1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Từ vụ sản phụ tố bác sĩ tắc trách: Rỉ ối có dễ nhầm với khí hư?

Thảo Vy

(Dân trí) - Rỉ ối và ối vỡ non không phải là tình trạng hiếm gặp nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Điều quan trọng là nhận biết sớm dấu hiệu, không chủ quan và tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Câu chuyện của sản phụ Q.A. về quá trình điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương với nhiều nước mắt được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Em bé sinh non ở tuần thai 25 cũng không qua khỏi.

Về trường hợp này, chia sẻ với Dân trí tối 21/1, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, với trường hợp thai phụ này, đây là một ca khó, sản phụ có rỉ ối cùng với dọa sinh non. Đây là vấn đề khó nhất trong sản khoa, không còn gì khó hơn.

Từ vụ sản phụ tố bác sĩ tắc trách: Rỉ ối có dễ nhầm với khí hư? - 1

Bài viết của chồng chị Q.A. có hơn 13.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội (Ảnh: Chụp màn hình).

Rỉ ối và ối vỡ non là những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Việc nhận biết sớm dấu hiệu, hiểu đúng về nguy cơ và xử lý kịp thời là chìa khóa để bảo vệ thai nhi khỏi những biến chứng không mong muốn.

Vì sao rỉ ối lại đặc biệt nguy hiểm

Túi ối là môi trường sống thiết yếu của thai nhi trong suốt thai kỳ. Không chỉ giúp bé hấp thụ dinh dưỡng, nước ối còn đóng vai trò như một lớp "áo giáp" bảo vệ khỏi các tác động bên ngoài và nguy cơ vi khuẩn xâm nhập. Nhưng khi lớp màng ối này bị rách, mọi nguy cơ đều tăng lên đáng kể.

Theo Bệnh viện Từ Dũ, khi túi ối bị vỡ trước 37 tuần thai, tình trạng này được gọi là ối vỡ non. Đây là một trong những vấn đề thường gặp trong sản khoa và là nguyên nhân hàng đầu gây sinh non, nhiễm trùng và tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.

Từ vụ sản phụ tố bác sĩ tắc trách: Rỉ ối có dễ nhầm với khí hư? - 2

Rỉ ối là tình trạng nguy hiểm trong sản khoa (Ảnh: Getty).

Đặc biệt, khi ối vỡ non xảy ra ở tuổi thai càng nhỏ, hậu quả càng nặng nề, từ nhiễm khuẩn, thiếu oxy cho đến các dị tật bẩm sinh.

Khác với ối vỡ ồ ạt, rỉ ối là hiện tượng nước ối rò rỉ ra ngoài âm đạo từng ít một, đôi khi khiến thai phụ nhầm lẫn với dịch âm đạo hoặc nước tiểu. Tuy nhiên, dù là rỉ ối hay ối vỡ non, tất cả đều tiềm ẩn nguy cơ cao cho mẹ và bé nếu không được xử lý đúng cách.

Rỉ ối có dễ nhầm với khí hư?

Nguyên nhân dẫn đến ối vỡ non rất đa dạng. Trong nhiều trường hợp, hiện tượng này xảy ra mà không xác định được lý do cụ thể.

Tuy nhiên, theo Bệnh viện Từ Dũ, một số yếu tố nguy cơ đã được ghi nhận, bao gồm viêm màng ối do vi khuẩn như Neisseria Gonorrhoeae, Chlamydia Trachomatis hay liên cầu nhóm B.

Những thai phụ có tiền sử hút thuốc lá, đa thai, đa ối, nhau tiền đạo hoặc mắc các bệnh lý như hở eo tử cung, từng khoét chóp cổ tử cung cũng có nguy cơ cao hơn.

Dinh dưỡng kém và căng thẳng kéo dài trong thai kỳ cũng được xem là tác nhân tiềm ẩn. Đặc biệt, việc vệ sinh vùng kín không đúng cách dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, làm suy yếu màng ối và dẫn đến rỉ ối.

Một trong những thách thức lớn khi phát hiện rỉ ối là sự nhầm lẫn với dịch âm đạo và nước tiểu.

