DNews

El Nino có thể khiến kinh tế thế giới "bay hơi" hàng nghìn tỷ USD

Hạnh Vũ

(Dân trí) - "Nền kinh tế các nước có thể phải gánh chịu vết sẹo của El Nino trong một thập kỷ trở lên hay thậm chí là mãi mãi", một nhà khoa học khí hậu của Đại học Dartmouth (Mỹ) nhận định.

El Nino có thể khiến kinh tế thế giới "bay hơi" hàng nghìn tỷ USD

Một nghiên cứu vào tháng trước của Đại học Dartmouth (Mỹ) cho thấy sự bùng nổ của El Nino gây nên sự tốn kém hơn rất nhiều so với đánh giá trước đây của các chuyên gia. Theo đó, tác động kéo dài nhiều năm của El Nino có thể gây thiệt hại trung bình lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Quan điểm trái chiều về El Nino

El Nino là sự nóng lên tạm thời và tự nhiên của các vùng xích đạo Thái Bình Dương. Hiện tượng này cũng nghiêm trọng hơn do tác động của con người.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Science của nhóm nhà khoa học và kinh tế học thuộc Đại học Dartmouth đã tổng hợp lại các thiệt hại toàn cầu với trọng tâm là những vết sẹo kinh tế lâu dài. Điều này đi ngược lại một số nghiên cứu trước đó của Mỹ rằng El Nino không quá tốn kém và thậm chí có thể có lợi.

Các tác giả nghiên cứu cho biết El Nino trung bình gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 3.400 tỷ USD. Giai đoạn 1997-1998, El Nino gây thiệt hại lên tới 5.700 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính hiện tượng trên chỉ tiêu tốn của các chính phủ 45 tỷ USD.

Nhóm nghiên cứu nói rằng họ ước tính trong khoảng thời gian dài hơn và sau khi xem xét nhiều yếu tố khác nhau chứ không chỉ chi phí truyền thống. Justin Mankin, nhà khoa học khí hậu của Đại học Dartmouth và đồng tác giả nghiên cứu cho biết họ đã mô phỏng thế giới không có El Nino để ước tính thiệt hại do hiện tượng này gây ra.

El Nino có thể khiến kinh tế thế giới bay hơi hàng nghìn tỷ USD - 1

Đang có nhiều ý kiến trái chiều về tác động của El Nino đến kinh tế thế giới (Ảnh: The SpoutOff).

"Nền kinh tế các nước có thể phải gánh chịu vết sẹo của El Nino trong một thập kỷ trở lên hay thậm chí là mãi mãi", ông nói. Còn theo Christopher Callahan, tác giả chính của nghiên cứu, các quốc gia sẽ phải tập trung nhiều hơn vào nỗ lực phục hồi và xây dựng lại nền kinh tế.

Trong khi đó, một số nhà kinh tế khác lại có quan điểm không đồng nhất với nhóm tại Đại học Dartmouth. "Không phải tất cả quốc gia đều bị ảnh hưởng bởi El Nino", nhà kinh tế vĩ mô Kaimar Mohaddes của Đại học Cambridge (Anh), cho biết.

Nghiên cứu năm 2017 của ông đã xem xét 21 nền kinh tế, hầu hết là các nước phát triển, trong đợt El Nino trước đây và phát hiện ra hiện tượng này thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu nhưng gây hại cho Úc, Chile, Indonesia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Nam Phi.

Về phần mình, Mankin và Callahan nói rằng nghiên cứu của họ xem xét trên phạm vi toàn cầu chứ không phải từng quốc gia riêng lẻ.

Mohaddes nhận xét thêm rằng ước tính thiệt hại của nhóm nghiên cứu tại Đại học Dartmouth quá lớn, xấp xỉ với thiệt hại do cuộc đại suy thoái năm 2007-2008 gây ra. Nhà kinh tế học về khí hậu Gary Yohe của Đại học Wesleyan (Mỹ) cũng đồng tình với Mohaddes.

