Tấm ảnh chân dung thay liệt sỹ trở về sau nửa thế kỷ lưu lạc trên đất Mỹ
(Dân trí) - Chiếc hộp chứa giấy tờ, tem thư và bức ảnh chân dung duy nhất của liệt sỹ Kha Văn Việt, ở Nghệ An hy sinh tại Khe Sanh năm 1967, đã trở về với gia đình sau nửa thế kỷ theo chân một cựu binh Mỹ.

Kỷ vật thiêng liêng trở về từ nửa vòng trái đất
Tối 27/4, trong chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn" phát sóng trên VTV, những kỷ vật thiêng liêng của liệt sỹ Kha Văn Việt (quê xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương, Nghệ An) đã được một cựu binh Mỹ trao trả cho gia đình sau hơn nửa thế kỷ lưu lạc nơi đất khách quê người.
Chiếc hộp nhỏ mở ra giữa sân khấu khiến khán giả lặng người xúc động. Bên trong là những hiện vật bình dị, nhưng vô giá, như: giấy chứng minh nhân dân, giấy báo khen thưởng, giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn, giấy chứng nhận bị thương, tem thư…

Tấm ảnh chân dung duy nhất của liệt sỹ Kha Văn Việt là kỷ vật lần đầu tiên gia đình được nhìn thấy sau gần 60 năm kể từ ngày ông hy sinh (Ảnh: Đình Tuân).
Đặc biệt là bức ảnh chân dung duy nhất của liệt sỹ, điều mà suốt hơn 50 năm qua, người thân chưa từng được nhìn thấy.
Liệt sỹ Kha Văn Việt là con thứ ba trong gia đình đồng bào Thái có 8 người con, ở bản Pa Tý, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Năm 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại mặt trận Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị).

Giấy chứng minh nhân dân của liệt sỹ Kha Văn Việt (Ảnh: Đình Tuân).
Năm 1967, khi mới 20 tuổi, ông anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Kể từ đó, ngoài giấy báo tử và Bằng Tổ quốc ghi công, gia đình không còn bất cứ kỷ vật hay thông tin nào khác.
Ngày ấy, giữa chiến trường Khe Sanh đầy khốc liệt, một người lính Mỹ nhặt được chiếc hộp nhỏ. Người này mang về nước và âm thầm gìn giữ gần 60 năm qua.

Giấy báo khen thưởng của liệt sỹ Kha Văn Việt là minh chứng cho tinh thần học tập, rèn luyện và cống hiến trước khi nhập ngũ (Ảnh: Đình Tuân).
Lo sợ tuổi cao sức yếu, ông đã chủ động liên hệ với các tổ chức tại Việt Nam, bày tỏ nguyện vọng trao trả những kỷ vật thiêng liêng này cho thân nhân liệt sỹ.
Ông Lương Thanh Hiền, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Yên Tĩnh, đồng thời là cháu rể của gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt, kể: "Sau nhiều năm tìm kiếm, gia đình bất ngờ nhận được thông báo từ phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam về một số thông tin liên quan đến liệt sỹ Việt. Sau đó, phóng viên đã trực tiếp về địa phương xác minh, đối chiếu các dữ liệu và kỷ vật được lưu giữ tại nước ngoài. Khi nhận thấy sự trùng khớp, họ xác nhận đó chính là di vật của liệt sỹ Kha Văn Việt.

Bà Kha Thị Loan, chị gái ruột của liệt sỹ Kha Văn Việt, xúc động mở chiếc hộp lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng của em trai sau gần 60 năm thất lạc (Ảnh: Đình Tuân).
Ngày 27/4 vừa qua, gia đình tôi được mời ra Hà Nội để trực tiếp nhận lại những kỷ vật vô giá trong chương trình truyền hình "Vang mãi khúc khải hoàn". Đó là một khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng, không chỉ với riêng gia đình chúng tôi mà còn là niềm xúc động của cả quê hương Yên Tĩnh".
"Từ nay, con cháu có thể thắp hương trước ảnh em trai mình"
Ngày đón nhận kỷ vật, đại diện gia đình gồm ông Hiền, ông Kha Dương Tiến (con bác liệt sỹ), anh Kha Văn Thìn (cháu ruột) đã trực tiếp bước lên sân khấu nhận lại chiếc hộp. Sau đó, các kỷ vật được đưa về thờ phụng trang trọng tại gia đình anh Thìn ở bản Pa Tý.
Căn nhà nơi thờ cúng liệt sỹ những ngày qua trở thành điểm đến của người dân địa phương. Ai cũng xúc động khi được tận mắt chứng kiến những "mảnh ghép" ký ức từ chiến trường năm xưa trở về, kết nối quá khứ với hiện tại.

