(Dân trí) - Thoát chết sau 12 ngày lênh đênh trên biển, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn sút hơn 10kg. Trên giường bệnh, ông chỉ mong nhanh phục hồi, về tu bổ tàu ra khơi tiếp, lòng vẫn luôn thành tâm tạ ơn Mẹ biển.
Sói Biển vẫn sống khi ngỡ linh hồn mình đã chết giữa biển khơi!
Thoát chết trở về sau 12 ngày lênh đênh giữa biển, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn sút hơn 10kg. Trên giường bệnh, ông chỉ mong nhanh phục hồi, về tu bổ tàu tiếp tục ra khơi, lòng vẫn luôn thành tâm tạ ơn... Mẹ biển.
Hơn 5h sáng ngày 10/7 (tức 12/6 âm lịch), trận bão cách biển Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 121 hải lý về hướng nam xuất hiện. Khi đó, nhiều thuyền viên còn ngủ say trên tàu cá do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng.
Trời rạng sáng nhưng chẳng khác đêm đen, gió giật liên hồi, sóng biển cuồn cuộn, quăng quật từng cơn như muốn nuốt chửng, nhấn chìm chiếc tàu cá giữa biển khơi. Thuyền trưởng Toàn nỗ lực điều khiển con tàu, cố vượt qua sóng dữ.
Nước biển ngập khoang, hầm cá hàng chục tấn bị xô đẩy, đổ dồn về phía mũi tàu. Ông Toàn xoay bánh lái, cố điều khiển mũi tàu đang bị chúi xuống ổn định lại giữa những trận sóng lớn. Khi đoán định tàu sẽ chìm, từ buồng lái, thuyền trưởng hô lớn: "Anh em lấy thúng chai chia nhau thoát nạn!".
Dứt lời, ông chỉ kịp vơ lấy một thùng mì tôm. Tàu chìm nhanh, 15 ngư dân chia nhau ngồi co rúm trên 2 chiếc thúng chai, mong chờ sẽ được cứu sớm. Nhưng, phép màu không đến với tất cả, 6 người trong số họ mãi mãi ở lại biển khơi, miền cát trắng xóm biển lại có thêm những ngôi mộ gió…
Sói Biển dân đồng bằng
Trưa 30/7, trở lại xóm chài, nơi thuyền trưởng Bùi Văn Toàn (50 tuổi) từ cõi chết trở về với gia đình ở phường Phú Tài, TP Phan Thiết sau 12 ngày đêm lênh đênh trên biển, người dân nơi đây cho biết, sau khi được cứu sống, ông Toàn vẫn phải nằm điều trị nhiều ngày ở một bệnh viện gần nhà.
Ông Nguyễn Văn Cộng (tức Bảy Cộng, 64 tuổi), một ngư dân và cũng là hàng xóm hơn 15 năm của ông Toàn cho biết: "Đời tôi chưa từng thấy thuyền trưởng nào chìm tàu giữa biển 2 lần mà vẫn sống sót như ông Toàn".
Người hàng xóm Bảy Cộng luôn thể hiện thái độ, ánh mắt ngưỡng mộ mỗi khi kể những chuyện về thuyền trưởng Toàn. Ông nói, biệt danh Sói Biển của ông Toàn do người dân địa phương đặt từ hơn chục năm trước.
Theo ngư dân, Sói Biển vốn không phải sinh ra, lớn lên ở vùng biển Phan Thiết. Ông Toàn quê gốc Cà Mau, cha mẹ quanh năm làm nghề nông. Học hết cấp 2, ông lang bạt thương hồ, rồi theo chân tụi bạn ra tận Bình Thuận làm thuê trên những tàu cá.
Từ một "cậu nhóc ngoại đạo" theo ngư dân địa phương đi kéo lưới, ông Toàn sớm học được cách điều khiển những tàu cá lớn. Năm 25 tuổi, ông Toàn chính thức trở thành một thuyền trưởng, làm thuê cho những chủ tàu chuyên đánh bắt xa bờ, tháng ngày chủ yếu lênh đênh trên biển.
