DMagazine

EVN muốn tăng giá điện: Lúc nào và bao nhiêu?

(Dân trí) - Trước đề xuất tăng giá điện của EVN, chuyên gia cho rằng không thể hạch toán được giá thành điện để điều chỉnh theo cường độ nhanh, chu kỳ ngắn như giá xăng; cũng cần công khai, minh bạch chi phí...

EVN muốn tăng giá điện: Lúc nào và bao nhiêu thì hợp lý?

EVN lại vừa kiến nghị tăng giá điện sau khi báo lỗ dự kiến hơn 31.000 tỷ đồng. Vấn đề đặt ra là liệu mức tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào là hợp lý. 

Nêu các lý do để kiến nghị tăng giá điện, tại hội nghị tổng kết của EVN mới đây, ông Nguyễn Tài Anh - Phó tổng giám đốc EVN - cho biết tập đoàn này khó cân đối tài chính và chịu lỗ nặng trong năm 2022. Lý do là việc đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn; chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm...

Sau khi nhìn nhận số lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - đã đồng tình với đề xuất tăng giá điện của EVN. 

Tăng giá điện thì tăng bao nhiêu?

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng nếu chi phí sản xuất điện tăng cao thì việc điều chỉnh tăng giá điện cũng là chính đáng song vấn đề là tăng bao nhiêu và tăng vào thời điểm nào. Còn nếu chỉ đưa thông tin đối chiếu giá điện của Việt Nam với nhiều quốc gia trên thế giới, thì đây là so sánh khập khiễng, không thuyết phục.

EVN muốn tăng giá điện: Lúc nào và bao nhiêu? - 1

(Đồ họa: Thủy Tiên).

Vị chuyên gia này phân tích, giá điện Việt Nam thấp hơn so với các nước châu Âu ở thời điểm này là đương nhiên khi các quốc gia trong khu vực này đã loại bỏ điện hạt nhân, bỏ điện than và chỉ tập trung vào nguồn điện khí và điện dầu. Trong khi đó, hiện nay, nguồn khí đốt tại các quốc gia châu Âu đang bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga khiến giá tăng vọt; giá dầu thậm chí còn cao hơn cả giá xăng.

Mặt khác, cũng cần làm rõ khoản lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN đến từ đâu, có phải chỉ do giá nhiên liệu nhập khẩu. Nếu đúng thì phía EVN cần phải minh bạch. Trường hợp lỗ do các yếu tố khác, ví dụ liên quan đến tỷ giá, thì là do làm ăn kinh doanh kém, chuyên gia này chia sẻ. 

Về vấn đề tăng bao nhiêu, ông Thịnh nhấn mạnh phải tính rõ tỷ lệ đóng góp của từng loại nhiên liệu chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường trong cơ cấu điện, và điều chỉnh theo loại nhiên liệu đó. Ví dụ như trong thủy điện, phải tính than và khí chiếm bao nhiêu phần trăm để điều chỉnh theo, và trong cơ cấu giá điện bán ra cũng phải tính từng loại điện chiếm bao nhiêu phần trăm.

EVN muốn tăng giá điện: Lúc nào và bao nhiêu? - 2

(Đồ họa: Thủy Tiên).

Trong khi đó, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh, cho rằng cần phải có những tính toán để điều chỉnh giá điện ở mức "chấp nhận được". Trong đó, ông lưu ý việc thu hút tư nhân làm truyền tải. 

Ông Sơn khẳng định chắc chắn không thể tăng giá điện quá nhiều, vì sẽ tác động ngược lại với nền kinh tế nhưng cũng phải đủ để cho EVN và các nhà đầu tư tư nhân "sống sót" được. Còn nếu để như hiện nay, EVN chắc chắn không có khả năng vay vốn để đầu tư một loạt các dự án hạ tầng. Như vậy, vài năm sau cả nền kinh tế sẽ chịu thiệt hại rất lớn khi không đáp ứng đủ nguồn.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tăng giá điện như thế nào cần phải dựa vào khả năng chịu đựng của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Nếu giá điện tăng quá mạnh sẽ tác động tiêu cực tới sự phục hồi của nền kinh tế sau dịch Covid-19, ảnh hưởng tới giá thành cạnh tranh của hàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Quan trọng là công khai, minh bạch các chi phí

Về thời điểm tăng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm không nên tăng ngay lúc này. "Hiện các doanh nghiệp mới bắt đầu phục hồi, đang gặp nhiều khó khăn mà đầu vào tăng thì họ có sống được không? Đây là điều phải đắn đo, và nếu như cần tăng thì chúng ta xem nên tăng vào lúc nào để đỡ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nhất, cũng như đời sống của người dân", vị chuyên gia nói.

Ông Thịnh phân tích tại thời điểm này, doanh nghiệp chịu ít áp lực sản xuất kinh doanh hơn so với trước Tết. Còn nếu để tháng 5-7 mới tăng thì người dân lại chịu ảnh hưởng tiêu cực khi tiền điện giai đoạn này lập đỉnh. 

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường là hợp lý nhưng quan trọng là phải công khai, minh bạch các chi phí. Bên cạnh đó, chu kỳ điều chỉnh nên là khoảng 6 tháng một lần, chứ không thể như giá xăng dầu cứ 10 ngày một lần.

Theo ông, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới, còn giá điện lại liên quan đến nhiều yếu tố khác như sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, đầu ra đầu vào, giá bán, giá mua từ đó mới hình thành giá điện bình quân và giá bán điện. Vì vậy, không thể hạch toán được giá thành điện để điều chỉnh theo cường độ nhanh, chu kỳ điều chỉnh ngắn như giá xăng dầu được.

TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng đề xuất điều chỉnh giá điện như giá xăng rất khó khả thi bởi thị trường bán lẻ điện chưa có cạnh tranh. Do đó, nếu sắp tới, EVN đề xuất tăng giá điện thì cần có một hội đồng độc lập để giúp giám sát và đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến điều chỉnh giá điện và hoạt động kinh doanh của ngành điện.

Nội dung: Văn Hưng