(Dân trí) - Nữ doanh nhân Nguyễn Hải Yến mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho các bạn nhỏ bằng những sản phẩm từ thương hiệu K’s Closet.
Đam mê thời trang từ nhỏ, được truyền cảm hứng và tình yêu từ người mẹ tảo tần, tới khi lập gia đình và sinh con, nữ doanh nhân Nguyễn Hải Yến mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho các bạn nhỏ bằng những sản phẩm từ thương hiệu K’s Closet.
Ra đời từ năm 2015, tới nay, K’s Closet đã phát triển mạng lưới 37 cửa hàng, trở thành thương hiệu thời trang trẻ em quen thuộc với nhiều gia đình Việt.
Tôi lớn lên trong một gia đình có bố mẹ là công nhân viên chức và không mấy khá giả. Giống như các bạn thế hệ 8X, tôi gắn liền với hình ảnh thời bao cấp của những người mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó. Quần áo chúng tôi mặc đều do mẹ may ra từ những mảnh vải được cấp phát, từ quần áo cũ. Thậm chí, mẹ còn đan khăn, mũ, tất và cả dây buộc tóc cho chúng tôi.
Chính sự yêu thương, gửi gắm đó của mẹ vào từng trang phục, từng miếng ăn giấc ngủ đã nuôi dưỡng trong tôi những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ. Không biết từ bao giờ, hình ảnh mẹ ngồi may vá đã in hằn trong tôi. Tất cả những ký ức đẹp đẽ đó đã tạo tiền đề cho tôi theo đuổi đam mê thời trang.
Ngày bé, tôi rất mạnh mẽ, nam tính, chơi toàn các trò chơi dành cho các bạn nam. Việc nữ tính duy nhất là nhặt nhạnh những mảnh vải vụn của mẹ để may đồ cho búp bê của các cô bạn hàng xóm. Cảm giác khi nhìn thấy những tác phẩm ấy sung sướng lắm.
Khi tôi đỗ vào trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, bố tôi bảo, quê mình là làng nghề chuyên về dệt vải, con chọn công nghệ dệt may thời trang đi. Ban đầu, tôi đăng ký ngành may nhưng vì thiếu điểm, đành vào ngành kéo sợi - dệt vải. Dù không được như ước nguyện nhưng tôi luôn tâm niệm, cánh cửa này đóng lại thì một cánh cửa khác lại mở ra. Tôi khao khát học tập, ngoài thời gian học đúng chuyên ngành dệt, tôi đi theo các bạn ngành may để học thêm. Cô giáo thấy tôi là lạ, không phải sinh viên của lớp mà lại chăm chỉ học nên quý mến bảo tôi có muốn học riêng không cô dạy cho. Trong mùa hè năm thứ 4 đó, cô và trò ngày nào cũng miệt mài ở phòng thực hành may.
Ban ngày, tôi chăm chỉ học cắt may. Tối về, tôi lại tiếp tục say mê với đề bài sáng tạo mới. Đêm nào cũng 2-3h mới đi ngủ. Không biết năng lượng từ đâu mà tôi cứ miệt mài như thế. Chỉ trong 3 tháng, từ một người không biết nhiều về may mặc, tôi đã may được từ chiếc áo phông đơn giản nhất tới chiếc áo măng tô - sản phẩm có cấu trúc khó và phức tạp nhất. Cô giáo cũng rất bất ngờ và khen ngợi tôi.
Sau đó, tôi tiếp tục học cao học nghiên cứu chuyên sâu Vật liệu dệt may. Trong cái rủi có cái may, chính nhờ việc phải học chuyên ngành tôi không yêu thích vô tình đã giúp tôi hiểu được toàn bộ các công đoạn trong nền sản xuất công nghiệp dệt may, quy trình từ xơ bông, từng bước làm thế nào để tạo nên một sản phẩm may mặc. Tôi cũng phát hiện ra bản thân có khả năng đặc biệt về cảm nhận vải từ đôi bàn tay. Chỉ cần sờ chất liệu vải, tôi sẽ đưa ra được cảm nhận không chỉ về thành phần cấu tạo mà còn về độ mềm mại, thoáng mát mềm rủ… tính thời trang và thương mại của chất liệu đó.
Chính sự am hiểu kiến thức về quy trình sản xuất cộng với khả năng cảm nhận vải thiên phú và niềm đam mê, gu thẩm mỹ đã tạo nên nền tảng để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê về thời trang.
Xã hội hiện rất phát triển. Các bà mẹ đều bận bịu với công việc. Thật hiếm để có thời gian may trang phục cho con như thế hệ của mẹ tôi. Vì thế, tôi mong muốn sẽ làm ra được những sản phẩm thời trang để truyền tải tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Sau thời gian đi học, tôi đi thực tập tại các nhà máy về dệt may. Tôi nhận ra, bản thân không hợp với việc làm trong không gian nhà máy, ngẩng lên là trần nhà. Tôi muốn một công việc mà khi nhìn lên là bầu trời rộng lớn bao la để tôi có thể thỏa sức vẫy vùng và sáng tạo.
