phát?
- Thông thường, những người phạm tội ác đặc biệt nghiêm trọng như thế này đều có những biểu hiện lệch chuẩn từ trước, có thể là hành vi lạnh lùng, vô cảm trước cảm xúc của con; là sự toan tính, lươn lẹo, hoặc những dấu hiệu rối loạn nhân cách dạng tiềm ẩn, như rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD).
Vấn đề là chúng ta - gia đình, hàng xóm, trường học, chính quyền - đã không nhận diện kịp thời để can thiệp.
Đối với việc mua bảo hiểm trước, chờ đủ thời gian chờ, và ra tay đúng thời điểm gợi ra dấu hiệu phạm tội có tổ chức, có tính toán kỹ lưỡng.
Đây không phải là hành vi bột phát trong cơn tức giận, mà thể hiện sự lạnh lùng, tàn nhẫn và được dựng lên như một "vở kịch tử thần", khi đứa trẻ là nạn nhân cuối cùng. Điều này cho thấy sự suy đồi cực độ về đạo đức, và là tín hiệu cảnh báo cho toàn xã hội.
Một giả thuyết không thể loại trừ là có người "hướng dẫn" nghi phạm cách mua bảo hiểm, cách hợp thức hóa hồ sơ để sau đó được chi trả. Ở nhiều vụ án tương tự, đã có các "cò bảo hiểm" tiếp tay cho tội phạm. Việc làm rõ có hay không yếu tố đồng phạm, tổ chức đứng sau là nhiệm vụ then chốt của cơ quan điều tra.
Rủi ro đạo đức trong bảo hiểm
Qua vụ án trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu có cho rằng có lỗ hổng trong việc mua - chi trả bảo hiểm?
- Đây là điểm nghẽn lớn. Không ít hợp đồng được ký chỉ với vài thao tác đơn giản, không qua thẩm định đạo đức hay yếu tố rủi ro đạo lý.
Bảo hiểm nhân thọ, thay vì là một "lá chắn yêu thương", lại đang bị biến thành công cụ sát nhân. Khi một hệ thống quản lý lỏng lẻo gặp một tâm hồn xấu xa, tội ác sẽ sinh sôi.
Ông có thể chia sẻ thêm về "thẩm định đạo đức trong bảo hiểm"?
- Hiện nay, các công ty bảo hiểm chỉ đánh giá rủi ro sức khỏe, tai nạn, chứ chưa có một hệ thống đo "rủi ro đạo đức" - yếu tố sống còn trong bảo hiểm nhân thọ.
Tôi cho rằng, đã đến lúc cần xây dựng một cơ chế cảnh báo những hồ sơ có dấu hiệu bất thường, như: Người mua bảo hiểm cho người thân nhưng có biểu hiện lạnh nhạt, hoặc mua với mệnh giá cao bất thường so với thu nhập, nghề nghiệp…

Công an tỉnh Quảng Nam bắt tạm giam bà Na (Ảnh: Công an tỉnh Quảng Nam).
Vụ án này liệu có phải là một hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức? Ông có cho rằng ở ngoài kia, có những trường hợp tương tự hay không, thưa Thượng tá?
- Đó là tiếng chuông báo động. Khi tình mẫu tử - thứ tình cảm thiêng liêng nhất - cũng có thể bị bóp méo bởi lòng tham, thì đó là dấu hiệu xã hội đang bị "nhiễm độc kim tiền".
Một bộ phận con người đang dần trở nên vô cảm, coi cái chết là công cụ kiếm tiền. Chúng ta không chỉ phải xét xử người mẹ, mà còn cần "xét xử" lại chính những giá trị đạo đức đang bị đảo lộn.
Điều đau lòng hơn, vụ án này có lẽ chỉ là phần nổi. Những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận một số vụ cha mẹ sát hại con để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, hoặc lừa đảo mua bảo hiểm rồi tạo hiện trường giả.
Điều đó cho thấy một "tầng địa chất xã hội" đang chuyển dịch âm ỉ, nơi đồng tiền có thể làm mờ đi cả đạo đức lẫn pháp luật, nếu không có sự cảnh tỉnh của toàn xã hội.
Phải ngăn chặn sự "bình thường hóa" cái ác
Dưới góc độ pháp lý, người mẹ trong vụ án trên sẽ phải đối mặt với tội danh và hình phạt như thế nào? Liệu có mức án nào là đủ để răn đe, cảnh tỉnh xã hội không, thưa ông?
- Nghi phạm trong vụ án sẽ bị điều tra về tội Giết người, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, với tình tiết tăng nặng là giết người dưới 16 tuổi; giết vì động cơ đê hèn.
Ngoài ra, nếu chứng minh được hành vi gian dối để nhận tiền từ công ty bảo hiểm, người mẹ này còn có thể xử lý thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mức án cao nhất có thể lên đến tử hình.

Bà Na nhận tiền bảo hiểm sau cái chết của con trai (Ảnh: F.B.).
Tuy nhiên, công lý không chỉ là trừng phạt, mà còn là sự cảnh tỉnh sâu sắc cho cộng đồng. Trong trường hợp này, tôi cho rằng mức án nghiêm khắc, thậm chí cao nhất là cần thiết.
Điều này không phải để trả thù, mà để răn đe, ngăn chặn sự "bình thường hóa" cái ác dưới lớp vỏ nhu mì, để mỗi người phải tự vấn về ranh giới giữa yêu thương và tha hóa.
Vậy, chúng ta nên làm gì để ngăn chặn sự tha hóa, xuống cấp về đạo đức này, thưa Thượng tá Đào Trung Hiếu?
- Chúng ta cần phòng ngừa tội phạm từ gốc, tức là phải dạy con người sống tử tế, biết yêu thương, biết quý giá sự sống. Sau đó là gia cố hệ thống cảnh báo đạo đức trong các giao dịch bảo hiểm, tăng cường thẩm định hồ sơ và theo dõi hợp đồng có dấu hiệu bất thường.
Quan trọng nhất, hãy xây dựng một xã hội mà ở đó, con người không bị bỏ rơi, không rơi vào trạng thái cùng quẫn và coi cái chết của người thân là "lối thoát kinh tế".
Xin cảm ơn ông!