Tuy nhiên, Marshall Burke, nhà kinh tế và giáo sư chính sách môi trường tại Đại học Stanford (Mỹ), đánh giá các nhà khoa học Dartmouth "đã đưa ra trường hợp thuyết phục rằng El Nino thực sự làm chậm tốc độ tăng trưởng ở các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến thiệt hại hàng nghìn tỷ USD sản lượng kinh tế trên thế giới".

Michael McPhaden, nhà hải dương học chuyên nghiên cứu về El Nino, cho biết từ lâu ông đã nghĩ rằng ước tính thiệt hại do El Nino gây ra đang quá thấp nên khiến các quốc gia có phần chủ quan trong việc đối phó.

Gây ra hạn hán, lũ lụt, thiệt hại mùa màng

Tác động lớn nhất của El Nino thường xảy ra vào mùa đông ở phía Bắc, nhưng vào mùa hè, nó làm giảm hoạt động của bão ở Đại Tây Dương.

Phần lớn phía Nam và phía Tây của Mỹ, Peru, Uruguay, Argentina, một phần Đông Nam Á và một phần phía Đông trung tâm châu Phi sẽ ẩm ướt hơn trong khi Đông Nam châu Phi, Nam Á, phía Bắc nước Úc và Amazon có xu hướng khô hạn hơn, dẫn đến cháy rừng gia tăng.

El Nino xảy ra trung bình khoảng 3-5 năm một lần và có cường độ khác nhau, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Lần El Nino mạnh gần đây nhất là vào năm 2016.

"Do tác động của El Nino trông rất giống tác động của sự nóng lên toàn cầu nên việc nghiên cứu thiệt hại kinh tế của El Nino là rất cần thiết để hiểu được thiệt hại từ biến đổi khí hậu do con người gây ra", Mankin nói.

Cũng theo ông, các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng và vận tải. Vì thế, nó sẽ gây ra tác động không tốt tới nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Hơn nữa, các nền kinh tế đang trong trạng thái được điều chỉnh và thích nghi kém với sự biến đổi khí hậu hiện nay.

El Nino có thể khiến kinh tế thế giới bay hơi hàng nghìn tỷ USD - 2

Tình trạng hạn hán tại miền Nam Trung Quốc vào năm ngoái (Ảnh: Reuters).

Tác động của El Nino có thể gây ra suy thoái dai dẳng trong tăng trưởng kinh tế, thậm chí kéo dài trong 5-10 năm sau khi nó xảy ra chứ không chỉ một vài năm, Callahan cho biết thêm.

Những khu vực như miền Nam nước Mỹ có thể hứng chịu lượng mưa trên mức trung bình và sạt lở đất nghiêm trọng. Còn Indonesia và Đông Nam Á có thể trải qua hạn hán, dẫn tới cháy rừng.

Các tác động khác bao gồm mất mùa, dịch bệnh nhiệt đới gia tăng và số lượng cá sụt giảm đều có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia và toàn cầu.

Callahan và Mankin đã phân tích mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người từ năm 1960 đến năm 2019, tập trung vào những năm sau các sự kiện El Nino. Họ phát hiện ra khoảng 56% các quốc gia đã trải qua sự sụt giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế, thậm chí là 5 năm sau sự kiện El Nino.

2 sự kiện El Nino lớn nhất trong 60 năm qua xảy ra vào các năm 1982-1983 và 1997-1998, gây ra thiệt hại lần lượt là 4.100 tỷ USD và 5.700 tỷ USD hơn 5 năm sau đó.

Những năm trên cũng trùng với các cuộc khủng hoảng tài chính lớn góp phần gây ra tổn thất nhưng nhóm nghiên cứu vẫn nhận thấy sự sụt giảm đáng kể trong GDP toàn cầu trong dài hạn nếu các cuộc khủng hoảng bị loại khỏi phân tích.

