Ham "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia, nhiều lao động bị đánh đập dã man
(Dân trí) - Sau khi sa vào "bẫy" việc nhẹ lương cao tại Campuchia, nhiều lao động xuất cảnh trái phép bị đánh đập dã man khi làm việc ở sòng bạc. Thậm chí, nhiều trường hợp còn phải bỏ tiền chuộc thân về nước.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có 2.242 trường hợp đang cư trú, lao động trái phép tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong đó, số trường hợp xuất cảnh trái phép là 1.535; 707 trường hợp lợi dụng các hình thức du lịch, du học, hết hợp đồng lao động hoặc vi phạm hợp đồng lao động để trốn ở lại nước ngoài trái phép.
Các trường hợp cư trú, lao động trái phép nói trên chủ yếu ở các huyện như Hậu Lộc, Quảng Xương, Nông Cống, Mường Lát, Thiệu Hóa, Thường Xuân và thành phố Thanh Hóa.

Công an lấy lời khai 5 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia làm việc trong các sòng bạc (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).
Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, hiện nay, nổi lên tình trạng xuất cảnh, lao động trái phép tại Campuchia. Những người xuất cảnh trái phép chủ yếu là các trường hợp tự lên mạng xã hội như Telegram, Facebook, Zalo, TikTok để tìm kiếm "việc nhẹ", với mức lương 800-1.000 USD/tháng.
Để xuất cảnh sang Campuchia, họ được các đối tượng xấu hướng dẫn tự mua vé máy bay hoặc đi ô tô từ Thanh Hóa vào TPHCM, sau đó có xe đón, đưa đến cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Sau khi đến cửa khẩu, họ được đưa sang Campuchia bằng các đường tiểu ngạch mà không làm thủ tục xuất cảnh. Cá biệt, có trường hợp bị đánh thuốc mê và đưa sang Campuchia.
Tại Campuchia, công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép thường bị đưa vào làm việc tại các sòng bạc hoặc các trung tâm lừa đảo trá hình trên không gian mạng, do các ông chủ là người nước ngoài điều hành.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, ngày 14/12/2024, Tổng cục Công an Quốc gia, Bộ Nội vụ Campuchia đã kiểm tra khu Venus Casino & Resort thuộc thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng. Đây là sòng bạc trá hình, vi phạm pháp luật và lừa đảo, đòi tiền chuộc từ người lao động (đa số là người Việt Nam).

Cơ quan chức năng tiếp nhận công dân Việt Nam tại cửa khẩu Mộc Bài (Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa).
Quá trình làm việc, cơ quan chức năng xác định lao động Việt Nam sẽ được ông chủ hứa hẹn mức lương cao (600-800 USD/tháng). Tuy nhiên, do không hoàn thành chỉ tiêu được giao, phần lớn lao động bị trừ lương, thậm chí bị phạt hoặc bị đánh đập dã man.
Một số lao động mong muốn quay về Việt Nam thì bị đòi tiền chuộc (có trường hợp bị đòi đến 6.000 USD). Ngoài ra, nhiều người còn bị đánh đập thậm tệ vì có ý định bỏ trốn.
Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, công dân có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài lao động cần tìm hiểu kỹ công việc tuyển dụng và công ty đưa người ra nước ngoài làm việc.
Khi có nhu cầu xuất cảnh, công dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép lữ hành quốc tế và được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đảm bảo xuất cảnh hợp pháp. Tuyệt đối không nghe và làm theo hướng dẫn của các đối tượng môi giới hoặc tổ chức đưa người xuất cảnh, lao động trái phép.
Người dân cần cảnh giác, nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người; nâng cao ý thức khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội; tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân hay làm theo hướng dẫn của người khác khi chưa xác định rõ nhân thân, lai lịch của họ.
Nếu phát hiện các đối tượng có hoạt động tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, cần kịp thời thông báo, tố giác với cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.