(Dân trí) - Giá cổ phiếu tăng phi mã tới 85 lần đưa Thaiholdings vào top doanh nghiệp tỷ đô trên thị trường chứng khoán còn ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) là một trong những giàu nhất thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12, cổ phiếu LPB của Ngân hàng TPCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tăng 5,08% lên 21.700 đồng/cổ phiếu. THD của Công ty Cổ phần Thaiholdings tăng 0,29% lên 244.500 đồng/cổ phiếu.
Với việc sở hữu 34,24 triệu cổ phiếu LPB và 87,4 triệu cổ phiếu THD, giá trị tài sản trên sàn của ông Nguyễn Đức Thụy, người sáng lập Thaiholdings, Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, đạt 22.188 tỷ đồng.
Như vậy, có thể chỉ cần một vài phiên tăng giá tiếp theo của LPB hay THD, ông Thụy sẽ ghi danh vào danh sách "tỷ phú USD" ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Còn với giá trị tài sản hiện tại, đại gia gốc Ninh Bình đã là một trong 10 người giàu nhất thị trường, xếp tại vị trí thứ 9.
ĐẠI GIA XUÂN THÀNH
Sự gia tăng tài sản nhanh chóng của bầu Thụy trên thị trường chứng khoán trong vài năm gần đây khiến một số người ngỡ ngàng, tuy nhiên, nếu nhìn vào "bệ phóng" của doanh nhân sinh năm 1976 thì sự nhanh - chậm lại trở nên tương đối và người ta không quá bất ngờ về quy mô tài sản tỷ đô đó.
Ông Thụy là doanh nhân có tiếng, nhưng cha của ông - doanh nhân Nguyễn Xuân Thành - mới là người tạo nên "đế chế" Xuân Thành lừng lẫy không chỉ ở đất Ninh Bình. Ông Nguyễn Xuân Thành rất kín tiếng nhưng gần như không ai lại không từng nghe đến tên tuổi đại gia Xuân Thành - Ninh Bình.
Tiền thân của Tập đoàn Xuân Thành là Tổ hợp xây dựng Bình Minh (thành lập năm 1976). Đến năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập cũng là thời điểm đánh dấu một bước ngoặt mới trong quá trình phát triển của tập đoàn khi Tổ hợp được nâng cấp thành Xí nghiệp xây dựng và cung ứng vật liệu Xuân Thành. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, xí nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và chính thức được thành lập với tên gọi Tập đoàn kinh tế Xuân Thành từ tháng 7/2009.
Ở Ninh Bình, Xuân Thành xây dựng Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh 700 giường bệnh; Nhà máy xử lý chất thải rắn tỉnh Ninh Bình; Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh 900 giường bệnh, Công trình đê tả sông Hoàng Long; Trụ sở liên cơ quan Tỉnh ủy; Đê hữu Đáy Ninh Bình; Xây dựng cơ sở hạ tầng bờ Tây sông Vân; Đường cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển Bình Sơn - Lai Thành (ĐT 480); Dự án chống ngập úng thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư…
"Tôi cho rằng ngoài sự nỗ lực tự thân thì chính Ninh Bình đã tạo ra một tập đoàn kinh tế Xuân Thành như ngày nay và tôi có trách nhiệm tri ân vùng đất này" - ông Nguyễn Xuân Thành cho biết trong một lần hiếm hoi xuất hiện trên báo chí.
"Nhìn lại những con số thống kê, cá nhân tôi cũng tạm hài lòng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình", ông Thành nói khi đã lui về hậu trường. Nói là lui về phía sau để nhường cho "thế hệ F2" thể hiện, song một số người thân cận cho biết, ông vẫn thường xuyên hỗ trợ con cái những việc hệ trọng. Dù tuổi đã ngoài 60, ông Thành vẫn giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình với lý do "khi cánh đã đủ dài, đủ rộng thì có thể nâng những cánh chim khác cùng bay".
"Ông Thành nhận được sự kính trọng lớn từ người khác. Ở Ninh Bình có hẳn một con đường Xuân Thành, mang tên ông ấy. Rất ít doanh nhân có vinh dự đó", một người ở tập đoàn này nói với phóng viên.
"THẾ HỆ F2" CỦA XUÂN THÀNH
Ông Nguyễn Xuân Thành có 7 người con, trong đó 3 người con trai có tiếng trên thương trường là ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Nguyễn Xuân Thiện và Nguyễn Xuân Thủy.
