(Dân trí) - Muốn thuộc địa hóa Sao Hỏa, đưa đồng dogecoin lên… Mặt Trăng, phóng một cái ô tô vào không gian… Đó chỉ là 3 trong số những ý tưởng bị cho là kỳ quặc của Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay.
Elon Musk luôn kỳ quặc. Nếu Elon Musk không kỳ quặc thì chắc đó chẳng còn là Elon Musk. Và có lẽ chính sự kỳ quặc đó trở thành thương hiệu cá nhân, tạo nên thành công của tỷ phú số một thế giới, "thiên tài lập dị" này.
Musk thường làm những điều mà các tỷ phú khác chẳng bao giờ làm, chẳng hạn như liên tục trả lời người khác trên Twitter mà những câu trả lời này đa dạng từ meme, câu hỏi về chính các doanh nghiệp của mình như Tesla, SpaceX và thậm chí là… phim hoạt hình. Musk cũng thường xuyên chia sẻ những meme kỳ lạ và những suy nghĩ kỳ quặc của mình trên Twitter. Tỷ phú này "siêu" tích cực trên Twitter và chính tại đây, ông đã quyết định tham gia các trận chiến của mình.
Nảy ra những ý tưởng kỳ lạ và khó tin nhất, nhưng khi những ý tưởng đó của Musk hình thành thì cũng là bước tiến nhảy vọt thành thứ mà trước đây mọi người chưa từng nghĩ đến.
Với những ý tưởng kinh doanh đi trước thời đại và khả năng gây biến động thị trường hiếm ai bì kịp, Musk không ngừng gây chú ý và khiến cho truyền thông tốn giấy mực hơn bất kỳ một tỷ phú nào khác.
Hành trình trở thành người giàu nhất nhì thế giới của Musk đầy rẫy thị phi. Nhưng sau tất cả, với tinh thần dám nghĩ dám làm và quyết tâm không thể lay chuyển, Musk đã dần chứng minh vị thế tiên phong, mở ra những lĩnh vực kinh doanh của tương lai.
Nói đến Musk, không thể nói đến những dòng tweet đã trở thành "đặc sản". Twitter là một nơi thể hiện rõ sự ngông và liều của Musk. Đã nhiều lần "vạ miệng", thậm chí bị nhà đầu tư đâm đơn kiện vì bị cơ quan chức năng "sờ gáy", nhưng Musk không vì thế mà giảm tần suất thả tweet.
Năm 2018, Musk bị Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) phạt 20 triệu USD và mất ghế Chủ tịch Tesla do một dòng tweet nói có kế hoạch đưa Tesla trở thành một công ty tư nhân. Sau khi Musk đăng dòng tweet này, giá cổ phiếu Tesla tăng vọt 11%, nhưng rồi Musk thú nhận thực ra chả có kế hoạch cụ thể nào cả.
Tưởng án phạt đó sẽ là một bài học nhớ đời cho Musk, nhưng những dòng tweet gây sóng gió vẫn tiếp tục xuất hiện trên tài khoản Twitter của ông. Hôm 5/1, chỉ với một dòng nhận xét giá cổ phiếu Tesla đang "quá cao", Musk đã "thổi bay" 13 tỷ USD giá trị thị trường của hãng sản xuất xe điện.
Ngày 1/6/2012, dòng tweet nhắc đến từ "baby shark" của Musk đưa giá cổ phiếu của Samsung Publishing - cổ đông của nhà sản xuất bài hát thiếu nhi "Baby Shark" - tăng 10%.
Giá bitcoin vọt lên đỉnh cao mọi thời đại gần 65.000 USD vào tháng 4 sau khi Musk tuyên bố Tesla sẽ chấp nhận đồng tiền này làm phương tiện thanh toán. Rồi khi Musk nói Tesla không chấp nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán nữa, giá đồng tiền này lao dốc mất hơn một nửa từ đỉnh.
