Phiên đấu thầu vàng đầu tiên "ế" khách: Chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng vàng, chiếm 20% so với quy mô chào thầu. Chuyên gia nói giá tham chiếu và cả giá đấu thầu quá cao nên không có tác dụng giúp giảm giá thị trường vàng trong nước.
Vàng diễn biến bất thường
Mở cửa sáng 22/4, các doanh nghiệp lớn niêm yết giá vàng miếng SJC tại 80,3-82,8 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,7 triệu đồng chiều mua và 1,2 triệu đồng chiều bán so với giá đóng cửa tuần trước.
Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước sau hơn một thập kỷ lẽ ra sẽ bắt đầu vào 10h ngày 22/4. Tuy nhiên, một tiếng trước giờ đấu thầu, nhà điều hành thông báo hủy do "không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc" rồi chuyển lịch sang ngày 22/3.
Các thông tin không thay đổi, trừ giá tham chiếu. Theo đó, giá tham chiếu cho mỗi lượng vàng miếng SJC của phiên đấu thầu ngày 23/4 là 80,7 triệu đồng, giảm 1,1 triệu đồng so với giá tham chiếu phiên bị hủy.
Sau thông tin này, giá vàng miếng SJC bật tăng trở lại và tăng liên tục cho tới hôm nay. Hiện tại, giá vàng miếng SJC được doanh nghiệp niêm yết ở mức 82-84 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tức tăng 1,7 triệu đồng ở chiều mua và 1,2 triệu đồng so với giá mở cửa ngày 22/4 - thời điểm lẽ ra sẽ có phiên đấu thầu đầu tiên. Chênh lệch 2 chiều mua và bán là 2 triệu đồng.
Trong phiên đấu thầu hôm qua, 11 doanh nghiệp tham gia dự thầu gồm 7 ngân hàng là VPBank, HDBank, Techcombank, Eximbank, MSB, ACB, Sacombank và 4 doanh nghiệp gồm SJC, DOJI, PNJ, Phú Quý, song chỉ 2 đơn vị trả giá với khối lượng trúng 3.400 lượng vàng là SJC và ACB, tương ứng 20% quy mô chào thầu. Giá sàn bỏ thầu là 81,3 triệu đồng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng và giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng.
Phiên đấu thầu vàng đầu tiên từng được Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào ngày 28/3/2013. Thời điểm đó, 1,8 triệu lượng vàng miếng SJC được bán ra thị trường, sau 76 phiên đấu thầu.
Trước đó, thị trường vàng trong nước và thế giới biến động mạnh. Hồi đầu tháng 1, trong cuộc họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nói không chấp nhận chênh lệch giá trong và ngoài nước tới 20 triệu đồng/lượng.
Thủ tướng cũng nhiều lần ra chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý thị trường sớm, trong đó có việc sửa đổi hoặc thay thế Nghị định quản lý thị trường vàng.
Điều này dẫn đến tình trạng một bộ phận người dân chuyển dịch từ mua vàng miếng SJC sang vàng nhẫn khi họ đang chờ đợi các quy định mới về việc có độc quyền vàng miếng SJC hay không hoặc các cách thức can thiệp để giảm chênh lệch giá vàng miếng so với thế giới theo chỉ đạo của Thủ tướng. Một số thời điểm vàng nhẫn xảy ra việc khan hàng.
Nghị định 24/2014 về quản lý, kinh doanh vàng được nhà chức trách ban hành với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Từ đó đến nay, SJC được coi là thương hiệu vàng miếng quốc gia. Ngân hàng Nhà nước không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng, khiến nguồn cung vàng giảm. Việc này dẫn tới thực tế thị trường nhiều thời điểm bị mất cân đối cung - cầu, giá thế giới tăng ít, trong nước đã lên rất cao.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà sau đó đã thông tin đơn vị này sẽ tăng cung vàng miếng, nhằm giảm chênh lệch so với thế giới.
