(Dân trí) - Bắc Giang từng là "điểm nóng" Covid-19, Quảng Ninh cũng có những ca nhiễm và địa hình phức tạp. Đằng sau mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm của 2 tỉnh này là câu chuyện về nỗ lực lớn…
Bắc Giang từng là "điểm nóng" Covid-19. Quảng Ninh cũng có những ca nhiễm và địa hình phức tạp. Đằng sau mức tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm của 2 tỉnh này là câu chuyện về những nỗ lực lớn…
Nửa đầu năm nay, nền kinh tế tiếp tục hứng chịu những khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, như lời một chuyên gia kinh tế nhận định "kinh tế khó khăn nhưng chưa u ám như nhiều người nghĩ", tăng trưởng GDP cả nước vẫn đạt 5,64%.
Trong bức tranh chung của cả nước, một số tỉnh thành nổi lên như điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu kép, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của cả nước.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm, có 14 địa phương tăng trưởng đạt mức trên 8%. Trong danh sách này có một số tỉnh thành như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Mỗi tỉnh thành lại có những câu chuyện riêng. Tuy nhiên, điểm chung là cũng như các nơi khác trên cả nước, những tỉnh thành này vừa phải chống dịch, vừa phải phát triển kinh tế.
Ngay cả khi tăng trưởng những tháng cuối năm được cho là thách thức như nhận định của giới chuyên gia thì một mặt nào đó, câu chuyện tăng trưởng của những tỉnh thành nói trên giữa dịch bệnh cũng là ánh sáng, là tia hy vọng với bức tranh tăng trưởng chung của cả nước…
Trò chuyện với Dân trí, ông Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 8,02%, là mức tăng trưởng cao, đứng thứ 4 trong các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng. Theo ông, để giữ được nhịp tăng trưởng cao, lãnh đạo tỉnh ưu tiên giữ vững được địa bàn với phương châm "an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới".
"Tỉnh xác định rõ khu vực công nghiệp và xây dựng là trụ cột đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, trọng tâm là công nghiệp than, điện, chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ để bù đắp sự giảm sút của khu vực dịch vụ", ông Huy nói.
Một giải pháp cũng được Quảng Ninh đẩy mạnh để "cứu" tăng trưởng đó là khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh.
Để vớt vát cho dịch vụ - ngành hứng chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch, ông Huy tiết lộ tỉnh đã đẩy mạnh cuộc vận động "Người Quảng Ninh ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất và kinh doanh trên địa bàn", gắn trách nhiệm, giao chỉ tiêu đối với từng huyện, thị xã, thành phố. Các biện pháp tăng thu, cơ cấu lại nguồn thu, chống thất thu và khai thác nguồn thu mới để bù đắp giảm thu ở lĩnh vực du lịch dịch vụ, rà soát rà soát nộp thuế bảo vệ môi trường đối với sử dụng, tiêu thụ xăng dầu của ngành than và các doanh nghiệp tại tỉnh cũng được triển khai.
Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh nói thêm, Quảng Ninh cũng lập các Tổ công tác do các lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng để hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm kết hợp "làm từ trên xuống", "làm từ dưới lên", "làm đồng thời", làm đúng, làm nhanh và làm tốt vì lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là thủ tục đầu tư về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi đất lúa, đất rừng, xác định giá đất... được áp dụng.
Chia sẻ với Dân trí, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, nói, để có tăng trưởng, khôi phục nhanh như hiện nay (6 tháng đầu năm Bắc Giang tăng trưởng 10,2%- PV), tỉnh đã xây dựng kế hoạch vừa chống dịch, vừa khôi phục hoạt động sản xuất kinh tế.
"Có thể nói ngay từ thời điểm nóng nhất của dịch Covid-19, chỉ sau một tuần đóng cửa khu công nghiệp, Bắc Giang đã có kế hoạch khôi phục kinh tế rồi. Lúc dịch đang căng thẳng, chúng tôi đã chủ động trao đổi với doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung chống dịch, sản xuất", ông Sơn chia sẻ.
Ông nói thêm, tinh thần của Bắc Giang là "chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch". Các phương châm được thực hiện gồm có "nhà máy an toàn", "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến", "nhà trọ an toàn", "công nhân an toàn" đã được thí điểm thực hiện thành công ở Bắc Giang sau đó áp dụng ở một số địa phương khác.
