DNews

TPHCM đo đếm chữ "S" trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Khảo sát việc thực hiện chính sách phúc lợi, đào tạo đối với người lao động của hơn 15.000 doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM cho thấy, việc thực hành chữ "S" (social - xã hội) trong ESG còn rất hạn chế.

TPHCM đo đếm chữ "S" trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp

Theo Báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 của PwC Việt Nam, có đến 80% doanh nghiệp Việt Nam đã cam kết hoặc có kế hoạch thực hành ESG trong 2-4 năm tới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn tồn tại khoảng cách lớn giữa cam kết và hành động của doanh nghiệp.

Khảo sát của PwC Việt Nam cho thấy, có đến 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát không có hoặc rất ít khi công bố báo cáo ESG ra bên ngoài. Trong các doanh nghiệp công bố thì chỉ có 36% doanh nghiệp xác nhận báo cáo ESG của họ được soát xét và xác minh bởi các đối tác độc lập bên ngoài.

Để có báo cáo trên, từ tháng 5/2022 đến tháng 8/2022, PwC Việt Nam đã tiến hành khảo sát trực tuyến về các cam kết, kế hoạch, năng lực và hoạt động của họ liên quan đến ESG với 234 doanh nghiệp tham gia. Với số mẫu khảo sát còn ít, kết quả khảo sát có thể chưa thể hiện hết bức tranh thực hành ESG của các doanh nghiệp Việt Nam.

Để có số liệu cụ thể hơn phục vụ hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" do báo Dân trí tổ chức vào ngày 30/10 sắp tới, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã hỗ trợ phân tích thực trạng áp dụng yếu tố xã hội (chữ "S" trong ESG) của các doanh nghiệp từ nguồn dữ liệu thu thập được trong năm 2023.

Hàng quý, Falmi tiến hành thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng, khảo sát tình hình sử dụng lao động của khoảng 15.000-20.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Với số mẫu khảo sát lớn, thực hiện định kỳ và liên tục, số liệu khảo sát sẽ thể hiện rõ hơn toàn cảnh thực hiện chữ "S" của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

TPHCM đo đếm chữ S trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp - 1

Falmi là đơn vị nghiên cứu và dự báo thị trường lao động TPHCM (Đồ họa: Tùng Nguyên).

Lực lượng lao động đứng đầu cả nước

Tính đến cuối năm 2023, TPHCM hiện có hơn 4,8 triệu người trong độ tuổi lao động, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là gần 4,7 triệu người.

Chưa kể, thành phố còn là nơi có số lượng lớn lao động nhập cư từ các tỉnh thành phố khác đến làm việc và cư trú với khoảng 2 triệu người.

Để đáp ứng chỗ làm việc cho lực lượng lao động trên, TPHCM có hơn 270 nghìn doanh nghiệp và trên 400 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể.

TPHCM đo đếm chữ S trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp - 2

Lực lượng lao động tại TPHCM năm 2023 (Đồ họa: Tùng Nguyên).

Tình hình sử dụng lao động tại TPHCM

Theo kết quả khảo sát tại hơn 15.000 doanh nghiệp với tổng số lao động hơn 394.000 người, Falmi ghi nhận tỷ lệ lao động nữ làm việc chỉ chiếm gần 37%; tỷ lệ lao động tỉnh chiếm hơn 1/3 tổng số lao động tại doanh nghiệp và tỷ lệ lao động khuyết tật rất thấp (0,2%).

Phần lớn lao động đang làm việc trong doanh nghiệp thuộc nhóm tuổi 25-49 (72,67%). Nhóm tuổi dưới 25 tuổi cũng chiếm tỷ lệ khá cao nhưng nhóm tuổi từ 50 tuổi trở lên rất ít.

Theo Falmi, doanh nghiệp có xu hướng sử dụng lao động đã qua đào tạo nhưng cũng cần một lực lượng lao động đa dạng về trình độ để đáp ứng các yêu cầu công việc khác nhau.

TPHCM đo đếm chữ S trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp - 5

Tình hình sử dụng lao động tại TPHCM năm 2023 (Đồ họa: Tùng Nguyên).

