Mỹ sắp trừng phạt mạnh tay đội tàu "dầu bóng tối" của Nga
(Dân trí) - Mỹ đang cân nhắc áp lệnh trừng phạt mới lên các tàu chở dầu Nga trong vài tuần tới. Lệnh cấm sẽ nhằm vào đội tàu "dầu bóng tối" thường che giấu thông tin chủ sở hữu và hành trình để vận chuyển dầu.
Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cân nhắc áp lệnh trừng phạt mới, mạnh tay hơn lên hoạt động buôn bán, nhất là xuất khẩu dầu Nga. Chi tiết của lệnh trừng phạt này đang được Mỹ thảo luận.
Thời gian qua, Tổng thống Biden vẫn né việc siết trừng phạt dầu Nga, do việc này có thể khiến giá năng lượng tăng vọt trước cuộc bầu cử. Hiện tại, khi giá dầu trong xu hướng giảm, chính quyền ông Biden đã rộng cửa hơn để làm điều này.
Các nhà kinh tế học cho rằng Mỹ có thể trừng phạt dầu Nga như cách đang áp dụng với Iran. Theo đó, người mua sẽ bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, động thái này có rủi ro, khi các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ hiện là khách mua chính của Nga.
Bên cạnh đó, việc này có thể khiến giá dầu tăng vọt, bóp nghẹt kinh tế toàn cầu. Giá dầu Brent hiện giao dịch quanh 75 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với mức 120 USD/thùng khi chiến sự mới nổ ra.
Nguồn tin của Bloomberg cho biết Mỹ cũng cân nhắc lệnh trừng phạt mới lên các tàu chở dầu Nga. Theo đó, lệnh cấm mới sẽ nhằm vào đội tàu "dầu bóng tối" thường che giấu thông tin chủ sở hữu và hành trình để vận chuyển dầu. Lệnh cấm này có thể được công bố trong vài tuần tới.
Theo nghiên cứu hồi tháng 10 của Viện Kinh tế Quốc tế Kyiv, 2 năm qua, 70% nhiên liệu của Nga được vận chuyển bằng đội tàu này.
Liên minh châu Âu (EU) cũng lên kế hoạch tương tự nhằm vào nhóm tàu dầu này, dự kiến công bố cuối năm nay. EU cũng nhắm vào các cá nhân liên quan đến hoạt động buôn dầu Nga.
Theo TASS, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết bất chấp những nỗ lực làm tê liệt nền kinh tế Nga, Nga dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 3,9% trong năm nay.
Mỹ hiện cấm nhập khẩu nhiên liệu Nga. Họ cũng cùng các nước G7 áp trần giá bán dầu Nga tại 60 USD/thùng, để tránh gây đảo lộn thị trường toàn cầu.
Đáp lại, Nga cấm các doanh nghiệp tuân thủ mức giá trần và chuyển hướng hầu hết hoạt động xuất khẩu dầu của mình sang châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Trung Quốc.
Tháng trước, Mỹ công bố thêm trừng phạt Gazprombank, tổ chức tài chính lớn cuối cùng của Nga chưa bị áp hạn chế. Theo đó, nhà băng này không được xử lý các giao dịch liên quan đến năng lượng có sự tham gia của hệ thống tài chính Mỹ. Gazprombank cũng bị phong tỏa tài sản và cấm giao dịch tại Mỹ.