DMagazine

Loạt tỉnh thành từng là "điểm nóng" Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn!

(Dân trí) - Thực hiện những biện pháp nhanh chóng và quyết liệt góp phần quan trọng giúp kiểm soát bệnh dịch là cần thiết, từ đó tạo tiền đề cho tập trung triển khai các chính sách phục hồi các hoạt động kinh tế.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng không ít tỉnh, trong đó có những nơi từng là tâm dịch, vẫn duy trì thành tích tăng trưởng ấn tượng, thắng lợi bước đầu trong "mục tiêu kép" sau nửa năm.

Loạt tỉnh thành từng là điểm nóng Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn! - 1

Trong số này, một số tỉnh khá nổi bật như Vĩnh Phúc với mức tăng trưởng 14,21% trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng 13,52%; Quảng Ninh 8,02% hay Bắc Giang, Bắc Ninh... Đây đều là những nơi từng là "điểm nóng" Covid-19 rồi sau đó kiểm soát, nỗ lực "cứu" tăng trưởng. Liệu đây có phải là những gì mà chúng ta có thể hy vọng cho bức tranh tăng trưởng chung của cả nước khi dịch được kiểm soát?

Chia sẻ với Dân trí, TS. Lê Thái Hà - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh, từ trường hợp của các tỉnh này, chúng ta có thể thấy là việc thực hiện những biện pháp nhanh chóng và quyết liệt góp phần quan trọng giúp kiểm soát bệnh dịch là cần thiết, từ đó tạo tiền đề cho tập trung triển khai các chính sách phục hồi hoạt động kinh tế, sản xuất.

Điều này đặc biệt quan trọng vì luôn có sự tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh bùng phát ở các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.

Loạt tỉnh thành từng là điểm nóng Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn! - 2

NỖ LỰC GIỮ THÀNH TRÌ SẢN XUẤT, BÙ ĐẮP TĂNG TRƯỞNG

Trong bức tranh chung còn khó khăn của kinh tế cả nước nửa năm đầu nay, điểm tích cực là vẫn có nhiều tỉnh thành đang duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, thậm chí còn gia tăng tuyển dụng lao động, ví dụ như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang và nhiều số tỉnh thành khác. Có ý kiến cho rằng họ đang có trách nhiệm lớn hơn là động lực duy trì tăng trưởng cho cả nước trong năm nay. Góc nhìn của bà?

- Những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao ở trên phần lớn đều thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (ngoại trừ Bắc Giang). Trong 6 tháng đầu năm nay, các tỉnh này đều có sự tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) cao trong bối cảnh đại dịch (ở mức 7,45 - 14,21%), đóng góp vào mức tăng trưởng chung 7,66% của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Thực tế, ngay từ giai đoạn đầu năm, trước các dự báo có thể gặp bất lợi do ảnh hưởng của đại dịch, các địa phương này đều đã liên tục nỗ lực triển khai các biện pháp giúp phục hồi kinh tế, bao gồm cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, điều kiện làm việc bảo đảm an toàn cho người lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần lấy lại nhịp độ tăng trưởng.

Ví dụ, bên cạnh việc triển khai những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những nỗ lực hiệu quả trong việc hỗ trợ người lao động và đặc biệt là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Kết quả là không có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa, theo như công bố tại thời điểm tháng 7. Doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất. Các chuỗi cung ứng được đảm bảo, không bị đứt gãy.

Hay như Quảng Ninh, để giữ vững sản xuất công nghiệp, trụ cột chính của tỉnh, đã ưu tiên đơn giản hóa các thủ tục cấp "luồng xanh" trực tuyến cho hơn 1.800 phương tiện vận tải, đảm bảo lưu thông vận chuyển, đặc biệt là cung ứng nguyên vật liệu từ các địa phương khác và xuất khẩu hàng hóa đối với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Nhờ những nỗ lực này, khu vực phía Bắc đã thu hút nhiều khoản đầu tư lớn trong những tháng đầu năm nay. Cụ thể, 3 trên 5 thương vụ đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực sản xuất là ở thị trường miền Bắc, bao gồm những dự án của các nhà đầu tư từ Hồng Kông và Singapore tại Quảng Ninh và Bắc Giang.