Không chỉ phản ánh sự bốc đồng của Musk, những dòng tweet cũng cho thấy sức mạnh thao túng thị trường của vị doanh nhân 50 tuổi. Nếu Musk chỉ là một kẻ "hữu danh vô thực", liệu ông có được sức mạnh đó? Rõ ràng, thị trường chỉ có thể bị chi phối bởi một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn, mà ảnh hưởng đó có nền tảng chính là tầm nhìn của Musk và những gì ông đã làm được.
Sự ngông nghênh của Musk còn được thể hiện trong quyết định bán căn nhà cuối cùng mà ông sở hữu và đi ở nhà thuê. Với động thái này, Musk trở thành "tỷ phú không nhà" đúng như lời hứa mà ông đưa ra trong một dòng tweet vào tháng 5/2019: "Tôi sẽ bán hầu hết tài sản vật lý của mình. Sẽ không sở hữu nhà!".
Rõ ràng, ở tầm của Musk, đẳng cấp không còn thể hiện ở nhà hay xe. Có thể nói rằng Musk đại diện cho một thế hệ tỷ phú mới của thế giới, những người giàu lên với tốc độ cực kỳ nhanh chóng nhưng không phải trong những lĩnh vực kinh doanh truyền thống như bất động sản, đầu tư cổ phiếu hay sản xuất mà là khai phá những lĩnh vực của tương lai.
Có sức mạnh lớn trong hai lĩnh vực mang màu sắc tương lai là ô tô điện và tiền ảo (dù Tesla mới chỉ rót 1,5 tỷ USD để mua bitcoin và Musk chưa có dự án nào liên quan tới công nghệ tiền kỹ thuật số), không có gì khó hiểu khi Musk sở hữu một sức hút lớn đối với giới trẻ - lực lượng được cho là chiếm đa số trong 57,6 triệu người theo dõi ông trên Twitter.
Gần đây, Musk trả lời CNN, trong đó dẫn lời David Beasley, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc cho biết: "2% tài sản của Elon Musk (6 tỷ USD) sẽ giải quyết nạn đói trên thế giới" và kêu gọi các tỷ phú như Elon Musk, Jeff Bezos "hãy hành động, dù chỉ một lần".
Ngay lập tức, Elon Musk đã thả tweet thách thức đòi quan chức Liên Hợp Quốc chứng minh 2% tài sản của ông có thể giúp giải quyết nạn đói trên thế giới. "Nếu WFP có thể mô tả chính xác trên Twitter 6 tỷ USD sẽ giải quyết nạn đói trên thế giới như thế nào, tôi sẽ bán cổ phiếu Tesla ngay lập tức để làm điều đó", Musk khẳng định.
Nếu Musk bán số cổ phiếu Tesla trị giá 6 tỷ USD để quyên góp thì đó sẽ là khoản đóng góp từ thiện lớn nhất mà ông từng thực hiện.
Trước đây, Musk đã bị chỉ trích vì không cho đi nhiều hơn khối tài sản khổng lồ của mình mặc dù tỷ phú này cũng cho biết ông thích ẩn danh khi cho tiền và đầu năm nay đã yêu cầu người dùng Twitter cho "phản hồi quan trọng" về những cách ông có thể quyên góp.
Đầu năm nay, Musk đã cam kết quyên góp 150 triệu USD, bao gồm cả giải thưởng 100 triệu USD, trong một cuộc thi về loại bỏ carbon.
Số tiền 6 tỷ USD chỉ là một phần nhỏ so với giá trị tài sản ròng vượt 300 tỷ USD hiện tại của vị tỷ phú này và chưa bằng khoản tăng 9,3 tỷ USD trong tài sản của ông chỉ riêng trong ngày 29/10.
Tính mạo hiểm của Musk có lẽ bắt nguồn tuổi thơ dữ dội. Sinh năm 1971 và lớn lên ở Nam Phi trong một gia đình gốc Canada, Musk đã chứng kiến cảnh cha mẹ ly hôn và phải tự lập từ nhỏ. Musk từng là một đứa trẻ nhút nhát, sống hướng nội và thường bị bắt nạt ở trường, có lần phải nhập viện vì bị đám bạn xô ngã ở cầu thang.
