Nghị quyết 41 và niềm tâm đắc, tự hào của giới doanh nhân Việt
(Dân trí) - Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị đã đáp ứng đúng mong đợi của giới doanh nhân và thực tiễn xã hội, được cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nồng nhiệt đón mừng, tin tưởng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 66 nhằm thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Việc này nhằm tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội đối với vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 10 doanh nhân Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú USD thế giới, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do các tổ chức uy tín thế giới bình chọn.
Trước đó vào cuối năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới (viết tắt là Nghị quyết 41). Nghị quyết này thay thế cho Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nhiều doanh nhân và chuyên gia bày tỏ Nghị quyết 41 đã mang lại niềm tự hào cho đội ngũ doanh nhân khi họ được khẳng định vị thế và vai trò trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đồng thời, Nghị quyết được kỳ vọng sẽ định hướng vững chắc, đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, tạo động lực mới, vị thế mới để mở ra một giai đoạn phát triển mạnh mẽ mới cả về lượng và chất của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam - nói: "Tôi trân trọng và biết ơn Đảng khi ban hành Nghị quyết 41 khẳng định vị thế doanh nhân, trong đó nêu quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế".
Bà cũng khẳng định, Nghị quyết 41 nhấn mạnh vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco), một doanh nhân có hơn 40 năm trên thương trường - nói ông rất tâm đắc các nội dung trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tại Nghị quyết 41, đội ngũ doanh nhân không chỉ có vai trò góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ mà còn được giao thêm nhiệm vụ góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, doanh nhân cũng đóng góp vai trò trong ngoại giao kinh tế, hội nhập quốc tế.
Tinh thần Nghị quyết 41 cũng xác định việc phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân gắn với phát triển cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị. Đây cũng chính là trách nhiệm của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp.
Vì vậy, ông Dương nhấn mạnh các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh, hợp tác với nhau trong môi trường hội nhập để làm sao tự doanh nghiệp có năng lực kinh doanh, đồng thời xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Hương Foods - đánh giá Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị rất cần thiết trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới. Tuy nhiên, dù có Nghị quyết hay không, ông Tuấn cũng cho rằng tinh thần doanh nhân, bản sắc doanh nhân là quan trọng.
Trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế, khó khăn nhất, ông Tuấn nhận thấy doanh nhân nào sống tử tế thì vượt qua được, kể cả trong khó khăn cũng luôn có cơ hội. "Tôi tin rằng đội ngũ doanh nhân, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, chọn 2 từ tử tế: Tử tế trong đối nhân xử thế, tử tế trong việc tạo ra sản phẩm, tử tế với xã hội và tử tế với cộng đồng thì chắc chắn doanh nhân phát triển bền vững cho chính họ và tương lai", ông bày tỏ.
Theo ông, doanh nhân bền vững thì doanh nghiệp bền vững. Doanh nghiệp bền vững thì đất nước phát triển. Đất nước có Nghị quyết hướng doanh nhân đi theo hướng bền vững, phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới thì đất nước phát triển vững mạnh.
Ông Nguyễn Trung Dũng - nhà sáng lập, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dh Foods - nghĩ rằng làm doanh nhân là làm ra các sản phẩm tốt, có ích với người tiêu dùng. "Với tôi, doanh nhân là doanh nghiệp và con người: Đầu tiên phải làm người tử tế, tốt nhất có thể, sau đó mới làm doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Trải qua nhiều thăng trầm, ông Dũng đúc rút được rằng ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua, muốn làm tốt hơn thì luôn phải cải tiến, đầu tư. Làm doanh nghiệp, ông không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, bởi làm tốt sản phẩm thì người tiêu dùng tin tưởng, lợi nhuận sẽ đến và bền vững.
"Các thương hiệu lớn trên thế giới được xây dựng cả trăm năm, không phải ngày một ngày hai, bởi các cụ luôn nói "dục tốc bất đạt". Doanh nghiệp làm ra sản phẩm tốt, vận hành tốt thì tạo công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng được thương hiệu, niềm tin về sản phẩm Việt Nam", ông bày tỏ.
Ông Dũng nhớ lại cách đây 30-40 năm, khi mới khởi nghiệp ở Ba Lan, một ông giáo sư có nói Việt Nam không có sản phẩm xuất khẩu được. Điều đó khiến ông nhớ đến tận bây giờ và luôn tâm niệm làm sao để người nước ngoài thấy sản phẩm "made in Việt Nam" chất lượng tốt, giá hợp lý.
"Với tôi, doanh nhân làm kinh doanh, trước hết là đóng góp công sức cho bản thân, cho doanh nghiệp, cho xã hội, sau đó là đóng góp thành quả cho đất nước", ông khẳng định.