Chính sách phúc lợi dành cho người lao động

Theo kết quả khảo sát hơn 15.000 doanh nghiệp, Falmi ghi nhận một số chính sách phúc lợi thường xuyên mà nhiều doanh nghiệp thực hiện là: Tổ chức khám sức khỏe cho người lao động; nghỉ dưỡng sức; đào tạo cho người lao động; thưởng Tết Nguyên đán; thưởng Tết Dương lịch; thưởng các ngày Lễ lớn trong năm...

Một số doanh nghiệp còn áp dụng thêm các chế độ khác như: tặng quà sinh nhật, tiền thăm bệnh, mua các gói bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, thưởng năng suất, tăng thêm ngày nghỉ phép…

Để giữ chân và thu hút người lao động, doanh nghiệp còn áp dụng một số chính sách như: Tạo môi trường làm việc tốt và an toàn; đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề; hỗ trợ nơi ở; bố trí xe đưa rước...

Ngoài ra, còn có một số chính sách khác như tạo lộ trình thăng tiến, tăng lương theo năng lực, tạo điều kiện cho lao động làm việc tại nhà… cũng được nhiều doanh nghiệp áp dụng.

TPHCM đo đếm chữ S trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp - 6

Tỷ lệ áp dụng các chính sách phúc lợi của doanh nghiệp tại TPHCM dành cho người lao động trong năm 2023 (Đồ họa: Tùng Nguyên).

Với mẫu khảo sát lớn của Falmi có thể thấy rõ thực tế thực hiện các chỉ tiêu của yếu tố S hiện nay của các doanh nghiệp TPHCM chưa thực sự phổ biến.

Những phúc lợi mang tính cơ bản như thưởng Tết, nghỉ dưỡng sức hằng năm, đào tạo nâng cao trình độ tay nghề… đều ở mức khiêm tốn, không phải doanh nghiệp nào cũng thực hiện.

Chế độ đứng đầu danh sách là tạo môi trường làm việc tốt và an toàn sức khỏe cho người lao động cũng chỉ có 51,1% cho biết có quan tâm thực hiện.

Đứng thứ hai là chế độ đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề cho người lao động cũng chỉ có 35,07% số doanh nghiệp tham gia khảo sát thực hiện.

Tuy nhiên, khảo sát nhu cầu đào tạo cho người lao động của doanh nghiệp cho thấy con số tích cực hơn: tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo chiếm 42,81%.

Theo Falmi, điều này cho thấy một phần không nhỏ doanh nghiệp nhận thức được sự cần thiết của công tác đào tạo cho người lao động. Doanh nghiệp đang hướng đến việc nâng cao năng lực và cải thiện chất lượng lao động.

Từ đó, gia tăng hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và thích ứng với môi trường kinh doanh liên tục thay đổi như hiện nay.

TPHCM đo đếm chữ S trong ESG bằng phúc lợi của doanh nghiệp - 8

* Nguồn số liệu được thống kê, phân tích bởi Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi).

Hội thảo "Nhân lực bền vững - Trung tâm chữ "S" trong ESG?" diễn ra vào sáng 30/10, tại Hà Nội, nằm trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn ESG Việt Nam do báo Dân trí tổ chức từ năm 2024. Hội thảo có sự đồng hành của các đơn vị: Vietjet Air, tập đoàn FPT, Gamuda Land, Nam A Bank, Bac A Bank, HD Bank, Acecook Việt Nam, Toyota Việt Nam, Phú Long.

Độc giả đăng ký tham dự TẠI ĐÂY.

Diễn đàn ESG Việt Nam có nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy và phát triển chuẩn mực ESG, gồm các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn kết hợp lễ vinh danh, cuộc thi viết Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững.

Ban tổ chức kỳ vọng với sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam cũng như các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức thường niên, nhằm đồng hành cùng cơ quan quản lý, cộng đồng, doanh nghiệp nhân rộng mô hình phát triển bền vững, mang lại giá trị tích cực cho môi trường, xã hội, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước.