DMagazine

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, phải chọn người chịu học, chịu làm và chọn nghề phù hợp với từng nhóm lao động để phát huy hiệu quả của hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc...

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc

Theo các chuyên gia, phải chọn người chịu học, chịu làm và chọn nghề phù hợp với từng nhóm lao động để phát huy hiệu quả của hoạt động đưa lao động ra nước ngoài làm việc.

Chọn người chịu học để nâng cao chất lượng đầu vào

Những năm qua, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia. Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài đạt mức trung bình 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề. 

Từ năm 2016 đến nay, số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng từ khoảng 40.000 cho đến năm cao nhất khoảng 120.000 vào năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đưa 113.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số lao động Việt hiện đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trên 650 nghìn người.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động vẫn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối như lao động bỏ trốn khi ra nước ngoài, lao động trở về khó tìm việc...

Tình trạng lao động Việt qua nước ngoài rồi bỏ trốn, đi tìm việc khác xảy ra ở nhiều địa bàn như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Có thời gian, doanh nghiệp nước ngoài từ chối nhận lao động người Việt cư trú tại các địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao.

Lao động thất nghiệp sau khi đi xuất khẩu lao động về nước cũng là vấn nạn làm "đau đầu" các nhà quản lý. Báo cáo vừa được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) công bố cho thấy, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm chỉ là 26,7%; tỷ lệ tìm được công việc tương tự như ở Nhật còn thấp hơn rất nhiều.

Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc công ty TNHH Esuhai, nguyên nhân cốt lõi của các vấn nạn trên là việc tuyển chọn người lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài chưa đảm bảo chất lượng.

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 1

Những lao động có trình độ, chịu học khi ra nước ngoài làm việc sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn (Ảnh: CTV).

"Nếu chọn người đi nước ngoài làm việc chỉ với mục đích kiếm tiền thì họ sẽ tìm mọi cách để kiếm được nhiều tiền hơn", ông Sơn nói.

Chính vì mục tiêu kiếm tiền nên người lao động có thể bỏ trốn ra ngoài làm việc để có thu nhập cao hơn, thậm chí là làm việc phạm pháp. Khi chọn người lao động không có nền tảng học thức, họ chỉ có thể làm việc đơn giản. Khi về Việt Nam, họ làm cùng công việc trên thì thu nhập rất thấp, không chịu làm.

Theo Tổng giám đốc công TNHH Esuhai, điều quan trọng nhất là phải siết "đầu vào", việc tuyển chọn người đưa đi làm việc ở nước ngoài phải được kiểm soát, chọn người có trình độ và thái độ học tập tốt, có chí tiến thủ…

Ông Lê Long Sơn cho biết: "Esuhai không chú trọng số lượng người học mà chỉ chọn những người học có bằng cấp, chịu học… Họ không chỉ được dạy ngoại ngữ mà còn được đào tạo thái độ, tác phong làm việc, các kỹ năng mềm cần thiết để phát triển bản thân".

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 2

Ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc công ty TNHH Esuhai (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Sơn, nếu người lao động giao tiếp giỏi, biết làm nhiều công việc phức tạp thì doanh nghiệp tiếp nhận lao động càng mừng vì cùng mức lương mà họ tìm được người giỏi, đảm nhận phần việc mà lẽ ra họ phải trả lương cao mới có người làm.

Khi người lao động được tin tưởng giao làm các phần việc phức tạp, có kỹ năng và ham học hỏi thì họ sẽ có cơ hội phát triển kỹ năng, được doanh nghiệp giữ lại, thậm chí là học lên cao hơn.

"Ở công ty tôi, có em sau 3 năm lao động theo chế độ thực tập sinh đã đạt được chuẩn tiếng Nhật N1, được cấp học bổng thạc sĩ tại Nhật", ông Sơn chia sẻ.

Tổng giám đốc công TNHH Esuhai nhấn mạnh: "Những lao động ham học hỏi, giỏi tiếng, biết nhiều kỹ năng trở về nước sau thời gian thực tập sinh đều là đối tượng ưu tiên tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, khó mà thất nghiệp. Họ có trình độ, dễ thăng tiến, thu nhập cao và có tương lai nên hiếm khi bỏ trốn hay phạm pháp".

Chọn nghề phù hợp để định hướng phát triển

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty TNHH Đào tạo chuyển giao lao động và chuyên gia Suleco (Suleco Education), cũng đồng tình với ý kiến, phải nâng cao chất lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo bà, đã đến lúc công tác xuất khẩu lao động phải hướng đến chất lượng, kỹ năng hơn là số lượng.