Gánh nặng với các quốc gia

Do biến đổi khí hậu có thể làm tăng tần suất và cường độ của El Nino trong tương lai, thiệt hại kinh tế toàn cầu có thể lên tới 84.000 tỷ USD vào cuối thế kỷ 21, ngay cả khi các cam kết giảm lượng khí thải carbon hiện tại được đáp ứng. Điều này sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho những quốc gia có thu nhập thấp hơn.

Hầu hết tổn thất lớn đều thuộc về các quốc gia ở gần hiện tượng này, thường là nước đang phát triển hoặc có thu nhập thấp hơn. Ví dụ, nhóm của Đại học Dartmouth tính toán thu nhập trung bình của một cư dân ở Peru sẽ cao hơn 1.246 USD năm 2004 nếu El Nino năm 1998 không xảy ra.

GDP bình quân đầu người tại các nước nhiệt đới bao gồm Ecuador, Brazil và Indonesia cũng giảm trong khoảng 5-19% vì El Nino. Trong khi đó, nước Mỹ cũng đã trải qua mức giảm khoảng 3% trong tăng trưởng thu nhập sau các sự kiện El Nino vào các năm 1982-1983 và 1997-1998.

Callahan cũng thừa nhận rằng các mô hình khí hậu dự đoán cường độ và tần suất của các sự kiện El Nino trong tương lai "vẫn còn nhiều sai sót". Theo ông, vẫn phải xem liệu sự nóng lên toàn cầu có thực sự làm tăng cường El Nino theo cách mà khoa học đang tranh luận hiện nay hay không.

Ngoài ra, ảnh hưởng của El Nino còn phụ thuộc nhiều vào mức độ giảm phát thải khí nhà kính nhiều hay ít của các quốc gia. Nhà nghiên cứu Madison Shankle nói rằng ngay cả khi tình trạng trên được cải thiện đáng kể, El Nino vẫn có thể gây ra thiệt hại kinh tế lớn. Theo bà, ngoài nỗ lực giảm thiểu khí thải, chúng ta phải đầu tư nhiều hơn vào sáng kiến thích ứng và phục hồi.

Lấy Ấn Độ làm ví dụ, xác suất xảy ra El Nino cao đã dẫn đến lo ngại về tác động của nó với ngành nông nghiệp, tiêu dùng và tình hình lạm phát của nước này.

El Nino có thể khiến kinh tế thế giới bay hơi hàng nghìn tỷ USD - 3

Gián đoạn do thời tiết có thể gây thêm những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ấn Độ (Ảnh: Down to Earth).

Rủi ro đó còn xuất hiện vào thời điểm nền kinh tế Ấn Độ đối mặt với nhiều vấn đề khác nhau, từ nhu cầu trong nước biến động cho đến điều kiện tiền tệ thắt chặt.

Do đó, sự gián đoạn do thời tiết có thể gây thêm những tác động tiêu cực đến nền kinh tế Ấn Độ. Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết có khoảng 50-70% khả năng El Nino phát triển trong mùa mưa năm nay tại nước này.

Để chuẩn bị, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện một số biện pháp để bảo vệ người nông dân thông qua việc thiết lập hệ thống dịch vụ tư vấn và dự báo cụ thể cho từng khu vực dựa trên các kịch bản lượng mưa khác nhau.

Theo một thống kê, từ năm 2001 đến năm 2020, Ấn Độ đã trải qua El Nino 7 lần. Trong số này, 4 lần dẫn đến hạn hán (các năm 2003, 2005, 2009-2010 và 2015-2016). Những năm này cũng chứng kiến sản lượng nông nghiệp gieo trong vụ hè giảm theo thứ tự lần lượt là 16%, 8%, 10% và 3%, gây ra lạm phát.

Một thành viên của IMD cho biết năm 1997, Ấn Độ phải đối mặt với hiện tượng El Nino mạnh nhất từ trước đến thời điểm đó. Và vấn đề nằm ở chỗ sau 4 năm, tác động của sự kiện này vẫn còn. Vì vậy, IMD kêu gọi chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện El Nino sắp tới để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Nội dung: Hạnh Vũ (tổng hợp)