Năm 35 tuổi, ông Toàn khi đó đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Sau nhiều năm lái thuê, ông rất am hiểu những khu vực đánh bắt nhiều cá. Ông quyết định mượn tiền đóng tàu của riêng mình. Sau mấy chuyến đầu ra khơi "trúng đậm", ông trả dứt nợ, xây nhà khang trang.
Tàu cá do ông Toàn làm chủ ban đầu chỉ có vài thành viên cốt cán, dần có hơn 30 người, thay phiên nhau ra khơi. "Chú Toàn đối xử tốt với anh em đi biển, gia đình ai khó khăn chú thường giúp đỡ, ai lỡ kẹt tiền, chú cũng sẵn sàng cho mượn để xoay sở", hàng xóm Bảy Cộng chia sẻ.
Là thành viên sống sót trong vụ chìm tàu cùng ông Toàn, anh Lê Văn Dũng (36 tuổi) cho biết ông Toàn "ngửi mùi cá" xa khơi rất giỏi. Từ khi đi theo Sói Biển, thu nhập của các thành viên trong đội khá lên, cuộc sống ổn định hơn.
"Chú Toàn là chủ tàu nhưng không bao giờ hống hách, nặng lời ai, luôn bên cạnh động viên mọi người cố gắng trong mỗi chuyến ra khơi", anh Dũng nói.
Nhắc chuyện đắm tàu, anh Dũng kể mình là thuyền viên trên chiếc thúng 8 người có ông Toàn. Hơn chục năm đi biển, đây là kiếp nạn kinh khủng nhất mà anh trải qua. Suốt 12 ngày trôi giữa biển, thuyền trưởng Toàn luôn giữ bình tĩnh, trấn an mọi người, giúp các thuyền viên không hoảng loạn, nuôi hy vọng đến giây phút cuối cùng.
Lần đầu tiên, anh Dũng cùng ông Toàn tận tay đưa những người anh em của mình thả trôi xuống biển sau khi họ qua đời. "Chúng tôi không còn nước mắt để khóc. Chỉ biết cầu nguyện cho linh hồn anh em và cầu nguyện cho chính mình", anh Dũng cho hay.
Sống sót qua 2 kiếp nạn
Sau khi được cứu, thuyền trưởng Bùi Văn Toàn tái phát bệnh đường ruột phải nhập viện phẫu thuật khiến cơ thể thêm phần suy nhược. Thoát chết trở về sau 12 ngày lênh đênh giữa biển, ông Toàn sút hơn 10kg. Trên giường bệnh, thuyền trưởng 50 tuổi thừa nhận, sau nhiều năm đi biển, sức khỏe đã yếu hẳn, không còn dẻo dai như trước.
Cuộc đời bám biển, không ít lần rủi ro, dông bão nhưng ông Toàn sẽ nhớ mãi 2 vụ chìm tàu. Lần thứ nhất, ông cũng làm thuyền trưởng. Tai nạn xảy ra đúng ngày 12/6 âm lịch năm 2014 ở vùng biển Kê Gà, Bình Thuận.
"Lúc đó trong đoàn có 18 người. Tàu chìm, không kịp lấy thúng chai, chúng tôi bám vào các vật dụng còn sót lại, ngâm mình nổi trôi giữa biển đúng một ngày thì được cứu. Nhưng lần đó, 6 người đã ở lại với biển mãi mãi", ông Toàn nghẹn giọng.
Sau khi trở về, ông Toàn ám ảnh một thời gian dài khi nhìn thấy thau nước. Cứ 2-3 ngày ông mới dám tắm một lần và phải gần một năm sau tinh thần mới dần ổn định lại. Suốt 5 năm sợ biển, ông mở quán cà phê bida kinh doanh, tưởng chừng đã dứt bỏ được cái nghề lênh đênh.