Bắc Giang là tỉnh có số vốn đăng ký mới cao nhất (589 triệu USD), tiếp theo là Quảng Ninh (569 triệu USD) và Bắc Ninh (222 triệu USD). Ngoài ra, Hải Phòng và Hưng Yên cũng thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất và logistics.

Loạt tỉnh thành từng là điểm nóng Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn! - 3

Trong số những địa phương này, có một số tỉnh khá nổi bật như Vĩnh Phúc với mức tăng trưởng 14,21% trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng 13,52%; Quảng Ninh 8,02% hay Bắc Giang, Bắc Ninh... Đây đều là những nơi từng là "điểm nóng" Covid-19 rồi sau đó kiểm soát, nỗ lực cứu tăng trưởng. Liệu đây có phải là những gì mà chúng ta có thể hy vọng cho bức tranh tăng trưởng chung của cả nước hậu đại dịch?

- Từ trường hợp của các tỉnh này, chúng ta có thể thấy là việc thực hiện những biện pháp nhanh chóng và quyết liệt góp phần quan trọng giúp kiểm soát bệnh dịch là cần thiết, từ đó tạo tiền đề cho tập trung triển khai các chính sách phục hồi các hoạt động kinh tế, sản xuất.

Điều đó đặc biệt quan trọng vì luôn có sự tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh bùng phát ở các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp.

Ví dụ, Vĩnh Phúc đã yêu cầu tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho 100% công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với thời hạn và hướng dẫn quy trình cụ thể. Những doanh nghiệp không hoàn thành xét nghiệm cho 100% công nhân, lao động có thể bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Nhờ biện pháp mạnh mẽ này, tỉnh đã nhanh chóng khống chế được sự lây lan của bệnh dịch ra cộng đồng. Ngoài Vĩnh Phúc, các tỉnh còn lại cũng có những biện pháp triển khai xét nghiệm nhanh và rộng cho công nhân, lao động trên địa bàn để truy vết, khoanh vùng cũng như siết chặt quản lý người ra vào tỉnh.

Bắc Giang và Bắc Ninh cũng có tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 nhanh nhất tính theo số mũi tiêm trên số vắc xin được phân bổ cho tỉnh.

Ở thời điểm này, có lẽ chưa thể dự đoán khi nào chúng ta sẽ ở giai đoạn hậu đại dịch trên phạm vi cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam luôn là hai vùng có tác động lớn nhất đến tăng trưởng GDP của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, những tháng gần đây, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang bị ảnh hưởng do dịch bệnh hoành hành.

Trong khi đó, là những tỉnh đã có những thành công nhất định và đi đầu trong việc kiểm soát dịch Covid-19 giai đoạn này, sự tăng trưởng cao của những tỉnh ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ góp phần bù đắp cho các tỉnh, thành khác, đặc biệt ở khu vực phía Nam, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước.

Quan trọng là các tỉnh này cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải (liên kết nội vùng, liên vùng) và công nghệ thông tin, dịch vụ logistic, đặc biệt là đào tạo nhân lực, để thu hút đầu tư mạnh mẽ và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực có thế mạnh cạnh tranh của vùng như công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistics.

Trong dài hạn, lợi thế tăng trưởng sẽ đến từ những khu công nghiệp chất lượng cao. Một số khu vực ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ như Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh được đánh giá là những nơi có tiềm năng phát triển công nghiệp rất lớn…

Loạt tỉnh thành từng là điểm nóng Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn! - 4

NHỮNG ĐIỀU CHƯA CÓ TIỀN LỆ, NHIỀU MÔ HÌNH CẦN NHÂN RỘNG

Tựu trung lại, ở mỗi địa phương nói trên đều có những cách làm "chưa có tiền lệ". Có những điểm gì mà bà nghĩ chúng ta có thể nhân rộng?

Điều đầu tiên có thể rút ra ở đây là việc kiểm soát dịch bệnh bằng các biện pháp mạnh mẽ, kịp thời là rất cần thiết, tạo tiền đề nới lỏng giãn cách để hồi phục sản xuất, kinh doanh một cách an toàn.

Tiếp theo là việc thử nghiệm các cách thức hoạt động sản xuất an toàn trong mùa dịch. Ví dụ, Bắc Ninh là địa phương đầu tiên đưa ra sáng kiến "3 cùng" (hay còn gọi là "3 tại chỗ"), yêu cầu các nhà máy giảm mật độ người lao động và bố trí cho công nhân chỗ ăn, ở ngay trong nhà máy để duy trì sản xuất. Hoặc có thể tận dụng các địa điểm bên ngoài (khu nhà trọ, ký túc xá, nhà nghỉ…) để làm chỗ ở cho công nhân, miễn là đảm bảo sự "biệt lập" và có xe đưa đón hàng ngày.

Loạt tỉnh thành từng là điểm nóng Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn! - 5

Điều này đã giúp tỉnh vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. Sau đó, mô hình này cũng đã được áp dụng ở nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Nam.

Tuy còn những khó khăn về tổ chức và chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nhưng đã thể hiện tính hữu dụng trong việc duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhìn chung, chính sách đóng vai trò quan trọng nhưng mỗi doanh nghiệp cũng cần nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, sự linh hoạt trong phương thức hoạt động cũng như sản phẩm, dịch vụ để nắm bắt được những cơ hội trong bối cảnh bình thường mới này.

MỞ CỬA NỀN KINH TẾ, LƯU Ý GÌ?

Một dấu hiệu khá tích cực khác đó là hiện nay TPHCM và một số các tỉnh thành trong phía Nam đã bước đầu kiểm soát được đại dịch, bắt đầu rục rịch cho nền kinh tế mở cửa trở lại. Với những tín hiệu mới này, bà có kỳ vọng hay lưu ý trong khi dần nới lỏng, tiến tới mở cửa hay không? Những hy vọng mà chúng ta có thể đạt được khi bàn về tăng trưởng ở những địa phương này cuối năm nay là gì?

- Mới đây, 8 tỉnh thành ở phía Nam được xác định có những tiến triển tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh, như Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Phú Yên, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau.

Thêm vào đó, 12/23 tỉnh thành đang tiếp tục trên lộ trình đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. Ngoài ra, tình hình ở TPHCM và Bình Dương cũng được xem là đang có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Vì vậy, bên cạnh việc giữ vững thành quả chống dịch, việc bàn bạc kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết. Bởi vì khi nền kinh tế tiếp tục bị "đóng băng" trong sự giãn cách nghiêm ngặt thì sức chịu đựng của doanh nghiệp và người lao động cũng sẽ ngày càng gần với sự đổ vỡ.

Tuy nhiên, việc mở cửa lại cần được tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng và bám chặt với các chỉ số của tiến triển kiểm soát dịch bệnh cũng như chiến dịch tiêm phủ vắc xin, ví dụ như số ca mắc mới, số ca đang điều trị, số ca phải điều trị đặc biệt, số ca tử vong hàng ngày, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh ở những cơ sở y tế điều trị Covid-19, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, tỷ lệ tiêm vắc-xin 2 mũi của người dân, đặc biệt là cho nhóm người trên 50 tuổi và có bệnh nền (là nhóm ghi nhận có tỷ lệ tử vong cao ở TPHCM), phụ nữ mang thai…

Các chỉ số này cần được tính toán chi tiết để đưa ra các mức độ mở cửa tương ứng, theo khu vực, ngành nghề, thời lượng, công suất/mật độ và đối tượng một cách hợp lý.

Ví dụ, trong giai đoạn đầu mở cửa, có thể ưu tiên mở cửa ở những khu vực "xanh", đã có sự kiểm soát dịch bệnh (theo các thông số được tính toán ở trên), và mở cửa x ngành nghề, cho phép công suất hoạt động của doanh nghiệp/hàng/quán ở mức y% nhất định nào đó, thời gian hoạt động cụ thể là z tiếng mỗi ngày, và sau đó nâng dần các mức độ x, y, z này nếu dịch bệnh tiếp tục có tiến triển tốt.