Bà Hạnh chia sẻ: "Là đơn vị làm dịch vụ xuất khẩu lao động nhưng tôi chỉ mong có ngày người Việt mình không phải ra nước ngoài làm việc nữa, không ai phải tha hương kiếm sống. Khi đó, doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển nhà máy, dây chuyền sản xuất hiện đại đến Việt Nam để sản xuất, tức là xuất khẩu lao động tại chỗ".

Theo bà Hạnh, Việt Nam từng thành công về mô hình này với ngành IT. Trước đây, người làm trong ngành phải ra nước ngoài làm việc mới có thu nhập cao. Nhưng gần đây, khi hàng loạt doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển, nhận gia công nhiều phần việc công nghệ cao cho các tập đoàn quốc tế thì IT Việt không cần phải ra nước ngoài nữa, làm trong nước vẫn có thu nhập không kém gì ở các nước tiên tiến.

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 3

Tuyển chọn lao động đạt chất lượng, chọn nghề trọng điểm để đưa lao động ra nước ngoài làm việc là mấu chốt để phát triển bền vững (Ảnh: CTV).

Ở ngành kỹ thuật, nhiều lao động ra nước ngoài làm việc cũng cố gắng học hỏi các kỹ thuật cao, nắm vững quy trình điều khiển các thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng khi về nước thì thất nghiệp vì trong nước không sử dụng những thiết bị, dây chuyền hiện đại như thế. Các tập đoàn nước ngoài không đầu tư các dây chuyền hiện đại ở Việt Nam vì nguồn nhân lực nắm vững các kỹ thuật trên quá ít, không đủ cung cấp cho dây chuyền hoạt động.

"Chúng ta cần chọn ngành ưu tiên, có khả năng chuyển giao công nghệ để đầu tư trọng điểm, tìm các thị trường phù hợp để đưa lao động đi học ngành này. Khi lượng nhân lực nắm vững kỹ thuật cao đủ lớn thì các tập đoàn nước ngoài sẽ di chuyển nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của họ đến Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao mà giá lại rẻ", bà Hạnh chia sẻ.

Giám đốc Suleco Education cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thể chú trọng đến 2 ngành là nghề hàn và nông nghiệp công nghệ cao. Theo bà, nghề hàn kỹ thuật cao khá phù hợp với lao động Việt vì đây là ngành đòi hỏi sự khéo léo, đúng ưu thế của người Việt.

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 4

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc công ty Suleco Education (Ảnh: Tùng Nguyên).

Còn ngành nông nghiệp công nghệ cao rất phù hợp với chính sách an sinh, hỗ trợ các hộ nghèo, lao động nông thôn lớn tuổi. Nguồn nhân lực này sẽ là nền tảng cho các tập đoàn nông nghiệp quốc tế đầu tư phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, phát huy thế mạnh nông nghiệp trong nước và tận dụng nguồn lao động Việt đi làm việc ở nước ngoài trở về nước đã có kỹ năng, quen việc ở các nông trại công nghệ cao.

"Khi nhà nước chọn được nghề phù hợp và có chính sách định hướng phát triển, các doanh nghiệp dịch vụ tận dụng chính sách định hướng để phát triển thì thời gian để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nắm vững các ngành, nghề kỹ thuật cao sẽ nhanh hơn. Khi đủ nguồn nhân lực thì các doanh nghiệp đa quốc gia cũng sẽ di chuyển dây chuyền sản xuất của họ về Việt Nam", bà Hạnh nhấn mạnh.

Chấm điểm, xếp hạng doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Theo các chuyên gia, sở dĩ hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn nhiều vấn nạn là vì còn nhiều doanh nghiệp dịch vụ chú trọng vào lợi nhuận, tìm mọi cách để tăng số lượng lao động đưa ra nước ngoài để thu càng nhiều tiền dịch vụ càng tốt.

Những doanh nghiệp như trên không chú trọng chất lượng đầu vào, không đồng hành cùng người lao động khi họ sang nước ngoài, không quản lý được thực tập sinh nên dễ dẫn đến việc bỏ trốn, phạm pháp. Khi về nước, doanh nghiệp cũng bỏ mặc người lao động tự xoay xở tìm kiếm công việc mới nên tỷ lệ thất nghiệp cao.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn thuê môi giới để tìm nhiều lao động có nhu cầu ra nước ngoài làm việc. Để trả phí môi giới, doanh nghiệp thu tiền dịch vụ của người lao động cao hơn mức nhà nước quy định.

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 5

Cần có chính sách khuyến khích những doanh nghiệp dịch vụ làm tốt, uy tín để cải thiện hình ảnh ngành xuất khẩu lao động (Ảnh: CTV).

