(Dân trí) - "Ở DKPharma, điều quan trọng nhất không phải kiếm nhiều tiền, mà xây dựng công ty thực sự tử tế", nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc DKPharma nói về định hướng 20 năm qua và trong thời gian tới.
PGS. TS. Trần Văn Ơn năm nay 56 tuổi, nhưng tóc của ông đã bạc hơn nửa đầu. Vừa về từ buổi đi thực tế tìm kiếm vùng trồng nguyên liệu organic ở Hòa Bình, Trưởng ban Văn hóa Doanh nghiệp dành thời gian 2 tiếng tại văn phòng của công ty để kể câu chuyện phát triển của DKPharma trong hơn 20 năm, trước khi tiếp tục bay vào Quảng Nam. "Phải đi chứ, ở đó có dự án OCOP họ cần mình", ông nói.
DKPharma tiền thân là doanh nghiệp được Đại học Dược Hà Nội thành lập ngày 19/8/2002 theo chủ trương thử nghiệm mô hình doanh nghiệp trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của Chính phủ. Nhiệm vụ chính là triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Khi ấy, doanh nghiệp có tên Công ty Dược Khoa.
Những ngày đầu thành lập, công ty chỉ có một xưởng sản xuất nhỏ, đặt trong khuôn viên trường. Do yêu cầu sản xuất phải sạch, việc ra vào tự do ở khu vực này không được phép.
"Mặt bằng của công ty rất chật hẹp, chỉ có một xưởng nhỏ để đặt một số thiết bị do chương trình sốt rét của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ. Nhiều sản phẩm khác của công ty phải phân tán sản xuất tại các phòng nghiên cứu của bộ môn bào chế, sinh hóa và công nghiệp dược, theo kiểu tận dụng mặt bằng, nên quản lý khó khăn", PGS. TS. Trần Văn Ơn nhớ lại.
Nhà xưởng ngày ấy tuy nhỏ, nhưng là những nhà khoa học, tập thể công ty Dược Khoa hiểu rằng thuốc phải được sản xuất trong môi trường sạch, đảm bảo điều kiện cao nhất về chất lượng. Vượt qua những hạn chế về mặt bằng, xưởng sản xuất của Dược Khoa vẫn đạt được tiêu chuẩn cao nhất của Việt Nam lúc bấy giờ là chứng chỉ GMP-ASEAN vào tháng 10/2006. Cho đến thời điểm ấy, công ty là đơn vị sản xuất thuốc hiếm hoi của Việt Nam đạt chứng chỉ trên.
Trên cơ sở này, Dược Khoa ứng dụng thành công sản xuất 4 sản phẩm, gồm 2 loại nguyên liệu cho thuốc sốt rét và thuốc ung thư. Trong đó, do nằm trong chương trình của WHO, thuốc sốt rét bào chế từ nguyên liệu của Dược Khoa được xuất khẩu sang các nước châu Phi. Và 2 sản phẩm còn lại là thuốc nhỏ mắt và thuốc xương khớp được bào chế tại phòng nghiên cứu của các bộ môn trong trường.
4 sản phẩm này đều là những ứng dụng nghiên cứu khoa học từ trường Đại học Dược, là tinh túy từ tri thức và những năm tháng miệt mài trong phòng lab của các thầy cô. Khởi đầu ấy khiêm tốn, nhưng với Dược Khoa là chặng đường đầy tự hào, thôi thúc mỗi người trong công ty giữ gìn truyền thống làm việc bằng tất cả sự tận tâm và tri ân.
Cũng vào lúc này, Dược Khoa đứng trước thử thách mới khi luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, buộc các đơn vị hành chính công lập không được tiếp tục sở hữu công ty. Việc chuyển đổi đơn vị sở hữu từ trường Đại học Dược về Bộ Y tế bắt đầu vào năm 2006 và hoàn thành vào năm 2011 khi công ty hoạt động dưới tên gọi Công ty TNHH MTV Dược Khoa - Trường Đại học Dược Hà Nội. Công ty cũng chính thức đăng ký bảo hộ thương hiệu "DKPharma" kể từ thời điểm này. 5 năm chuyển đổi kéo theo khó khăn trong cơ chế vận hành dồn áp lực lên vai những người lãnh đạo, trong đó có vị giám đốc vừa được bổ nhiệm là PGS. TS. Trần Văn Ơn, người vừa thay thế PGS. TS. Đỗ Hữu Nghị nghỉ hưu.
Lúc này, DKPharma đã trải qua gần 10 năm phát triển, nhưng việc sản xuất vẫn nằm rải rác trong khuôn viên trường Đại học Dược.
"Trong bối cảnh nguồn lực công ty phân tán, chúng tôi chịu rất nhiều sức ép. Vốn để duy trì hoạt động còn thiếu chứ chưa nói đến mở rộng phát triển. Chúng tôi huy động mọi nguồn để có thể xây dựng nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO cho sản phẩm thuốc nhỏ mắt theo yêu cầu mới của Bộ Y tế. Nhưng nhà máy đang xây thì làm gì có tiền, trong khi công nhân lao động ở đấy thì vẫn cần có lương, nên phải giật gấu vá vai nhiều nơi để trả lương, duy trì công việc cho anh em", PGS. TS. Trần Văn Ơn nhớ lại.
Cũng trong thời gian này, DKPharma cùng PGS. TS. Trần Văn Ơn trở thành những người khởi xướng và xây dựng chương trình OCOP quốc gia. Điều đặc biệt là OCOP ra đời từ tâm nguyện rất đơn giản của những nhà khoa học của DKPharma: phát triển hài hòa, đóng góp cho xã hội.
Nhận thấy nhiều bệnh nhân sẽ phải dùng các loại thuốc hỗ trợ có nguồn gốc dược liệu cả đời, nên từ nguồn đầu vào nhất định phải sạch, công ty đã tìm cách chuyển đổi vùng nguyên liệu từ thu hái tự nhiên, sang tiêu chuẩn GACP-WHO, rồi đến organic.
"Mọi chuyện nói thì dễ, nhưng khi thực hiện sẽ phải đối mặt với thách thức trong bối cảnh mình không có nguồn lực tài chính. Việc ấy cũng chẳng ai làm, thậm chí chẳng ai đòi hỏi, nhưng DKPharma biết nó quan trọng, nên chúng tôi xung phong đứng lên làm organic", ông nói.
Thời điểm đi tìm vùng nguyên liệu, DKPharma nhận thấy các địa phương ở Việt Nam đều sở hữu những thế mạnh về sản vật, dịch vụ riêng, chỉ cần được hỗ trợ thêm về vốn và kinh nghiệm quản lý là có thể thương mại hóa. Ông Trần Văn Ơn cho biết, mô hình OCOP được DKPharma giới thiệu và được Bí thư tỉnh Quảng Ninh thời điểm bấy giờ là ông Phạm Minh Chính cho phép thực hiện thí điểm. Sau đó, chương trình được Thủ tướng yêu cầu nhân rộng trên cả nước, tạo tiền đề mở ra nguồn lực rất lớn từ nhiều ngành để phát triển kinh tế nông thôn.
DKPharma lúc này vừa đóng vai trò là đơn vị cố vấn, đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng đề án chương trình "Mỗi xã - phường một sản phẩm quốc gia", vừa duy trì hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn quản lý cho nhiều doanh nghiệp địa phương, vừa nỗ lực duy trì hoạt động tại trụ sở.
Nhưng ổn định sản xuất chưa được bao lâu, vấn đề mặt bằng một lần nữa đặt ra khó khăn với DKPharma. Năm 2014, trường Đại học Dược muốn thu hồi lại phần diện tích khuôn viên mà công ty đang đặt nhà xưởng.
Lúc này, Dược Khoa buộc phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất lên Thái Nguyên, duy trì hoạt động tại một mặt bằng nhỏ mượn được từ doanh nghiệp thuộc chuỗi liên kết. "Nhà máy tạm" này giúp Dược Khoa không đứt gãy chuỗi cung ứng, duy trì cam kết với đối tác xuyên suốt những năm 2014-2016, trước khi đối mặt với chuyển biến lớn: cổ phần hóa doanh nghiệp.
Là một trong 3 doanh nghiệp ngành y phải thực hiện cổ phần hóa, DKPharma bước vào giai đoạn chuyển đổi với tâm thế "làm tử tế, làm từ từ, minh bạch và đúng luật". Phần vốn cổ phần của Nhà nước được bán đấu giá, đội ngũ cán bộ công nhân viên của Dược Khoa quyết tâm mua lại hết, nhằm duy trì hoạt động của công ty đi theo đúng tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi ban đầu.
