Mở rộng thị trường thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam
(Dân trí) - Khi Covid-19 được kiểm soát, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt, đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm.
Đó là một trong những chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong sau đại dịch Covid-19 được Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Viết Hương trình bày tại Hội nghị quan chức cao cấp về lao động, phúc lợi xã hội và phát triển nguồn nhân lực hai nước Việt - Lào.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước là một trong 3 đơn vị đại diện Bộ LĐ-TB&XH trình bày trước Bộ Lao động & Phúc lợi xã hội Lào về chủ đề Quản lý lao động di cư (ngoài nước) trong đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn dẫn tới tình trạng lao động Việt Nam ở nước ngoài bị mất việc làm, không có thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt, trả tiền thuê nhà.
"Nhiều lao động hết hạn hợp đồng buộc phải ở lại vì không có chuyến bay về nước, gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập. Nhiều lao động đã được tuyển chọn, đào tạo, làm thủ tục nhưng chưa thể xuất cảnh theo kế hoạch", ông Hương nói.
Trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã làm việc với cơ quan chức năng của nước tiếp nhận đề nghị nước tiếp nhận tạo điều kiện hỗ trợ tìm việc, gia hạn visa cho lao động chưa thể về nước do dịch bệnh Covid-19; vận động để lao động Việt Nam ở nước ngoài được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có lao động Việt Nam đang làm việc để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và tổ chức đưa lao động hết hạn hợp đồng về nước.
Chỉ đạo các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin về tình hình dịch Covid-19, chính sách, quy định mới về tiếp nhận lao động đối phó với tình hình diễn biến dịch của nước sở tại, hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết, song song với các chính sách hỗ trợ, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp thúc đẩy việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài sau đại dịch Covid-19.
"Khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động nắm bắt thông tin, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách kịp thời để đẩy mạnh đưa lao động đi làm việc tại các thị trường trọng điểm, truyền thống. Đồng thời, tìm kiếm các ngành nghề mới, các thị trường mới có việc làm ổn định, thu nhập cao tiếp nhận lao động Việt Nam.
Bộ đã làm việc với cơ quan chức năng các nước tiếp nhận, đề nghị mở cửa tiếp nhận lao động Việt Nam, tăng số lượng lao động nhập cảnh để những lao động đã được đào tạo, hoàn thành các thủ tục có thể xuất cảnh; đề nghị nước tiếp nhận có chính sách tăng lương cho người lao động, cải thiện điều kiện làm việc, ăn, ở của người lao động", ông Hương thông tin.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc xây dựng và tổ chức mạng lưới giao dịch việc làm ngoài nước; cung cấp đầy đủ thông tin, tổ chức tư vấn tại địa phương để người lao động có đủ thông tin khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài cũng như hỗ trợ người lao động về nước tìm kiếm việc làm phù hợp nhu cầu và các nghề nghiệp, kỹ năng đã học được ở nước ngoài.
Báo cáo kết quả đã đạt được sau đại dịch Covid-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho hay, năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45.058 lao động (trong đó 15.177 lao động nữ) chỉ đạt 50,06% kế hoạch năm 2021.
Bước sang năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 11 tháng đầu năm là 122.004 lao động (44.572 lao động nữ) đạt 135,56%, vượt kế hoạch của năm 2022 (năm 2022, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động).
Khái quát tình hình hợp tác lao động giữa Việt Nam và Lào, ông Hương cho biết, Lao động Việt Nam làm việc tại Lào theo các hình thức như làm việc tại các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư, thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại (chiếm khoảng 30% số lao động Việt Nam tại Lào).
Lao động đi làm việc theo các hợp đồng cung ứng nhân lực giữa các doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam và các nhà thầu công trình nước ngoài tại Lào hoặc chủ sử dụng lao động của Lào (số lượng này không nhiều).
Lao động kinh doanh tự do, tự bỏ vốn đầu tư (chủ thầu nhỏ, chủ kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, ki ốt chợ, phòng khám bệnh, dịch vụ giải trí).
Lao động phổ thông, bán hàng rong, làm dịch vụ cắt tóc, sơn sửa móng chân tay, lao động mùa vụ (chiếm khoảng 5% số lao động Việt Nam tại Lào, số này thực tế bị cấm hoạt động theo luật pháp Lào).