Vụ công nhân muốn viết di chúc nhờ nhận tiền thôi việc: Đề xuất bất ngờ
(Dân trí) - Đại diện doanh nghiệp cho biết, trong điều kiện hiện tại, không thể thanh toán hết tiền thôi việc cho 114 lao động thuộc diện dôi dư và đề xuất phương án nhận những người này trở lại làm việc.
Chiều tối 20/2, thông tin từ đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan (đóng tại phường Bến Thủy, thành phố Vinh) và đại diện người lao động kết thúc nhưng không đi đến thống nhất chung.
Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh, Liên đoàn lao động thành phố và đại diện chính quyền phường Bến Thủy.

Có 114 công nhân Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan thuộc diện dôi dư, bị buộc thôi việc từ ngày 15/1 (Ảnh: Hoàng Lam).
Theo phương án sử dụng lao động của Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan, có 119/387 lao động tại doanh nghiệp được xác định là dôi dư.
Ngày 15/1, doanh nghiệp này đã ban hành các quyết định cho thôi việc đối với 114 lao động (có 5 lao động có đơn xin nghỉ việc).
Cùng với quyết định cho thôi việc 114 lao động kể trên, doanh nghiệp này thông báo sẽ thanh toán các chế độ liên quan theo từng tháng, mỗi tháng 1-3 triệu đồng cho đến khi thanh toán hết chế độ.
Ngày 14/2, công ty trả tiền chế độ thôi việc cho công nhân đợt một, mỗi người 2 triệu đồng.
Anh Ngô Văn Thiện có gần 30 năm làm việc tại doanh nghiệp này. Theo tính toán, khi thôi việc, anh sẽ được nhận khoản tiền gần 108 triệu đồng. Việc nhận chế độ thôi việc theo chi trả của công ty, anh Thiện ví như "trả góp".
"Việc trả mỗi tháng 1-3 triệu đồng là thông báo đơn phương của công ty, không có sự bàn bạc, thống nhất với người lao động. Tháng này họ trả 2 triệu đồng, nhưng tháng sau trả 1 triệu đồng/tháng, bao giờ chúng tôi mới nhận đủ tiền thôi việc?", anh Thiện nói và lo lắng sẽ phải viết di chúc cho con nhận thay.

Công nhân tập trung trước cổng Công ty Cổ phần dệt may Hoàng Thị Loan sau buổi đối thoại bất thành (Ảnh: Hoàng Lam).
Không đồng ý với hình thức chi trả chế độ thôi việc theo kiểu "trả góp", sáng 17/2, các công nhân đã tập trung trước cổng công ty nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ lãnh đạo.
Người lao động kiến nghị phía công ty giải quyết các chế độ thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết trong năm 2023.
Tại buổi đối thoại chiều 20/2, đại diện người lao động yêu cầu công ty thực hiện việc thanh toán chế độ thôi việc trong 1 lần để họ giải quyết khó khăn về chi phí sinh hoạt cũng như tìm kiếm sinh kế mới.
Đại diện doanh nghiệp cho biết trong thời điểm này, do tình hình tài chính hết sức khó khăn, không thể thanh toán 1 lần chế độ thôi việc cho 114 lao động với tổng số tiền trên 3,1 tỷ đồng mà sẽ duy trì việc trả dần theo từng tháng.
Doanh nghiệp này cũng đề xuất sẽ nhận người lao động quay trở lại làm việc nếu có nhu cầu, nhưng đại diện người lao động không đồng ý với các phương án này.
Ông Lê Huy Vinh, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, chia sẻ: "Quan điểm của chúng tôi là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đề nghị công ty bố trí kinh phí để chi trả chế độ thôi việc theo đúng quy định pháp luật cho các công nhân. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp trả lời, thời điểm này, không thể bố trí được kinh phí để chi trả".
Do không thống nhất được nội dung đối thoại, đại diện người lao động không ký vào biên bản đối thoại và cho biết, sẽ đưa vụ việc ra tòa án để nhờ phân xử.