Khi sang Canada học đại học, Musk phải làm việc ở nông trại và nhà máy chế biến gỗ để kiếm tiền ăn học. Sau đó, ông sang Mỹ học tiếp và tốt nghiệp Đại học Pennsylvania vào năm 1997 với tấm bằng cử nhân kinh tế và cử nhân vật lý.
Trong thời kỳ bong bóng dotcom, Musk đã có một loạt dự án thành công, bao gồm công ty phần mềm web Zip2 và công ty dịch vụ tài chính trực tuyến X.com. Sau đó, X.com sáp nhập với một công ty đối thủ và trở thành mạng thanh toán PayPal, Musk là cổ đông lớn nhất. Năm 2002, eBay mua lại PayPal và Musk rời đi với 180 triệu USD trong tay.
Sau khi rời PayPal, Musk bắt đầu chuyển trọng tâm vào SpaceX. Tiếp đó, ông rót vốn vào Tesla, khi công ty này vừa mới ra đời được một năm và trở thành CEO kiêm Chủ tịch công ty.
Dấn thân vào những lĩnh vực chưa được khai phá, Musk đã không ít lần đứng bên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, vào năm 2012, Musk lần đầu có mặt trong danh sách tỷ phú của tạp chí Forbes với khối tài sản 2 tỷ USD.
Khi chia sẻ về bí quyết thành công, Musk cho biết ông làm việc điên cuồng và ngủ rất ít.
"Thông thường tôi họp hành tới tận 1-2h sáng. Tôi ngủ khoảng 6 giờ mỗi đêm. Tôi từng cố ngủ ít hơn nhưng hiệu quả làm việc lại giảm xuống. Thực ra, bản thân tôi không muốn ngủ quá 6 tiếng mỗi ngày".
Đợt tăng giá mới nhất của Tesla đã làm gia tăng khối tài sản của các cổ đông và đưa Elon Musk lên vị trí người giàu nhất thế giới với tổng tài sản ròng lên đến 335,1 tỷ USD. Tài sản của ông đã tăng 36 tỷ USD chỉ trong một ngày nhờ giá cổ phiếu Tesla tăng mạnh sau khi hãng xe điện này nhận được đơn đặt hàng 100.000 chiếc xe từ Hertz - gã khổng lồ cho thuê xe của Mỹ.
Điều này đã củng cố vị trí dẫn đầu của ông và ngày càng bỏ xa vị trí giàu thứ 2 thế giới của tỷ phú Jeff Bezos tới 143 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Elon Musk thậm chí còn giàu gấp 3 lần tỷ phú Warren Buffet - Chủ tịch Berkshire Hathaway hiện đứng thứ 10 trong danh sách tỷ phú với giá trị tài sản ròng 104,1 tỷ USD.
Hoạt động từ thiện sôi nổi của Buffett giúp giải thích khoảng cách ngày càng tăng giữa tài sản của ông với Musk. Hàng năm, nhà đầu tư huyền thoại này đã quyên góp một phần cổ phiếu Berkshire cho các tổ chức từ thiện khác nhau, bao gồm Quỹ Bill & Melinda Gates. Ông Buffett, năm nay 91 tuổi, hồi tháng 6 cho biết tổng giá trị số tài sản quyên góp trong 16 năm qua của ông lên tới 41 tỷ USD.
Tài sản của tỷ phú Musk hiện có giá trị cao hơn GDP hàng năm của các quốc gia như Ai Cập, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Qatar và Phần Lan. Khối tài sản này cũng có giá trị cao hơn giá trị thị trường của PayPal, công ty mà ông là đồng sáng lập, cũng như gã khổng lồ trong làng dịch vụ phim trực tuyến Netflix.
Hiện ông là người có khối tài sản lớn nhất thế giới, song trên thực tế, đã có một thời gian trong cuộc đời, "tỷ phú lập dị" đã suy sụp rất nhiều.