Thực tế, thời gian qua, giá thế giới biến động mạnh, có thời điểm đạt đỉnh, lên sát ngưỡng 2.400 USD/ounce. Các doanh nghiệp trước mỗi kỳ biến động đều phòng ngừa rủi ro bằng cách nới rộng khoảng cách mua - bán, lên 2-2,5 triệu đồng/lượng do không có nguồn đối ứng. Việc có thêm nguồn cung có thể giúp họ chủ động và cạnh tranh hơn trong kinh doanh, qua đó giảm chênh lệch này.
Chuyên gia nói về đấu thầu vàng
Việc đấu thầu vàng mở ra, ban đầu được giới chuyên gia kỳ vọng là giải pháp "chữa cháy", giúp giá vàng miếng SJC về gần hơn với thế giới.
Thực tế, với khối doanh nghiệp, một số đơn vị lớn tập trung vào mảng kinh doanh vàng miếng có thể kể đến là Phú Quý, SJC…, còn các đơn vị khác trên thị trường chú trọng vào mảng trang sức, mỹ nghệ.
Chuyên gia đầu tư tài chính cá nhân Lê Xuân Huy nhận định giai đoạn vừa qua, nhu cầu mua vàng miếng để đầu tư và tích trữ của người dân tăng đột biến đã khiến cho nguồn cung loại vàng này trở nên khan hiếm. Chính điều đó đã khiến giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn giá vàng thế giới và tạo ra mức chênh lệch lớn, từ đó dẫn tới nguy cơ buôn lậu vàng gia tăng và gây bất ổn lên tỷ giá USD.
Theo ông Huy, động thái đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước sẽ làm tăng cung vàng miếng, khiến cung cầu trên thị trường vàng trở nên cân bằng hơn. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới sẽ giảm, kéo theo việc buôn lậu vàng cũng giảm. Như vậy, tỷ giá sẽ trở nên ổn định hơn.
Tuy nhiên, hoạt động đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước chỉ là biện pháp tạm thời để kìm giá vàng do vàng cũng là một công cụ dự trữ của nhà điều hành tiền tệ. Việc bán vàng ra cũng cần được tính toán một cách kỹ lưỡng.
Diễn biến của phiên đấu thầu vàng miếng sáng 23/4 của Ngân hàng Nhà nước không đạt kỳ vọng, theo ông Huy, có thể do các doanh nghiệp lo ngại giá vàng Việt Nam trong ngắn hạn sẽ giảm theo giá vàng thế giới đồng thời việc tăng nguồn cung vàng miếng cũng có thể khiến giá vàng trong nước giảm.
"Các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải tính toán rất kỹ trước khi mua vàng miếng do biên lợi nhuận của mảng kinh doanh này là rất thấp. Họ vẫn mong muốn đẩy mạnh mảng kinh doanh vàng trang sức có biên lợi nhuận cao hơn là kinh doanh vàng miếng", ông Huy nói.
"Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng, nhưng giá tham chiếu sẽ tiếp tục giảm để thu hút các doanh nghiệp tham gia đấu thầu nhiều hơn", vị này đưa ra nhận định.
Ông Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng, lượng đấu thầu thành công ở mức 3.400/16.800 lượng vàng, không giải quyết được vấn đề bình ổn thị trường.
Theo ông Huân, phiên đấu thầu chỉ mang yếu tố tâm lý, giá tham chiếu và cả giá đấu thầu quá cao, nên không có tác dụng giúp giảm giá thị trường vàng trong nước.
"Cho dù có đấu thầu thành công 100.000 lượng, giá vàng vẫn không thể giảm được và vẫn neo ở mức cao. Bởi vì giá đấu được quá cao, nếu tổ chức bán ra cũng phải cao hơn giá 81,32 triệu đồng/lượng và vẫn phải có phần lời 1-2%", ông Huân nêu.
Vị chuyên gia nhận định phiên đấu thầu không đạt mục tiêu đề ra ban đầu. Do đó, trong các phiên đấu thầu sắp tới, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc giảm giá tham chiếu xuống. Giá tham chiếu cũng là lý do vì sao số lượng thành viên tham gia đấu thầu ít.