(Dân trí) - Ngược với vẻ ngoài thô ráp và bộc trực, người đàn ông 56 tuổi này luôn có một tấm lòng nhân hậu. Từng làm nghề mổ lợn, duyên số đã gắn ông Quách Văn Vịnh với nghề bốc mộ được hơn 10 năm nay.
Đêm cuối năm với người làm nghề bốc mộ thuê
Ngược với vẻ ngoài thô ráp và bộc trực, người đàn ông 56 tuổi làm nghề bốc mộ này luôn có một tấm lòng nhân hậu. Từng làm nghề mổ lợn, duyên số đã gắn ông Quách Văn Vịnh với nghề bốc mộ được hơn 10 năm nay.
Hơn 10 năm làm nghề bốc mộ, ông Quách Văn Vịnh không còn nhớ mình đã "tắm rửa" cho bao nhiêu bộ hài cốt lúc nửa đêm. Những lần bật nắp quan tài có thể khiến nhiều người lảng tránh, nhưng với ông đó là duyên nghiệp.
Từ bỏ công việc kiếm bộn tiền
Gặp ông Quách Văn Vịnh ở thôn Cao Xá (Trung Tú, Ứng Hòa, Hà Nội) vào những ngày cuối năm, tôi hơi "choáng" trước sự nhanh nhẹn dù dáng người ông khá cao to, lực lưỡng.
Vừa tiếp chuyện, người đàn ông 56 tuổi này vẫn khéo léo đan những chiếc giỏ thủ công mỹ nghệ. Thoạt nhìn, ít người biết được ông đã gắn bó với nghề bốc mộ được chẵn 11 năm.
Nói về nghề bốc mộ, ông Quách Văn Vịnh kể lại: "Trước đây tôi có 20 năm làm nghề mổ lợn, sau đó chuyển sang làm cái nghề ai nghe cũng hãi này. Nó như một cái nghiệp cứ vin vào người nên phải làm thôi".
Cách đây 10 năm, ông Vịnh đột ngột chuyển từ nghề giết mổ lợn sang nghề bốc mộ. Mặc dù nghề khi đó, nghề giết mổ lợn đang đem đến cho gia đình bộn tiền. Nhiều người trong xóm ngoài thôn cũng thắc mắc vì không còn thấy ông đứng bên phản thịt ngoài chợ.
Hơn 10 năm làm nghề bốc mộ, ông Vịnh không còn nhớ đã bao nhiêu lần bật nắp quan tài, "tắm rửa" cho hài cốt lúc nửa đêm. Lần nào ông cũng làm đến nơi đến chốn, để người sống được yên lòng, người chết được thanh thản...
"Tôi cũng không tự giải thích được điều này. Chỉ biết là sau khi gắn bó với nghề bốc mộ, tôi luôn tâm niệm đây là công việc thiện và cũng đem lại thu nhập chính cho gia đình. Càng làm tôi thấy khỏe ra. Lạ thật!" - ông Quách Văn Vịnh tâm sự.
Theo ông Quách Văn Vịnh, tập quán của người Việt Nam nhiều đời nay, khi một người qua đời sẽ được làm lễ chôn cất, sau khi được 3 năm trở đi người thân sẽ tổ chức lễ "cải táng".
Để làm được công việc này, gia đình người quá cố sẽ tìm đến nhờ những người bốc mộ có sức khỏe, cẩn thận và khéo léo. Bởi vậy, bốc mộ là một nghề kén người và không phải ai cũng làm được.
Ông Quách Văn Vịnh cho hay: "Sức khỏe của tôi rất ổn định. Công việc bốc mộ tiếp xúc với bùn đất nên thi thoảng tôi chỉ bị nhiễm trùng, hoặc xây xước chân tay. Về rửa cồn nhỏ thuốc là khỏi".
Tiền công cải táng mỗi ngôi mộ từ 2 - 3 triệu đồng tùy theo vị trí tiếp cận thuận tiện hay khó khăn và số năm an táng. Nhiều người ở các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên cũng tìm đến ông nhờ cải táng giúp cho người thân.
Theo ông Quách Văn Vịnh, công việc bốc mộ phụ thuộc vào giờ của gia chủ. Công việc không cố định lúc thì thong thả, lúc thì vội vã làm cho kịp giờ. Nhưng cho dù giờ giấc nào, theo ông, hài cốt người đã khuất cần được rửa sạch sẽ và xếp ngăn lắp không được bỏ qua bất kỳ một công đoạn nào.
