Phi công lương trăm triệu đồng: Ăn sáng ở Đức, trưa ở Thái, tối ở Hà Nội
(Dân trí) - Trải qua hàng nghìn giờ bay trên trời, các phi công chia sẻ rằng để có được thu nhập và đặc quyền mà nhiều người mơ ước, họ phải chấp nhận học tập và rèn luyện suốt đời.
Công việc với nhiều đặc quyền
Kể về một trong những lần thực hiện chuyến bay dài, anh Trung Minh (SN 1981, ngụ tại TP Hà Nội), cơ trưởng của một hãng hàng không kiêm giáo viên huấn luyện bay, đã có mặt từ sớm để chờ bắt đầu nhiệm vụ đưa máy bay mới về cho hãng đưa vào khai thác. Anh Minh cho biết hành trình này kéo dài hơn 21 giờ, đi từ Hà Nội, lần lượt sang các sân bay tại thành phố của Đức, Azerbaijan, Thái Lan, sau đó là trở về Hà Nội.
Mỗi chặng, tổ bay gồm 2 cơ trưởng, 2 cơ phó và một số chuyên viên kỹ thuật khác chỉ được nghỉ 1-2 tiếng tại các sân bay trung chuyển. Khi xuất phát, 2 cặp cơ trưởng và cơ phó sẽ thay phiên nhau thực hiện nhiệm vụ trong khoang lái.
Đối với anh Minh, những chặng bay dài như thế rất vất vả. Tuy nhiên, thời gian 12 năm làm nghề, hơn 9.000 giờ bay đã khiến anh Minh quen với những áp lực đó. Ngược lại, cơ hội được đặt chân đến và trải nghiệm ở nhiều đất nước trên thế giới càng khiến cho anh thêm yêu công việc của mình.
"Ăn sáng ở Hà Nội, ăn tối ở Tokyo hay thành phố khác đối với tôi là chuyện bình thường. Đặc quyền được đến và trải nghiệm nhiều nước trên thế giới là một trong những nguyên nhân khiến phi công trở thành một nghề đáng mơ ước. Ngoài ra, vị trí và môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao cũng là điều hấp dẫn các bạn trẻ muốn theo đuổi nghề này", anh Minh nói.
Nam cơ trưởng chia sẻ thu nhập của một phi công thường tùy thuộc vào vị trí và hãng bay. Anh Minh chia sẻ rằng cơ phó có thể kiếm được 60-100 triệu đồng/tháng, cơ trưởng là 120-200 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm các khoản phụ cấp. Mức thu nhập này có thể cao hơn ở một số hãng bay, quốc gia trên thế giới.
Chị Mạch Khanh (SN 1996, ngụ tại TPHCM) là một nữ cơ phó nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô gái từng là sinh viên trường kiến trúc nhưng đã rẽ hướng sang ngành hàng không từ năm 2018.
Sau 3 năm học tập và ứng tuyển, Mạch Khanh đã gạt phăng định kiến "nghề phi công chỉ dành cho phái mạnh" khi chính thức trở thành cơ phó cho một hãng hàng không tại Việt Nam.
"Ngay từ nhỏ, tôi đã bị thu hút bởi những chiếc máy bay khổng lồ, bay lượn trên bầu trời. Khoảnh khắc lần đầu tiên ngồi trong buồng lái thật, được ngắm nhìn cảnh vật và đất nước mình từ trên cao, tôi thấy vô cùng phấn khích và tự hào. Tôi luôn tự nhủ bản thân phải luôn nỗ lực", Khanh bộc bạch.
Nghề không được phép sai
Để hưởng những đặc quyền mà không phải ai cũng có, cơ trưởng Trung Minh và cơ phó Mạch Khanh cho hay họ phải trải qua thời gian dài huấn luyện vô cùng khắt khe.
Nam cơ trưởng chia sẻ người muốn trở thành phi công phải đáp ứng và chuẩn bị thật tốt nhiều tiêu chí khác nhau.