Nhưng năm 2019, nhớ biển, ông đóng tàu ra khơi trở lại và liên tục "trúng cá" vì rất am hiểu việc đánh bắt xa bờ. Năm 2022, ông Toàn vừa sắm thêm một thuyền cá lớn trị giá 3 tỷ đồng, thuê thêm người lái. Nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, ông trải qua kiếp nạn một lần nữa, khủng khiếp hơn nhiều lần.
Trên giường bệnh, Sói Biển ngước mặt nhìn chăm chăm, đếm từng giọt dịch truyền nhỏ xuống, chảy vào tĩnh mạch. Người đàn ông vẫn chưa hết vẻ bàng hoàng khi kể về những ngày lênh đênh trên thúng chai chờ đợi phép màu.
"Mọi thứ diễn ra chỉ trong hơn 10 phút. Tàu chìm, chúng tôi lúc đó chỉ biết tìm cách thoát nạn. Nếu kịp lấy thêm một ít nước, có lẽ anh em của mình không chết", gương mặt người thuyền trưởng nhăn nhúm, đau đớn khi hồi tưởng giây phút kinh hoàng.
Sau khi tàu chìm, 2 chiếc thúng chai với 15 ngư dân luôn cố gắng neo, trôi cạnh nhau. Với trách nhiệm thuyền trưởng, ông Toàn luôn là người động viên anh em phải giữ bình tĩnh, tin rằng sẽ sớm được cứu. Ông quả quyết "phải ở cạnh nhau, sống thì cùng sống, chết thì cùng chết".
Nhiều lần thúng của ông Toàn bị gió lật, những anh em khác trên chiếc thúng còn lại bơi ra hỗ trợ. Với một thùng mì tôm mang theo, 15 người chia nhau ăn, cầm cự trong 2 ngày thì hết sạch. Ngày thứ 3, họ phải nhịn đói. May mắn, hôm đó trời mưa, mọi người lấy tay hứng nước để uống. Nước đọng dưới đáy thúng được để dành lại.
Suốt một tuần đầu tiên, cái đói, khát và cả nỗi tuyệt vọng bủa vây 15 người trên 2 chiếc thúng nhỏ. Chưa hết, trong một trận bão đêm, sóng đánh khiến 2 chiếc thúng lạc mất nhau.
Trong khi chiếc thúng 7 người may mắn vớt được mấy chiếc bánh, chai nước giữa biển để cầm cự thì thúng 8 người của ông Toàn vớt được khoảng 20 trái táo tươi trong vòng 2 ngày.
Những trái táo luôn được cắn, chia làm 8 phần, có người ăn hết miếng táo, có người chỉ dám cắn một nửa, phần còn lại nhét vào lai áo để dành cho bữa sau. Biển những ngày này không có mưa, biết uống nước biển sẽ càng khát nước, khô môi và nhanh mất sức hơn nhưng thi thoảng họ vẫn phải bụm tay vốc một nắm uống cầm cự.
Ngồi co ro, chụm lại trong chiếc thúng nhỏ, ban ngày chịu nắng nóng, ban đêm ôm nhau vượt qua cái lạnh.
Thúng 7 người sau đó có 3 người qua đời, những người còn lại được ngư dân Bình Định cứu vào trưa 19/7. Cũng từ hôm đó đến ngày 21/7, thúng của ông Toàn có 3 người liên tiếp qua đời.
"Lúc ra đi, mọi người đều yếu, không thể trăn trối điều gì. Nhưng tôi nghĩ, có lẽ anh em cũng không hy vọng chúng tôi còn sống để trở về đất liền mà đưa tin", ông Toàn cố mở to, ngước mắt lên, ngăn nước mắt chực trào ra.
Biển vẫn là Mẹ
Trưa 21/7, 11 ngày sau khi chìm tàu, một trận mưa lớn giữa biển giúp 5 ngư dân còn lại có nước uống cầm cự. Tuy nhiên, mọi người rất yếu, không ai trong số họ còn đủ niềm tin sẽ được cứu. Ngay cả thuyền trưởng Toàn, người luôn động viên anh em cố gắng, lúc bấy giờ cũng gần như tuyệt vọng. "Linh hồn tôi lúc đó tưởng chừng đã chết rồi" - giọng ông nói như thoảng qua.
Sáng hôm sau, 12 ngày kể từ tai họa xảy ra, tàu biển Buffalo từ Ai Cập đi Trung Quốc đã cứu được 5 người trên thúng của ông Toàn ở tọa độ cách Nha Trang, Khánh Hòa khoảng 224 hải lý về phía Đông.
"Nếu hôm đó không được cứu thì cũng là ngày mất của tôi", ông Toàn bộc bạch.
Lên tàu Buffalo, món đầu tiên ông Toàn được ăn là mì tôm và cháo. Ông cho biết, đó là bữa ăn ngon nhất trong đời nhưng không dám ăn nhiều vì người rất yếu.
Tàu Buffalo sau đó liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 để hỗ trợ đưa 5 ngư dân Việt về đất liền. Sau khi được đưa về Nha Trang chăm sóc y tế, ông Toàn và 4 ngư dân còn lại về nhà.
Sau 2 ngày ở nhà, ông Toàn phải nhập viện. Những khóe chân, tay mưng mủ đã dần lành lại nhưng vì đau ở vết mổ, ông vẫn chưa thể tự đi lại, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân.
Ông Lê Dãy (55 tuổi) người anh em cột chèo của ông Toàn, cũng theo tàu ra khơi được gần nửa tháng nhưng sau đó bị bong gân, phải theo tàu buôn trở về đất liền nên may mắn thoát nạn. Chăm sóc anh rể, ông Dãy không ít lần bật khóc: "Tôi vừa thương anh, vừa xúc động khi mình may mắn quay về sớm. Nếu ở lại, rơi vào cảnh chìm tàu, chắc tôi đã chết rồi vì sức khỏe không tốt như các anh".
Có mặt tại bệnh viện thăm thuyền trưởng, khi được hỏi về rủi ro đời ngư dân, anh Lê Văn Dũng nói lời mặn hơn nước biển: "Tôi đi biển hơn chục năm, biết nhiều ngư dân gặp nạn nhưng chưa nghĩ có ngày đến lượt mình. Thoát chết nhưng 12 ngày đói khát, chứng kiến anh em qua đời trước mặt, rồi phải tự tay mình thả từng người xuống biển, chắc sẽ ám ảnh suốt đời. Biển nuôi mình nhưng cũng có thể lấy mạng mình".
Đến bên giường bệnh thuyền trưởng, anh Dũng không nói gì nhiều, chỉ nắm chặt tay ông Toàn. 2 bàn tay của 2 con người sống sót kỳ diệu vẫn còn những vết lở, sạm đen vì cháy nắng như hòa làm một. Anh Dũng chùng giọng: "Ước gì tìm thấy xác những người anh em chú Toàn nhỉ?".
Thuyền trưởng Toàn cũng không đáp, đưa ánh nhìn xa xăm ra hướng cửa sổ nhỏ, im lặng…
Những ngày này, ngoài người thân, chính quyền địa phương, còn có những người không quen biết hay tin Sói Biển nằm viện đã đến thăm hỏi. Bằng giọng yếu ớt, ngắt quãng, ông Toàn nói: "Nghề nào cũng có rủi ro. Tôi có duyên và có nghiệp với biển cả nên không thể bỏ được. Chuyến này khỏe lại, tôi sẽ lại ra khơi. Nhờ Mẹ biển mà tôi có sự nghiệp, nhà cửa và gia đình ở quê hương thứ 2 Phan Thiết".
Nội dung: Diệp Phan
Ảnh: Hoàng Giám
Bình Thuận, 6/8/2022