(Dân trí) - Ông Phùng Quang Hưng, người từng có thời gian đảm nhiệm việc điều hành Techcombank thay cựu CEO Nguyễn Lê Quốc Anh năm 2020, đã có những chia sẻ với Dân trí về việc "vượt bão Covid-19".
Có người so sánh khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch Covid-19 với khủng hoảng tài chính 2009. Từ góc nhìn của người làm trong ngành ngân hàng, ông thấy 2 giai đoạn khó khăn đó tác động đến ngành mình giống và khác nhau như thế nào?
Ở mức độ toàn cầu, khủng hoảng kinh tế năm 2020 nặng nề hơn rất nhiều so với khủng hoảng tài chính năm 2009. Lý do là Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, tê liệt giao thông vận tải trong một quốc gia và giữa các quốc gia cũng như suy thoái nghiêm trọng tiêu dùng nói chung. GDP toàn cầu năm 2009 ước tính giảm khoảng 1% nhưng trong khủng hoảng 2020 con số này ước tính lên tới 4-5%.
Ở góc độ trong nước, năm 2020, Việt Nam lại là điểm sáng hiếm hoi của toàn cầu duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,8%. Còn trước đây, khủng hoảng 2009-2010 gây hệ lụy kéo dài cho nền kinh tế và ngành ngân hàng Việt Nam đến tận mãi những năm 2012-2013 cơ mà. Điều đó cho thấy tiềm lực kinh tế Việt Nam và ngành ngân hàng ngày nay đã vững vàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước có tính hỗ trợ rất cao, nhằm giữ ổn định vĩ mô và xây dựng môi trường lãi suất thấp, đồng hành chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân.
Nói như vậy để thấy Covid-19 dù gây ra nhiều thiệt hại thì cũng là một phép thử cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Chúng ta có thể tự hào đã vượt bão thành công năm 2020 song vẫn cần cẩn trọng cho những diễn biến sắp tới vì dịch còn rất phức tạp.
Nhìn lại năm 2020, ông nhớ nhất điều gì? Nếu như vấn đề của ngành ngân hàng năm 2019 là câu chuyện tăng vốn thì theo ông vấn đề của ngân hàng suốt "năm Covid thứ nhất" 2020 vừa qua là gì?
Tôi thấy có lẽ điều đáng nhớ nhất của năm 2020 chính là những khó khăn thách thức khi chúng ta trải qua đại dịch chưa từng có. Vì thế mà vấn đề đầu tiên phải giải quyết là đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên, khách hàng và cộng đồng nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục để phục vụ tốt nhất cho khách, hỗ trợ đồng hành với họ vượt khó khăn.
Ngân hàng ông đã làm gì để sống chung với "năm Covid thứ nhất" này?
Techcombank cung cấp gói hỗ trợ 41.000 tỷ đồng thông qua tái cơ cấu, giãn nợ, giảm lãi suất. Chúng tôi cũng đẩy mạnh số hóa nền tảng hướng đến trải nghiệm giao dịch khách hàng an toàn, tiện lợi trong mùa dịch song vẫn đảm bảo vận hành kinh doanh liên tục.
Các tiện ích ngân hàng số, từ thanh toán hàng ngày tới cấp thẻ tín dụng phê duyệt trước, quản lý tài chính và mua bán các sản phẩm đầu tư, được cung ứng đa dạng. Khách hàng vì thế tiết kiệm được thời gian, chi phí mà vẫn giao dịch an toàn, tiện lợi trong mùa dịch. Đây cũng là lý do khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong năm 2020 đạt lần lượt 383 triệu giao dịch, tăng 108,8% và 5 triệu tỷ đồng, tăng 84,2% cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cũng có thêm khoảng 1,1 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách lên gần 8,4 triệu vào cuối năm 2020.
Chúng tôi cũng chú trọng quản lý an toàn thanh khoản để đảm bảo nền tảng tài chính vững mạnh trong và sau đại dịch. Việc này nhằm đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng muốn vay vốn hoặc muốn thanh toán nếu khủng hoảng kéo dài. Ngay từ đầu quý I/2020, khi dịch Covid-19 ập đến, ngân hàng đã vay hợp vốn quốc tế 500 triệu USD thành công, giúp đa dạng hóa nguồn vốn để tăng thanh khoản.
Là một trong ít đơn vị dùng hết quota tăng trưởng tín dụng được cấp và thậm chí còn xin tăng thêm, Techcombank dường như đi ngược thị trường khi mà trong đại dịch nhiều bên phàn nàn có tiền rẻ mà không có khách vay?
Như tôi đã đề cập ở trên, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng có thể tự hào đã "vượt bão Covid-19" thành công trong năm 2020 khi là điểm sáng hiếm hoi trên thế giới tăng trưởng dương. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không bị tác động bởi Covid-19 mà sự quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ, sự đoàn kết của người dân đã tạo ra lực đẩy giúp Việt Nam phát triển.
Chúng tôi ít bị ảnh hưởng so với mặt bằng chung nhờ nền tảng vững chắc được xây dựng từ chiến lược "khách hàng là trọng tâm" trong 5 năm qua. Phần lớn khách hàng có chất lượng tín dụng tốt. Vì vậy, khi các đợt cao điểm Covid-19 đi qua và sang đến quý IV/2020, hoạt động của khách hàng chúng tôi gần như là hồi phục bình thường, khiến nhu cầu vốn tín dụng của khách cũng như tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cho khách đó đã quay trở lại như trước đó.