Trước khi “đứa con tinh thần” này ra đời, tôi đã có 4 năm nếm trải thất bại, đứng lên từ chính vấp ngã của mình. Năm 2011, tôi bắt đầu với một thương hiệu trẻ em ở phân khúc cao cấp có tên Jacobean nhưng nhanh chóng rơi xuống dưới cả vạch xuất phát. Tôi nhận ra lý do mình thất bại là do tôi chỉ có duy nhất đam mê còn lại thiếu hụt mọi thứ từ quản trị, marketing, phát triển thị trường…
Thời điểm đó, tôi có một cửa hàng và một xưởng may. Cửa hàng không bán được hàng. Tôi phải đi tìm các mối để duy trì công việc cho thợ ở xưởng may. Trong cái khó, ló cái khôn, tôi bắt đầu nhận gia công. Có những thời điểm, hầu như cửa hàng “Made in Vietnam” đều có sản phẩm của chúng tôi. Tôi cũng có những đối tác nước ngoài, làm các đơn hàng xuất đi Mỹ và Nhật.
Khi bộ máy nhân sự tăng lên, tôi đi học rất nhiều. Thấy bản thân thiếu cái gì, tôi sẽ đi học cái đó, từ quản trị, quản lý tới marketing. Thời gian đó, tôi bảo chồng: “Em sống 5 năm mà như được trải nghiệm 50 năm cuộc đời vậy”. Không chỉ từ kiến thức sách vở mà những tình huống trong cuộc sống, công việc cũng mang tới cho tôi rất nhiều kinh nghiệm. Bản thân tôi như già đi hàng chục tuổi.
Sau khi đã tích lũy đủ, cộng với việc vừa kết thúc một khóa học chiến lược marketing cho mô hình kinh doanh, tôi quyết định quay trở lại.
Niềm khát khao của tôi là xây dựng một thương hiệu thời trang của riêng mình để thỏa mãn niềm đam mê và sức sáng tạo. Tôi vẫn luôn mong muốn sẽ tạo ra những sản phẩm là cầu nối, gửi gắm tình yêu thương của cha mẹ tới với những đứa con của mình. Và K’s Closet ra đời.
2 năm gần đây, thị trường thời trang Việt Nam nói chung và thời trang trẻ em nói riêng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong thách thức đó, sự khó khăn thôi thúc tôi tìm ra những thứ mới mẻ, đánh thức hết những khả năng của bản thân và đội ngũ K’s Closet.
Chúng tôi đang chọn cách len lỏi vào mọi ngóc ngách, những nhánh nhỏ của thị trường, tới gần hơn với khách hàng. Những cửa hàng của chúng tôi sẽ có mặt ở những khu dân cư để tạo cho khách hàng sự tiện lợi.
Trong phân khúc tầm trung của thị trường thời trang trẻ em hiện nay, sự khác biệt lý tính về sản phẩm không rõ rệt. Đặt ra bài toán là K’s Closet phải làm gì để tạo nên sự khác biệt? Tôi tâm niệm rằng, để tạo được sự khác biệt và có được sự yêu thương của khách hàng chỉ có thể là khi hiểu được mong muốn và cảm xúc của khách hàng. Chúng tôi luôn lấy khách hàng làm trung tâm, hiểu được cảm xúc và mong muốn của khách hàng khi mua sản phẩm cho bé. Tôi luôn mong muốn K’s Closet sẽ là cầu nối truyền tải tình yêu thương của người mẹ dành cho con.
Những khách hàng tinh ý sẽ nhận thấy trang phục của K’s Closet rất có hồn. Bởi mỗi trang phục đều được đặt vào đó tình yêu thương của cha mẹ. Ở K’s Closet dù làm ở vị trí nào, từ người thợ khâu từng chiếc cúc cho đến các bạn nhân viên bán hàng đều tâm niệm rằng chúng tôi đang gửi trao những trang phục như cho chính con yêu của mình vậy.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn đưa thêm nhiều trải nghiệm và tạo thêm những công cụ để các bạn nhỏ có thể cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ. K’s Closet đang đi đúng trên con đường mà tôi đã chọn.
Khi bắt đầu công việc kinh doanh, tôi luôn đi theo triết lý: Tình yêu, đam mê, sáng tạo, thân thiện và trung thực. Trong đó tình yêu và đam mê được đặt làm nền tảng, khi bạn được làm công việc mà bạn đam mê thì không phải là bạn đang làm việc mà là đang được hưởng thụ, tận hưởng. Niềm đam mê sẽ khiến cho sự sáng tạo bộc lộ và thăng hoa. Mỗi trang phục chúng tôi làm ra là một tác phẩm nghệ thuật và mỗi người thực hiện là một nghệ sĩ thực thụ. Vì làm từ niềm đam mê và sáng tạo nên mỗi sản phẩm được thổi hồn và trở thành một tác phẩm nghệ thuật.