Ca làm việc cuối cùng của năm 2020
Giữa trưa ngày 30/12, PV Dân trí đã cùng ông Quách Văn Vịnh đến nghĩa trang trên địa bàn xã An Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội). Đây là buổi làm nghề cuối cùng trong năm 2020 của ông. Đồ nghề ông mang theo gồm quốc, xẻng, gang tay, ủng, kéo cắt đất…
Hàng chục dụng cụ làm nghề được ông đựng trong một bao tải. Buổi bốc mộ hôm nay, ông Vịnh sẽ giúp gia đình cả táng cho một người quá cố đã mất 4 năm qua và hưởng thọ 75 tuổi.
Được sự đồng ý của gia đình thân nhân, PV đã tiếp cận và quan sát công việc của ông Vịnh cùng các đồng nghiệp.
Ông Quách Văn Vịnh cho biết: "Nhóm thợ của tôi có 9 người, mọi người chia nhau ra để làm. Thường thì mỗi ngôi mộ sẽ có từ 3 đến 4 người làm. Những tháng không cải táng, cả nhóm chia nhau ra làm các công việc khác như thợ xây, cấy lúa, làm trang trại…".
Đến giờ được gia chủ định trước, ông cùng 3 người thợ nhanh chóng đi đào phần đất trên mộ ra xung quanh để đưa cỗ quan tài lên. Công việc này thường mất 1 - 2 tiếng đồng hồ.
Theo ông Vịnh, những năm trở lại đây phong tục cải táng dần thay đổi, như: Tiến hành rửa xương sớm hơn, hoặc cải táng sau thời điểm Đông Chí (giữa mùa đông) để chọn ngày "đẹp" ngày và hợp tuổi với gia chủ.
Sau đó, việc quan trọng nhất là, rửa hài cốt sẽ được diễn ra vào buổi đêm và hoàn thành trước khi trời sáng.
Đúng 2h, trong cái lạnh buốt của đêm đông, ông Quách Văn Vịnh dùng xà beng, khẽ cậy lớp đinh cố định lắp quan tài còn dính bùn đất. Tấm ván thiên bật ra, mọi người xung quanh đều lùi lại.
Giữa quầng sáng của ánh đèn điện, phía sau những ngôi mộ lô nhô cao thấp, ông Quách Văn Vịnh nhẹ nhàng nhặt từng khúc xương của người quá cố đưa vào chậu nước sạch.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ lau rửa sạch sẽ và tráng lại bằng nước thơm, ông Vinh đã xếp ngăn nắp bộ xương vào chiếc tiểu sành. Công việc của ông Vịnh kết thúc bằng thủ tục tự tay ông thắp một nén nhanh tới người quá cố.
Ông cho rằng, mình làm nghề phải bằng cái tâm, không nề hà khó khăn thì mới "được lộc". Công việc này thường tập chung vào những tháng cuối năm, có những đêm, ông Vịnh làm cải táng cho 3 ngôi mộ, từ chập tối đến rạng sáng mới xong.
Qua nhiều lần cải táng, ông Quách Văn Vịnh kể: "Có nhiều gia đình, con cái sẵn sàng phụ giúp tôi làm công việc rửa hài cốt. Họ rất xúc động khi được "gặp lại" người thân đã quá cố. Nhưng cũng có những gia đình lại thờ ơ, nhiều người con còn sợ không dám lại gần lúc cải táng".
Vất vả đêm hôm, xương gió, đối diện với mùi tử khí, nhưng ông luôn tâm niệm nghề này cũng là làm phúc, đến bao giờ không làm được nữa thì mới nghỉ. Với ông những bộ hài cốt đã quá quen thuộc và không có gì là sợ cả.
"Làm nghề này tôi thấy rất vui. Mỗi lần cải táng "tắm rửa" cho người quá cố và nhận được lời cảm ơn của thân nhân, tôi thấy phấn khởi hơn như làm được một việc có ích cho xã hội vậy" - ông Quách Văn Vịnh chia sẻ.
Tâm sự với PV Dân trí, anh Đặng Quốc Hùng trú An Tiến (Mỹ Đức, Hà Nội) - thân nhân của người quá cố - nói: "Tôi biết đến ông Vịnh qua một người bạn giới thiệu. Hôm nay là lễ "thay áo" cho bố tôi. Gia đình có nhờ ông Vịnh giúp đỡ. Nhìn những công việc ông Vịnh làm, chúng tôi cũng phần nào yên tâm".
Sau khi được chứng kiến ông Quách Văn Vịnh lau rửa sạch sẽ hài cốt của bố mình, anh Đặng Quốc Hùng xúc động trước sự tận tình và chu đáo của những người làm nghề bốc mộ.