Nợ xấu của ngân hàng thì sao, vì rõ ràng quản lý được nợ xấu trong đại dịch cũng là vấn đề đầy thách thức?
Quản lý nợ xấu trong bối cảnh thách thức đại dịch xảy ra là một vấn đề cực quan trọng. Chúng tôi có thuận lợi lớn khi có sẵn nền tảng quản trị rủi ro tốt được xây đắp nhiều năm qua, dựa trên chiến lược khách hàng là trọng tâm và tập trung vào những phân khúc khách hàng tốt đã lựa chọn.
Đơn cử, trong mảng doanh nghiệp lớn, chúng tôi làm việc với những doanh nghiệp hàng đầu thị trường để cùng phát triển giải pháp phục vụ khách hàng xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đó quản trị rủi ro được tốt hơn. Hay chúng tôi tập trung phát triển khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong những tiểu phân khúc có tính tăng trưởng tốt, tính rủi ro thấp. Đối với phân khúc khách hàng cá nhân, chúng tôi tập trung vào khách hàng có thu nhập cao và thu nhập khá.
Vì vậy, dù rằng 2020 đánh dấu một năm đầy thách thức bởi dịch Covid-19 song khi nhìn lại thì chúng tôi tự hào vì đã vượt qua khó khăn và bứt phá.
Ông dự báo hoạt động của ngành ngân hàng năm 2021 này ra sao, liệu có giống như dự báo với một số ngành khác là 2021 mới là năm mà các vấn đề, hậu quả từ Covid-19 được biểu hiện rõ nhất?
Theo tôi, tác động của Covid 19 trong năm 2021 sẽ còn tùy thuộc vào nền tảng hoạt động của từng ngân hàng. Riêng với Techcombank thì như tôi đã đề cập, trong 5 năm qua, chúng tôi đã thực sự thay đổi mô hình kinh doanh đi vào những phân khúc lựa chọn. Nói đúng hơn, chúng tôi "may đo" mô hình kinh doanh của mình để phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc trọng tâm, trên cơ sở xây dựng năng lực nền tảng cốt lõi là nhân sự xuất sắc - vận hành xuất sắc - dữ liệu xuất sắc. Chúng tôi dịch chuyển chất lượng tài sản sang những tài sản tốt, đa dạng hóa nguồn thu, tăng thu nhập về phí dựa trên nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán thẻ. Tất cả yếu tố này đã tạo nền tảng vững chắc để ngân hàng bứt phá trong năm 2020 và tiếp tục phát triển vững chắc trong năm 2021.
Chúng tôi cũng kỳ vọng duy trì tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao trong năm nay để từ đó tiếp tục có biên lãi thuần tốt. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ chú trọng tăng trưởng thu nhập phí như phí thể, phí phát hành và phân phối trái phiếu, bancassurance và ngân hàng giao dịch với khách hàng doanh nghiệp. Năm 2020, chúng tôi đã thận trọng tăng cường trích lập bao phủ nợ xấu với tỷ lệ hơn 170%, để tạo bộ đệm an toàn vốn năm 2021 trong trường hợp có các hệ quả tác động từ Covid-19. Còn nếu thị trường hồi phục, đến cuối năm 2021, những dự phòng đó có thể quay trở lại thành một phần lợi nhuận.
Ông thấy sao với ý kiến cho rằng nếu không có Covid-19 thì kết quả kinh doanh các ngân hàng năm 2020 sẽ còn tốt hơn rất nhiều?
Tôi không lạm bàn sang các ngân hàng khác mà sẽ tập trung vào ngân hàng mình. Kết quả năm 2020 vừa rồi tôi nghĩ không phải sự bất ngờ mà đến từ chiến lược chúng tôi đã thực thi suốt 5 năm qua và những năm sắp tới. Chiến lược "khách hàng là trọng tâm" của chúng tôi chú trọng vào các phân khúc khách hàng mục tiêu lựa chọn, chất lượng của tài sản, xây dựng nền tảng quản trị rủi ro. Cùng với đó, ngân hàng tập trung đa dạng hóa nguồn thu, dịch chuyển cơ cấu huy động sang nguồn vốn không kỳ hạn để tăng bề dày thanh khoản.
Những thế mạnh đó được phát huy trong năm 2020, giúp ROA của chúng tôi đạt 3,1%, CASA đạt tỷ lệ 46,1% đứng đầu ngành ngân hàng, lợi nhuận trước thuế 15.800 tỷ đồng. Về thu nhập ngoài lãi, chúng tôi cũng đứng đầu doanh số thanh toán qua thẻ Visa năm thứ 3 liên tiếp với thị phần khối lượng thanh toán thẻ qua Visa đạt 29% với thẻ tín dụng và 34% với thẻ ghi nợ. Mảng trái phiếu chúng tôi cũng đứng đầu, chiếm khoảng 25% thị phần tư vấn phát hành và 68% thị phần môi giới trên HoSE.
Nói tóm lại là trong bất kể hoàn cảnh nào chúng tôi cũng vẫn luôn kiên định với chiến lược cốt lõi, tập trung nhiều vào am hiểu khách hàng, đưa ra được những mô hình kinh doanh, sản phẩm, giải pháp hỗ trợ hành trình khách hàng liền mạch, giải quyết được các vấn đề của họ một cách hiệu quả. Đó mới là mục tiêu chính của chúng tôi.