Kỹ năng nghề mới giúp lao động, doanh nghiệp tăng năng suất lao động

Hoàng Tùng

(Dân trí) - "Kỹ năng nghề mới giúp được lao động và doanh nghiệp tăng được năng suất lao động", đó là khẳng định của ông Châu Hồng Thái- Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ.

Ngày 29/12 tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị tập huấn về triển khai hoạt động đánh giá, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức.

Kỹ năng nghề mới giúp lao động, doanh nghiệp tăng năng suất lao động - 1
Kỹ năng nghề mới giúp được lao động và doanh nghiệp tăng được năng suất lao động

Tham dự và chủ trì Hội nghị tập huấn có ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ; đại diện Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế- ILO tại Việt Nam; lãnh đạo và cán bộ phụ trách thuộc các Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia và đại diện lãnh đạo một số trường cao đẳng tại khu vực phía Nam.

Tại hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia gồm những hạn chế, tồn tại  và định hướng phát triển theo Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao kỹ năng người lao động. 

Phát biểu tại hội nghị, ông Châu Hồng Thái- Phó giám đốc sở LĐ-TB-XH Cần Thơ cho biết: hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia có vai trò thúc đẩy người lao động tham gia học tập suốt đời.

Các doanh nghiệp phân công người lao động, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, trả lương theo năng lực của người lao động, qua đó chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng cao.

Ông Thái nhấn mạnh: "Kỹ năng nghề mới giúp được lao động và doanh nghiệp tăng được năng suất lao động".

Kỹ năng nghề mới giúp lao động, doanh nghiệp tăng năng suất lao động - 2
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề cho biết, theo số liệu của Tổng cục thống kê, bộ Kế hoạch & Đầu tư tính đến quý II năm 2019, lực lượng lao động tại Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người, trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%, số lao động chưa qua đào tạo 77,63%.

Theo ông Trường, hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề Quốc gia đã đạt được những kết quả như: Thực hiện chuẩn hóa chất lượng lực lượng lao động theo khung trình độ kỹ năng nghề Quốc gia; bổ sung dữ liệu quốc gia về thống kê, thông tin chất lượng lao động dựa vào trình độ kỹ năng theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Giúp doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTG về việc công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền công, tiền lương cho người lao động dựa vào kỹ năng và năng lực hành nghề thay vì chỉ dựa vào bằng cấp như hiện nay.

Thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước về người lao động ở những nghề yêu cầu phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Thực hiện việc hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp và tạo cơ hội, con đường học tập suốt đời của người lao động theo kỹ năng và năng lực hành nghề…

Tuy nhiên ông Trường cũng cho rằng công tác chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động đang phải đối mặt với những thách thức: Chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho người lao động ở những việc làm chưa từng có trong hiện tại; Chuẩn hóa và phát triển kỹ năng cho người lao động ở những việc làm ứng dụng công nghệ chưa từng phát minh; Chậm nhận thức và thay đổi thói quen (tư duy bằng cấp và tuyển dụng chủ yếu dựa vào bằng cấp…)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm