Kết quả kinh doanh đi xuống
Một số nhà thầu xây dựng dân dụng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã báo cáo tình hình kinh doanh quý III/2023 nhưng nhìn chung là không mấy khởi sắc.
Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) công bố quý III năm nay doanh thu giảm 50% còn hơn 1.893 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm hơn 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty lãi hơn 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã lỗ 4 quý liên tiếp tính từ quý IV/2022 và lỗ lũy kế tại ngày 30/9 hơn 2.980 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons cũng chung tình cảnh. Quý III, doanh thu thuần giảm 59% về 1.484 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 5 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 39% và 9%.
Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (mã chứng khoán: HTN) có doanh thu quý III giảm 55% còn 447 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn hơn 1 tỷ đồng, giảm 67% cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, công ty lãi 27 tỷ đồng, giảm 80%, doanh thu giảm một nửa còn 2.446 tỷ đồng.
Riêng Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) đi "ngược dòng" khi ghi nhận doanh thu thuần quý III tăng 32% so với cùng kỳ chủ yếu tới từ hợp đồng xây dựng. Công ty báo lãi sau thuế gần 67 tỷ đồng so với mức lỗ 3,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Nợ khó đòi chiếm tỷ trọng lớn
Bên cạnh kết quả kinh doanh không mấy khởi sắc, nhóm doanh nghiệp còn gặp vấn đề trong việc thu hồi nợ, xử lý nợ đối với khách hàng là các chủ đầu tư dự án.
Các khoản phải thu ngắn hạn luôn là vấn đề gây sức ép về dòng tiền đối với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Tại ngày 30/9, phải thu ngắn hạn là 8.857 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản ngắn hạn.
Trong đó, hơn 5.293 tỷ đồng phải thu từ khách hàng, 3.659 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng. Doanh nghiệp phải trích lập hơn 2.500 tỷ đồng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi.
Tại cuộc họp cổ đông bất thường 2023 vừa qua, ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình - cho biết, tổng nợ phải thu của công ty hầu hết đến từ các chủ đầu tư bất động sản lớn. Trong quý IV, công ty dự thu 2.836 tỷ đồng trong tổng số nợ nói trên và lũy kế đến Tết Nguyên đán 2023 có thể thu được 4.846 tỷ đồng.
Còn với Coteccons, tại ngày 30/9, khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng là 11.279 tỷ đồng, chiếm 60% tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp đã phải trích lập dự phòng nợ xấu 1.195 tỷ đồng.
Về vấn đề này, lãnh đạo Coteccons từng cho biết tùy tình hình thị trường, công ty có thể hoàn nhập hoặc tiếp tục trích lập nếu khách hàng khó khăn hoặc phát sinh vấn đề trong thu hồi công nợ. Thị trường bất động sản vẫn chưa hết khó, các khách hàng của Coteccons vẫn đang gặp khó khăn về dòng tiền. Vì vậy, công ty vẫn tiếp tục trích lập dự phòng và dự kiến trích lập khoảng 90 tỷ đồng cho năm tài chính 2024.
Tình trạng tương tự cũng lặp lại với Hưng Thịnh Incons hay Ricons.
Ricons có phải thu ngắn hạn trên 3.834 tỷ đồng, trích lập dự phòng khó đòi trên 37 tỷ đồng. Trong đó, công ty có khoản phải thu trên 322 tỷ đồng với Coteccons. Vụ việc này đã được Ricons kiện ra tòa, yêu cầu mở thủ tục phá sản với Coteccons vì cho rằng đối tác không thanh toán công nợ. Tuy nhiên theo công bố từ Coteccons, tòa đã quyết định không mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp này.
Hưng Thịnh Incons trích lập dự phòng gần 10 tỷ đồng và có gần 26 tỷ đồng nợ quá hạn trên 3 năm hoặc khả năng thu hồi thấp. Tỷ lệ phải trích lập của Hưng Thịnh Incons thấp nhất trong nhóm, lý do có thể do công ty hầu hết thi công các dự án trong tập đoàn mẹ là Hưng Thịnh, ít dự án bên ngoài.
Hướng đi nào cho các nhà thầu?
Ngành bất động sản (BĐS) thời gian gần đây được cho là có nhiều tín hiệu tích cực từ các chính sách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, giúp khơi thông dòng vốn và tháo gỡ tính pháp lý dự án. Tình trạng xấu nhất của ngành dường như đã qua đi.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức - Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI - cho rằng ngành này còn nhiều vấn đề cần quan tâm.
Thứ nhất, mặc dù các dự án BĐS được nỗ lực gỡ vướng nhưng đây không phải yếu tố mang tính phổ biến, trên diện rộng mà chỉ là một số dự án nhất định, còn lại vẫn "đóng băng". Doanh nghiệp vẫn ngồi trên một đống tài sản "chết" (không được lưu động, không có giá trị) trong khi chi phí vốn, áp lực trả nợ vẫn còn nguyên.
Ông Đức đưa ra một vài phương án giải quyết như khơi thông ngành, doanh nghiệp xây lên sản phẩm, bán hàng mới cho người mua, cầm tiền trả nợ ngân hàng; hoặc doanh nghiệp thanh lý tài sản, trả nợ ngân hàng, trả nợ trái phiếu. Tuy nhiên, cả 2 phương án này đều khó thực hiện trong ngắn hạn.
Một điều tương đối thú vị ở ngành BĐS, theo chuyên gia trên, là nhu cầu sở hữu của người dân còn cao. Ngành BĐS của Việt Nam hoàn toàn khác so với Trung Quốc. Trung Quốc là sản xuất quá nhiều, nhiều tồn kho còn Việt Nam là không có hàng.