"Để có những thắng lợi chống dịch, quan trọng nhất là chủ động và linh hoạt, khi có tình huống mới phải chuyển trạng thái mới ngay", ông Sơn nhấn mạnh.
Cả Bắc Giang và Quảng Ninh đều tập trung không ít nhà máy, khu công nghiệp và đây được cho là những "thành trì" sản xuất quan trọng. Việc triển khai sản xuất trong những khu vực này như thế nào trong đại dịch cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Vậy Bắc Giang, Quảng Ninh đã làm như thế nào?
Ông Mai Sơn tiết lộ về những cách linh hoạt của Bắc Giang trong việc xét nghiệm, truy vết và sàng lọc: "Chúng tôi có phương án xét nghiệm định kỳ cho toàn bộ công nhân khu công nghiệp lúc dịch mới xuất hiện. Nhưng khi bùng dịch và có nhiều ca nhiễm Delta có nguy cơ lây lan rất nhanh, chúng tôi chuyển sang xét nghiệm 3 ngày/lần cho 10% công nhân viên".
Lãnh đạo UBND Bắc Giang cũng hé lộ kinh nghiệm "chọn điểm theo ô bàn cờ, đục lỗ, trong 10% thì lấy một số công nhân chỗ này, chỗ kia theo kiểu ô bàn cờ để phân loại và test thử. Những người thường xuyên ra ngoài, tiếp xúc nhiều người, có nguy cơ cao thì cứ 3 ngày phải test một lần" để xét nghiệm, truy vết và sàng lọc.
Vì vận dụng cách test linh hoạt và chủ động chống dịch nên có lẽ chi phí xét nghiệm hiện tại của Bắc Giang là thấp nhất cả nước.
"Cụ thể, Bắc Giang giảm 50% chi phí công lấy mẫu xét nghiệm bằng cách tự làm ra "ống môi trường" (dung dịch sát khuẩn sau khi lấy mẫu. Mỗi ống này mua ở thị trường hiện có giá 50.000 đến 70.000 đồng nhưng CDC của Bắc Giang sản xuất được chỉ 10.000 đồng/ống, giảm chi phí rất nhiều", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang hé lộ. Sau này, Bắc Giang cũng chuyển giao công nghệ sản xuất ống môi trường cho các tỉnh khác, giúp giảm nhiều chi phí. Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, việc tiết kiệm trong quá trình lấy mẫu, cách xét nghiệm linh hoạt, giúp cho tỉnh, doanh nghiệp tại tỉnh tiết kiệm cả vài chục tỷ đồng.
Quảng Ninh cũng xác định nhóm doanh nghiệp có hoạt động sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ là động lực chính tạo tăng trưởng cho tỉnh, khi mà 6 tháng đầu năm, tăng trưởng của mảng này là 38,95% so với cùng kỳ 2020.
Ông Cao Tường Huy cho biết, đại dịch bùng phát lần thứ 4 tập trung tại các tỉnh, thành có nhiều KCN đã khiến đa số doanh nghiệp trong ngành chế biến chế tạo bị gián đoạn hoạt động, thậm chí dừng sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu.
Ngay từ đầu năm, tại Quảng Ninh, nhiều giải pháp được xác định để giữ vững khu vực này như chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khoăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể là tháo gỡ khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, đảm bảo cung ứng đủ lao động, tháo gỡ khó khăn về chuyên gia; hỗ trợ tiêm vắc xin cho công nhân, lao động, chuyên gia, tạo điều kiện lưu thông, vận chuyển hàng hóa, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, xuất khẩu…
Ông Huy cũng cho biết, tỉnh hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ, bổ sung năng lực tăng thêm ở một số dự án sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm ngành chế biến chế tạo, cụ thể như dự án Weili Việt Nam dự kiến đi vào sản xuất trong quý III năm nay; dự án Ideal Đông Mai dự kiến hoạt động đầu quý III; dự án nhà máy Lioncore Việt Nam và nhà máy dệt kim tại KCN Texhong Hải Hà đi vào hoạt động từ đầu quý IV…
Xác định động lực, Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Trong đó có dự án vốn đầu tư lên tới 11.499 tỷ đồng.
