Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hàng chục tấn rau ế già trên ruộng

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Sau Tết, thời tiết thuận lợi, nông dân ở Bến Tre sản xuất được lượng lớn rau màu. Tuy nhiên hàng không bán được, người trồng lại phải đổ bỏ công sức hàng tháng trời, phá rau để trồng vụ mới.

"Mấy hôm trước tôi vừa nhổ bỏ hơn tạ ngò rí vì bán không được, rau già quá phải phá đi làm vụ mới. Hôm nay tranh thủ nhổ luống xà lách, bán được bao nhiêu thì bán, mong vớt vát ít nhiều.

Vào đợt thu hoạch, mỗi ngày gia đình nhổ cả tạ rau, nhưng thương lái chỉ mua vài yến với giá rẻ. Trồng rau không tốn nhiều vốn, nhưng rất tốn công chăm sóc, không bán được thì làm lụng cả tháng thành công cốc", bà Gấm, nông dân trồng rau ở ấp An Phú 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, Bến Tre than thở.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hàng chục tấn rau ế già trên ruộng - 1

Nông dân phải thuê máy cày phá ruộng rau già để trồng vụ mới (Ảnh: Nguyễn Cường).

Rau không bán được, nhưng hôm nay bà vẫn phải thuê một nhân công phụ nhổ để có đất trồng lứa mới kịp thời vụ.

Cạnh nhà bà Gấm, gia đình ông Vẹn có 2.000m2 đất, trồng nhiều loại rau. Lão nông cho biết từ sau Tết rau ế nhiều, gia đình vừa phải nhổ bỏ mấy luống ngò rí.

"Mấy luống xà lách cũng đến lúc phải nhổ rồi, nhưng không ai hỏi mua", ông Vẹn chán nản.

Xã An Hòa Tây có khoảng 150ha đất trồng rau màu. Không riêng ông Vẹn, bà Gấm mà hàng chục nông hộ đang đứng ngồi không yên vì rau ế.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hàng chục tấn rau ế già trên ruộng - 2

Một nông dân đang nhổ bỏ ruộng rau quá lứa của mình (Ảnh: Nguyễn Cường).

Cạnh xã An Hòa Tây, hàng chục hộ dân ở xã Tân Thủy, huyện Ba Tri cũng đang đối mặt cảnh phải đổ bỏ hàng chục tấn rau ế. Xã Tân Thủy có khoảng 140ha đất trồng rau màu.

Trên cánh đồng của ấp Tân Bình, xã Tân Thủy, rau cải của gia đình ông Đạt đang héo dần giữa ruộng. Lão nông không thu hoạch, vì không bán được.

Để có đất làm vụ mới, ông Đạt đã thuê máy cày về băm đất, băm luôn cả những luống rau chưa nhổ.

 "Năm nay trời thuận, hầu hết người trồng rau đều trúng, nhưng hàng nhiều, bán kém, ế ẩm. Có lẽ ai cũng lỗ, ít hay nhiều thôi, thậm chí mất trắng cũng có", ông Đạt nói.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hàng chục tấn rau ế già trên ruộng - 3

Dù rau ế, nông dân vẫn phải tái vụ vì trồng rau là công việc mưu sinh duy nhất (Ảnh: Nguyễn Cường).

Canh tác trên cùng cánh đồng với ông Đạt, gia đình ông Nâu may mắn hơn một chút, một phần rau của ông đang được đoàn thể địa phương hỗ trợ giải cứu khi chưa quá già.

Hơn 20 năm qua, gia đình ông Nâu mưu sinh bằng việc trồng rau trên mảnh ruộng 800m2.

Chục ngày trước, khi vừa ăn Tết xong, gia đình ông Nâu đã phải nhổ bỏ gần 1 tấn rau cải vì quá già, không chờ được người mua, cũng không cách nào bán được.

"Lần đầu tiên tôi gặp cảnh rau ế thế này. Sản lượng rau nhà tôi tính bằng tấn, vậy mà mỗi ngày thương lái chỉ lấy 1 yến với giá 5.000 đồng/kg. May đợt này có Hội Nông dân giúp nên vớt vát được ít nhiều, có vốn làm vụ sau", ông Nâu thở dài.

Theo những nông dân trồng rau ở Ba Tri, mỗi vụ rau kéo dài hơn 1 tháng. Khi rau đủ ngày, các hộ có chưa đến 1 tuần để thu hoạch. Nếu thời gian kéo dài hơn, rau sẽ bị già, không bán được, buộc phải nhổ bỏ.

Nông dân ngậm ngùi nhổ bỏ hàng chục tấn rau ế già trên ruộng - 4

Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, chính quyền và các đoàn thể đang chung tay giải cứu rau cho các nông hộ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Giữa lúc rau ế, một số hộ dân do có liên kết tiêu thụ thì vẫn sống ổn.

Mỗi tuần, ông Châu (ở xã An Hòa Tây) vẫn bán được khoảng 1,5 tạ rau các loại với giá 18.000-30.000 đồng/kg cho doanh nghiệp ở TPHCM.

"Tôi ký hợp đồng nhiều năm với người ta, đầu ra ổn hơn, nhưng quy trình canh tác cũng yêu cầu nghiêm ngặt", ông Châu cho biết.

Cách làm của ông Châu giờ đây thành điển hình tốt để hộ lân cận học hỏi.

Trước tình trạng nông sản khó tiêu thụ từ sau Tết Nguyên đán, chính quyền xã An Hòa Tây cho biết xã đang tích cực tìm kiếm đầu ra giúp bà con. Ở xã Tân Thủy, chính quyền và các đoàn thể cũng đang tích cực hỗ trợ tiêu thụ rau cho người trồng.

Những ngày qua, hàng chục tấn rau ế của nông dân đã được chính quyền, đoàn thể hỗ trợ tiêu thụ qua nhiều kênh. Các địa phương đều định hướng thay đổi, tìm cách kết nối các doanh nghiệp thực phẩm và bán lẻ để tìm đầu ra ổn định hơn cho nông sản.