Nước ối thường loãng, trắng trong hoặc hơi lợn cợn, không mùi và ra một cách rỉ rả, thấm ướt quần lót liên tục. Trong khi đó, dịch âm đạo có thể đục, vàng hoặc xanh, đôi khi có mùi tanh. Nước tiểu lại có màu vàng nhạt và mùi khai đặc trưng.

Đáng chú ý, một số trường hợp rỉ ối kèm theo cơn gò tử cung hoặc giảm cử động thai. Đây là những dấu hiệu cảnh báo sớm nguy cơ sinh non hoặc suy thai, cần được thăm khám ngay lập tức.

Nguy cơ khi bị rỉ ối, ối vỡ non

Ối là lớp màng bảo vệ tự nhiên ngăn không cho vi khuẩn từ âm đạo xâm nhập vào thai nhi.

Khi màng ối bị rách, hàng rào bảo vệ này không còn, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công.

Theo Bệnh viện Từ Dũ, nhiễm trùng ối là biến chứng nguy hiểm nhất, có thể gây viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết và đe dọa tính mạng người mẹ. Với thai nhi, nhiễm trùng có thể dẫn đến suy hô hấp, tổn thương thần kinh hoặc tử vong ngay trong bụng mẹ.

Một nghiên cứu đăng trên Journal of Perinatal Medicine năm 2023 cho thấy, tỷ lệ nhiễm trùng ối sau 24 giờ vỡ ối không được điều trị kháng sinh có thể lên tới 50%. Tuy nhiên, nếu được can thiệp kịp thời, con số này giảm xuống còn 12%.

Không chỉ nguy cơ nhiễm trùng, rỉ ối kéo dài còn làm giảm lượng nước ối quanh thai, khiến thai nhi bị chèn ép, hạn chế phát triển phổi và tăng khả năng dị tật xương khớp. Với các trường hợp ối vỡ non trước 34 tuần, tỷ lệ sinh non rất cao, tiềm ẩn nguy cơ bại não, chậm phát triển và suy dinh dưỡng sau sinh.

Cách xử trí với rỉ ối

Nếu thai phụ nghi ngờ bị rỉ ối, điều quan trọng nhất là không nên tự ý xử lý tại nhà. Việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác.

Khi xác định rỉ ối, bác sĩ sẽ căn cứ vào tuổi thai và tình trạng của mẹ và bé để đưa ra phương án xử lý:

- Nếu thai trên 36 tuần, thường sẽ được chỉ định sinh để tránh nguy cơ nhiễm trùng.

- Trong khoảng từ 34 đến 36 tuần, thai phụ có thể được tiêm thuốc hỗ trợ phổi trước khi chấm dứt thai kỳ.

- Đặc biệt, với những trường hợp từ 26 đến 34 tuần, mục tiêu là kéo dài thai kỳ để bé phát triển thêm, kết hợp sử dụng kháng sinh dự phòng và theo dõi sát. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, tim thai bất thường, các bác sĩ sẽ buộc phải lấy thai ra dù tiên lượng sống còn rất thấp.

- Đối với thai dưới 26 tuần, việc dưỡng thai gần như không khả thi. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ tư vấn kỹ càng về nguy cơ dị tật và tỷ lệ sống sót, giúp gia đình đưa ra quyết định phù hợp.

Trong thời gian chờ xử lý, thai phụ cần tuyệt đối nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển, tránh thụt rửa âm đạo hoặc quan hệ tình dục. Việc thay băng vệ sinh thường xuyên và giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ là rất quan trọng để giảm nguy cơ viêm nhiễm.

Theo khuyến cáo từ Bệnh viện Từ Dũ, thai phụ nên đến bệnh viện khẩn cấp nếu gặp một trong các dấu hiệu sau:

- Nước ra ồ ạt, không kiểm soát, nhất là khi có màu xanh, vàng hoặc mùi hôi.

- Đau bụng, cơn gò tử cung xuất hiện dồn dập.

- Thai máy yếu hoặc không cử động.

- Sốt, ớn lạnh, cảm giác mệt mỏi bất thường.

Việc trì hoãn nhập viện trong những tình huống này có thể đẩy mẹ và bé vào tình trạng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.