Để tính toán các chỉ số thể hiện sự kiểm soát dịch bệnh này và đưa ra được các mức độ mở cửa với các thông số x, y, z cụ thể tương ứng, cần có sự kết hợp của các đội ngũ chuyên gia liên ngành.

Ngoài ra, vấn đề lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh nếu chưa được giải quyết triệt để sẽ gây tác động tiêu cực đến sự hiệu quả của việc nới lỏng giãn cách cho doanh nghiệp.

Ví dụ như các hàng, quán được mở cửa nhưng họ sẽ biết bán hàng hay kinh doanh gì khi không thể nhập được nguyên liệu đầu vào dễ dàng do gián đoạn chuỗi cung ứng. Vô hình trung, điều này cũng sẽ gây áp lực lạm phát cục bộ và tác động đến đời sống của người dân vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Ở thời điểm này, theo tôi, việc bàn đến sự tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm của TPHCM cũng như các tỉnh phía Nam vẫn đang chống chọi với dịch bệnh không còn là ưu tiên. Việc quan trọng hàng đầu bây giờ là kiểm soát được dịch bệnh ở các địa phương này và tính toán kỹ lưỡng cho sự nới lỏng giãn cách, mở cửa dần các hoạt động kinh doanh, sản xuất một cách an toàn, như đã thảo luận ở trên - vì chúng ta chắc chắn không muốn lặp lại những gì đã trải qua trong hơn ba tháng vừa rồi.

Loạt tỉnh thành từng là điểm nóng Covid-19 nay bứt tốc: Kỳ vọng lớn! - 6

Vậy theo bà, những thách thức chung của tăng trưởng năm nay là gì?

- Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm với 5,64% có sự đóng góp của hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc với việc tận dụng được lợi thế từ các FTA song phương và đa phương. Trong đó Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU hơn.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 xảy ra ở nhiều địa phương, và ở mức độ trầm trọng nhất từ khi đại dịch bắt đầu ở Việt Nam, đặc biệt là một số tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu bởi vì có nhiều địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhiều nơi có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước nhưng đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian vừa qua.

Chỉ số PMI tiếp tục giảm cho thấy sự suy giảm và khó khăn trong khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng tiếp tục phải đối mặt với tình trạng chi phí đầu vào tăng do sự đứt gãy hay gián đoạn của chuỗi cung ứng - một phần nguyên nhân đến từ sự thiếu nhất quán trong chính sách luân chuyển hàng hóa ở các địa phương.

Còn trên thế giới, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ở EU, châu Á hay Mỹ tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh chóng, khiến nhiều bang ở Mỹ hay các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản (Tokyo), Đài Loan, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan có sự tăng cao trở lại về số ca nhiễm (nhiều nơi ở mức kỷ lục, phải thực hiện giãn cách xã hội) trong thời gian qua. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế và thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các quốc gia đó, dẫn đến giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu cũng như đầu tư.

Một thách thức lớn nữa là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của bệnh dịch như hiện tại, nhiệm vụ quan trọng của 6 tháng cuối năm là cần tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh, giảm tối đa tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng như đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở vùng dịch. Đây sẽ là tiền đề quan trọng cho việc nới lỏng giãn cách để tái khởi động các hoạt động kinh tế.

Chỉ khi dịch bệnh đã được kiểm soát và tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 80-90%, đặc biệt cho nhóm người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai và người lao động trong các khu vực sản xuất, kinh doanh, chúng ta mới có thể mở cửa kinh tế dần dần như cho phép các doanh nghiệp được tăng dần công suất hoạt động trở lại, hoạt động vận tải hàng không, du lịch trong nước, quốc tế, giảm thời gian cách ly với khách nhập cảnh đã tiêm đủ vắc xin.

Xin cám ơn bà!

Nội dung: Nguyễn Mạnh