DNews

Ukraine "đoạn tuyệt" khí đốt giá rẻ của Nga, châu Âu liệu có lạnh giá?

Phương Liên

(Dân trí) - Từ đầu năm nay, Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ thống trị thị trường khí đốt châu Âu của Nga. Châu Âu liệu sẽ lạnh giá?

Ukraine "đoạn tuyệt" khí đốt giá rẻ của Nga, châu Âu liệu có lạnh giá?

Châu Âu "đoạn tuyệt" khí đốt Nga

Nga chính thức ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine từ đầu năm nay khi thỏa thuận quá cảnh 5 năm giữa 2 nước hết hạn, đánh dấu sự kết thúc thời kỳ thống trị thị trường khí đốt châu Âu của Nga.

Tập đoàn năng lượng Gazprom cho biết đường ống đi qua Ukraine đã chính thức đóng lại. Trước đó, Kiev nhiều lần tuyên bố sẽ không gia hạn thỏa thuận trong bối cảnh xung đột.

"Do phía Ukraine liên tục từ chối gia hạn các thỏa thuận này một cách rõ ràng, Gazprom đã bị tước mất khả năng kỹ thuật và pháp lý để cung cấp khí đốt quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine kể từ ngày 1/1", Gazprom cho biết.

Việc dòng khí đốt Nga qua Ukraine sang châu Âu chính thức "ngừng chảy" đồng nghĩa châu Âu mất đi nguồn cung 5% trong tổng lượng khí đốt nhập khẩu. Nhiệt độ mùa đông châu Âu giảm xuống mức thấp và mối lo về nguồn cung là những nguyên nhân trực tiếp đẩy giá khí đốt lên cao. 

Nếu tính từ giữa tháng 9/2024, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng xấp xỉ 40%. Trong khi đó, lượng dự trữ khí đốt của khu vực này đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, hiện chỉ còn khoảng 75% công suất do thời tiết lạnh sâu trong mùa đông, đẩy nhu cầu năng lượng cho việc sưởi ấm lên cao.

Ukraine đoạn tuyệt khí đốt giá rẻ của Nga, châu Âu liệu có lạnh giá? - 1

Đường ống dẫn khí TurkStream (Ảnh: Avim).

Đường ống quá cảnh dừng hoạt động sẽ khiến Ukraine mất khoảng 1 tỷ euro phí quá cảnh hàng năm còn Gazprom thất thu 5 tỷ euro. Hiện Nga vẫn còn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - TurkStream trên Biển Đen.

Trước đó, đường ống Yamal - châu Âu (công suất 33 tỷ m3 khí/năm) từ bán đảo Yamal và tây Siberia của Nga qua Belarus và Ba Lan tới Đức đã bị ngừng hoạt động vào tháng 5/2024 do các lệnh trừng phạt đáp trả của Moscow.

Còn đường ống khí đốt Nord Stream, hoạt động từ năm 2011 (công suất 55 tỷ m3/năm) đi qua Biển Baltic từ Nga tới Đức cũng ngừng hoạt động sau vụ rò rỉ năm 2022.

Trong khi đó, Nord Stream 2 (công suất 55 tỷ m3/năm) đi sát Nord Stream hoàn thành vào mùa thu năm 2021 nhưng chưa từng hoạt động sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.

Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Ukraine diễn ra khi châu Âu, trong đó gồm phần lớn các nước Tây Âu, không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga. Theo Ủy ban châu Âu, EU có mục tiêu không ràng buộc là dừng mọi hoạt động nhập khẩu khí đốt của Nga vào năm 2027.

Thời kỳ đỉnh cao của Nga

Nga vận chuyển khí đốt đến châu Âu thông qua Ukraine từ năm 1991. Ở thời kỳ đỉnh cao, Moscow cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho khu vực này. Năm 2023, Nga chỉ chuyển khoảng 15 tỷ m3 khí đốt qua Ukraine, giảm so với 65 tỷ m3 khi hợp đồng 5 năm bắt đầu vào năm 2020.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhu cầu khí đốt Nga vẫn lớn và các nước châu Âu vẫn quan tâm đến sản phẩm này. "Bất chấp các tuyên bố và sức ép trừng phạt, khí đốt vẫn có nhu cầu lớn vì là sản phẩm tự nhiên. Và khí đốt Nga cũng là sản phẩm đáng tiền nhất, cả về logistics và giá cả", Phó Thủ tướng Nga cho biết trên kênh truyền hình Rossiya-24.

