DNews

Cuộc đột kích tòa cao ốc "bất khả xâm phạm" tại Tam Giác Vàng

Dương Nguyên

(Dân trí) - Khi cảnh sát ập vào, cả trăm người làm việc từ tầng 3 đến tầng 11 bỏ chạy tán loạn, cố gắng tẩu tán, tiêu hủy công cụ phạm tội. 4 giờ sau, kẻ cầm đầu đến nhân viên băng nhóm lừa đảo lần lượt sa lưới.

Cuộc đột kích tòa cao ốc "bất khả xâm phạm" tại Tam Giác Vàng

Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tạm giữ Hoàng Bích Ngọc (30 tuổi, trú quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) cùng 154 người để điều tra hành vi liên quan đến hoạt động mua bán người và lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn.

2 năm hoạt động, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Từ đầu năm 2024, tại Hà Tĩnh, cảnh sát liên tục nhận được nhiều đơn trình báo bị lừa đảo hàng tỷ đồng với cùng phương thức giống nhau. Cùng với đó, nhiều gia đình có con bị lừa bán sang Lào với lời hứa "việc nhẹ, lương cao" cũng gửi đơn trình báo.

Nhiều người khi sang Lào bị cưỡng bức tham gia thực hiện các hoạt động phạm tội, muốn về nhưng không thể do bị thu hết giấy tờ và bị quản lý chặt chẽ.

Sau khi xác minh, cảnh sát đã lập chuyên án để khẩn trương giải cứu công dân Hà Tĩnh đang bị bán sang Lào, đồng thời bắt giữ, xử lý các đối tượng phạm tội.

Cuộc đột kích tòa cao ốc bất khả xâm phạm tại Tam Giác Vàng - 1

Tòa nhà phía trong đặc khu Tam Giác Vàng, sào huyệt của các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội (Ảnh: Công an cung cấp).

Từ đây, trinh sát xác định, cuối năm 2023, các đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại khu vực Đông Nam Á như: Campuchia, Philippines, Malaysia, Myanmar… chuyển địa bàn hoạt động sang đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng tại tỉnh Bokeo, Lào.

Nhóm này móc nối với một số đối tượng là người Việt Nam đã từng tham gia tổ chức lừa đảo qua mạng do người nước ngoài cầm đầu hoạt động tại các nước để thực hiện chiến thuật "dùng người Việt lừa người Việt".

Trong số đó, Hoàng Bích Ngọc đã đầu quân cho tổ chức mua bán người và lừa đảo trực tuyến này. Ngọc cùng một số đối tượng lôi kéo, dụ dỗ thêm người Việt Nam nhập cảnh trái phép với chính sách lương hấp dẫn 18-30 triệu đồng.

Chỉ trong một thời gian ngắn, băng nhóm này thiết lập nên một "đế chế" riêng tại khu vực được mệnh danh là "thiên đường của tội phạm" - Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.

Cuộc đột kích tòa cao ốc bất khả xâm phạm tại Tam Giác Vàng - 2

Văn phòng làm việc của nhóm lừa đảo (Ảnh: Công an cung cấp).

Quá trình làm việc, các đối tượng ăn ở, sinh hoạt, làm việc tập trung trong tòa nhà cao tầng ở đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.

Về thủ đoạn, nhóm này hoạt động dưới danh nghĩa một doanh nghiệp được cấp phép hợp pháp trong đặc khu kinh tế; được tổ chức bài bản theo mô hình một công ty có quy mô lớn với đầy đủ bộ phận quản lý, điều hành; phân chia thành tổ, nhóm, hoạt động theo quy chế, nội quy do những kẻ chủ mưu, cầm đầu đặt ra với cấp dưới; phân chia lợi ích theo lương tháng và phần trăm số tiền mỗi đối tượng lừa được của bị hại…

Cả trăm người được đào tạo, hướng dẫn để thực hiện theo nhiều "kịch bản" được soạn thảo rất công phu từ trước đó.

Họ sử dụng và xây dựng tài khoản Facebook ảo, mạo danh là những người thành công, giàu có, doanh nhân thành đạt, thường xuyên đăng tải hình ảnh ăn chơi, du lịch làm cho tài khoản ảo này giống thật để kết bạn, làm quen, tạo lòng tin với nhiều người ở Việt Nam.

Cuộc đột kích tòa cao ốc bất khả xâm phạm tại Tam Giác Vàng - 3

Lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hàng chục cuốn sổ ghi chép lại các kịch bản lừa đảo (Ảnh: Công an cung cấp).

Nạn nhân mà nhóm này hướng đến sẽ là phụ nữ có điều kiện về kinh tế hoặc có nhiều mối quan hệ xã hội.

Khi tạo dựng được mối quan hệ tình cảm với nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ lôi kéo, rủ rê họ đầu tư kinh doanh trên mạng thông qua các ứng dụng hoặc website như kinh doanh khách sạn "ảo" với lời hứa được hưởng % hoa hồng, lợi nhuận cao.

Thời gian đầu, bị hại được nhận khoản lợi nhuận rất tốt nên sẽ ngày càng đầu tư vào với số tiền nhiều hơn.