Ông Nguyễn Xuân Thiện là con trai cả, hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Xuân Thiện Group. Còn nhớ vào hồi tháng 5/2016, Xuân Thiện Ninh Bình từng gây xôn xao với đề xuất xây dựng Dự án Giao thông đường thủy xuyên Á và thủy điện trên sông Hồng (tổng vốn đầu tư 24.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, đề nghị này đã bị bác bỏ do những lo ngại tác động xấu đến môi trường, thay đổi hệ sinh thái khu vực đồng bằng sông Hồng.
Sau đó, vào 9/2016, doanh nghiệp bày tỏ muốn đầu tư xây dựng cảng phía Bắc Hà Nội trên sông Hồng (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) với có tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, diện tích 12 ha, công suất 1,2 triệu tấn/năm, đáp ứng tàu trọng tải 1.000 - 1.200 tấn.
Bên cạnh mảng kinh doanh truyền thống của gia đình là xi măng thì Xuân Thiện đang định hướng đầu tư vào năng lượng xanh (thủy điện, điện mặt trời, điện gió) và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Tập đoàn riêng của ông Thiện sau hơn 20 năm thành lập đã phát triển gần 20 dự án thủy điện đi vào hoạt động, tổng công suất các nhà máy khoảng 400 MW.
Dự án thủy điện đầu tiên được Xuân Thiện đầu tư là Thủy điện Suối Sập 1, sau đó, tập đoàn này triển khai đầu tư hàng loạt các cụm dự án thủy điện: Cụm thủy điện Suối Sập, Cụm thủy điện Háng Đồng (với tổng công suất 125 MW) tại tỉnh Sơn La; Cụm thủy điện Khao Mang (tổng công suất 145MW) tại tỉnh Yên Bái và Cụm thủy điện Sông Lô 3,5,6 (tổng công suất 130 MW) tại tỉnh Hà Giang.
Xuân Thiện đã đầu tư gần 2.000 MW điện năng lượng tái tạo trên cả nước. Tập đoàn này là chủ đầu tư của Dự án điện mặt trời có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, điện lượng 1,5 tỷ kWh/năm ở Đắk Lắk. Với gần 2 triệu tấm pin mặt trời, trạm biến áp 500 kV/1.200 MVA và 22,2 km đường dây 500kV, đây được cho là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á.
Tập đoàn này còn triển khai đầu tư 3 nhà máy sản xuất thiết bị điện, gồm: Nhà máy thiết bị điện mặt trời tại Hòa Bình (công suất 360MW/năm); nhà máy sản xuất thiết bị điện gió Đắk Lắk (3.000MW/năm) và tỉnh Ninh Thuận (3.000MW/năm).
Mới đây, tập đoàn này lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất các thiết bị điện gió với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, đặt tại Nghĩa Hưng, Nam Định.
Ông Nguyễn Xuân Thủy được biết đến là ông bầu 8X trẻ nhất làng bóng đá Việt Nam, là Chủ tịch của đội bóng Xi măng Sài Gòn Xuân Thành sau khi được anh trai là ông Nguyễn Đức Thụy chuyển giao vị trí Chủ tịch đội bóng này.
Hiện nay, ông Nguyễn Xuân Thủy đang điều hành mảng kinh doanh xi măng của nhà Xuân Thành, ông là Tổng Giám đốc Công ty CP Xi Măng Xuân Thành, sản xuất xi măng tại Hà Nam, Quảng Nam và Bình Phước.
SỰ THỂ HIỆN CỦA "BẦU" THỤY
Là con trai thứ nhưng ông Nguyễn Đức Thụy lại là người nối nghiệp cha. Ông Thụy là Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xuân Thành và sau đó đổi tên thành Thaigroup. Ông cũng được biết đến là người sáng lập nên CTCP Thaiholdings, nơi ông đang là cổ đông lớn và em trai ông Thụy là ông Nguyễn Văn Thuyết đóng vai trò Chủ tịch HĐQT.
Ông Thụy được đánh giá là người con trai có tính cách quyết liệt và khác biệt nhất trong gia đình, đồng thời cũng là người có sự nghiệp nổi bật nhất trong các anh em.
Hiện bầu Thụy giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank và là người giàu thứ 9 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Khởi nghiệp từ những năm 90 bắt đầu từ lĩnh vực xây dựng và lắp đặt các công trình công nghiệp, dân dụng, đến năm 2009, bầu Thụy chính thức mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, bảo hiểm, taxi và chứng khoán…
Với đam mê bóng đá, năm 2011, bầu Thụy mua lại suất hạng nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội bóng này thành Sài Gòn Xuân Thành với những thương vụ chuyển nhượng cầu thủ "đắt đỏ" nhất trong lịch sử. Cũng chính vì vậy mà công chúng khi nhắc đến ông Thụy vẫn quen gọi là "bầu Thụy" dù hiện tại ông đã rút lui khỏi lĩnh vực này.