Giấy chứng nhận bị thương và Giấy báo tử của liệt sỹ Kha Văn Việt là những tài liệu thiêng liêng, ghi lại dấu mốc cuối cùng trong cuộc đời chiến đấu anh dũng của ông (Ảnh: Đình Tuân).
Ông Lương Thanh Hiền, chia sẻ thêm: "Giờ đây, con cháu tôi đã biết mặt cậu của mình, không còn phải hình dung mơ hồ. Gia đình tôi thực sự biết ơn người đã gìn giữ và trao trả lại những thứ quý giá này.
Chúng tôi hy vọng với những thông tin trong giấy tờ, ảnh chân dung, các cơ quan chức năng sẽ có thêm cơ sở để tìm thấy phần mộ liệt sỹ Việt, điều mà bao thế hệ gia đình chưa từng ngừng mong mỏi".
Bà Kha Thị Loan, chị gái liệt sỹ Kha Văn Việt xúc động nói: "Gia đình tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến người đã gìn giữ và trao trả những kỷ vật vô giá này. Đó không chỉ là hiện vật cá nhân, mà còn là biểu tượng thiêng liêng gắn với ký ức, linh hồn người đã khuất. Từ nay, con cháu chúng tôi có thể thắp hương trước ảnh em trai mình, điều mà mấy chục năm qua chưa bao giờ dám nghĩ tới".
"Liệt sỹ Kha Văn Việt là niềm tự hào của địa phương. Việc gia đình đón nhận lại kỷ vật sau gần 60 năm không chỉ mang ý nghĩa tinh thần lớn lao, mà còn là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ về lòng yêu nước, về sự hy sinh cao cả và giá trị của hòa bình hôm nay", ông Lữ Khăm Phon, Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, chia sẻ.

Căn nhà nơi thờ cúng liệt sỹ Kha Văn Việt, ở bản Pa Tý trở thành nơi lưu giữ những ký ức thiêng liêng và là điểm tựa tinh thần của gia đình (Ảnh: Đình Tuân).
Ông Vi Tân Hợi, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, người từng nhiều năm lặng lẽ tìm kiếm thông tin về liệt sỹ Kha Văn Việt, vẫn nhớ như in chuyến hành trình đặc biệt đưa chị gái liệt sỹ vào vùng đất lửa Khe Sanh, nơi người em ngã xuống giữa trận chiến khốc liệt.
"Hôm ấy, chị nghẹn ngào đứng giữa cánh rừng xưa, nơi bao người con đất Việt đã nằm lại. Trong đợt chiến đấu đó, thầy giáo của tôi và một người anh con bác cũng hy sinh. Một người nữa may mắn sống sót nhưng mang thương tật suốt đời", ông Hợi kể.

Giấy giới thiệu sinh hoạt Đoàn của liệt sỹ Kha Văn Việt là một trong những kỷ vật thiêng liêng được cất giữ suốt nhiều thập kỷ (Ảnh: Đình Tuân).
Nhắc đến khoảnh khắc thiêng liêng khi được chứng kiến gia đình liệt sỹ nhận lại kỷ vật trên sóng truyền hình, ông Hợi chia sẻ: "Tối 27/4, khi theo dõi chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn", đến phần gia đình bước lên nhận lại kỷ vật thiêng liêng, tôi không cầm được nước mắt.
Trong 10 năm công tác phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư, liên hệ với các cơ quan để tìm kiếm thông tin, nhưng chưa có kết quả. Giờ đây, khi những kỷ vật đã trở về với gia đình, đó là một niềm an ủi lớn lao, như thể anh Việt đã trở về sau bao năm xa cách".

Những kỷ vật của liệt sỹ Kha Văn Việt như những mảnh ghép thiêng liêng, kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại bình yên (Ảnh: Đình Tuân).
Hành động của cựu binh Mỹ, người từng đứng ở phía bên kia chiến tuyến, gìn giữ cẩn thận các kỷ vật suốt nhiều thập kỷ rồi trao trả lại cho thân nhân liệt sỹ là nghĩa cử đầy nhân văn; góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, lan tỏa thông điệp hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Trong kháng chiến chống Mỹ, xã Yên Tĩnh là địa phương có nhiều đóng góp, từng bị Mỹ ném bom. Toàn xã có 120 lượt người nhập ngũ, 16 liệt sỹ, 10 thương binh, được Nhà nước tặng 25 Huân huy chương và 3 Huân chương tập thể.