DNews

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm "chia nhưng không tách"

Hoài Sơn

(Dân trí) - Trong suốt chiều dài lịch sử, dù có những đổi thay về địa giới hành chính qua các thời kỳ, nhưng Quảng Nam - Đà Nẵng luôn thể hiện tinh thần "chia nhưng không tách".

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm "chia nhưng không tách"

Cùng nhau "xóa nghèo, đói ở vùng cát"

Theo tham luận của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam tại Hội thảo khoa học "Tiếp nối truyền thống hào hùng - Đà Nẵng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới" diễn ra ngày 28/3, Quảng Nam đã trải qua hành trình lịch sử gần 555 năm (1471-2025).

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dù có những thay đổi về địa giới hành chính và nhiều lần đổi tên, tinh thần "chia nhưng không tách" luôn hiện hữu trong trái tim và hành động của mỗi người con Quảng Nam - Đà Nẵng. Họ luôn hướng về cội nguồn văn hóa và lịch sử xứ Quảng, thể hiện sự gắn kết bền chặt với quê hương.

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm chia nhưng không tách - 1

Nghị quyết ngày 20/9/1975 về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh. Trong đó có tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).

Từ khi thành lập, do yêu cầu trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng với sự chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, về mặt tổ chức Đảng cũng đã có nhiều lần sáp nhập, chia tách.

Từ tháng 1/1997 đến nay, Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Đảng bộ thành phố Đà Nẵng.

Trong suốt 95 năm qua, dù chia tách hay sáp nhập, Đảng bộ Quảng Nam, Đà Nẵng luôn gắn bó mật thiết, kề vai, sát cánh, chia ngọt, sẻ bùi để lãnh đạo quân và dân hai địa phương lập nên nhiều chiến công vang dội, góp phần tô thắm nên truyền thống trung dũng kiên cường.

Thời gian đầu sau ngày giải phóng, nhiệm vụ đặt ra cho Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng hết sức nặng nề. Cùng với việc khai hoang, phục hóa, rà phá bom, mìn, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các tổ chức đoàn thể vận động nhân dân di dời mồ mả, giải phóng đất đai cho sản xuất, gắn với việc quy hoạch lại ruộng đồng, làng xóm. Đây là một chiến dịch không kém phần cam go vì "chạm" đến phong tục, tập quán của người dân.

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm chia nhưng không tách - 2

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI (1996) (Ảnh chụp lại: Hoài Sơn).

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã triệu tập hội nghị "Diên hồng" để thuyết phục người dân hiểu và thực hiện. Với quyết tâm "phải xóa cái nghèo, đói ở vùng cát" bằng chính sách khuyến khích trồng rừng, làm thủy lợi dẫn nước để cải tạo đất, chuyển hướng sản xuất.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng xác định, thủy lợi là biện pháp hàng đầu và phát động phong trào quần chúng tiến quân mạnh vào mặt trận thủy lợi. Công trình Đại thủy nông Phú Ninh ra đời là minh chứng rõ nhất cho ý chí, khát vọng và việc không khuất phục khó khăn của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.

Đây là công trình thủy lợi lớn nhất được xây dựng ở miền Trung sau ngày đất nước thống nhất. Và thực tế gần 50 năm qua đã minh chứng hùng hồn sự đúng đắn về chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, bởi hiệu quả của công trình thủy lợi này.

Trong ấn phẩm của Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, Hồ Nghinh - Một đời vì nước, có nêu, chính công trình Đại thủy nông Phú Ninh đã góp phần quyết định trong việc chuyển một diện tích lớn đất lúa của các huyện phía Nam từ 1, 2 lên 3 vụ ăn chắc, với năng suất cao.

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm chia nhưng không tách - 3

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng bắt tay với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trong lễ thông xe kỹ thuật cầu Quảng Đà ngày 27/3 (Ảnh: Niệm Anh).

Công trình Đại thủy nông Phú Ninh là một cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương được giải phóng. Công trình có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khẳng định tinh thần thừa thắng xông lên, quyết tâm xây dựng đời sống mới của quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể Ban Thường vụ.

Tỉnh nghèo phát triển, thành phố "hình mẫu lý tưởng"

Trước yêu cầu phát triển của đất nước, ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia tách thành 2 đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Mặc dù trở thành đơn vị hành chính riêng biệt, hai địa phương luôn giữ vững tinh thần "chia nhưng không tách". Sau khi chia tách, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và Đảng bộ thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ cùng nhau, phấn đấu vì sự phát triển chung.

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm chia nhưng không tách - 4

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" tới thân nhân mẹ Lê Thị Dần, quê Quảng Nam (Ảnh: Hoài Sơn).

Kế thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn, Đảng bộ, chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng luôn coi trọng việc phát triển, hợp tác, xem đây là một trong những chủ trương mang tính xuyên suốt, lâu dài và không tách rời của quá trình xây dựng, phát triển của hai địa phương.

Mối quan hệ hợp tác phát triển Đà Nẵng - Quảng Nam được minh chứng qua chương trình hợp tác, hỗ trợ giữa hai địa phương theo Kết luận số 8, ngày 1/11/2007 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, bắt đầu triển khai từ năm 2008.

Những năm gần đây, Tỉnh ủy Quảng Nam và Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức nhiều cuộc họp; đưa ra các kết luận, thông báo cụ thể về việc liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng; quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản; phát triển giáo dục, y tế; bảo đảm các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.

50 năm sau ngày giải phóng và gần 30 năm chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính, Quảng Nam từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, phải nhận trợ cấp hơn 70% của Trung ương thì đến nay đã trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung.

Quảng Nam - Đà Nẵng, gần 30 năm chia nhưng không tách - 5

Phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hoài Sơn).

Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) của Quảng Nam đạt khoảng 129.000 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với ngày đầu tái lập; GRDP bình quân đầu người khoảng 84 triệu đồng/người/năm.

Từ năm 2017, Quảng Nam tự chủ ngân sách và có đóng góp về Trung ương. Năm 2024, tổng thu ngân sách của địa phương này đạt hơn 27.600 tỷ đồng, gấp hơn 217 lần so với năm 1997.

Sau gần 30 năm trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng cũng đã vươn mình trở thành một thành phố "hình mẫu lý tưởng" của những thành phố trẻ, năng động, đáng sống và tiếp tục vươn lên để xác lập "Đô thị biển đáng sống của châu Á".