Năm 2012, bầu Thụy bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm 81,5% cổ phần của Công ty Chứng khoán VIX, đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành. Sau khi thị trường chứng khoán gặp khủng hoảng thì ông rời khỏi mảng này.
Từ năm 2013 tới nay, bầu Thụy tập trung vào bất động sản. Trong đó nổi bật nhất là việc tham gia đấu thầu khu đất vàng đường Đào Duy Anh năm 2015. Nếu như năm nay vụ đấu giá đất Thủ Thiêm gây rúng động thì 6 năm trước việc bầu Thụy chi hơn 1.000 tỷ đồng cho thương vụ thâu tóm Khách sạn Kim Liên trên khu đất vàng, gấp 10 lần giá khởi điểm, cũng gây rúng động mạnh mẽ trong dư luận.
Ngoài ra, giai đoạn này các công ty của bầu Thụy còn triển khai một số dự án như khu phức hợp nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc, Khu đô thị Xuân Thành Land - Hưng Yên và một số dự án bất động sản lớn nhỏ khác.
Đầu năm 2021 đánh dấu thời điểm bầu Thụy lấn sân sang mảng ngân hàng. Ông Thụy mua vào số lượng lớn cổ phiếu LienVietPostBank, tương đương khoảng 3% vốn hiện hành của ngân hàng.
CỔ PHIẾU THD TĂNG GIÁ CHOÁNG VÁNG
THD chào sàn ngày 19/6 năm ngoái với mức giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu. Sau khi điều chỉnh, giá chào sàn của THD là 3.268 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đó, THD gây "choáng váng" khi đã tăng giá tới 7.481,6%!
Nửa năm sau khi niêm yết, Thaiholdings chốt quyền nhận quyền mua cổ phiếu. Cụ thể, công ty phát hành quyền mua cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện 539:2.961 (1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền, 539 quyền được mua 2.961 cổ phiếu mới) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Do chính sách này, thị giá của THD đã điều chỉnh từ mức 125.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 29.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 3/12/2020. Tuy nhiên, chỉ mất khoảng hơn một tháng sau, THD lại tăng lên mức 172.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/1/2021.
Từ mức vốn hóa ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng, đến nay, con số này đã tăng hơn 85 lần, vốn hóa thị trường THD tại ngày 24/12 đạt 85.575 tỷ đồng. Và cho đến thời điểm hiện tại, Thaiholdings là doanh nghiệp có vốn hóa "tỷ đô" duy nhất trên sàn HNX (vốn hóa thị trường IDC mới chỉ đạt 21.420 tỷ đồng; KSF là 20.700 tỷ đồng).
Rất nhiều bàn luận về đà tăng phi mã của THD. Động lực chính chủ yếu đến từ kết quả kinh doanh nhảy vọt và "game" tăng vốn như đã đề cập ở trên. Với việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, vốn điều lệ THD tăng lên 3.500 tỷ đồng, tương ứng tăng gấp 6,5 lần.
Về kết quả kinh doanh, trong năm 2020, Thaiholdings báo lãi sau thuế tăng gấp 23 lần so với năm trước, đạt 1.091 tỷ đồng, doanh thu tăng 140% lên 1.821 tỷ đồng.
Kết quả Thaiholdings đảo ngược so với năm 2019 sau khi doanh nghiệp này có cú "đổi vai" với Thaigroup. Ngày 15/12/2020, Thaiholdings mua 81,6% cổ phần của Thaigroup cho mục tiêu mở rộng kinh doanh. Dù đăng ký dưới ngành nghề kinh doanh là kinh doanh bất động sản, bán buôn thực phẩm và mua bán vật liệu, thiết bị xây dựng nhưng thực tế các nghiệp vụ để tạo ra những con số doanh thu lợi nhuận của Thaiholdings lại từ chủ yếu từ đầu tư tài chính.