Theo ông Lê Long Sơn, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế độ chấm điểm, xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Thang điểm có thể dựa trên 3 tiêu chí chính là uy tín của doanh nghiệp dựa trên lịch sử hoạt động; quy mô doanh nghiệp dựa trên số lượng lao động đã đưa ra nước ngoài làm việc thành công và số lượng nhân viên; tỷ lệ vi phạm của lao động như bỏ trốn, phạm pháp, thất nghiệp khi về nước…

Sau khi chấm điểm, xếp hạng các doanh nghiệp hàng năm thì cơ quan quản lý cần có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp làm tốt, có thứ hạng cao để khuyến khích họ phát triển, tăng cường đầu tư chất lượng hoạt động. Đồng thời, những doanh nghiệp làm kém, thứ hạng thấp cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế những sai phạm.

Bởi với quy định hành chính hiện nay, thủ tục kiểm soát đối với doanh nghiệp nhỏ chỉ đưa vài người lao động ra nước ngoài cũng y như doanh nghiệp đưa hàng trăm lao động mỗi lần. Nhiều thời điểm, sự chậm trễ trong thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp đổ vỡ các hợp đồng lớn.

Ông Sơn đề xuất giải pháp "luồng xanh" như trong công tác hải quan: "Những doanh nghiệp làm tốt thì có thể trong quá trình xét duyệt hồ sơ học viên sẽ dễ dàng hơn, kiểm tra ngẫu nhiên tỷ lệ hồ sơ nhất định chứ không cần kiểm tra hết, thậm chí là không cần kiểm tra vì họ chưa từng sai phạm. Như vậy sẽ đơn giản hóa thủ tục rất nhiều, công việc thuận tiện hơn cho cả cơ quan nhà nước và doanh nghiệp".

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 6

Theo ông Lê Long Sơn, xếp hạng doanh nghiệp làm dịch vụ đưa lao động ra nước ngoài làm việc sẽ giúp phát triển doanh nghiệp làm tốt, hạn chế doanh nghiệp làm kém (Ảnh: CTV).

Ông Sơn cũng đề nghị cơ quan quản lý lao động ngoài nước có thể tham khảo quy định chấm điểm, xếp hạng doanh nghiệp của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (Vamas) hiện đang áp dụng. Hoặc cơ quan nhà nước có thể phối hợp với một tổ chức độc lập như Vamas để làm công việc này.

Khi cơ chế xếp hạng, khuyến khích doanh nghiệp làm tốt, hạn chế doanh nghiệp làm kém đi vào nề nếp thì chất lượng hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ ngày càng tốt hơn, các vấn đề nhức nhối hiện nay sẽ không còn "đất sống".

Vừa qua, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài và quản lý lao động ngoài nước, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2022/QH14) là luật tiến bộ nhất. Tuy nhiên, việc tổ chức tuyên truyền và thực hiện chưa thấu đáo, một số tồn tại cần khắc phục.

Tới đây, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Bộ sẽ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trước khi đưa đi nước ngoài làm việc để học tập kinh nghiệm, sau này trở về phục vụ đất nước.

Chọn người, chọn nghề phù hợp khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc - 7

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi, động viên và lắng nghe tâm tư của lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trước đó, nhân dịp chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo nhiều Bộ, ngành ở Nhật Bản cũng đã đưa ra nhiều giải pháp giúp định hình lại các chính sách đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản một cách hệ thống hơn, bài bản hơn trong thời gian tới.

Làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Kato Katsunobu, ông Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ này xem xét mở rộng các ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh người Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghề lái xe… là những ngành, nghề người lao động Việt Nam nhanh thích ứng, nâng cao được kỹ năng nếu qua đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, thẳng thắn đề nghị phía Nhật không đánh thuế 2 lần (thuế cư trú và thuế thu nhập) đối với thực tập sinh Việt Nam.

"Trong thời gian qua, thực tập sinh Việt Nam đã rất vất vả do chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid -19, hiện nay lại bị giảm bình quân 30% thu nhập do tác động của tỷ giá đồng Yên nên lại càng vất vả hơn. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản duy trì việc đánh 2 lần thuế đối với thực tập sinh thì thu nhập còn lại trên thực tế là rất thấp, khó đảm bảo được việc thu hút người lao động Việt Nam tham gia các chương trình của Nhật Bản", ông Đào Ngọc Dung nêu rõ.

Từ thực tế đó, ông Dung đề nghị xem xét cho thực tập sinh Việt Nam được hưởng các quy chế bình đẳng như áp dụng với một số quốc gia khác.

 Tùng Nguyên