Đến lúc không thể đầu tư thêm, nhóm này sẽ "giết khách" bằng cách tạo ra nhiều lý do khác nhau để cắt liên lạc, từ đó chiếm đoạt tiền bị hại đã đầu tư vào.

Với phương thức đó, trong 2 năm hoạt động, tổ chức tội phạm quốc tế này lừa đảo hàng chục nghìn bị hại, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Khi cảnh sát ập vào, nhiều người bỏ chạy tán loạn

Trong giai đoạn 1 hồi tháng 5, Công an Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị giải cứu thành công 36 người về nước an toàn, đồng thời bắt giữ 4 đối tượng về hành vi mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

36 nạn nhân sập bẫy "việc nhẹ, lương cao", khi sang được cung cấp máy tính, điện thoại và hướng dẫn, đào tạo để lập tài khoản mạng xã hội nhắn tin, gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người Việt Nam.

Cuộc đột kích tòa cao ốc bất khả xâm phạm tại Tam Giác Vàng - 4

Gần 100 cuốn hộ chiếu, ma túy và tiền mặt được thu giữ tại hiện trường (Ảnh: Công an cung cấp).

Quá trình hoạt động, họ bị thu hết hộ chiếu, giam lỏng, đánh đập, không trả lương nên đã liên lạc về nhà để trình báo cầu cứu.

Từ đây, Ban chuyên án Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị nước bạn Lào xây dựng phương án phá án với phương châm "vây ráp chặt vòng ngoài, đột kích vòng trong".

Vào ngày 30/7, bất chấp thời điểm mưa lũ, nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, hàng trăm chiến sỹ tinh nhuệ của Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Tĩnh cùng các đơn vị nghiệp vụ lên đường thực hiện nhiệm vụ.

Khi đến nơi, ban chuyên án gặp khó khăn lớn nhất là cách thức đột nhập bí mật vào các vị trí sinh sống và hoạt động của các đối tượng trong đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng.

Cuộc đột kích tòa cao ốc bất khả xâm phạm tại Tam Giác Vàng - 5

Các đối tượng bỏ chạy theo đường cầu thang bộ của tòa nhà nhưng bị bắt giữ ngay sau đó (Ảnh: Công an cung cấp).

Bởi, đây là một đặc khu kinh tế có tính chất đặc thù và có "luật đặc khu" riêng, muốn vào được phải có giấy tờ tùy thân chứng minh công việc tại đây.

Ngoài ra, khu vực này có hơn 200 cao ốc, mỗi tòa nhà 20-25 tầng với hàng trăm nghìn người sinh sống và làm việc. Vì thế, việc xác định chính xác vị trí hoạt động của các đối tượng vô cùng khó.

Hơn nữa, lực lượng bảo vệ được những kẻ chủ mưu người nước ngoài thuê cắt cử tại mỗi tòa nhà sẵn sàng dùng vũ lực khi phát hiện người nghi vấn và lạ mặt không có giấy tờ ra vào xâm nhập.

Sau khi xây dựng kế hoạch bài bản, chi tiết, rạng sáng 2/8, ban chuyên án quyết định xuất kích. Đột nhập qua vòng vây của bảo an thành công, nhiều trinh sát tiếp cận được văn phòng làm việc của các đối tượng.

Nhóm này làm việc từ tầng 3 đến tầng 11 của tòa nhà nên sau khi phát hiện có động đã lập tức bỏ chạy tán loạn. Nhóm này cố gắng tẩu tán, tiêu hủy công cụ phạm tội, cố thủ tại phòng sinh hoạt chung, trèo ra các ban công ẩn nấp hoặc trà trộn vào số người nước ngoài đang làm việc cùng tòa nhà.

Cuộc đột kích tòa cao ốc bất khả xâm phạm tại Tam Giác Vàng - 6

154 nghi phạm được di lý về trụ sở tạm giữ của Công an đặc khu Tam Giác Vàng (Ảnh: Công an cung cấp).

Sau hơn 4 giờ truy bắt của lực lượng Công an Việt Nam và Công an nước bạn Lào, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cũng như các nhân viên người Việt lần lượt sa lưới.

Trong đó, Hoàng Bích Ngọc sau khi biết thông tin đã bỏ trốn về Việt Nam, song khi đến sân bay Nội Bài, chị ta đã bị cảnh sát bắt giữ.

Lực lượng chức năng đã bắt tổng số 155 người, thu giữ gần 100 quyển hộ chiếu, 74 viên hồng phiến, lượng lớn tiền mặt, hàng chục máy tính và gần 500 điện thoại cùng hàng nghìn sim điện thoại không chính chủ.

Theo Đại tá Phạm Thanh Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, bộ máy tổ chức tội phạm này rất chuyên nghiệp, do người nước ngoài quản lý, hoạt động xuyên biên giới, lừa đảo trên không gian mạng, chiếm đoạt tài sản của hàng nghìn nạn nhân Việt Nam.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh đang mở rộng chuyên án và thông báo ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo trên, cần liên hệ, trình báo để được phối hợp giải quyết.