Với việc "đảo vai" thành công ty mẹ của Thaigroup, Thaiholdings gián tiếp sở hữu các tài sản như: Dự án đô thị và nghỉ dưỡng gần 352 ha ở Phú Quốc; sở hữu 52,43% cổ phần Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên, sở hữu 3,5 ha đất vàng tại số 5 - 7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội; sở hữu 2,7 ha đất ở tại Khu đô thị Xuân Thành, thành phố Ninh Bình; sở hữu Cảng Ninh Phúc và 18,7 ha đất công nghiệp ở Ninh Bình; tòa nhà văn phòng làm việc và cho thuê hạng A tại 17 Tông Đản và 210 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích gần 3.800 m2 đất và 22 tầng xây dựng; nhà máy Xi măng Quảng Nam với công suất 1,2 triệu tấn/năm; mua phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển THD và nhiều tài sản có giá trị khác…).
Trước diễn biến tăng nóng của THD, chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cũng đặt ra câu hỏi: "Thaiholdings có gì?". Theo đó, việc hợp tác M&A với Thaigroup được ông Long giải thích là "kỹ thuật thâu tóm ngược" (back door listing - niêm yết cửa sau). Khi M&A với công ty mẹ thì sẽ phát sinh các giao dịch hợp nhất trên báo cáo kết quả kinh doanh (cuối tháng 12/2020), tạo ra con số.
Trong con số lãi hợp nhất 1.091 tỷ đồng thì con số lớn nhất đóng góp vào chính là khoản lợi nhuận khác 1.135 tỷ đồng. Mặc dù vậy, thuyết minh báo cáo tài chính lại không đề cập kỹ về khoản lợi nhuận này.
Trên bảng cân đối kế toán thể hiện khoản phải thu ngắn hạn của Thaiholdings tại ngày 31/12/2020 lên tới 2.802 tỷ đồng, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng 1.813,5 tỷ đồng. Chuyên gia Phan Lê Thành Long đặt ra vấn đề, vậy tài sản nào sẽ tạo ra doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai?
Một số nhà đầu tư cho biết, thực tế, việc giá cổ phiếu tăng hay giảm trên thị trường phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng trong tương lai. Theo đó, có thể là giá cổ phiếu tăng do kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Thaiholdings sẽ bắt tay với Samsung để triển khai dự án trên "đất vàng" thuộc khách sạn Kim Liên.
Trong 9 tháng năm nay, Thaiholdings ghi nhận doanh thu xấp xỉ 6.187 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với 9 tháng năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 475 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ.
Tổng tài sản tại ngày 30/9 là hơn 12.367 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền mặt gấp gần 9 lần lên hơn 258 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn gấp tới 11,5 lần lên hơn 856 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh với 973,5 tỷ đồng (trong đó riêng giá trị khoản đầu tư vào cổ phiếu LPB là hơn 955 tỷ đồng). Khoản đầu tư tài chính dài hạn cũng tăng gấp 2,6 lần so với thời điểm đầu năm lên, đạt hơn 617 tỷ đồng.
Đầu tháng 12, Thaiholdings quyết định "cắt lỗ" đối với 22,4 triệu cổ phiếu LPB, thu về hơn 520 tỷ đồng, trong khi giá gốc khoản đầu tư vào LPB của Thaiholdings ghi nhận hơn 563 tỷ đồng, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng hơn 78 tỷ đồng cho khoản đầu tư này.
Ở một động thái khác, tập đoàn này cũng lên kế hoạch thoái toàn bộ 9,38 triệu cổ phiếu (chiếm 35% vốn) tại CTCP Đầu tư Thaihomes theo hình thức chuyển nhượng cổ phần đang sở hữu. Thời gian chuyển nhượng dự kiến trong quý IV với giá chuyển nhượng là 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về gần 94 tỷ đồng nếu hoàn tất thương vụ.
Ngoài ra, Thaiholdings đã thông qua việc bán toàn bộ 14,2 triệu cổ phần chiếm 19,52% tổng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội. Giá chuyển nhượng dự kiến được nhấn mạnh "không thấp hơn 60.000 đồng/cổ phần". Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện ngay trong quý IV.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup cũng công bố việc thoái vốn tại Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội với việc chuyển nhượng hơn 58 triệu cổ phần (chiếm 80,45% tổng vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội) với giá chuyển nhượng và thời gian thực hiện tương tự như Thaiholdings. Ước tính, Thaiholdings và Thaigroup sẽ thu về tổng cộng giá trị không thấp hơn 4.363 tỷ đồng.
Giới đầu tư đang hồi hộp chờ đợi báo cáo tài chính quý IV của Thaiholdings. Với những kết quả đạt được năm vừa rồi, dù Thaiholdings kết quả ra sao thì cũng sẽ là áp lực lớn đối với bầu Thụy cho năm 2021 và cả trong năm tới.