Người dân cần đề cao cảnh giác trước các tin nhắn, điện thoại lạ
(Dân trí) - Luật sư khuyến cáo, để tránh bị các đối tượng lừa đảo qua mạng, người dân cần chủ động bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân và luôn cảnh giác trước các tin nhắn, điện thoại lạ.
Gần đây, Bộ Công an phát thông báo khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo thống kê, hàng năm có khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước. Dù con số trên chỉ chiếm khoảng 4% cơ cấu tội phạm hình sự nhưng hậu quả mà loại tội phạm này gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, số người bị hại cũng lớn...
Điển hình như, giữa tháng 9/2022, Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tiếp nhận trình báo từ chị H.T.L. (40 tuổi) về việc chị L. bị lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ đồng.
Chị L. tường trình đã tham gia một công việc online, thông qua ứng dụng "Lark". Nhiệm vụ của chị là chốt đơn hàng. Người phụ nữ này được một "boss" hướng dẫn để tiến hành thanh toán 2 đơn hàng trị giá 700.000 đồng, nhận lại 1 triệu đồng cả vốn và lãi.
Tưởng như kiếm tiền đơn giản, chị L. tiếp tục chốt thêm nhiều đơn hàng với tổng trị giá 80 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản tiền lớn, chị L. lại không thể rút và hưởng lãi như trước mà bị yêu cầu nộp thêm tiền. Chỉ đến khi chuyển đến 3 tỷ đồng mà không nhận được lại đồng nào, chị L. mới tá hỏa trình báo cơ quan chức năng.
Tương tự, tháng 10/2022, Công an phường Thạch Bàn cũng nhận trình báo từ một người phụ nữ ở quận Long Biên, về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn của kẻ lừa đảo giống với vụ việc hồi tháng 9, khi cũng dụ dỗ nạn nhân chốt đơn để kiếm lời. Khi "con mồi" sa vào bẫy, các đối tượng dẫn dắt, bắt bị hại nộp thêm tiền sau đó chiếm đoạt.
Nhận định về thực trạng này, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cho rằng, song song với những thành tựu, ưu điểm mà công nghệ số đem lại, thì mặt trái của nó sẽ là những hành vi vi phạm pháp luật. Tội phạm sẽ lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng máy tính, viễn thông, ứng dụng mạng xã hội... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Luật sư Khuyên lưu ý, nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tính chuyên nghiệp, quy mô rộng, "bản doanh" đặt ở Campuchia, Lào, Trung Quốc... dụ dỗ người trẻ tuổi thiếu hiểu biết, đối tượng cộm cán... tham gia vào đường dây hoạt động lừa đảo.
"Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn như: Gọi điện thoại giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát; gọi điện đe dọa, uy hiếp lấy thông tin của nạn nhân và truy cập trái phép vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền; hack tài khoản mạng xã hội của nạn nhân này để nhắn tin vay tiền, nhờ chuyển tiền cho người khác…
Đối với thủ đoạn phạm tội này, nạn nhân có thể là bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào. Khi các nạn nhân đã bị nắm bắt tâm lý, họ sẽ càng bị uy hiếp, đe dọa và sẽ răm rắp nghe theo chỉ dẫn, tiếp tục mất tiền", luật sư Khuyên nói.
Đưa ra lời khuyên, luật sư Hà Thị Khuyên cho rằng, người dân cần chủ động bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng, số thuê bao di động; không gửi giấy tờ cá nhân và cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ người nào, tổ chức nào qua mạng; tố giác hành vi lừa đảo của các đối tượng khi nghi bị gọi điện để lừa đảo; thường xuyên cập nhật tin tức qua báo chí, truyền hình, thông tin tuyên truyền ở địa phương, trong nhà trường và ngoài xã hội về các hành vi đang được cảnh báo là nguy cơ của tội phạm...
Dưới góc pháp lý, luật sư Khuyên cho biết thêm, Việt Nam đã có những văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh xử lý hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khung hình phạt cao nhất là tù chung thân, nếu tài sản chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.
Trong đó, đối tượng lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo còn có thể phải chịu những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để phạm tội.