Sau đam mê, sáng tạo là giá trị cốt lõi để tạo ra sản phẩm thì sự thân thiện, trung thực là giá trị K’s Closet theo đuổi để có thể làm bạn và có được sự an tâm khách hàng. Chúng tôi luôn đặt khách hàng làm trung tâm. Mỗi sản phẩm đều được gửi gắm tình yêu thương, trở thành cầu nối cho các bậc phụ huynh với con em của mình. K’s Closet mong muốn được trở thành người bạn thân thiết của cả bố mẹ và các bạn nhỏ.
Khi dịch cúm do virus chủng Corona bùng phát, tôi nhận được hàng chục cuộc điện thoại mỗi ngày để hỏi về khẩu trang. Ai cũng nói làm khẩu trang thời điểm này sẽ bán rất chạy. Tuy nhiên, tôi không phải là người sốc nổi, chạy theo lợi nhuận. Tôi muốn làm mọi thứ từ trái tim. Vì thế, khi nghe thấy mọi người nhắc nhiều tới cái lợi trước mắt, tôi lại bị xung đột về cảm xúc và không thực sự hào hứng.
Tuy nhiên, trong một lần vô tình được đeo chiếc khẩu trang do chính tay mẹ may, từ miếng vải cotton rất mềm mại, tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng. Cộng với việc những đứa trẻ trong gia đình tôi cũng cần tới những chiếc khẩu trang trong trường hợp phải tới trường khiến tôi rất suy nghĩ. Người lớn đeo khẩu trang còn thấy khó chịu, trẻ con nếu phải đeo cả ngày ở trường thì sẽ ra sao.
Tôi quyết định tìm hiểu và cho ra đời những chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Tuy nhiên, hành trình để những chiếc khẩu trang ấy ra đời không hề đơn giản.
Tôi tìm tới Viện nghiên cứu dệt may Việt Nam - Cơ quan về chuyên môn đầu ngành của Bộ Công thương chuyên về kiểm định để tìm hiểu. Viện giới thiệu cho chúng tôi một nhà máy dệt có thể xử lý công nghệ trên vải và chuyển giao công nghệ cho chúng tôi.
Sau khi làm được mẻ vải đầu tiên, chúng tôi hồi hộp chờ đợi kết quả kiểm định. Thời gian chờ đợi là 5 ngày. Thị trường lúc bấy giờ rất khan hiếm và nóng từng giờ, nhưng chúng tôi không sốt ruột. Tôi muốn sản phẩm này thực sự tốt, không chỉ dùng bây giờ mà còn cả sau này.
Kết quả ngoài mong đợi, vải sau khi xử lý có khả năng ức chế được tới 91,7% sự phát triển của vi khuẩn sau 24h trên bề mặt vải. Trong thời gian chờ kết quả, chúng tôi cũng nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc, thiết kế cho chiếc khẩu trang. Đó phải là chiếc khẩu trang mà tôi muốn đeo cho những đứa con của mình. Nhưng đó mới là 50% chặng đường.
Cũng như các sản phẩm của K’s Closet, chúng tôi muốn thông qua chiếc khẩu trang này, truyền tải tình yêu thương của cha mẹ tới con cái trong mùa dịch bệnh này. Với các em bé, một chiếc khẩu trang đạt tiêu chuẩn kháng khuẩn thôi là chưa đủ. Bé có dùng hay không, đó mới là điều quan trọng. Chúng tôi mong muốn chiếc khẩu trang này sẽ trở thành người bạn của bé, mang tới cho bé cảm giác gần gũi nhất.
Là một người bạn thì phải có lời chào, làm quen. Vì thế, ngay từ trên vỏ hộp, các bạn nhỏ có thể thấy dòng chữ “Hello, tớ là khẩu trang K’s Closet đây”. Từ việc hướng dẫn sử dụng tới việc giới thiệu thông tin khẩu trang đều được chúng tôi dùng với danh xưng “tớ-cậu”. “Tớ để dành khoảng trống cho cậu viết tên đó, nhớ viết tên tớ để tránh nhầm lẫn tớ với bạn khác nhé!”. K’s Closet mong muốn qua việc sử dụng khẩu trang này, các bạn nhỏ sẽ có một kỷ niệm đẹp. Đồng thời, có thêm kỹ năng để chăm sóc bản thân, chăm sóc một người bạn mới. Chúng ta nhận được yêu thương thì cũng cho đi yêu thương. Và để một trang phục có trái tim, có tình yêu, không phải đến từ K’s Closet mà chính là từ tình yêu của cha mẹ dành cho những đứa con của mình và ngược lại.
Cảm ơn những chia sẻ của chị.
Website: https://kscloset.vn/