Dù vậy, xuất khẩu khí đốt tự nhiên bằng đường ống của Nga sang châu Âu cũng gặp nhiều thách thức lớn khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt kéo dài 5 năm giữa Moscow và Kiev vừa hết hiệu lực. Nửa số khí đốt của Nga sang châu Âu hiện đi qua đường ống này. Phần còn lại đi theo đường ống TurkStream chạy qua Biển Đen.

Dù vậy, xuất khẩu khí hóa lỏng của Nga bằng đường biển có thể tăng. Châu Âu hiện chưa có kế hoạch ngừng mua khí LNG của Nga. Họ chỉ tuyên bố sẽ giảm dần việc mua sản phẩm này cho đến muộn nhất là năm 2027, nhờ tăng nhập khẩu từ Na Uy, Mỹ và Qatar.

Ukraine đoạn tuyệt khí đốt giá rẻ của Nga, châu Âu liệu có lạnh giá? - 2

Ở thời kỳ đỉnh cao, Moscow cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt cho khu vực này (Ảnh: Getty).

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Gazprom đã giảm xuất khẩu khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU) do lệnh trừng phạt của phương Tây và nghi án phá hoại hệ thống đường ống Nord Stream.

Cùng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giá cả hàng hóa tại châu Âu cũng như thế giới tăng vọt. Một số thành viên EU, gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, đã tự nguyện dừng nhập LNG từ Nga, thay vào đó tăng mua khí LNG từ Mỹ. 

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng khẳng định Nga sẵn sàng cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua các đường ống không đi qua Ukraine, bao gồm hệ thống trung tâm khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ. Nga cũng có thể vận chuyển LNG bằng tàu biển.

Nga tin tưởng châu Âu tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của mình do lợi thế về mức giá thấp.

Dầu và khí đốt là các mặt hàng chiến lược. Sự trồi sụt về giá có thể tác động lớn tới các nước chịu ảnh hưởng cũng như các nước được hưởng thụ. Nga từng hưởng lợi nhờ giá dầu cao hồi năm 2008, giai đoạn 2011-2014 và năm 2022.

Nỗ lực "cai" khí đốt Nga

Kể từ năm 2022, EU đã tăng cường nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga. Theo số liệu Brussels công bố, khí đốt Nga chỉ còn chiếm khoảng 8% tổng lượng nhập khẩu của khối vào năm 2023, giảm mạnh so với hơn 40% hồi năm 2021.

Châu Âu đã chuyển sang các nguồn cung thay thế từ Qatar và Mỹ. Nỗ lực này khiến Gazprom ghi nhận khoản lỗ lên tới 7 tỷ USD vào năm 2022, lần đầu tiên sau hơn 25 năm.

Tuy nhiên, vài thành viên EU ở phía Đông vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung của Nga. Một số quốc gia châu Âu khác ngoài EU như Moldova đối mặt với nguy cơ thiệt hại lớn khi đường ống qua Ukraine dừng hoạt động.

Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt cho Liên minh châu Âu. Vậy nên, việc mất nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã góp phần khiến suy giảm kinh tế nghiêm trọng, lạm phát tăng vọt cũng như làm trầm trọng thêm khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Ukraine đoạn tuyệt khí đốt giá rẻ của Nga, châu Âu liệu có lạnh giá? - 3

Nga từng cung cấp gần một nửa lượng khí đốt cho Liên minh châu Âu (Ảnh: Reuters).

Dù đã chuẩn bị và nỗ lực thay thế khí đốt Nga, châu Âu vẫn đang cảm nhận rõ rệt tác động. Giá năng lượng tăng cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh công nghiệp của lục địa này so với Mỹ và Trung Quốc.

