Nghề làm phở sắn mang đậm hồn quê xứ Quảng
(Dân trí) - Nghề làm phở sắn được người dân huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam gìn giữ và phát triển thành một đặc sản mang đậm hồn quê xứ Quảng.
Thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) không chỉ nổi tiếng với món phở sắn dân dã mà còn là nơi lưu giữ một làng nghề truyền thống "có một không hai".
Nghề làm phở sắn tại Quế Sơn có lịch sử lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Quy trình sản xuất đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn từ việc chọn lựa củ sắn chất lượng, cạo vỏ, rửa sạch, xay nhuyễn, ngâm và chắt lọc bột suốt ba ngày ba đêm.

Bột sắn được ngâm qua nước trong nhiều ngày để khử độ chua (Ảnh: Kim Duyên).
Sau đó, bột được nấu trên bếp củi, kéo thành sợi rồi phơi dưới nắng gắt miền Trung. Những sợi phở vàng óng, mỏng và dai là thành quả của sự lao động cần mẫn, đầy tâm huyết.
Ông Trần Xuân Thu (thị trấn Đông Phú), một người làm nghề lâu năm, chia sẻ: "Mỗi ngày, chúng tôi sản xuất khoảng 1 tạ phở sắn. Công việc bắt đầu từ 3h và kéo dài đến 11h, thậm chí có ngày phải làm thêm đến tối để kịp giao hàng cho khách. Dù cực nhọc, tôi luôn tự hào vì nghề truyền thống này".
Theo người dân, nghề làm phở sắn không hề đơn giản và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Vào mùa mưa hay khi thời tiết thất thường sẽ ảnh hưởng đến việc phơi phở, làm giảm chất lượng sản phẩm.

Những tấm phở sắn được phơi khô dưới nắng to (Ảnh: Kim Duyên).
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp cũng đặt ra áp lực lớn, buộc người dân phải không ngừng đổi mới để giữ vững chỗ đứng trên thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc vào quy trình sản xuất. Dù giúp tăng năng suất, nhưng việc chuyển từ thủ công sang công nghiệp hóa cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc duy trì chất lượng truyền thống.
Không những vậy, thế hệ trẻ ngày càng ít mặn mà với nghề, khiến nguy cơ thất truyền ngày một lớn.

Phở sắn sau khi đã phơi khô dưới nắng to sẽ được mang đi đóng gói và đưa đến tay người tiêu dùng (Ảnh: Caromi).
Anh Dương Ngọc Ảnh (thị trấn Đông Phú), người đã quyết định "bỏ phố về quê" để bắt tay vào công việc sản xuất phở sắn quê hương. Không chỉ thành công trong việc duy trì chất lượng sản phẩm mà còn tích cực đưa phở sắn ra thế giới.
"Phở sắn không chỉ là một món ăn, mà là một phần bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất Quế Sơn. Chúng tôi không chỉ muốn duy trì nghề mà còn mong muốn phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, để phở sắn có thể vươn xa hơn nữa, lan tỏa đến mọi miền đất nước và thế giới", anh Dương Ngọc Ảnh chia sẻ.
Nhờ sự kiên trì và những nỗ lực cải tiến, phở sắn Quế Sơn đã có mặt tại các thị trường quốc tế như Pháp, Mỹ, Thái Lan… Với sự hỗ trợ của các kênh bán hàng trực tuyến, món ăn dân dã này giờ đây không chỉ gói gọn trong làng quê Quảng Nam mà còn xuất hiện tại các chợ, siêu thị nước ngoài.
Kim Duyên