"Giai đoạn tuyển dụng chia làm nhiều vòng. Trước hết, hãng bay sẽ sàng lọc hồ sơ của các ứng viên đáp ứng yêu cầu đầu vào của đơn vị. Sau đó, họ sẽ tổ chức thi tuyển IQ, bao gồm khả năng đưa ra đáp án chính xác trong thời gian ngắn đối với các phần thi tư duy hình học, số học, logic…
Vượt qua vòng này, ứng viên tiếp tục trải qua vòng kiểm tra sức khỏe, liên quan đến các chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể), chức năng của từng bộ phận trên cơ thể, khả năng phản xạ, ứng phó các tình huống cấp bách…
Ứng viên còn được đưa vào buồng điều áp, nơi có áp suất cao và thiếu oxy, rồi xử lý các câu hỏi tính toán. Cuối cùng, họ sẽ được tham gia vòng phỏng vấn để xem có thật sự thích hợp với công việc này không", anh Minh nói.
Khi đã vượt qua các vòng ứng tuyển, ứng viên còn phải sẵn sàng cho đợt huấn luyện kéo dài khoảng 1 năm. Nếu không thành công vượt qua, bản thân sẽ bị loại ngay lập tức.
"Trong số hàng trăm học viên phi công dự khóa bay được tham gia khóa huấn luyện, mỗi đợt chỉ vài chục người chính thức được chọn. Họ sẽ được đưa sang nước ngoài để tiếp tục trải qua 18 tháng học lý thuyết và thực hành bay bằng máy bay huấn luyện và khoang lái giả định.
Sau khi hoàn thành khóa học này, họ sẽ được lái chuyến bay đầu tiên trong sự nghiệp, với sự giám sát và hướng dẫn của người huấn luyện. Tôi từng chứng kiến nhiều người vượt qua các vòng tuyển chọn gắt gao, nhưng lại bị loại vì thiếu một số tiêu chí", nam cơ trưởng tiếc nuối, nói.
Đây là công việc đòi hỏi tính kỷ luật vô cùng nghiêm khắc. Phi công luôn phải có mặt đúng giờ, không được để sai bất kỳ thứ gì bởi điều đó rất có thể dẫn đến hậu quả lớn. Hằng năm, đối với phi công, hãng bay sẽ tổ chức ít nhất 2 lần kiểm tra tại buồng lái giả định và 1 lần trên máy bay thật. Phi công cũng phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Theo nữ cơ phó Mạch Khanh, phi công tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia hay chất kích thích trước khi lên máy bay. Ngoài ra, họ còn phải đảm bảo ngủ đủ giấc, sức khỏe tốt để có thể tỉnh táo và tập trung lúc cầm lái.
Những trải nghiệm khó quên
Mạch Khanh chia sẻ giờ làm việc của phi công không cố định, có thể diễn ra vào ban ngày hoặc ban đêm. Thông thường, phi công sẽ phải đáp ứng khoảng 5-12 giờ bay, tùy thuộc vào lịch mà hãng sắp xếp.
Các dịp lễ, Tết là lúc nhiều người được nghỉ ngơi nhưng đó là thời điểm những người cầm lái máy bay trở nên bận rộn nhất. Họ hiếm khi được đoàn tụ cùng gia đình vào các dịp đặc biệt này bởi phải mang trọng trách đưa hành khách trở về nhà quay quần với người thân.
"Xa gia đình vào những dịp này, nói không buồn thì chắc là nói dối. Nhưng khoảnh khắc nhìn hành khách được trở về nhà, rơi nước mắt khi gặp lại người thân lâu năm xa cách, tôi thấy tự hào và hạnh phúc hơn khi được làm công việc này", Mạch Khanh chia sẻ.
Cơ trưởng Trung Minh trải lòng suốt chặng hành trình theo đuổi công việc đặc biệt, anh đã có không ít những kỷ niệm đáng nhớ.
Anh Minh chia sẻ mình từng là phi công cầm lái chuyến máy bay chở lực lượng chống dịch Covid-19 từ Hà Nội vào TPHCM. Bản thân cũng nhiều lần "bám trụ" trên bầu trời trong 2 giờ, nhanh trí đưa máy bay tránh khỏi vùng nguy hiểm khi máy bay gặp thời tiết xấu và hạ cánh an toàn.
"Khi sự an toàn của hành khách phụ thuộc vào quyết định của mình, tôi càng cảm nhận được trọng trách to lớn của bản thân. Mỗi khi đọc được những bức thư hành khách cảm ơn mình vì đã đưa họ đến nơi an toàn, tôi dường như có thêm động lực. Nghề nào cũng đáng trân quý, miễn là bạn đam mê, nỗ lực và làm mọi thứ bằng cái tâm, mọi thứ sẽ đưa bạn tới thành công", nam cơ trưởng chia sẻ.
Ảnh: Nhân vật cung cấp