Không những vậy, theo Bloomberg, các nhà cung cấp của Mỹ đã giảm lượng LNG vận chuyển đến EU do có xu hướng chuyển tới châu Á với mức giá cao hơn. EU phải cạnh tranh với Trung Quốc trong việc nhập khẩu LNG bao gồm từ Mỹ.

Châu Âu liệu có lạnh giá?

Theo Reuters, các nhà phân tích dự đoán tác động thị trường không đáng kể từ việc dừng nhập khí đốt từ Nga qua Ukraine. Việc chấm dứt hợp đồng khó có khả năng gây ra khủng hoảng giá khí đốt như năm 2022, bởi lượng khí bị ảnh hưởng tương đối nhỏ.

Các chuyên gia dự báo rằng trước mắt, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng hay thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở châu Âu là thấp. EU cũng dự báo việc giá khí đốt giao sau tăng mạnh sẽ không ảnh hưởng ngay tới mức giá mà người tiêu dùng phải trả.

Tuy nhiên, khu vực này đang trở nên dễ tổn thương hơn trước sự biến động của giá khí đốt trong quá trình tìm kiếm nguồn cung thay thế, bởi giá khí đốt đã tăng 50% trong vòng một năm trở lại đây. Giá khí đốt leo thang có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp châu Âu và đè nặng lên ngân sách của các hộ gia đình trong khu vực.

Việc nhập khẩu LNG từ các nhà cung cấp như Mỹ và Qatar cũng đang trở nên đắt đỏ hơn do các nhà nhập khẩu châu Âu phải cạnh tranh với các đối thủ ở châu Á để giành giật các lô hàng. Gần đây, giá khí đốt ở Mỹ đã tăng mạnh vì dự báo thời tiết nói rằng thời tiết mùa đông ở khu vực Bờ Đông nước này sẽ lạnh hơn mấy năm gần đây.

Theo viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, tác động sẽ được cảm nhận rõ ràng nhất ở Hungary và Slovakia, 2 nước mà đường ống trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine đã đáp ứng 65% nhu cầu khí đốt trong năm 2023. 

Các chuyên gia đánh giá rằng châu Âu có thể sẽ không hết sạch khí đốt vào mùa đông này, nhưng việc nạp đầy dự trữ khí đốt của khu vực trong năm tới có thể tốn kém hơn dự kiến.

"Nhiều khả năng, dự trữ khí đốt của EU sau mùa đông này sẽ thấp, khiến cho việc làm đầy dự trữ này trong năm sau sẽ trở nên tốn kém hơn", ông Arne Lohmann Rasmussen, chuyên gia phân tích của công ty năng lượng Global Risk Management, nhận định với Bloomberg.

Ukraine đoạn tuyệt khí đốt giá rẻ của Nga, châu Âu liệu có lạnh giá? - 4

Châu Âu vẫn đau đầu trong việc tìm nguồn cung thay thế cho khí đốt của Nga (Ảnh: AlArabiya).

Một số khách hàng còn lại cũng mua khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine như Slovakia hay Áo cũng đã sắp xếp các nguồn cung thay thế.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã lên tiếng trấn an và nói rằng Liên minh châu Âu đã chuẩn bị trước cho tác động của việc mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Tháng trước, EC cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ các nước thành viên thay thế hoàn toàn khí đốt Nga. Khí đốt Na Uy cũng được xem là lựa chọn khả thi, với khả năng vận chuyển qua Ba Lan, trong khi Đức có thể hỗ trợ phân phối khí đốt ở trung tâm châu Âu. Tuy nhiên, kế hoạch này đối mặt với thách thức lớn về đầu tư mới cơ sở hạ tầng.

"Hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho Trung và Đông Âu thông qua các tuyến thay thế. Hạ tầng này đã được tăng cường với các công suất nhập khẩu LNG mới đáng kể từ năm 2022", phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu cho biết.

Việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể sẽ gây áp lực lên một số quốc gia châu Âu, buộc họ phải khai thác mạnh hơn vào nguồn dự trữ và tăng cường nhập khẩu LNG.