"Chúng tôi điều chỉnh việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên sâu vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo, logistics theo hướng trực tuyến, online, khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát. Kịp thời kiến nghị các bộ ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là giải pháp hỗ trợ tài chính, thuế, phí…", ông Cao Tường Huy chia sẻ thêm.
Thời gian tới, UBND tỉnh cũng thống nhất chủ trương định kỳ thứ 7 hàng tuần tổ chức các phiên Cà phê doanh nhân, những cuộc gặp trực tiếp để giải quyết thấu đáo các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đối với từng lĩnh vực. Việc này, theo ông Cao Tường Huy, là sự tiếp tục đi vào thực chất trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết kịp thời, dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ông Mai Sơn nói, từ khi Bắc Giang thành tâm dịch thì nhân dân cả nước, Thủ tướng, Chính phủ, các tỉnh thành… đã hướng về Bắc Giang và hỗ trợ rất nhiều từ trang thiết bị vật chất, con người. "Bắc Giang được kết quả ấy một phần rất lớn từ công tác chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Trung ương, tỉnh và các địa phương khác", ông bày tỏ và cho hay hiện ở tỉnh, dịch cơ bản đã được đẩy lùi. Bắc Giang đã tổ chức vừa sản xuất vừa chống dịch, vừa hỗ trợ các địa phương đang bị đại dịch hoành hành.
Sau khi khắc phục được dịch bệnh, Bắc Giang cũng cử 6 đoàn đi TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh khi biến chủng mới tại TPHCM bùng phát, với khoảng 258 người đều là những người có kinh nghiệm chống dịch cùng các trang bị y tế đi kèm.
"Hiện tại, họ vẫn ở trong tâm dịch, vẫn làm hết sức mình để giúp nhân dân các tỉnh phía Nam chống dịch, vừa để tri ân công sức của cả nước cho Bắc Giang vượt qua khó khăn vừa qua. Chỉ có riêng một từ Đồng Tháp vừa được về vì tỉnh bạn đã đủ quân số chống dịch. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cử người vào tuyến đầu để hỗ trợ tỉnh bạn", Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang chia sẻ.
Nhìn về tăng trưởng cả năm, Phó Chủ tịch UBND Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết để đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số cho năm nay, tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể của những tháng còn lại. Trong đó, các dự báo những thuận lợi, khó khăn, tốc độ tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực và phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực trọng điểm, chủ lực, có sản phẩm thực tế được lên kế hoạch. Các ngành được nhắc đến có ngành than, các ngành lĩnh vực chế biến chế tạo như dệt may, màn hình ti vi, loa, linh kiện điện tử, thân mũ, dầu thực vật, bột mì...
Tỉnh cũng giao trách nhiệm cho Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại KCN Cảng biển Hải Hà, KCN Việt Hưng, KCN Cái Lân, KCN Đông Mai… để rà soát, kịp thời giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc và sớm đưa dự án công nghiệp chế biến chế tạo có thể ra sản lượng sản phẩm vào cuối năm 2021.
"Chúng tôi phòng, chống dịch theo phương châm "3 trước", "4 tại chỗ", dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở trong mọi cấp độ, mọi tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất với tinh thần "chống dịch như chống giặc", ông Huy nhấn mạnh, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác.
Lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết sẽ siết chặt quản lý, kiểm soát người và phương tiện trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường thủy nội địa, bến cảng, đường hàng không, tuyến biên giới ra vào tỉnh, ngăn chặn triệt để mọi nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn có ý nghĩa quyết định. Bên cạnh đó, việc củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa của các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cảng, bến thủy nội địa, trên biên giới gắn với kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý cư trú, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn thuộc quyền quản lý của chính quyền các địa phương và các Tổ truy vết cộng đồng cũng được thực hiện.
"Mỗi địa phương, doanh nghiệp, mỗi cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch và sản xuất kinh doanh, mỗi người dân, mỗi công nhân, mỗi lao động là một chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch và trong sản xuất" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ có giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới thực hiện được thành công mục tiêu về kinh tế", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.
Nội dung: Nguyễn Mạnh - Nguyễn Tuyền