Tesla, công ty mà ông thành lập vào năm 2004 và làm chủ tịch, gần như phá sản vào năm 2008 và việc tìm lại dòng vốn đầu tư rất khó vào thời điểm đó. Musk cũng ly hôn với người vợ đầu tiên Justine vào cùng năm sau 8 năm chung sống. Sự cố đã trở thành một vụ lộn xộn, mất thêm 2 năm tại tòa án trước khi vụ việc được giải quyết, và nó cũng làm tiêu hao tài chính của ông trong suốt thời gian đó. Ông nói trong thủ tục ly hôn vào năm 2010: "Khoảng 4 tháng trước, tôi đã hết tiền mặt".
Đó là một tình huống khó xử mà nhiều doanh nhân phải đối mặt, nhưng có sự khác biệt lớn giữa các lựa chọn dành cho Musk và các lựa chọn có sẵn cho hầu hết các chủ doanh nghiệp.
Musk có thể sống bằng khoản vay 200.000 USD mỗi tháng từ những người bạn tỷ phú - trong khi vẫn bay trên máy bay riêng - thay vì bán bất kỳ cổ phần nào của Tesla. Mặc dù gốc rễ của vấn đề là giống nhau: tài sản vô hình hay nói cách khác là chủ doanh nghiệp "giàu tài sản" và "nghèo tiền mặt". Và nó có thể dẫn các chủ doanh nghiệp đến một quyết định khó khăn nhất: phải bán một phần hoặc thậm chí toàn bộ công ty của họ.
Sau đó, ông dồn cả đống lợi nhuận từ việc bán X.com và sau này là PayPal vào hai công ty Tesla và SpaceX. Cụ thể, SpaceX đã tiêu tốn của Musk 100 triệu USD trước khi nó có bất kỳ cuộc thử nghiệm thành công nào. Trong cuộc phỏng vấn với Forbes năm 2012, vị tỷ phú chia sẻ: "SpaceX là một sự mạo hiểm lớn của tôi. Nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai và nền văn minh nhân loại. Tesla cũng vậy. Tôi chọn con đường khó khăn này không phải để tối đa hóa sự giàu có của mình".
Vào thời điểm đó, Musk đang sống nhờ vào các khoản vay từ bạn bè và nhận các gói cứu trợ từ chính phủ Mỹ cho Tesla, công ty đang cố gắng vực dậy từng ngày. Cuối cùng, Tesla đã có lãi khi niêm yết trên thị trường chứng khoán huy động được 226,1 triệu USD tiền quỹ. Nhưng chính SpaceX cuối cùng đã đưa Musk lên đỉnh cao vào gần cuối năm 2008 với sự thành công của lần phóng Falcon 1 thứ tư.
Musk cũng đang trở thành tâm điểm khi nằm trong tầm ngắm của cuộc đua không gian với Jeff Bezos, tỷ phú giàu thứ hai hành tinh. Tất nhiên cuộc chơi được dự báo hấp dẫn khi ông cũng đang được đánh giá là ứng cử viên số một.
Elon Musk và Jeff Bezos là hai người đàn ông giàu nhất hành tinh nhưng có vẻ như hành tinh này không đủ lớn cho sự giàu có và bản ngã của họ vì vũ trụ giờ đây đã trở thành sân chơi của họ.
Hai tỷ phú lần lượt sở hữu SpaceX và Blue Origin, hai công ty có tham vọng đưa nhân loại vào không gian như một phương tiện du lịch và ai biết được điều gì xa hơn. Musk rõ ràng đã có phần thành công xứng đáng với SpaceX khi đã phóng rất nhiều tên lửa và các sứ mệnh có người lái vào không gian.
Dự án của Bezos vẫn còn trong giai đoạn sơ khai nhưng vào ngày 20/7 vừa qua, Giám đốc điều hành Amazon đã được đưa lên rìa không gian trên con tàu tên lửa New Shepard của mình - một minh chứng rõ ràng về khả năng của Bezos.
Đối với những người đam mê không gian, đây là một bình minh mới đầy táo bạo cho việc khám phá hệ Mặt Trời của chúng ta nhưng đối với Musk và Bezos, đây chỉ là một chương khác trong cuộc đối đầu kéo dài 15 năm của họ.