Vì vậy, ông Đức nhận định điều quan trọng hiện nay là phải có sản phẩm, bằng cách khung pháp lý phải được giải quyết, dự án phải được cấp phép, chủ đầu tư phải xây sản phẩm mới, bán được hàng... thì thị trường mới được khơi thông. Ở hiện tại, chuyên gia cho rằng khó khăn còn nhiều, rủi ro về thanh toán, không trả được nợ vẫn còn ở phía trước.
Với những khó khăn còn ở phía trước, tại cuộc họp ĐHCĐ bất thường vừa qua, ông Lê Viết Hiếu - Phó chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - nói khả năng công ty đạt được kế hoạch kinh doanh năm 2023 thực sự rất khó khăn, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn. Doanh thu hợp nhất dự kiến chỉ đạt 7.800 tỷ đồng. Lợi nhuận dự kiến vẫn âm vì chưa thực hiện được việc thanh lý tài sản, đối tác gặp khó khăn trong vấn đề xoay xở tài chính.
Trong khi đó, trao đổi với cổ đông, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT - đánh giá thị trường chưa có khởi sắc, tăng trưởng GDP dưới kỳ vọng và ngành bất động sản cũng chưa có gì rõ ràng. Ông Bolat cho rằng quý II/2024, thị trường mới thực sự có biến chuyển.
Do đó, ban lãnh đạo công ty thận trọng và cân nhắc xu hướng thị trường, từ đó đưa ra dự báo doanh thu, lợi nhuận thận trọng, dựa trên các tín hiệu tích cực FDI tăng tốt, một số dự án công nghiệp có giấy phép mới, được xây dựng trong thời gian tới.
Cả Xây dựng Hòa Bình và Coteccons đều đang đặt kỳ vọng vào việc đầu tư ra nước ngoài. Vừa qua, Coteccons đã thông qua việc thành lập một công ty con ở nước ngoài. Chủ tịch công ty này kỳ vọng doanh nghiệp có thể vươn ra thế giới. Trong 4-6 tháng tới, công ty sẽ chia sẻ cụ thể hơn về chiến lược này.
Còn Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu vào năm 2028, thị trường nước ngoài sẽ chiếm 50% tổng doanh thu của công ty, tương ứng 1 tỷ USD, thị trường dân dụng trong nước sẽ chiếm 50% còn lại. Trong năm 2024, tập đoàn này đặt kế hoạch doanh thu từ thị trường nước ngoài là 1.200 tỷ đồng trong tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc khối kinh doanh thị trường nước ngoài của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình - cho biết, công ty đã làm việc và ký hợp đồng nguyên tắc (MOU) với nhiều khách hàng nước ngoài. Tại Mỹ, công ty ghi nhận tổng giá trị MOU 2,16 tỷ USD.
Tại Vanuatu, giá trị MOU giữa Hòa Bình và Primetech Constructions là 750 triệu USD. Cũng là Primetech nhưng tại Australia, giá trị MOU ghi nhận 1,35 tỷ USD. Tại châu Phi, giá trị MOU của Hòa Bình với đối tác đạt giá trị cao nhất, lên tới 4,18 tỷ USD.
Ngoài câu chuyện đầu tư ra nước ngoài, 2 cánh chim đầu đàn của ngành xây dựng cũng muốn đi sâu phát triển thị trường xây dựng công nghiệp. Vừa qua, Coteccons và Tập đoàn Hòa Bình đều nằm trong liên danh Hoa Lư đấu thầu sân bay Long Thành. Dù kết quả không được như kỳ vọng nhưng lãnh đạo Coteccons - đơn vị đứng đầu liên doanh - cho biết đã rút ra nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu từ lần đấu thầu này để làm hành trang cho những dự án tiếp theo.
Ông Bolat khẳng định: "Không thắng thầu sân bay Long Thành, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác. Có thể mất 6 tháng, 12 tháng hay 18 tháng nữa mới có thể tìm được một cơ hội đủ lớn trong hạ tầng nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng".
Coteccons đang thi công các dự án của Foxconn tại Bắc Giang hoặc dự án Lego ở Bình Dương. Ông Trần Văn Lâm - Tổng giám đốc Unicon (công ty con của Coteccons) cho biết cơ cấu backlogs của Coteccons hiện có sự dịch chuyển rất lớn trong mảng FDI, năm trước mới chỉ chiếm 14% nhưng 6 tháng đầu năm nay đã tăng lên 21%. Doanh nghiệp đánh giá khu công nghiệp là phân khúc tiềm năng.
Ngoài ra, bản thân Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đang phải từng bước xử lý các vấn đề nợ xấu, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, như một cách "tự cứu mình". Thời gian vừa qua, doanh nghiệp này cũng thu hồi công nợ ở nhiều doanh nghiệp, như hơn 304 tỷ đồng từ Tập đoàn FLC, hay được tuyên bố thắng kiện buộc đối tác trả tiền hơn 262 tỷ đồng.
Tại cuộc họp cổ đông bất thường 2023 vừa qua, ông Lê Viết Hải cho biết từ đầu năm tới ngày 16/10 đã tất toán 1.327 tỷ đồng công nợ tại 7 ngân hàng. Tổng dư nợ tại 7 ngân hàng giảm xuống còn 4.756 tỷ đồng. Nhiều nhà cung cấp, nhà thầu phụ đồng ý ký biên bản thỏa thuận hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu cho tập đoàn, đạt giá trị tương đương 405 tỷ đồng.