"Họ đều là các nhà khoa học trẻ, vừa lập nghiệp nên tài sản hầu như chẳng có gì. Tôi biết mọi người nhìn vào mình, nên quyết định đi vay tiền để mua cổ phần. Tôi vay tín chấp từ thầy tôi, bố tôi, từ các thầy trong trường đại học. Vay nhiều tỷ đấy, trả lãi 1%/tháng, tức là 12%/năm. 12% của nhiều tỷ đồng trong giai đoạn công ty sau cổ phần hóa chưa thể có lãi, chưa có tiền trả cổ tức, chuyện ấy không dễ. Đến giờ, tôi vẫn còn nợ một nửa số tiền đó", ông nói.
Nhìn từ quyết tâm của người đi đầu, nhiều nhân viên của Dược Khoa cũng đặt niềm tin vào công ty và mua theo. Việc cổ phần hóa sau đó diễn ra thuận lợi, không gặp rủi ro pháp lý. Công ty Cổ phần Dược Khoa (DKPharma) ra đời với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc mới là ông Nguyễn Trường Giang lập tức ổn định được sản xuất, đón giai đoạn phát triển bùng nổ ngay sau đó.
Tháng 3/2018, nhà máy Bắc Ninh của DKPharma hoàn thành, chính thức tổ chức hoạt động, đưa doanh thu của công ty tăng gấp đôi so với năm 2017. Tổng số công nhân viên của nhà máy lúc này đã tăng 166% so với năm trước.
Vượt qua 2 năm dịch Covid-19 đầy biến động và căng thẳng, DKPharma vẫn kịp thời hoàn thành xây dựng nhà máy chiết xuất tại Hòa Bình trong năm 2021. Hệ thống nhà máy hoàn chỉnh cho phép DK Pharma lần đầu tiên có thể đảm bảo sản xuất đủ các nhóm sản phẩm, từ thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm đến trang thiết bị y tế. So với năm 2017, số lượng sản phẩm năm 2021 đã tăng gấp 3 lần và doanh thu tăng gần gấp 4 lần.
Tính đến hết năm 2021, toàn hệ thống của DKPharma đã cung ứng ra thị trường hơn 181,7 triệu sản phẩm, tức cứ mỗi 2 giây lại có một đơn vị sản phẩm của công ty được bán ra. Tổng nộp ngân sách Nhà nước của công ty trong giai đoạn sau cổ phần hóa (2016-2021) tăng 3,8 lần so với giai đoạn trước, trong khi tổng tài sản tăng tới 5,7 lần.
Năm 2022 đánh dấu 20 năm phát triển và trưởng thành của DKPharma (19/8/2002 - 19/8/2022). Chặng đường đó dù không dài nhưng đủ để công ty khắc ghi những dấu ấn quan trọng, là sự hiện thực hóa những khát vọng đổi mới không ngừng nghỉ từ chính những thế hệ lãnh đạo cũng như toàn thể công nhân viên công ty.
Giờ đây, những con người ở DK Pharma đang hướng tới tương lai với tầm nhìn mới, là trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế về các dòng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, góp mặt vào top 20 công ty lớn nhất ngành dược Việt Nam. Công ty cũng đặt cho mình sứ mệnh tham gia vào sự nghiệp bảo tồn, gìn giữ và phát triển tri thức dân tộc về điều trị nâng cao sức khỏe, cũng như đa dạng sinh học nguyên liệu thuốc ở Việt Nam.
Dù đã có bước phát triển vượt bậc trong nhiều năm qua, ban lãnh đạo của DKPharma vẫn nhìn nhận thành công ấy một cách khiêm tốn. Với người DKPharma, điều quan trọng nhất không phải xây dựng công ty này trở thành doanh nghiệp sở hữu nhiều tiền, mà là sở hữu những con người tử tế nhất.
"Trở thành một người tử tế không khó, nhưng biến cả một công ty trở nên tử tế thì rất khó. Nó giống như 10 ngón tay, có ngón dài ngón ngắn, cả công ty có cả nghìn người thì kiểu gì cũng có những sai sót. Nhưng vấn đề của mình là phải tìm cách uốn nắn nếu nhận ra, nhất định không được bỏ qua, để xét trên bình diện chung thì nó là một công ty thực sự tử tế. Đấy là cách DKPharma đã hình thành và cũng là cách chúng tôi sẽ phát triển mãi về sau", ông Trần Văn Ơn chia sẻ.
Nội dung: Anh Ngọc
Thiết kế: Khương Hiền