Mối thù này dường như bắt nguồn từ cuộc gặp giữa hai người vào năm 2004, nơi hai tỷ phú muốn thảo luận về tham vọng cá nhân của các công ty tên lửa trong không gian, cũng là một trong số ít lần Musk và Bezos gặp mặt trực tiếp.
Christian Davenport viết trong cuốn sách "The Space Barons" của mình xuất bản vào năm 2018 rằng cuộc gặp mặt diễn ra không được suôn sẻ. Musk đã nói: "Tôi thực sự đã cố gắng hết sức để đưa ra lời khuyên tốt, nhưng ông ấy (Bezos) hầu như bỏ qua". Musk được cho là không ấn tượng với "kiến trúc động cơ" của Blue Origin và SpaceX đã thử một số ý tưởng của Benzos mà tỷ phú người Nam Phi cho rằng "nó hóa ra thực sự rất ngớ ngẩn".
Sự cạnh tranh kéo dài từ đó cho đến năm 2013, khi Blue Origin đệ đơn chính thức phản đối SpaceX, để ngăn công ty độc quyền sử dụng bệ phóng Nasa. Thay vào đó, Bezos đã ưu tiên lựa chọn sử dụng bệ phóng vì "một cổng vũ trụ thương mại có sẵn cho tất cả các công ty khởi động."
Một tranh chấp về bằng sáng chế cũng đã nổ ra trong giai đoạn này sau khi Blue Origin được cấp bằng sáng chế cho tàu bay không người lái hiện thường được sử dụng để hạ cánh tên lửa đẩy trở lại Trái đất một cách an toàn. Điều này có nghĩa là nếu SpaceX muốn sử dụng bằng sáng chế, họ sẽ phải trả tiền cho Blue Origin - nhưng nhóm của Musk không hài lòng và lập luận rằng loại công nghệ này là "chiếc mũ cũ" và đã tồn tại hàng thập kỷ. Cuối cùng, một thẩm phán đã đứng về phía SpaceX khiến Blue Origin rút lại các yêu cầu về bằng sáng chế đó.
Giờ đây, cả hai công ty của hai tỷ phú đều đã được chuẩn bị đầy đủ và kỹ càng cho cuộc đua vào không gian, và sự cạnh tranh của hai tỷ phú đã chuyển sang những chế giễu nhỏ nhặt trên Twitter và cố gắng giành lợi thế trước đối thủ.
Gần đây nhất, sau khi vượt Bezos để trở thành người giàu nhất thế giới, Musk đã "gửi một bức tượng khổng lồ có chữ số '2' cho Jeff Bezos cùng với một huy chương bạc, theo như Musk viết trong một email gửi cho Forbes.
Một lĩnh vực khác mà cặp đôi tỷ phú này có xu hướng khác nhau là liên quan đến tham vọng cá nhân của họ trong không gian. Mặc dù ai cũng biết rằng Musk mong muốn một ngày nào đó có con người trên sao Hỏa, nhưng Bezos có mục tiêu thực tế hơn là đưa con người lên Mặt Trăng và mô tả Sao Hỏa là "không có động cơ".
Tuy nhiên bất chấp căng thẳng, hai tỷ phú cũng dành cho nhau sự tôn trọng nhất định. Vào tháng 12/2020, Bezos đã khen ngợi SpaceX về chuyến bay thử nghiệm kéo dài 7 phút mặc dù tên lửa phát nổ khi hạ cánh. Ông viết trên Instagram: "Bất kỳ ai biết độ khó của công cụ này đều bị ấn tượng bởi bài kiểm tra Starship ngày hôm nay. Xin chúc mừng toàn thể nhóm @SpaceX. Tôi tin rằng họ sẽ sớm trở lại".
Musk cũng chúc mừng Bezos và các thành viên của phi hành đoàn New Shepard trong chuyến bay đầu tiên lên rìa không gian mới đây của Blue Origin.
Cả Musk và Bezos đều đã cố gắng bay vào vũ trụ hơn 20 năm nay và có vẻ như cả hai sẽ sớm đạt được mục tiêu của mình - nhưng ai biết được tham vọng và sự ganh đua cá nhân của họ sẽ đi đến đâu!