(Dân trí) - Trước tình hình lao động mất việc tăng cao, các chuyên gia gợi ý, đưa lực lượng này ra nước ngoài làm việc để thoát "bẫy" thu nhập thấp. Đó vừa là giải pháp tình thế vừa là hướng đi hiệu quả.
Hàng ngàn lao động mất việc đối mặt "bẫy" thu nhập thấp
Trước tình hình lao động mất việc tăng cao, theo các chuyên gia, đưa lực lượng này ra nước ngoài làm việc là một giải pháp khả thi để thoát "bẫy" thu nhập thấp. Đó không chỉ là giải pháp tình thế mà còn là một hướng đi hiệu quả.
Không mất việc vì thiếu đơn hàng cũng bị loại khi 40 tuổi
Trao đổi cùng Dân trí về vấn đề công nhân các ngành thâm dụng lao động mất việc làm trong thời gian gần đây, ông Lê Long Sơn - Tổng giám đốc Esuhai Group không hề tỏ ra bất ngờ về hiện tượng tưởng như nghịch lý trong mùa sản xuất cuối năm này. Theo ông, đó là chuyện không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.
"Hiểu lao động phổ thông là gì thì dễ nhìn thấy được tình trạng này. Họ là những người tốt nghiệp phổ thông rồi vào nhà máy, xí nghiệp làm một công đoạn đơn giản nào đó trong dây chuyền sản xuất. Họ không hề có chuyên môn, tay nghề chỉ là thuần thục một thao tác nào đó, kỹ năng thì hạn chế", ông Sơn phân tích.
Những tháng gần đây, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp các ngành thâm dụng lao động giảm đơn hàng, phải cắt giảm lao động. Khó khăn nhất là các doanh nghiệp cùng ngành cũng gặp tình cảnh tương tự nên khó tìm việc làm mới cùng ngành cho các lao động mất việc này, mà làm khác ngành thì số công nhân trên không có tay nghề để thích ứng.
Theo ông Lê Long Sơn, lao động phổ thông ở Việt Nam là nhóm đối tượng mà các doanh nghiệp FDI nước ngoài hướng đến. Cho dù không bị mất việc do tình hình kinh tế thì trước sau gì họ cũng mất việc khi lớn tuổi, khi không còn đủ sức khỏe để làm việc bằng những lao động trẻ hơn trong khi người sử dụng lao động qua lại phải tăng lương theo thâm niên làm việc.
Ông Lê Long Sơn chỉ rõ thực tế, bởi chỉ là "lao động phổ thông" nên dù chính sách bắt buộc phải tăng lương cho nhân công có thâm niên thì cũng chỉ đến một mức trần nào đó mà doanh nghiệp chấp nhận được, không thể cao hơn. Lao động phổ thông rõ ràng luôn có thu nhập thuộc hàng thấp nhất thị trường lao động. Đó là "bẫy thu nhập thấp" đối với nhóm nhân lực này.
Tăng kỹ năng để nâng cao năng suất lao động
"Nhiều công nhân có suy nghĩ là làm thuê 10-20 năm kiếm ít vốn, khi già thì về quê kiếm việc gì đó làm. Nhưng đến một lúc nào đó, họ về quê cũng không có việc làm, ở quê cũng không dễ dàng tìm miếng rau, con cá như ngày xưa. Lúc đó, nhóm lao động lớn tuổi không tay nghề, không việc làm này sẽ là gánh nặng an sinh rất lớn", vị Tổng Giám đốc nhận định.
Theo ông Lê Long Sơn, tương lai không xa, khi nguồn lao động phổ thông bước vào tuổi 40, họ sẽ rơi vào nguy cơ mất việc là rất lớn.
Trường hợp khác, khi nguồn nhân lực của Việt Nam không còn ở mức lao động giá rẻ hoặc các doanh nghiệp FDI lớn đang hoạt động trên địa bàn khó khăn, họ sẽ dời đi nơi khác. Khi đó, lao động phổ thông mất việc hàng loạt là điều cũng nên suy nghĩ, lường trước.
Lao động phổ thông muốn thoát khỏi viễn cảnh mất việc, khó tìm việc khi về già, trở thành gánh nặng an sinh thì phải tự nỗ lực thoát bẫy thu nhập thấp khi còn trẻ. Muốn thoát bẫy thu nhập thấp, người lao động chỉ có cách học một chuyên môn, nâng cao tay nghề và rèn luyện các loại kỹ năng như vi tính, ngoại ngữ, kỹ năng mềm... Từ đó, mỗi người có thể nâng cao giá trị lao động của bản thân và xứng đáng có được mức thu nhập cao hơn. Đồng thời, khi bị mất việc cũng dễ dàng chuyển đổi công việc khác.
Ông Lê Long Sơn cho rằng, năng lực của người lao động hợp thành từ 3 yếu tố: kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, tay nghề thuần thục và kỹ năng làm việc (quản lý thời gian, giao tiếp, thái độ và trách nhiệm…).
"Lao động phổ thông vào xí nghiệp may chỉ làm một công đoạn như ráp, cắt chỉ, may cánh tay áo… Khi mất việc, không có xí nghiệp tương tự tuyển dụng thì họ có thể làm gì? Không gì cả! Khi lớn tuổi, họ muốn lương cao hơn có được không? Làm sao doanh nghiệp đồng ý khi họ có thể thuê người khác trẻ hơn, làm nhanh, năng suất hơn với mức lương rẻ hơn!", ông Sơn nêu vấn đề.
Do đó, không có cách nào khác là người lao động trong quá trình làm việc phải có ý thức tự học chuyên môn, rèn luyện tay nghề và kỹ năng nâng cao năng lực lao động của bản thân. Hoặc nhà nước cần có chính sách phù hợp để đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để họ có thể thoát bẫy thu nhập thấp, có tương lai bền vững.
Đi Nhật học kỹ năng để về phát triển bản thân
"Ở các nước tiên tiến như Nhật, các công việc thao tác đơn giản khó tìm người làm nên họ mới đẩy dây chuyền, nhà máy ra các nước có mức thu nhập thấp hơn. Tất nhiên, tại nước bạn vẫn có lao động phổ thông và nghịch lý là cùng một công việc, ở Việt Nam chỉ nhận mức lương 5-6 triệu đồng, ở Nhật trả 25-30 triệu đồng. Để trả mức lương cao đó, đương nhiên người lao động phải có kỹ năng để làm việc hiệu quả hơn, năng suất cao hơn", ông Lê Long Sơn nói.
Theo ông Sơn, nhà nước có thể định hướng cho người lao động phổ thông sau một thời gian làm việc trong nước cho quen việc, có tích lũy rồi đăng ký ra nước ngoài lao động. Người lao động nên chọn những nước có môi trường làm việc chất lượng để được nâng cao các kỹ năng làm việc, tay nghề như Nhật, Hàn Quốc, Đức... Khi tới những nước này làm việc, mục tiêu hàng đầu không chỉ là vì lợi ích kinh tế mà còn để rèn luyện kỹ năng, nâng cao giá trị lao động của bản thân.
Ông Lê Long Sơn cho biết về một quy trình đào tạo khép kín, người lao động khi đăng ký sang Nhật làm việc sẽ được đào tạo các kỹ năng và tiếng Nhật. Khi sang Nhật, công việc sẽ giúp tự đào tạo, để người lao động có nhiều kỹ năng hơn. Khi về nước sau 3 năm làm việc tại Nhật, người lao động lại được kết nối với các doanh nghiệp để làm các công việc tương tự nhưng ở vị trí quản lý vì họ có đủ kỹ năng và cả lợi thế biết ngoại ngữ.
"Khi đó, thu nhập của người lao động có thể không cao bằng ở Nhật nhưng đã đạt mức khá, kiểu như quản lý bậc trung tại Việt Nam, thoát khỏi bẫy thu nhập thấp của lao động phổ thông", ông Sơn khái quát.
Với riêng tình trạng công nhân mất việc hiện nay, ông Sơn cho rằng, các doanh nghiệp có năng lực tương tự có thể tiếp nhận, đào tạo nhóm này rồi đưa ra nước ngoài làm việc, góp phần giải bài toán công ăn việc làm trước mắt.
Để làm được việc này, cần một mô hình hợp tác giữa các bên là doanh nghiệp đưa lao động ra nước ngoài làm việc - cơ quan quản lý lao động - doanh nghiệp có nhu cầu cắt giảm lao động.
Ông Lê Long Sơn chia sẻ: "Khi các bên ngồi lại với nhau, chúng ta sẽ bàn là doanh nghiệp cắt giảm lao động hỗ trợ được gì cho công nhân mất việc, làm sao giúp họ có thể đi nước ngoài làm việc. Nhà nước có những chính sách hỗ trợ gì… để người lao động có thể đủ điều kiện tham gia, được đào tạo và ra nước ngoài làm việc...".
Cần một mô hình thí điểm thành công
"Khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, điều họ nhắm tới là lực lượng nhân công giá rẻ. Họ không có trách nhiệm phải lên kế hoạch đào tạo nâng cao năng lực cho người lao động. Cho nên, ngoài nỗ lực của bản thân người lao động thì Chính phủ cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ họ", ông Lê Long Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, phải có giải pháp từ ngay lúc này để hỗ trợ công nhân, lao động phổ thông thoát khỏi bẫy thu nhập thấp trước khi quá muộn. Nếu không, sau vài chục năm, lực lượng lao động vàng hôm nay sẽ là gánh nặng an sinh mai này.
Ông Sơn cho rằng, nếu chỉ một doanh nghiệp tham gia việc này thì mỗi tháng chỉ có thể giải quyết vài trăm lao động, một năm được vài ngàn người. Nhưng chỉ cần mô hình liên kết đào tạo thí điểm thành công, nhiều doanh nghiệp khác sẽ tham gia, mở rộng mô hình. Khi mô hình hoạt động trơn tru và phát huy hiệu quả, nó có thể sẽ trở thành xu hướng đào tạo, đào tạo lại và phát triển năng lực người lao động mới cho thị trường lao động Việt Nam.
Theo ông Lê Long Sơn, hiện các nhà máy, xí nghiệp ở Việt Nam rất thiếu tầng lớp quản lý cấp trung có năng lực, kỹ năng ngoại ngữ. Vị trí này có khi phải thuê mướn lao động nước ngoài. Ông tin tưởng lực lượng lao động được đưa ra nước ngoài làm việc, có tinh thần cầu tiến, học được kỹ năng để nâng cao năng lực bản thân hoàn toàn có thể đảm nhận các vị trí này khi về nước.
"Khi nhiều người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc và trở về làm quản lý cấp trung ở các nhà máy và có thu nhập tốt hơn, họ sẽ trở thành tấm gương tốt nhất cho các công nhân mới học tập theo. Điều này sẽ vô hình trung làm thay đổi nhận thức, tư duy của lao động phổ thông là làm ngày nào ăn ngày đó, không có định hướng rõ ràng để phát triển bản thân", ông Sơn đánh giá.
Khi hoạt động này trở thành xu hướng và phát triển quy mô lớn, lực lượng lao động phổ thông hiện nay hoàn toàn có cơ hội thoát khỏi "bẫy" thu nhập thấp, có con đường để phát triển sự nghiệp và về hưu với điều kiện an sinh đã được chuẩn bị, bảo đảm.
Ông Lê Long Sơn nhận định: "Nếu không có con đường phát triển cho lao động phổ thông, họ sẽ khó mà trụ nổi tới khi nghỉ hưu với công việc chân tay nặng nhọc trong các nhà máy, xí nghiệp".
Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ chi phí theo tiểu dự án 2 (Hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) thuộc dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, 570 tỷ đồng được huy động với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Dự án hỗ trợ chi phí thực tế khóa học đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ tối đa 4.000.000 đồng/người/khóa học; hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo 50.000 đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở trong thời gian đào tạo 400.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ tiền đồ dùng cá nhân mức 600.000 đồng/người...
Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Hữu Khoa + Hải Long + CTV